Tìm cách giảm sự thụ động cho sinh viên

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Ba, 2003

Một thế hệ cử nhân hình thành trên mạng?

Một trong những chuyện thường được nói nhiều đến như một cải tiến hữu hiệu cho công tác dạy - học trong nhà trường là áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ.

GS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Phó Ban Khoa giáo TƯ nhận định “cần chuẩn bị hướng tới một phương pháp giáo dục mới, trong đó Internet đóng vai trò chủ đạo để cho ra đời “một thế hệ cử nhân trưởng thành trên mạng”. GS.TS Tôn Tích Ái, trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) giới thiệu về mô hình giáo dục mới: mô hình thông tin kết hợp với mô hình truyền thống với việc sử dụng kỹ thuật multimedia và kể ra tỷ mỷ công dụng của đèn chiếu, cá phương tiện mutilmedia sản xuất chuyên nghiệp, mạng máy tính, phần mềm dùng cho bài giảng Còn PGS.TS Nguyễn Đức Hưng, Phó Giám đốc ĐH Huế cho rằng: trong điều kiện hiện nay, với sự trợ giúp của kỹ thuật mới và công nghệ mới, các phương pháp dạy học hiện đại như: giải quyết vấn đề, khảo sát vấn đề, học hợp tác,v.v sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, GS Hoàng Tuỵ lại đặt vấn đề: Việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện trong giảng dạy là cần thiết nhưng chưa phải là nền tảng. Nếu làm mà không dựa trên một ý tưởng chủ đạo nào sẽ có nguy cơ sa vào hình thức, máy móc vì đã có những nước “đưa máy móc vào là thất bại”.

Nghiên cứu khoa học hay làm bừa?

GS Hoàng Tụy tâm tình: tôi đi đến đâu cũng thấy người ta nhấn mạnh, cốt lõi của phương pháp đổi mới giáo dục ĐH là khả năng sáng tạo. Hiệu trưởng một trường ĐH Kinh tế ở Nhật Bản đã nhắc đi nhắc lại “đầu óc sáng tạo” khi tôi hỏi “ở nước ông khi đổi mới giáo dục ĐH, điều gì là quan trọng nhất?”.

Để làm được việc này, theo GS, các trường ĐH, CĐ phải chú trọng đào tạo việc nghiên cứu, trước mắt là tăng cường nhiều hoạt động xêmina và làm việc theo nhóm. TS Võ Xuân Đàn, trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhấn mạnh: các trường hãy coi nghiên cứu khoa học như một phương pháp đào tạo. Có như thế, sinh viên mới biến qúa trình đào tạo thành tự đào tạo. Tuy nhiên, thế nào mới là nghiên cứu khoa học mới là điều đáng phải bàn. GS Hoàng Tuỵ đã bày tỏ băn khoăn về việc nghiên cứu khoa học không nghiêm túc: “Tôi thấy nhiều sinh viên làm luận văn không nghiêm túc. Tôi nghe báo chí nói ở ta chỉ có 50% thầy cô ĐH có nghiên cứu khoa học. Nhưng ở các nước khác, trường nào có khoảng 30% giảng viên làm công tác này cũng đã khả quan rồi. Ở ta, có những cái không đáng cũng cứ tôn lên, cứ làm bừa đi, không biết chuẩn mực là gì nữa”.

GS Vũ Văn Tảo thì cho rằng, giảng viên ĐH cần khơi gợi đầu óc sáng tạo của sinh viên bằng cách thường xuyên đặt câu hỏi, đưa câu hỏi cho sinh viên.

Giờ lên lớp của sinh viên Việt Nam quá ít!

PGS.TS Lê Phước Lộc, chủ nhiệm khoa Sư phạm, trường ĐH Cần Thơ cho rằng việc đổi mới về nhận thức: làm sao giảm thiểu giờ lên lớp lý thuyết là chuyện không dễ chút nào đối với nhiều giáo viên. Còn theo PGS.TSKH Nguyễn Hữu Đức, Hiệu trưởng trường ĐH Đà Lạt, giáo viên của trường đã cố gắng đầu tư thay đổi phương pháp giảng dạy để tiến tới giảm bớt giờ lên lớp lý thuyết.

Thế nhưng, GS Hoàng Xuân Sính, uỷ viên Hội đồng quốc gia giáo dục, hiện đang công tác tại trường ĐH dân lập Thăng Long, Hà Nội, thì nhận định: giờ lên lớp của sinh viên Việt Nam còn quá ít. GS Sính kể câu chuyện về việc trao đổi 8 sinh viên của trường sang một trường học của Pháp để minh chứng cho điều này. 8 sinh viên sẽ được tiếp nhận sang học 2 năm cuối tại trường học này sau khi đã học xong 2 năm đầu ĐH ở Việt Nam và đạt được một số yêu cầu khác về chuyên ngành, ngoại ngữ. Thế nhưng, khi làm thủ tục chuyển tiếp thì trường kia không nhận với lý do: các sinh viên Việt Nam học chưa đủ thời lượng theo quy định. Thời gian học 1 tiết ở Pháp là 1,5 giờ, trong khi ở Việt Nam chỉ có 45 phút. Cho các em học tiếp năm nữa, cũng chưa đạt số giờ theo quy định vì: học sinh Việt Nam “thừa” tới mấy trăm tiết các môn học: triết học, lịch sử Đảng, chủ nghĩa xã hội khoa học, quốc phòng

Nhân chuyện này, GS Sính đặt vấn đề khôi phục lại hình thức đào tạo ĐH hai giai đoạn mà Bộ GD – ĐT sau một thời gian thí điểm đã cho ngừng lại từ năm 1999.

Hạ Anh

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác