Thêm một lần bàn về văn hóa và văn minh
Thời gian qua, trên Tia Sáng và trên một số báo khác, có nhiều bài viết rất thú vị bàn về chủ đề văn hóa (và văn minh) trong quá trình canh tân đất nước1. Bài viết này xin bàn thêm về chủ đề rất phức tạp và quan thiết này, nhằm góp thêm một tiếng nói để rộng đường dư luận.
Văn hóa là gì?
Để khẳng định văn hóa là một khái niệm rất phức tạp, nhiều người tuyên bố, có đến mấy trăm định nghĩa về văn hóa. Tuyên bố đó vừa đúng vừa sai 2. Đúng, vì như thế vẫn còn ít, do mỗi người đều có thể có cách cảm nhận riêng về văn hóa (trang mạng http://defineculture.com/ được mở để mọi người đưa ra định nghĩa riêng của mình về văn hóa 3). Sai, vì sau các định nghĩa của Edward Tylor (1874) và của UNESCO trong Tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa 2002 4, sự thiếu thống nhất trong định nghĩa văn hóa đã căn bản được khắc phục. Vậy văn hóa là gì?
Văn hóa (tiếng Latin là cultura, bắt nguồn từ colere, có nghĩa là trồng trọt) là thuật ngữ thường được dùng để chỉ các hình thái hoạt động của con người và các cấu trúc biểu tượng mang lại ý nghĩa và tầm quan trọng cho các hoạt động đó. Theo Findley và Rothney (2006), văn hóa có thể hiểu là “các hệ thống biểu tượng và ý nghĩa mà thậm chí người sáng tạo ra chúng cũng tranh cãi, chúng không có ranh giới cố định, chúng thường xuyên trao đổi, chúng tương tác và bổ sung cho nhau”.
Nhà nhân học xã hội người Anh Edward Tylor là một trong những người đầu tiên đưa ra định nghĩa tương đối chuẩn mực về văn hóa. Theo ông, “văn hóa hay văn minh, hiểu theo nghĩa rộng trong dân tộc học, là một tổng thể phức hợp bao gồm kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục và bất cứ khả năng và tập quán nào mà con người nhận được với tư cách một thành viên xã hội”. Có hai điểm cần lưu ý trong định nghĩa của Tylor: nó không phân biệt hai khái niệm văn hóa và văn minh; và nó hầu như chỉ đề cập tới mặt tinh thần, chứ chưa đề cập khía cạnh vật chất của văn hóa.
Năm 2002, UNESCO định nghĩa, “văn hóa nên được xem là tập hợp các đặc trưng tâm linh, vật chất, trí tuệ và cảm xúc riêng biệt của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội, và ngoài văn học và nghệ thuật, nó bao gồm lối sống, cách chung sống, hệ giá trị, truyền thống và đức tin”.
Cần lưu ý mấy điểm sau trong định nghĩa của UNESCO. Thứ nhất, vì là định nghĩa trong tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa, nên nó nhấn mạnh tính riêng biệt trong văn hóa của một xã hội hay một nhóm xã hội. Thứ hai, và quan trọng hơn, nó đưa ra khái niệm văn hóa theo ba cấp độ khác nhau. Ở mức đơn giản nhất, văn hóa được xem là văn học và nghệ thuật. Đó là lý do của tên gọi “trung tâm văn hóa” có mặt khắp nơi. Ở mức phức tạp hơn, ngoài văn học và nghệ thuật, văn hóa còn được xem là lối sống (ngôn ngữ giao tiếp, ẩm thực, trang phục, cách cư xử…) cùng đạo đức, truyền thống, đức tin…, tức hệ thống các giá trị tinh thần của một người, một nhóm người hay một xã hội. Ở mức phức tạp nhất và do đó phổ quát nhất, văn hóa được xem là tất cả các giá trị vật chất và tinh thần của một xã hội. Đây cũng chính là định nghĩa của ngành văn minh học, xem văn hóa là tất cả các giá trị vật chất và tinh thần mà nhân loại sáng tạo trong suốt tiến trình lịch sử, một định nghĩa phổ quát, đặc trưng cho loài người, dùng để phân biệt con người và thế giới động vật (mặc dù một số nhà linh trưởng học cho rằng, không có sự biến đổi đột ngột trong một số khía cạnh văn hóa, như cảm xúc hay khả năng sử dụng công cụ, giữa một số loài linh trưởng gần gũi nhất và con người). Và đó cũng là lý do để nói về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần; một cách nói thực ra không chính xác, vì một cấu trúc vật chất bất kì (công trình kiến trúc, tượng đài, công cụ…) đều có các giá trị tinh thần mang tính biểu tượng. Chẳng hạn một pho tượng, cho dù bằng vàng, cũng không có nhiều giá trị thuần túy vật chất, nếu bỏ đi những giá trị tinh thần mà nó biểu tượng.
Tường thành văn hóa |
Văn minh là gì?
Có hai cách hiểu thường thấy về văn minh: hoặc xem văn minh đồng nhất với văn hóa (như Tylor định nghĩa về văn hóa ở trên); hoặc xem văn minh là một nền văn hóa phát triển cao5. Nói cách khác, văn minh là văn hóa của một xã hội phức tạp, là xã hội bắt đầu sinh sống bằng nông nghiệp và có sự định cư tại thành phố. Người viết bài này đồng tình với cách hiểu thứ hai.
Thuật ngữ văn minh (civilization) xuất phát từ tiếng Latin civilis, là tính từ của danh từ civis, có nghĩa là “người thành phố”, tức một người sống ở thành phố và chịu sự quản lý của pháp luật tại thành phố đó. Đó là lí do Tom Standage (2005) xem thuật ngữ văn minh chỉ đơn giản mang nghĩa “sống tại thành phố”.
Theo Kent Flannery (1972), văn minh là “phức hợp các hiện tượng văn hóa có xu hướng xuất hiện cùng một hình thức tổ chức chính trị xã hội đặc biệt là nhà nước”6, kèm theo một loại hình định cư hoàn toàn mới là thành phố. Phức hợp đó bao gồm:
- Chữ viết.
- Các khoa học dự báo chính xác như thiên văn học và toán học.
- Nghệ thuật tượng trưng phản ánh quan niệm và kĩ thuật tinh tế, đặc trưng bằng một phong cách chính thống dành cho thánh thần và giới cầm quyền.
- Dân số và qui mô định cư lớn (thành phố).
- Quyền công dân: tổ chức xã hội dựa trên giai cấp và sự định cư hơn là huyết thống.
- Cấu trúc xã hội: phân chia thành các giai cấp khác nhau.
- Các nghề phi nông nghiệp (do sản xuất lương thực thặng dư): thợ thủ công, nhà buôn, quan chức…
- Mạng lưới thương mại phát triển, trao đổi không chỉ nhu yếu phẩm, mà còn vật dụng và dịch vụ xa xỉ.
- Các công trình công cộng mang tầm vóc tượng đài.
- Các chuyên gia tôn giáo chuyên nghiệp chăm lo cho tôn giáo quốc gia.
Cần nhấn mạnh rằng, không phải mọi nền văn minh đều thỏa mãn tất cả các tiêu chí này, nhưng những tiêu chí quan trọng nhất thì không thể thiếu, như chữ viết, tổ chức xã hội (nhà nước) hay điều kiện dân cư (dân số lớn và có sự định cư tại thành phố).
Theo cách hiểu văn hóa và văn minh như trên, có thể quan niệm văn hóa xuất hiện tạm xem là hoàn chỉnh khoảng 30-50 ngàn năm trước, khi con người bắt đầu biết chôn cất người chết kèm theo lễ nghi (khoảng 50 ngàn năm trước), nhất là khi sáng tạo nghệ thuật một cách hệ thống, mà các bức tranh trong hang động khắp châu Âu là minh chứng điển hình (khoảng 32 ngàn năm trước). Trong khi đó, văn minh xuất hiện muộn hơn, với các loại hình văn minh nông nghiệp (khoảng 10 ngàn năm trước), văn minh công nghiệp (khoảng 200 năm trước) và văn minh tri thức (khoảng 10 năm trước).
Một số cách hiểu thường gặp:
Trong cuộc sống hàng ngày và trên các phương tiện thông tin đại chúng, văn hóa thường được dùng ở mức độ hẹp nhất, tức văn học và nghệ thuật. Ít dùng hơn là mức độ thứ hai, mức hệ thống các giá trị tinh thần. Riêng mức độ phổ quát thì ít thấy xuất hiện. Còn khái niệm văn minh hầu như không được hiểu và dùng một cách chính xác.
Điều đó dẫn tới nhiều hiểu lầm, ngay cả trong giới trí thức được xem là tinh hoa, chẳng hạn các khái niệm “văn minh làng xã” (Văn Nghệ, 29-3-2008), “văn minh thôn dã Việt Nam”(TT&VH, 8-8-2008) hay “văn minh miệt vườn” (nhà văn Sơn Nam), mà đúng ra phải là “văn hóa làng xã”, “văn hóa thôn dã” hay “văn hóa miệt vườn”. Và các danh hiệu “gia đình văn hóa” và “khu phố văn hóa” cũng được dùng chính thức trong các hoạt động hành chính và xã hội, trong khi chính xác phải là “gia đình văn minh”, “khu phố văn minh” hay “gia đình văn hóa cao” và “khu phố văn hóa cao”.
Trong bài “Văn hóa … để làm gì?” (Tia Sáng, 5-8-2008), khái niệm văn hóa cũng được dùng theo nghĩa hẹp nhất, tức văn học và nghệ thuật, qua câu chuyện người bạn Philippines bỏ công việc của một nhà kinh tế tại Paris hoa lệ để về quê làm văn hóa (quay phim, sưu tầm nhạc cụ…). Điều đáng nói là quan niệm khá lạ của người bạn này, khi xem kinh tế là chân ga, văn hóa là chân phanh (thắng) trong cỗ xe phát triển. Và khi kinh tế có thể lao xuống vực thì chính văn hóa sẽ phanh cỗ xe lại, qua đó cứu vãn một sự sụp đổ không tránh khỏi.
Có thể thấy người bạn Philippines của chúng ta đã thu hẹp nội hàm của khái niệm văn hóa đến mức tối đa, nên dễ dẫn tới hiểu lầm. Thêm nữa, đặt văn học nghệ thuật trong thế đối ngược với kinh tế cũng là quan niệm không chuẩn xác, nhất là với các nền kinh tế tri thức. Đồng thời người bạn đáng yêu đó cũng quá ảo tưởng, khi cho rằng văn học nghệ thuật có thể ngăn ngừa sự sụp đổ của xã hội. Không ai dám coi nhẹ vai trò của nghệ thuật, nhưng có lẽ nó không có chức năng và không thể thực hiện được một việc như thế. Quan niệm văn hóa không thể đứng chung với thể thao và du lịch (trong Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cũng là một quan niệm không chỉnh khác. Như lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 kia, nó không “đậm đà bản sắc” văn hóa Trung Hoa hay sao? Và dẫn du khách tới vịnh Hạ Long để giới thiệu vẻ đẹp của con người và cảnh sắc vùng Đông Bắc, đó không phải là hành vi văn hóa? Người viết e rằng, người bạn Philippines sẽ thất bại trong cố gắng vô vọng của mình, một thất bại dường như khó tránh do quan niệm chưa chỉnh về văn hóa và về quan hệ giữa các thành tố văn hóa.
Tia SángsTia Sángố nói trên còn có bài viết “Khi văn hóa không song hành với kinh tế”. Đó là bài viết rất hay, với những suy tư sâu sắc, nhất là khi chúng đi kèm với nhiều tư liệu minh họa xác đáng. Người viết rất tâm đắc với những vấn đề được đặt ra trong đó, nhưng thấy cần bàn thêm về một vài khía cạnh.
Đầu tiên cần lưu ý rằng, bài viết vẫn chưa dùng khái niệm văn hóa ở mức độ phổ quát nhất, khi xem “văn hóa không song hành với kinh tế”. Như vậy cao nhất thì văn hóa cũng chỉ được xem là hệ thống các giá trị tinh thần. Và nhận định “nhìn ra thế giới, trình độ phát triển khác nhau của các quốc gia không phải đo bằng GDP, mà bằng trình độ văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, trí tuệ và tâm thức cộng đồng” cũng cần được luận giải cho sáng rõ hơn.
Người viết cho rằng, nếu viết khác đi một chút “… không chỉ đo bằng GDP, mà còn bằng trình độ văn hóa,…” thì thỏa đáng và dễ chấp nhận hơn. Nói gì thì nói, GDP vẫn là một tiêu chí quan trọng, nếu không phải là quan trọng nhất, để đánh giá sự phát triển trong thời đại văn minh tri thức hiện nay. Nếu người viết không nhầm, những nước có GDP cao nhất cũng chính là những nước phát triển nhất (Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp…). Ngay cả khi tính mức GDP bình quân trên đầu người cũng vậy, ngoại trừ một vài tiểu quốc quá nhiều tài nguyên tự nhiên. Chẳng lẽ Thụy Sĩ, khối Bắc Âu hay Mỹ là những quốc gia không đáng nêu gương, cho dù có mức GDP bình quân rất cao?
Và nhận định “tiền trong túi không quan trọng bằng tri thức trong đầu người dân” có thể đúng với các xã hội chưa phát triển (như nước ta), chứ không thể đúng với các xã hội tri thức, nơi tri thức trong đầu mỗi cá nhân thường gắn với số tiền trong thẻ tín dụng hay tài khoản ngân hàng của họ. Chính ông bà ta ngày xưa, dù bị lễ giáo phong kiến đè nặng, cũng có cái nhìn rất đúng đắn về vấn đề này, khi diễn nôm giản dị mà sâu sắc: “Trên đời gì đẹp…/ Gì ngon bằng muối, gì khôn bằng tiền”.
Yêu cầu trong bài viết về một lối sống mới, thích hợp với xã hội văn minh phi các-bon trong thế kỉ XXI là một yêu cầu tuy đúng đắn nhưng không phù hợp với hoàn cảnh nước nhà. Một nhược điểm lớn của văn minh công nghiệp là khai thác quá mức các nguồn năng lượng và tài nguyên không tái tạo, dẫn tới sự suy thoái nghiêm trọng của môi trường sống. Vì thế xây dựng một nền văn minh tri thức cho phép giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch là yêu cầu sống còn đối với toàn nhân loại. Tuy nhiên phải có trình độ công nghệ cao mới chế ngự được các nguồn năng lượng tái tạo; vì thế yêu cầu nói trên là quá sức đối với mức độ phát triển của chúng ta trong một thời gian có lẽ còn khá dài.
Hằng số văn hóa và sự phát triển:
Các bài viết khác trên Tia Sáng và trên một số báo bạn luận giải khá nhiều về hệ giá trị văn hóa truyền thống 1. Tuy nhiên chúng cũng gợi nên nhiều băn khoăn trong lòng bạn đọc. “Thư của một người nông dân” (Tia Sáng, 5-7-2008) suy tư, “văn hóa đất Việt sinh ra từ nông thôn và nông dân. Khi hai cái đó mất đi hoặc biến đổi thì ta sẽ có thứ văn hóa gì”. Bài “Nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong xã hội Việt Nam hiện đại” (TT&VH, 8-8-2008) thì dẫn Trần Quốc Vượng, nhấn mạnh ba hằng số văn hóa Việt Nam là nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Vậy phải chăng khi đặt ra mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, chúng ta đã đi ngược với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc?
Bản thân người viết bài này cũng sinh ra và trải qua cả thời niên thiếu tại nông thôn, nên cũng tạm hiểu cả nét hay và nỗi dở của văn hóa làng xã Việt Nam. Bên cạnh hình ảnh thơ mộng về đêm trăng sáng bên đầm sen hay cảnh mẹ đun nước lá cho cả nhà gội đầu là nỗi ám ảnh về những con đường ngập trong bùn lầy và phân gia súc mà lũ học trò nhỏ nhà quê chúng tôi phải cắn răng lội đến trường giữa mùa đông rét buốt. Và nỗi kinh hoàng về những “nhà vệ sinh” vẫn còn ám ảnh trong các giấc mơ cho đến tận hôm nay. Vì thế khi bước chân trên con đường làng vừa đổ bê tông dày 15cm tại quê hương, người viết trải qua tâm trạng vừa nuối tiếc vừa mừng mừng tủi tủi. Quan trọng hơn, đó là một quá trình không thể đảo ngược, cho dù chúng ta có muốn hay không. Đó chính là sự tiếp biến văn hóa, một quá trình căn bản và vĩnh hằng của văn hóa. Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải sáng tạo cho bằng được những giá trị văn hóa mới, bên cạnh việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Phương châm “dân tộc - khoa học - đại chúng” mà cố Tổng Bí thư Trường Chinh nêu ra từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận hôm nay.
Vậy văn hóa để làm gì? Theo tuyên bố chính thức, văn hóa là (nền tảng vật chất và - người viết xin bổ sung và nhấn mạnh) nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển. Muốn như vậy, văn hóa phải biểu hiện được tất cả những đặc trưng phổ quát của mình mọi lúc mọi nơi, từ trong suy tư của giới trí thức tinh hoa cho tới hành động của mỗi một cá nhân trong xã hội. Văn hóa không phải cái gì khác, mà chính là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần mà con người đã, đang và sẽ sáng tạo trong suốt tiến trình lịch sử.
Tài liệu tham khảo:
1 Nguyên Ngọc, Văn hóa… để làm gì? Tia Sáng, 5-8-2008, trang 15-16; Phạm Duy Hiển, Khi văn hóa không song hành với kinh tế, Tia Sáng, 5-8-2008, trang 17-19; Phan Cẩm Thượng, Càng đi xa càng tốt, Tia Sáng, 20-7-2008, trang 18-19; Thư của một người nông dân, Tia Sáng, 5-7-2008, trang 50-51; Nguyễn Thị Minh Thái, Nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong xã hội Việt Nam hiện đại, Thể thao & Văn hóa, 8-8-2008; Nguyễn Văn Dân, Phương Đông - Phương Tây: Từ một bài thơ, suy nghĩ về một vấn đề không nhỏ, Văn Nghệ, 29-3-2008.
2 Culture, Wikipedia, The free encyclopedia, http://en.wikipedia.org/
3 Define Culture, http://defineculture.com/
4 UNESCO Universal Declaration on Cultural Diversity, http://www.unesco.org/
5Civilization, Wikipedia, The free encyclopedia, http://en.wikipedia.org/
6 Flannery K (1972), The cultural evolution of civilizations, Annual Review of Ecology and Systematics, 3: 399-426
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005