Đổi mới việc dạy triết học trong nhà trường đại học ở nước ta hiện nay
- Một số vấn đề cần xem xét lại trong giáo trình "Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin"
- Tôi nghi ngờ ông Hegel
Bàn về việc giảng dạy triết học cho các đối tượng khác nhau trong một quốc gia là chủ đề rất lớn. Tôi xin đề cập đến một phạm vi hẹp hơn là việc dạy triết học trong nhà trường đại học vì trong đó người học là đối tượng trẻ và đông đảo vừa mới bước chân vào cổng trường đại học đang rất háo hức tìm hiểu, khám phá kho tàng tri thức đồ sộ của nhân loại.
1. Cần nhìn thẳng vào thực trạng việc giảng dạy và học triết học trong các nhà trường để có sự đổi mới theo kịp sự đổi mới toàn diện của đất nước và hội nhập quốc tế đang diễn ra rất nhanh trong điều kiện toàn cầu hoá hiện nay.
Những người giảng dạy và nghiên cứu triết học cũng như đông đảo các giới xã hội, nhất là sinh viên, đều nhận ra những điều không ổn trong việc trang bị kiến thức triết học hiện nay trong các nhà trường đại học của chúng ta.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực truyền bá kiến thức triết học thì cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, từ lâu đã có không ít lời cảnh báo về việc các sinh viên, nhất là sinh viên không chuyên triết học, không thích học, hay nặng hơn là chán học các bộ môn Marx - Lenin nói chung. Nhiều sinh viên học cốt sao để cho đủ điểm không phải thi lại là được chứ ít ai coi đó là môn học giúp cho việc rèn luyện và phát triển tư duy, trang bị phương pháp nhận thức, kiếm tìm tri thức ở nơi mà K. Marx và Hegels gọi là nơi “đúc kết” hay “tổng kết” những gì là tinh tuý của tư duy nhân loại, hoặc có ích thực sự cho chuyên môn sau này của họ. Bởi vậy, đã có lúc rộ lên câu nói nghe thật xót xa về thực trạng của bộ môn này là bộ môn mà “thầy không muốn dạy, trò không muốn học”!(*)
Xã hội có biết điều này không?
Ngành giáo dục có biết điều này không?
Tôi chắc là tất cả đều biết, thậm chí biết rất rõ. Nếu bây giờ tiến hành một cuộc điều tra xã hội học nghiêm túc, thật sự khách quan và cơ bản về sự quan tâm, sự hứng thú của người học các bộ môn Marx - Lenin chúng ta sẽ có những con số đáng để lưu tâm và suy nghĩ. Những người có trách nhiệm chưa dám nhìn thẳng vào sự thật này, chưa thấy được
sự thiếu hụt về triết học của sinh viên, thậm chí của cả cán bộ giảng dạy của chúng ta, cho nên mọi sự vẫn đang theo lối mòn, chương trình cũ kỹ, gò bó, cản trở nhiệt tình tìm tòi của người học và cả sự sáng tạo, sự tự vươn lên của chính những người dạy.
Nhìn rộng hơn sẽ thấy rằng, ngay cả đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu triết học được chính nhà trường của chúng ta đào tạo trong nhiều năm qua cũng đang khá bất cập trong lĩnh vực học thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình. Bởi lẽ, phần đông họ chỉ biết và gói gọn trong một vốn kiến thức triết học chưa thật hệ thống và không cập nhật đã được trang bị trong nhà trường mà thôi!
2. Vậy nguyên nhân của tình trạng không hứng thú học triết học và nhất là các chuyên ngành khác trong bộ môn chủ nghĩa Marx - Lenin là gì? Phải chăng đó là lỗi của người học?
Câu trả lời không hề đơn giản. Tuy nhiên, từ sự trải nghiệm và quan sát của cá nhân có thể nêu lên mấy điểm sau đây.
Trước hết, không phải lỗi của sinh viên:
Phải nói ngay rằng, người học, mà cụ thể là sinh viên của chúng ta không có lỗi. Sinh viên là lứa tuổi rất ham hiểu biết, ưa chuộng sự thông thái và muốn được trang bị kiến thức để trở nên thông thái. Họ cần sự hiểu rộng hơn, căn bản hơn; cần biết nhiều hơn để rồi họ tự lựa
chọn những gì là tốt nhất chứ không phải chỉ là sự áp đặt một chiều. Do vậy, chúng ta hãy đi tìm nguyên nhân của việc họ chưa yêu môn học này ở những chỗ khác.
Thứ hai, về thời lượng:
Trong chương trình chính khoá dành cho các ngành không chuyên triết học thuộc tất cả các khối, nhất là khối các ngành kỹ thuật hoặc khoa học tự nhiên, thì thời lượng dành cho bộ môn Marx- Lenin không phải là ít so với thời lượng của các môn học khác của chính các ngành học đó (do vậy mà nhiều người lãnh đạo các khối ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật có lý khi phàn nàn về việc bộ môn này chiếm mất quá nhiều thời gian trong chương trình học) nhưng thật ra lại bị phân tán ra quá nhiều môn, số giờ dành cho triết học
khá hạn chế. Vì thời lượng quá ít cho nên ngay cả những nội dung cơ bản nhất của chương trình đã quá sơ sài so với yêu cầu cần phải có thì người giảng cũng không kịp truyền thụ hết.
Thứ ba, về chương trình và giáo trình:
Đất nước đang đổi mới rất nhanh. Thế giới đang thay đổi rất nhanh. Khoa học và công nghệ luôn có những cái mới xuất hiện hàng ngày. Triết học cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Tuy nhiên, chương trình học của chúng ta thì khô cứng và y hệt nhau cho mọi đối tượng thuộc các chuyên ngành khác nhau.
Không ai có thể phủ nhận rằng, mọi chương trình triết học đều có những yêu cầu phải đảm bảo những điều cốt yếu, đều có những cái chung. Song, cũng không được quên rằng, nếu chương trình đó không phù hợp với những đòi hỏi đặc thù của từng chuyên ngành thì sự hấp dẫn cũng chẳng có. Đó là một trong những lý do vì sao cùng một chương trình nhưng người ta phải có những giáo trình viết riêng cho các khối ngành khác nhau và vì sao triết học chưa chiếm được cảm tình hoặc chưa thật sự thu hút nhiều người học ở nước ta.
Một khiếm khuyết rất lớn khác trong nội dung chương trình là không cho người học biết được lịch sử của vấn đề, thậm chí quan điểm của chính K. Marx có lúc đã bị cắt xén hoặc giải thích khác đi cho phù hợp với một yêu cầu nào đó, cho nên không những Marx đã bị hiểu sai mà còn không làm nổi bật được sự kế thừa của K. Marx và các tác gia kinh điển đối với triết học trước các ông cũng như sự phát triển về những vấn đề đó sau các ông. Với nội dung chương trình đó người học cũng không tự rút ra được những cái vĩ đại, cái có tính cách mạng do K. Marx đã thực hiện, không thấy được sự phong phú của các vấn đề triết học đã được triết học bàn đến từ rất lâu rồi và hiện nay vẫn đang tiếp tục được bàn đến, cũng như không biết được những vấn đề mới nảy sinh đang thu hút sự quan tâm của nhân loại, đang làm cho các nhà triết học trăn trở, do đó, cũng không gợi ý được cho thế hệ trẻ những điều cần suy nghĩ. Nói cách khác, chúng ta đã biệt lập hoá K. Marx. Điều này hoàn toàn trái với thực tế lịch sử và rất có hại.
Đáng ngại hơn nữa là hiện đang có chủ trương ở trường đại học chỉ còn dạy chính trị chứ không dạy triết học. Người ta đang có ý định trình bày tất cả các bộ môn Marx - Lenin hiện nay (Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh) dưới dạng các nguyên lý và dạy các nguyên lý đó trong một giáo trình thống nhất với thời lượng 75 tiết. Chưa biết được cụ thể người ta sẽ làm như thế nào nhưng không quá khó để mường tượng ra viễn cảnh và kết quả của cách làm này! Bài học về Đại học đại cương vẫn còn đó!
Thứ tư, về phương pháp giảng dạy:
Do thời lượng hạn chế, do sự khô cứng và thiếu phần lịch sử mang tính dẫn dắt của chương trình và giáo trình cho nên khi giảng về những quan điểm cơ bản của triết học, chủ yếu là triết học Marx, người giảng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, việc chọn con đường an toàn nhất và dễ dàng nhất là nói đúng những gì đã được viết ra trong giáo trình chung cho mọi đối tượng.
Bên cạnh đó, chính cách thi như hiện nay, kể cả cách thi trắc nghiệm đang được bắt đầu thực hiện, vừa góp phần làm cho người học chỉ cần học thuộc một cách máy móc chứ không cần suy nghĩ, tìm tòi, khám phá; vừa làm cho người giảng cũng phải lo bảo đảm độ an toàn về kết quả giảng dạy của mình bằng cách cũng chỉ tập trung vào một số nội dung được coi là sẽ có đề thi chứ chẳng cần đào sâu, mở rộng làm gì cho mệt. Do vậy, sự trì trệ và nông cạn ở đây là khó tránh khỏi.
Một điều cũng rất đáng suy nghĩ khác là người ta không tìm cách để cải tiến nội dung chương trình, để nâng cao kiến thức; không tìm cách tiếp cận và cập nhật những cái mới mà lại đi tập trung vào việc công thức hoá, sơ đồ hoá các luận điểm triết học. Không phủ nhận khả năng ấy đối với một số vấn đề triết học nhất định nào đó. Song, đó thường là những vấn đề đơn giản. Có vô vàn các luận điểm, các tư tưởng triết học vô cùng sâu sắc, hàm chứa trong đó không ít những ẩn ý dẫn đến những cách hiểu, cách giải thích khác nhau, thậm chí từ đó hình thành các chi nhánh hay trường phái triết học khác nhau. Đối với những luận điểm hay tư tưởng đó nhiều khi dùng cách giải thích thông thường là không đủ, cho nên có khi phải dùng đến cả phương pháp thông diễn được hiểu theo nghĩa hiện đại mới hy vọng có thể chỉ ra hết ý nghĩa của chúng. Vậy thì làm sao mà công thức hoá và sơ đồ hoá triết học lại không mắc thiếu sót, không tầm thường hoá thậm chí sai lầm được!
Có vô vàn thí dụ về điều này. Chẳng hạn, làm sao không sai lầm khi công thức hoá hoặc sơ đồ hoá các quan điểm triết học cực kỳ phức tạp và mâu thuẫn của G. Berkeley, của I. Kant, của F. Hegels, v.v... hay các luận điểm của K. Marx như coi “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, “bản chất con người là tổng hoà (hay toàn bộ) các quan hệ xã hội”! Chính vì sự máy móc đó mà có giáo trình đã khẳng định rằng, nhà duy tâm chủ quan G. Berkeley rốt cuộc đã đi đến chủ nghĩa duy ngã! Tiếc thay, sự thật lịch sử lại nói điều hoàn toàn ngược lại là chính G. Berkeley vì tránh duy ngã cho nên, dù ngoài ý muốn, ông phải lập luận giống như nhà duy tâm khách quan.
3. Vậy, chúng ta cần phải làm gì?
Một là, cần xác định cho rõ mục đích dạy môn triết học trong nhà trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp. Ta đã từng nói đến việc triết học có nhiệm vụ trang bị thế giới quan và phương pháp luận cho người học. Điều đó là hoàn toàn đúng. Tiếc rằng, do chỉ chú trọng đến việc xây dựng lập trường chính trị nên suốt một thời gian dài đã xảy ra tình trạng đồng nhất triết học với chính trị. Triết học phải phục vụ chính trị. Đó là điều sơ đẳng ai cũng hiểu. Nhưng cái lớn hơn là triết học phải làm chỗ dựa, là cơ sở cho chính trị. Chính triết học phục vụ chính trị đắc lực nhất không phải chỉ ở sự thuyết minh đường lối, mà là ở chỗ cung cấp cơ sở cho đường lối, ở sự phản biện lại một cách khoa học những quyết định trước khi được thông qua để thi hành, ở việc xây dựng niềm tin khoa học cho mọi người đối với đường lối bằng sự thuyết phục khoa học. Do vậy, triết học phải đạt được cả hai điều là trang bị cho người học cách tư duy đúng đắn, phương pháp nhận thức khoa học bên cạnh việc cung cấp tri thức. Cả hai thứ này đều không có sẵn trong mỗi con người. Năng lực tư duy và phương pháp nhận thức cũng như tri thức phải được trang bị, nuôi dưỡng và phát triển; chúng không phải bất biến mà luôn được bổ sung, do vậy, nếu giáo điều hoá thì là một sai lầm.
Hai là, triết học Marx không tách rời, không biệt lập với triết học nhân loại. Nó là sự kế thừa hợp pháp những di sản và những giá trị tốt nhất của triết học nhân loại. Nó cũng không đứng yên mà sẽ được phát triển, được nâng cao hơn sau khi đã tiếp thu những gì phù hợp và hoà vào dòng chảy chung của tư duy nhân loại. Người học sẽ không thấy được giá trị của triết học Marx, chẳng hạn luận án tiến sỹ của Marx, nếu không hiểu lịch sử triết học trước Marx. Sẽ không thể hiểu và thấy hết giá trị một số luận điểm của F. Engels trong “Biện chứng của tự nhiên”, của V. I. Lenin trong “Bút ký triết học” và trong “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” nếu như không hiểu triết học Baruch Spinoza, triết học Leibnizt và triết học Banis Diderot v.v... Do vậy, ngay cả việc “dạy triết học Marx cũng nên đi theo lịch sử các vấn đề từ khởi thuỷ cho đến tận bây giờ”. Điều đó có nghĩa rằng, cần bố trí lại chương trình triết học dưới dạng lịch sử triết học. Cách làm này được cả thế giới chấp nhận và đó cũng là điều kiện để chúng ta hội nhập và đối thoại với giới triết học thế giới trong điều kiện toàn cầu hoá hiện nay. Dĩ nhiên, không cần bàn cãi, trong chương trình và nội dung đó chúng ta sẽ dành cho triết học Marx sự ưu tiên nhất định.
Đành rằng thay đổi một thói quen, một quan niệm, một truyền thống đã ăn sâu vào đầu óc con người, một cách làm đã trở thành lối mòn là điều hoàn toàn không dễ dàng, thậm chí còn gặp sức cản rất lớn. Song, chúng ta sẽ không thu được kết quả mong muốn nếu không chịu đổi mới tư duy, nếu không chịu thay đổi những thói quen đến mức trở thành máy móc cản trở sự phát triển tư duy của thế hệ trẻ. Thành công của công cuộc đổi mới đất nước ta đã chứng tỏ điều đó. Tôi coi đây là điểm đột phá quan trọng nhất và cũng là cơ bản nhất mặc dù chẳng dễ dàng gì. Tuy nhiên, chỉ nên thay đổi theo hướng tiến bộ, đi lên chứ không phải đi thụt lùi như cách mà người ta đang dự định làm. Đặc biệt, không thể loại bỏ triết học ra khỏi chương trình học ở bậc đại học.
Ba là, về mặt phương pháp:
Khi đã có một chương trình với nội dung thật sự khoa học, có những giáo trình được viết phù hợp cho các đối tượng khác nhau, có đủ hệ thống câu hỏi gợi ý thông minh, kích thích sự tìm tòi, khám phá và có đủ tài liệu tham khảo (cả tài liệu gốc và tài liệu giới thiệu)(*) để giải đáp chúng cũng như giải đáp những câu hỏi mà người học tự vấn mình thì người dạy sẽ không còn phải lệ thuộc vào giáo trình để trình bày từ A đến Z nữa. Đây chính là điều kiện thuận lợi để người dạy phát huy khả năng dẫn dắt người học suy nghĩ về những cái cốt lõi nhất, sâu sắc nhất và tâm đắc nhất, qua đó sẽ có sự thảo luận, sự đối thoại, sự thuyết trình giữa người học với nhau, giữa người học và người dạy. Điều này càng quan trọng hơn đối với chuyên ngành triết học nếu chúng ta mong muốn có lớp người kế tiếp giỏi giang hơn lớp người đi trước.
Trong cuộc sống đương đại, chứ chưa nói đến tương lai, các môn học càng bớt đi sự áp đặt, giáo điều và máy móc bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
Đặc biệt, môn triết học phải là nơi giúp cho thế hệ trẻ có được môi trường mà ở đó sự tự đọc, tự học, tự suy tư, tự đánh giá sẽ tạo cho họ sự chủ động trong cuộc sống, hình thành ở họ khả năng thích nghi nhanh, nhất là để tự họ tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống và vì nó mà phấn đấu, mà khổ luyện. Chính điều này cũng sẽ giúp cho người học hình thành ở họ khả năng tự ý thức, nghĩa là nâng ý thức lên trình độ cao hơn là tự ý thức, chứ không dừng lại ở ý thức.
Một khi phương pháp giảng dạy đã thay đổi thì phương pháp kiểm tra và thi cử cũng phải thay đổi cho phù hợp với thời gian đã được dành cho tự học và kích thích sự sáng tạo nhiều hơn của người học.
Bốn là, tạo điều kiện để bản thân cả người dạy và người học có thể trực tiếp đọc, nghiên cứu từ các tác phẩm gốc (dù chỉ một số tác phẩm cốt yếu có liên quan) chứ không chỉ qua sách giáo khoa, qua giáo trình, nghĩa là không chỉqua nhãn quan của người khác. Đã có không ít luận điểm quan trọng của các tác gia kinh điển của triết học Marx nói riêng, và triết học thế giới nói chung, đã bị ngộ nhận, bị cắt xén, bị giải thích méo mó, sai lệch vì, một thời, nếu nói đúng nguồn gốc, xuất xứ của chúng hoặc giải thích đúng như nguyên bản thì chúng trái với cái được ngộ nhận là “chính thống”. Minh chứng cho điều này là những luận điểm cực kỳ quan trọng của K. Marx trong Lời tựa cuốn “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị” một thời đã bị chúng ta bỏ qua hoặc ít nhất là bị cắt xén. Nếu không có đường lối đổi mới toàn diện của Đảng thì chắc có nhiều luận điểm của các nhà kinh điển của triết học Marx chưa được đính chính, chưa được trích dẫn nguyên văn
và vẫn đang bị giải thích một cách chủ quan.
Chúng ta đã nói đến đổi mới tư duy suốt hai mươi năm nay nhưng sự đổi mới tư duy trong lĩnh vực giảng dạy, đào tạo về triết học thì còn quá chậm.
Lúc này, nói đến đổi mới việc giảng dạy và đào tạo triết học đã không còn sớm nữa. Tuy nhiên, đổi mới như thế nào mới là điều quan trọng. Hãy đừng vì sức ép giảm tải mà tuỳ tiện loại bỏ triết học, nhất là lịch sử triết học, ra khỏi môi trường đại học. Nếu hiểu triết học chính là lịch sử triết học và “nghiên cứu lịch sử triết học là nghiên cứu bản thân triết học, và điều đó là không thể khác được” (1, T. IX, tr.35), như Hegels nói, thì ta sẽ hiểu tại sao K. Marx viết luận án tiến sỹ của mình chính là về lịch sử triết học; tại sao V. I. Lenin coi lịch sử triết học khi được nghiên cứu và cải tạo một cách biện chứng lại là bộ phận quan trọng nhất từ đó hình thành phép biện chứng, coi “phép biện chứng của Hegels... là sự khái quát lịch sử tư tưởng” (2, T.29, tr.394) và lý luận nhận thức; tại sao F. Engels lại nói rằng, “một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận... nhưng tư duy lý luận chỉ là một đặc tính bẩm sinh dưới dạng năng lực của người ta mà có thôi. Năng lực ấy cần phải được phát triển hoàn thiện, và muốn hoàn thiện nó thì cho tới nay, không có một cách nào khác hơn là nghiên cứu toàn bộ triết học thời trước” (3, T.20, tr.489, 487). Trang bị kiến thức triết học cho người học, bởi vậy, không chỉ là trang bị thế giới quan và phương pháp luận mà còn chính là trang bị văn hoá tư duy cho họ, nhất là cho thế hệ trẻ.
(*)Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh và Nhà xuất bản Tri thức đang cố gắng thực hiện việc dịch và xuất bản các tác phẩm quan trọng trong kho tàng tinh hoa văn hóa nhân loại để cung cập cho bạn đọc.
Tài liệu tham khảo
1.G. W. F. Hegels. Toàn tập. T.IX (Tiếng Nga). Moskva: Kinh tế-xã hội,
1935.
2.V. I. Lênin. Toàn tập. T. 29. Moskva: Tiến bộ, 1981.
3.C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. T.20. H.: Chính trị quốc gia, 1994.
1935.
2.V. I. Lênin. Toàn tập. T. 29. Moskva: Tiến bộ, 1981.
3.C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. T.20. H.: Chính trị quốc gia, 1994.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá