Chữ Tâm và văn hóa Việt Nam
Trong văn hoá Việt Nam, “Tâm” không phải là khái niệm thuần Việt mà là thứ vay mượn của Trung Quốc. Xét về mặt chữ, về ngôn từ có thể nói là chỉ mượn chữ, tức là mượn vỏ khái niệm, còn hàm nghĩa thì người Việt tự đưa vào. Chuyện nó phải là thế như một cái lẽ tất nhiên, vì giá trị tinh thần bao giờ cũng được khái quát từ thực tế đời sống. Mà đời sống Việt Nam thoạt nhìn canh tàu thu nhỏ kích cỡ, đến khi thấm vào trong thì lại khác nhau rất nhiều, khác về cơ bản.
Ông thầy huyền thoại của chúng tôi, cố giáo sư Trần Quốc Vượng nửa nói nửa nghĩ rằng người Việt tư duy bằng bụng. Anh bạn đồng môn của tôi có vẻ chấp nhận và “triển khai” thêm là do nhiều tộc người ở Việt Nam thích an phèo. Tôi văn dốt võ dát chỉ còn biết cười hỉ hả, chảng dám bình luận gì. Nhưng nghĩ thầm bụng cũng tức là lòng, nhưng nhục thể hơn lòng một chút…Đau lòng là chuyện tâm lý, chứ còn đau bụng thì rõ là…đau bụng rồi.
Lòng - theo cái ý nghĩa như phủ tạng nói chung thì quả là nhiều người Việt thích thật. Những món ăn liên quan đến lòng ở ta nhiều và ngon chỉ có mấy ông phòng dịch là sợ chứ chẳng mấy ai sợ. Có chuyện thời chống Pháp, bộ đội ta viết thư hỏi báo Sức khoẻ của Bộ y tế (Hay của Cục Quân y không biết. Mà cũng không sao, Đại tá quân y lừng danh Vũ Văn Cẩn chẳng vừa là Cục trưởng Cục Quân y, vừa là Bộ trưởng Bộ y tế đó sao!), hỏi rằng “tiết canh lòng lợn có ăn được không?”. Sức khoẻ trả lời rất “lính”: “Chẳng biết! Nhưng ở đâu có thì nhớ gọi “sức khoẻ” đi với”!
Nhiều trạng thái tâm lý được người Việt dùng bụng hay lòng để diễn tả. Bằng lòng để chỉ trạng thái chấp nhận hay thoả mãn. Chạnh lòng để chỉ một sự kiện hay lời nói làm ta nhớ về một nỗi đau hay điều xấu hổ. Ăn lòng để chỉ sự yên tâm, không còn lo lắng. Ngã vào lòng để chỉ sự tâm lý bất lực, chán nản. Phải lòng để chỉ sự đôi lứa yêu nhau ( lối nói này mới mộc mạc, duyên dáng và thật thật làm sao ). Đồng lòng để chỉ một tập thể cùng chung một quyết tâm, một người thì nói quyết lòng. Xiêu lòng để chỉ tâm trạng bị thuyết phục. Dối lòng là người tự đánh lừa mình. Mạnh lòng chỉ những dự định bất chính, mưu mô (“Mạnh lòng mà nói dối ta” - Giai thoại về Hồ Xuân Hương hay Bà Huyện Thanh Quan (?)). Mủi lòng là chỉ nỗi cảm thông thương xót. Mất lòng (còn gọi là mếch lòng) chỉ sự bất mãn, giận dỗi. Lại còn thoả lòng, động lòng, đau lòng, vui lòng, thật lòng, rộng lòng, hài lòng, để lòng, cầm lòng,… Ai bảo Tiếng Việt nghèo tưởng cũng nên xem lại.
Người Việt sử dụng khái niệm Tâm trong văn hoá và tư tưởng tư khi nào chưa rõ, nhưng hình như hàm ý của nó có những điều khác với người Trung Quốc, gần với Phật học, mà bỏ qua những nội dung siêu hình. Thực ra thì người Việt không thích triết lý, cũng chẳng có thời giờ mà triết lý, tức là không róc hết thịt để có “bộ xương kho” những khái niệm trìu tượng. Triết lý của người Việt nằm trong tục ngữ ca dao, đầy sống sinh động, tức là còn đầy hơi thở của cuộc sống sinh động, kiểu như “ Con nhà tông không giống tông cũng giống cánh”, “giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, “Của bụt mất một đền mười…”…
Người Việt không triết lý về chữ Tâm, mà sử dụng nó để nói về những tiêu chí ứng xử, có thể tóm lại trong một quy tắc “Làm gì cũng phải có cái Tâm”. Thắp một nén hương cho ông bà hay Thần Phật, chẳng thắp thì thôi cũng chẳng ai ép nhưng đã thắp thì phải chân thành thắp một nén nhang, lọ là cứ phải mâm cao cỗ đầy, cho người ăn xin một đồng tiền, “ Phạ thằng nào có tiếc không cho”, đã cho thì đừng vứt toẹt vào người ta, mà nên đặt vào tay vào nón của họ cẩn thận. Trồng một cái cây, bột một nút lạt, đối đãi bạn bè, nói năng giao tiếp, làm một việc dẫu là nhỏ…tất cả cứ nên để tâm vào thì hơn.
Sống có cái tâm là sống như thế nào, cũng khó mà rạch ròi tiêu chuẩn. Nhưng một hành vi, một ứng xử nào đó được người đời cho là có tâm, tức là được người đời cho là một việc tốt đẹp, nên làm và đáng làm. Nội hàm của cái tâm thế là xác định thì không, nhưng vẫn còn cái gì đó bên trong đủ để trở thành một thứ bảng giá thị đánh giá hành vi. Có tâm tức là đúng với cái đạo làm người. Lại nhớ lời chúc tế rất hóm, nói cái lối rất đau của một bậc túc nho:
“ Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết cả trên đời
Vua quan sỹ thứ người muôn nước
Sao được cho ra cái giấy nghiên”.
Có cái tâm thì biết đúng nhưng cũng biết sai, cảm thụ được điều sung sướng, nhưng cũng nhận được cái nỗi khỏ nhục. Ngày còn đường xe điện chạy giữa phố Hàng Bột ( nay là phố Tôn Đức Thắng ), người ta kể một câu chuyện chắc chắn là không có, và tôi cũng không tin, nhưng kể từ đó tôi mắc một chứng bệnh tâm lý là không dám nhìn lâu cảnh trâu ngựa kéo xe. Người ta kể rằng một con ngựa kéo cái xe chở quá nặng, đi từ Cát Linh để sang Hàng Bột để sang Văn Miếu. Xe đến chỗ đường tàu điện thì mắc đường ray, con ngựa không đủ sức mà kéo, và chuông xe điện từ Nguyễn Thái Học cũng đang đánh động dẹp đường. Anh chàng chủ xe ra roi tới tấp, tàn nhẫn…cuối cùng chiếc xe ngựa cũng qua được. Chừng như đánh cũng mệt, anh chủ xe cho ngựa dừng lại ở lề đường cạnh một gốc cây. Con ngựa nước mắt dàn dụa, rồi bỗng đập đầu liên tiếp vào gốc cây cho đến chết! Nó đã tự tử!
Chắc là chuyện bịa. Không có cơ sở nào để nghĩ rằng con ngựa đạt tới trình độ biết tự vẫn, bởi vì có thể có đời sống tâm lý, nhưng ý thức về bản thân mình thì chưa thể. Chỉ có con người mời tự tử một - cách - có - ý - thức, bởi khi đó cái sự sống sinh học trở thành mối ràng buộc, chỉ vì nó mà người ta không thể thoát ra khỏi đau khổ hay chán chường. Tự tử chỉ là hành vi trốn chạy quyết liệt mà thôi chứ chắc chắn không phải là giải pháp thông minh.
C.Mác nói rằng “Đời sống của con người là đời sống sản sinh ra đời sống”, do đó chỉ có con người mới có khả năng ngẫm nghĩ về cuộc đời của chính mình. Mình là ai, cứ xem mình ăn, ở, đối đãi, làm việc, lựa chọn, yêu ghét như thế nào khác biết. Suy rộng ra, muốn biết về một dân tộc, cứ xem cư dân dân tộc đó ăn ở, sinh hoạt và hưởng thụ đời sống như thế nào thì chí ít cũng biết được đôi điều thú vị. Ta thử ngẫm về chính người Việt Nam ta xem sao?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005