Tiếp cận quá trình hiện đại hoá văn hoá Việt Nam từ góc độ chủ nghĩa cá nhân “văn hoá”

09:19 SA @ Thứ Hai - 26 Tháng Mười, 2009

Ý niệm “chủ nghĩa cá nhân” lưu hành trong đời sống và ngôn ngữ hàng ngày thuộc phạm trù“đạo đức học”, nghĩa của nó khá rõ và đơn giản: đó là thói ích kỷ, trong mọi hoàn cảnh đặt lợi ích của mình lên trên hết, không cho ai động đến “một sợi lông chân của mình”, có thể gọi tên nó là chủ nghĩa cá nhân “đạo đức học”.Trong khẩu hiệu “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân” Hồ Chủ tịch nói đến chủ nghĩa cá nhân này. Trong mọi xã hội, mọi thời đại chủ nghĩa cá nhân này đều bị lên án. Cái mà chúng tôi gọi là chủ nghĩa cá nhân “văn hoá” không có liên quan gì đến chủ nghĩa cá nhân “đạo đức học”: đó là ý thức của cá nhân về cá tính và bản lĩnh riêng của mình, đặc biệt nó thể hiện ở “ lòng tin “của cá nhân vào “giá trị của ý kiến riêng của mình” cũng như giá trị những hình thức diễn đạt nó lựa chọn và sáng tạo, tóm lại đó là lòng tin của cá nhân vào bảng giá trị của nó (thuộc mọi lĩnh vực chính trị, mỹ học, đạo đức…). Góp phần làm rõ thế nào là “cá tính” và “bản lĩnh” riêng trong chủ nghĩa cá nhân “văn hoá”, sau đây là ý kiến của nhà văn Đỗ Chu phân biệt “dáng kiêu” và “cốt kiêu” ở những nhà văn lớn: “Các nhà văn lớn mỗi người một vẻ… Mỗi ngày lại thấy thêm ở họ lộ ra một cái mới. Cái mới không phải ở cá tính riêng, cá tính dẫu thế nào thì cũng chỉ là cái dáng kiêu, phần ta cần tìm ở họ là cái thuộc về chiều sâu, nó là cái cốt kiêu.[1] Dáng kiêu đôi khi làm người ta khó chịu, nhưng nhiều khi nó cần thiết để con người tự khẳng định hoặc giữ thể diện cho mình, đối với dáng kiêu và những dáng khác của cá tính, nên có sự thể tất và nói chung là cho qua. Cốt kiêu mới là chiều sâu của nhân cách con người. Để làm rõ sức mạnh, sức thuyết phục của cốt kiêu tôi mượn ý kiến của Mạnh tử phân biệt tiểu dũngđại dũng.[2] Sự dũng cảm của tiểu dũng là do tính khí (thủ khí), còn sự dũng cảm của đại dũng đòi hỏi phải có cái “lý cốt yếu” (thủ ứơc). Sách Mạnh tử có dẫn lời của Khổng tử để xác định thế nào là đại dũng: “Nếu tự xét lấy mình, thấy mình có điều ngay thẳng dẫu có hàng ngàn, hàng muôn người, mình cũng vẫn đi qua một cách an nhiên đó[3]“Thấy mình có điều ngay thẳng”,đó là cái lý cốt yếu, là nội lực của lòng đại dũng. Có dũng khí, không biết sợ, nhưng không có một lý cốt yếu làm nội lực thì đó mới chỉ là “tiểu dũng”, chưa phải là “đại dũng”. Như vậy, chủ nghĩa cá nhân “văn hoá” giả định cốt kiêu ở những người làm văn hoá, giả định cái lý cốt yếu đằng sau những ý kiến riêng, bảng giá trị riêng và những sự lựa chọn riêng của họ… Hiểu như vậy, chủ nghĩa cá nhân “văn hoá” là một giá trị lớn của văn hoá Việt Nam hiện đại.

Lịch sử của sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân “văn hoá” - theo một sơ đồ quen thuộc - vẫn được trình bày như là một tiến trình tuyến tính “tích luỹ những yếu tố cá nhân hoá” qua các thời đại và thông qua cuộc “cách mạng lãng mạn” dẫn tới sự nổi trội của chủ nghĩa cá nhân “văn hoá”. Trong lịch sử văn hoá nước ta, “ sự tích luỹ những yếu tố cá nhân hoá” qua các thời trung đại, cận đại bộc lộ rõ rệt nhất ở sáng tác của những nhân cách văn hoá lỗi lạc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du....., Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát..., Tú Xương, Tản Đà... “Cuộc cách mạng lãng mạn” đã diễn ra trong thời kỳ 1930–1945 với phong trào Thơ mới, với tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, cũng phải kể đến văn xuôi của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân... mà cá tính sáng tạo phong phú và rỡ ràng khiến ta nghi ngờ mọi “ nhãn hiệu” vẫn được gán cho họ. Chủ nghĩa cá nhân “văn hoá” hiện đại nổi trội và lan truyền trong thời kỳ này, thẩm thấu vào ý thức sáng tạo của lớp nhà văn sau này được gọi là “tiền chiến”. Cũng trong thời kỳ này xuất hiện những tác giả đầu tiên của nền hội hoạ Việt Nam và ca nhạc Việt Nam hiện đại: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân... Đặng Thế Phong, Văn Cao... Có thể nói chủ nghĩa cá nhân “văn hoá” là ngọn nguồn của sự phong phú những phong cách cá nhân, những tìm tòi mỹ học và tư tưởng - nghệ thuật trong văn học, nghệ thuật thời kỳ này. Chủ nghĩa cá nhân “ văn hoá” là một bước tiến của ý thức văn hoá Việt Nam, là một trình độ mới mà văn hoá Việt Nam đạt được trên con đường hiện đại hoá, sau gần một thế kỷ cộng sinh với văn hoá Pháp.

Những năm đầu cách mạng và kháng chiến, cùng với sự lớn mạnh như vũ bão của những phong trào quần chúng “long trời lở đất”, cùng với sự lan truyền và tác động mãnh liệt của những tư tưởng chủ nghĩa tập thể cách mạng, trong một hoàn cảnh như vậy, sự phủ nhận chủ nghĩa cá nhân “đạo đức học” kéo theo sự nghi ngờ, dè dặt đối với chủ nghĩa cá nhân “văn hoá” là một điều hoàn toàn có thể hiểu được. Lẽ ra cần sớm có một sự tỉnh táo để nhìn nhận lại vai trò của chủ nghĩa cá nhân “văn hoá”, xem xét những khuyết tật mà nó nhiễm phải trong hoàn cảnh thuộc địa, đánh giá đúng trình độ tiến hoá có ý nghĩa lịch sử thế giới đạt được ở nó, đồng thời đưa nó vào một sự tổng hợp cao hơn, ngang tầm với khí thế tháng Tám và tinh thàn Kháng chiến. Đáng tiếc là sự phát triển của văn hoá ở ta trong những năm 50, 60 đã không diễn ra như vậy. Quả là đã có những bước nhảy vọt và những thành tựu “khổng lồ” trong những phong trào văn hóa “toàn dân”: bình dân học vụ, phổ cập giáo dục, y tế nhân dân, vận động đời sống mới... nhưng thiếu hụt mất cái bề chiều (dimension) của chủ nghĩa cá nhân “văn hoá”, sự phát triển bình thường của con người cá nhân bị vướng vất những sự gò bó trái tự nhiên, bản lĩnh và cá tính của cá nhân không được quan tâm đúng mức, “lòng tin” của cá nhân ở “ giá trị những ý kiến riêng của mình” không được thật sự tôn trọng. Bi kịch của phần lớn những văn nghệ sĩ và trí thức “Nhân văn – Giai phẩm” (tuyệt đại đa số trưởng thành trong thời Pháp thuộc, đã nếm mùi chủ nghĩa cá nhân “ văn hoá” phương Tây) là bi kịch của những cá nhân quá tin ở “giá trị những ý kiến riêng của mình” trong một hoàn cảnh xã hội chủ nghĩa tập thể “cực đoan” chưa kịp phân biệt chủ nghĩa cá nhân “đạo đức học” và chủ nghĩa cá nhân “văn hoá”. Từ những gì đã phải trả giá cho sự gạt bỏ bề chiều chủ nghĩa cá nhân “ văn hoá “ trong xây dựng văn hoá thời kỳ nói trên, bài học đáng được nêu lên để chuẩn bị cho sự hòa nhập văn hoá trong thời kỳ sắp tới là: “chính bằng cách chấp nhận cá nhân trong nhà mình, trong nước mình, mà ta sẽ đi đến chỗ kính trọng lân bang và được kính trọng trở lại“ (chúng tôi mượn lời của nhà văn ả rập Tahar Ben Jelloun phát biểu về vấn đề cách ứng xử của mỗi dân tộc đi vào kỷ nguyên mới của thế giới, xem Người đưa tin UNESCO 11/1990, tr. 9). Những ý kiến riêng thường gây “phiền phức, rầy rà” cho những “ quyết đoán” của tập thể (nhất là khi tập thể còn non yếu). Nhưng hậu quả của việc khống chế sự phát biểu những ý kiến riêng sẽ là thảm hoạ. “Tai hoạ chủ yếu, – B. Pasternak viết – cỗi nguồn của cái ác trong mai sau chính là sự mất lòng tin vào giá trị của ý kiến riêng. Những lời sáo rỗng sẽ dần chiếm lấy địa vị bá chủ[4]

Chủ nghĩa cá nhân “văn hoá” sẽ đi đến đâu? Nhà triết học Francois Jullien có phân biệt hai lô gích văn hoá đối mặt nhau[5]: lô gích văn hoá giải phóng (logique culturelle d’ émancipation) và lô gích văn hoá tích hợp (logique culturelle d’integration). Lô gích văn hoá thứ nhất giải phóng cá nhân khỏi những sự ràng buộc hạn chế sự phát triển tự do những năng lực nhân tính của nó. còn lô gích văn hoá thứ hai dưa cá nhân hội nhập vào những cộng đồng: cộng đồng tối thiểu là gia đình, tiếp theo là nghiệp đoàn, phường hội…,sắc tộc, dân tộc…Một sự phát triển bền vững của văn hoá dòi hỏi sự kết hợp cả hai lô gích văn hoá. Lô gích văn hoá giảI phóng là động lực của phát triển còn lô gích văn hoá tích hợp tạo cơ sở bền vững cho sự phát triến. Đúng là chủ nghĩa cá nhân “văn hoá” có tác động tích cực to lớn phát huy sức mạnh và tính chủ động của chủ thể, khơi nguồn cho những tìm tòi, sáng tạo. Nhưng nó chỉ là một mô-măng (moment) của lô gích văn hoá giải phóng. Việc nhân cách văn hoá tách khỏi những liên hệ tình nghĩa với những cộng đồng không tránh khỏi đưa nó tới sự dửng dưng với đời sống cộng đồng. Một khi tình người bị cắt đứt những liên hệ cộng đồng thì sự thiếu hụt những tình nghĩa cộng đồng dẫn tới sự mai một những tình cảm sơ đẳng của con người: tình yêu, tình bạn, tinh thần trách nhiệm, lòng trắc ẩn, sự ân cần, thiết tha với những người xung quanh..., cá nhân lâm vào tình trạng cô đơn, một thảm trạng của không ít xã hội phương Tây hiện đại. “Nhưng ngày nay – A. Toffler viết – những thiết chế làm chỗ dựa cho cộng đồng đang sụp đổ trong mọi xã hội- công nghệ (techno-society). Kết quả là sự lan tràn của dịch cô đơn”[6] Liệu chúng ta có thể hoà giải được hai lô gích văn hoá tạo điều kiện cho một sự phát triển phong phú và bền vững của văn hoá Việt Nam hay là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ biến xã hội Việt Nam thành một “xã hội – công nghệ” mà văn hoá bị “ám” “dịch cô đơn” chưa biết là sẽ đi đến đâu?


[1] Đỗ Chu Thăm thẳm bóng người.Tuỳ bút. N.x.b.Hội nhà văn 2008. tr. 84,85
[2] Xem Mạnh tử, quyển hai, chương cú thượng, tiết 2
[3] Đoàn Trung Còn. Mạnh tử, NXB Thuận Hoá, 1996, tập thượng, tr.87
[4] Chuyển dẫn từ Borix Paxternak. Con người và tác phẩm NXB Thành phố Hồ Chí Minh,1988, tr. 44
[5] Xem Francois Jullien De l’universel, de l’uniforme,du commun et du dialogue entre les cultures Fayard 2008, p.170
[6] Alvin Toffler, The Third Wave, Bantam Books, p.369

Nguồn:Viet-Studies
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Làm thế nào để bản sắc dân tộc và hiện đại hóa được “cơm lành canh ngọt”?

    23/10/2017GS. Hoàng Ngọc HiếnTính hiện đại thường được đặt ra như đối lập với bản sắc dân tộc (hoặc tính dân tộc). Sở dĩ như vậy là vì tính hiện đại thường bị hiểu một cách phiến diện bị lược quy vào sự tiếp thu chủ nghĩa duy lý (của phương Tây hiện đại), bị xem là kết quả đơn thuần của quá trình hợp lý hoá.
  • Tư tưởng canh tân sáng tạo nền văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX của chí sĩ Phan Châu Trinh

    26/09/2014Đỗ Hòa HớiVới sự nghiệp đổi mới, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa và hiện đại hóa văn hóa dân tộc đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Qua tìm hiểu chí sĩ Phan Châu Trinh, chúng tôi thấy ông là một tấm gương mạnh dạn canh tân và sáng tạo nền văn hóa dân tộc vào thời điểm đầu thế kỷ XX.
  • Mọi nền văn hóa đều đẹp

    12/04/2014GS, TS Phạm Đức DươngTrong sự vươn lên của các Quốc gia Châu Á cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ 21, nhiều người đã đi tìm câu hỏi: Phải chăng nền văn hóa Châu Á đang trở lại thời kỳ phát triển rực rỡ, thậm chí có xu hướng vượt trội so với các nền văn hóa khác...
  • Hoàng Ngọc Hiến (1930 - 2011)

    25/10/2009GS lý luận phê bình, dịch giả văn học Việt Nam đương đại
  • Về cảm hứng triết luận, cổ học nhân văn phương Đông và quan điểm lịch sử văn hoá trong nghiên cứu, phê bình văn học

    27/07/2009Hoàng Ngọc HiếnTừ những nguồn khác nhau: đạo đức học, mỹ học, triết học xã hội-chính trị, triết học xã hội-văn hoá... cảm hứng triết luận trong nghiên cứu, phê bình văn học là nỗ lực vượt lên trên những thành kiến và định kiến hẹp hòi trong sinh hoạt cũng như trong học thuật. Những thành kiến, định kiến này có khi lại được xem như những điều hiển nhiên. Mà đã là “hiển nhiên” thì khỏi phải bàn. Đây cũng là một thói quen khá phổ biến trong nhân loại. Cảm hứng triết luận trong nghiên cứu, phê bình có khi bắt nguồn từ suy nghĩ về chính những điều “hiển nhiên” như vậy...
  • “Dân chủ là một hiện tượng văn hóa”

    10/04/2009Hoàng Ngọc HiếnGiữa thế kỷ XIX, Alexis de Tocqueville (1805 - 1859) xuất hiện như là
    "lương tâm" của trung thế kỷ; ngày nay hai công trình cơ bản của ông Về
    dân chủ (De la democratie) (1835 - 1840) - bản dịch tiếng Anh có nhan
    đề là "Về dân chủ ở Mỹ", "Chế độ cũ và cách mạng" (L'ancien regime et la
    revolution) (1856) được nhìn nhận là những tác phẩm khoa học có giá trị
    kinh điển. Đặc biệt công trình "Về dân chủ" chứng tỏ tác giả có cách nhìn
    khoa học sâu sắc và sáng suốt lạ thường trong việc nghiên cứu xã hội Mỹ
    cũng như trong suy tư triết học về viễn cảnh chế độ dân chủ và lý tưởng
    dân chủ.
  • Cảm hứng triết luận trong khoa học xã hội và nhân văn hiện đại

    26/02/2009Hoàng Ngọc HiếnTừ cuối thế kỉ XIX, khoa học xã hội trở thành hiện đại, ngày càng chuyên nghiệp hoá, chuyên môn hoá, quá trình này là tất yếu để đáp ứng sự nghiên cứu xã hội hiện đại trở nên ngày càng phức tạp. Trong thế kỉ XX, KHXH hiện đại có những đóng góp to lớn về định tính cũng như định lượng, tầm vi mô cũng như vĩ mô, tuy nhiên ở không ít nhà KHXH hiện đại bộc lộ những nhược điểm...
  • Một cách tiếp cận “Bản sắc dân tộc” và một cách hiểu về “nội lực”

    16/02/2009Hoàng Ngọc HiếnChúng tôi giới thiệu cách tiếp cận vấn đề "bản sắc dân tộc" trong bài Văn hoá và toàn cầu hoá: vài phân tích kinh tế của Trần Hữu Dũng (Đại học Wright State, Ohio, Mĩ và cách hiểu vấn đề "nội lực" trong bài Du nhập, chuyển giao công nghệ và năng lực xã hội: vài khảo sát kinh nghiệm ở Đông Á của Trần Văn Thọ (Đại học Waseda Tokyo, Nhật Bản)...
  • Quản lý xã hội hiện đại dưới ánh sáng của “khoa học mới” và tư tưởng Khai sáng

    10/02/2009Hoàng Ngọc HiếnTrong tác phẩm Từ Đông sang Tây có nhiều chủ đề mới và những cách tiếp cận mới, rất khác nhau. Quan tâm đến chủ đề quản lý xã hội hiện đại, chúng tôi giới thiệu bài của nhà toán học Phan Đình Diệu: “Khoa học mới” và vài suy nghĩ về kinh tế xã hội, trong đó những sự "phức tạp" của quản lý xã hội hiện đại một tập hợp những "hệ thống phức tạp" được phân tích dưới ánh sáng của "khoa học hiện đại" là khoa học nghiên cứu "những hệ thống phức tạp" và bài "Tương lai của Khai sáng"
  • Mối quan hệ giữa các nền văn hóa

    08/02/2009Nguyễn Tấn HùngTrong bài viết này, khi chỉ ra bản chất của những mâu thuẫn giữa các nền văn hoá, văn minh, sự khác nhau giữa tôn giáo và văn minh, nguyên nhân của sự xung đột giữa các tôn giáo, sắc tộc giữa các cộng đồng dân tộc, tác giả đã đi đến khẳng định rằng, sự phát triển của văn hoá, văn minh không những không làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa các cộng đồng xã hội, mà trái lại, còn là điều kiện để các dân tộc xích lại gần nhau hơn...
  • Triết học văn hóa - Một tiềm năng nghiên cứu văn hóa con người

    29/10/2006Hồ Sĩ VịnhVào những năm 80 (thế kỷ XX) những vấn đề triết học văn hóa được các nhà khoa học Xô Viết ứng dụng và phát biểu theo quan điểm macxít. Người ta thường thảo luận, lật trở hai vấn đề cơ bản: Cái gì kiến tạo nên văn hóa với tư cách là một chỉnh thể, cấu trúc của nó là gì? Mục đích, sứ mệnh, ý nghĩa của văn hóa, của từng hình thái và hiện tượng văn hóa nằm ở đâu?
  • xem toàn bộ