Hội nhập ngược về văn hóa
Với tốc độ toàn cầu hóa chóng mặt như hiện nay, không còn đơn thuần là cuộc đua tranh giành quyền lợi giữa các liên minh đa quốc gia mà suy về bản chất – đó chính là cuộc ganh đua giữa các nền văn minh.
Cạnh tranh và xung đột
Động lực nào giúp xã hội phát triển? Dĩ nhiên là cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh cũng có nhiều kiểu: lành mạnh, không lành mạnh. Cạnh tranh thái quá sẽ dẫn đến xung đột. Và với tốc độ toàn cầu hóa chóng mặt như hiện nay, bức tranh cạnh tranh toàn cầu đang dần đổi sắc. Sự đua tranh để giành được vị trí ấm áp dưới ánh mặt trời trên Trái đất giờ đã vượt xa ra ngoài biên giới một quốc gia. Đó không còn đơn thuần là cuộc đua tranh giành quyền lợi giữa các liên minh đa quốc gia: EU, Mỹ, Nhật, ASEAN hay giữa các khu vực Âu, Á, Mỹ... mà suy về bản chất – đó chính là cuộc ganh đua giữa các nền văn minh. Người đầu tiên đề xuất ý tưởng và cảnh báo về sự xung đột giữa các nền văn minh là nhà sử học nổi tiếng người Anh Arnold Toynbee vào giữa thế kỷ XX. A.Toynbee đã thống kê trong lịch sử nhân loại từ trước tới nay có cả thảy 47 nền văn minh. Và theo ông hiện đang có 5 nền văn minh “sống sót”, là: văn minh Cơ đốc giáo (phương Tây); văn minh Chính thống giáo; văn minh Hồi giáo; văn minh Ấn Độ giáo và văn minh Phật giáo. Bẵng đi một thời gian dài, phải đến tận đầu thập niên 1990, vấn đề xung đột giữa các nền văn minh mới được các nhà nghiên cứu nhìn nhận lại một cách nghiêm túc. Năm 1993, S. Huntington, khi đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Harvard, đã công bố bài báo nổi tiếng: Sự va chạm của các nền văn minh?. Tuy nhiên, ngay tiêu đề cho thấy tác giả vẫn có phần hoài nghi: Liệu có khả năng xảy ra sự đụng độ giữa các nền văn minh trong thế kỷ XXI hay không?
Năm 1996, Huntington tiếp tục phát triển dự báo của mình thành cuốn sách Sự va chạm của các nền văn minh và việc thiết lập lại trật tự thế giới. Lần này thì ông khẳng định chắc chắn sự đụng độ khó tránh khỏi của các nền văn minh trong tương lai không xa. Dựa trên những phân tích xác thực, Huntington đã làm sáng tỏ những thay đổi về cán cân lực lượng giữa các nền văn minh, giải thích sự thoái trào của văn minh phương Tây và quá trình phục sinh các nền văn minh ngoài phương Tây. Ông cũng chỉ ra một trật tự mới đang được thiết lập lại trên nền tảng văn hóa. Đây là một kết luận quan trọng. Bởi nó cho ta thấy nguồn gốc sâu xa của các xung đột trên thế giới sẽ không phải là hệ tư tưởng, là kinh tế nữa, mà chính là văn hóa, hay nói chính xác hơn, là sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Theo Huntington, trong thế kỷ XXI, sự xung đột giữa các nền văn hóa sẽ là nhân tố chủ đạo quyết định thể chế nền chính trị thế giới. Sự va chạm này sẽ phát triển theo 2 cấp độ: vi mô và vĩ mô. Ở cấp vi mô, những nhóm người sống dọc theo các tuyến đứt gãy giữa các nền văn minh sẽ tiến hành đấu tranh, thường là có đổ máu, để giành giật đất đai và quyền lực đối với nhau. Ở cấp vĩ mô, các nước thuộc các nền văn minh khác nhau sẽ cạnh tranh giành ảnh hưởng trong các lĩnh vực quân sự, kinh tế, quyền kiểm soát các tổ chức quốc tế và các nước thứ ba, cố gắng khẳng định, buộc người khác phải chấp nhận hoặc tuân theo các giá trị văn hóa và tôn giáo của mình.
Ai hòa tan ai?
Rõ ràng cạnh tranh về văn hóa sẽ là yếu tố sống còn trong tiến trình hội nhập. Giờ thì ta hiểu vì sao nhiều người lo ngại về năng lực cạnh tranh của Việt Nam khi vào sâu hơn trong sân chơi toàn cầu. Làm thế nào để hòa nhập chứ không hòa tan? Tuy nhiên, xin các bạn đừng lo, văn hóa của chúng ta cũng không dễ dàng bị hòa tan, đặc biệt là văn hóa kinh doanh.
Ghé Đại siêu thị Metro tại Hà Nội, hồi đầu, tôi đã giật mình vì cứ mỗi lần đẩy xe hàng ra cửa, lại được hai cô bảo vệ ra tay “săn sóc”. Cô thứ nhất kiểm tra thực hàng với hóa đơn xem có lấy thừa thứ gì không. Cô thứ hai ước lượng số hàng để phát túi nylon sao cho không thừa không thiếu. Nhưng như thế vẫn chưa là gì. Cái tôi tình cờ được chứng kiến mới đây, cũng tại Metro, mới thực sự gây “sốc”. Đó là lúc một anh nhân viên của siêu thị có việc phải ra ngoài qua cửa thanh toán đã phải dừng lại, dang tay dang chân cho hai cô gái bảo vệ kiểm tra người, y như khi người ta kiểm tra vũ khí trước khi lên máy bay. Dẫu biết đây là những biện pháp bất đắc dĩ, chắc phải thế nào người ta mới mạnh tay như vậy, nhưng thật khó tin khi nó đang được một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trong làng bán buôn thế giới áp dụng, mà không ở đâu xa, lại chính ngay tại Thủ đô nghìn năm văn hiến của ta. Nếu không tin, bạn có thể dạo khắp mấy nghìn cửa hàng của METRO Cash & Carry ở khắp 26 nước trên thế giới, chắc bạn cũng khó tìm thấy cảnh thứ hai. Cho nên xin đừng vội vàng lo ngại: Chưa biết ai hòa tan ai trong môi trường hội nhập phức hợp hôm nay.
Thế mới thấy cạnh tranh về văn hóa không đơn giản. Những tưởng các đại gia nước ngoài vào ta mang theo tầm văn hóa kinh doanh mới, ai dè chính họ đang bị văn hóa kinh doanh Việt nhấn chìm. Những tưởng vào Việt Nam họ sẽ đưa giày cho chúng ta thử, ai dè chính họ đang cố sức gọt chân mình cho vừa giày của ta. Cho nên ai thắng ai? Ai hòa tan ai? là những câu hỏi không hề đơn giản. Nhưng chẳng nhẽ chúng ta hội nhập chỉ để đi tìm xem giày của ai chuẩn hơn? Nền văn hóa nào cao cơ hơn? Thực chất cái duy nhất chúng ta cần đó là chất lượng cuộc sống phải ngày một tốt hơn, đặc biệt là đời sống văn hóa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh