Đạo đức thầy cô: "Con sâu làm rầu nồi canh"
“Chúng ta có nhiều thầy cô là tấm gương đạo đức. Nhiều thầy cô lên làng bản xa xôi đầy khó khăn sống, làm việc như một niềm kiêu hãnh. Những hiện tượng tiêu cực là con sâu bỏ rầu nồi canh, là những vết hoại tử trong cơ thế giáo dục?" - Nhà báo Nguyễn Quang Thiều
“Không thể bình tĩnh được nữa”
“Chúng ta có nhiều thầy cô là tấm gương đạo đức. Nhiều thầy cô lên làng bản xa xôi đầy khó khăn sống, làm việc như một niềm kiêu hãnh. Cá nhân tôi cúi đầu ngưỡng vọng với họ.” – Nhà báo Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh – “Nhưng cố gắng lí giải, bênh vực cho và gọi những hiện tượng tiêu cực là con sâu bỏ rầu nồi canh liệu có còn thoảng đáng nữa, hay đó là những vết hoại tử trong cơ thế giáo dục?"
Tuy giáo dục có những đóng góp to lớn trong 20 năm qua, nhưng “đã đến lúc không thể bình tĩnh được nữa, khi nhiều việc dồn dập xảy ra”. Điều cần thiết là đề xuất giải pháp để giải quyết- ông Thuyết, người từng có nhiều năm đứng trên bục giảng nói.
Với cái nhìn của người cầm bút, nhà văn Chu Lai nói rằng: trong mớ bùng nhùng quanh ta. Nếu ngọt ngào trôi chảy thì ta cười. Nếu nổi mẩn lền thì: thôi, chuyện nhỏ. Cả đội ngũ lại tặc lưỡi cho qua. Thầy cô là biểu tượng sự thánh cao của dân tộc. Nếu không thoát mình được ra cuộc mưu sinh nhiễu nhương, thì những hiện tượng kia sẽ diễn ra rất nhiều.
"Lỗi của toàn xã hội"
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết, thầy cô, nhà trường phải chịu trách nhiệm. Trong trường hiện nay dạy rất nhiều môn giáo dục tư tưởng, đạo đức, chính trị, nhưng phải chăng chỉ có lý thuyết không, mà ít ứng dụng? Việc sinh hoạt đoàn đội thế nào, bàn việc gì?
Thứ hai, sự phụ thuộc của giáo dục vào nền kinh tế, xã hội là rất lớn. Những người lớn đã lơ là trách nhiệm giám sát trẻ con.
Thứ ba là trách nhiệm giáo dục của gia đình, cha mẹ.
Thứ tư, có phần lớn trách nhiệm của các phương tiện thông tin đại chúng. Đôi khi báo chí đã quá tô đậm những vụ việc bạo lực.
Còn nhà văn Chu Lai chia sẻ: Bức tranh GD hôm nay và ngày hôm qua có tương phản rõ nét. Cái hôm qua hào sảng, tinh khiết, khi số phận dân tộc và thầy cô gắn với nhau. Cả nước chỉ có một khát vọng nhân văn là tồn tại, đánh thắng quân xâm lược. Nhà trường chỉ đào tạo những người yêu nước, hết lòng đế cứu dân tộc.
Hòa bình- con người trở về đời thực, thì những bóng đen trở lại. Đó là quy luật ở bất cứ quốc gia nào. Cuộc giằng xé về phần quyền lợi, vật chất bật lên, cơn thác lũ thông tin ùa vào.
Và giáo dục chỉ là một bộ phận, chịu rất nhiều ảnh hưởng từ xã hội. Nhiều thầy cô đã rất cố gắng giữ nhân cách, cố chống đỡ lại cơn bão cuộc sống thực dụng, sự quyết tâm để bảo vệ nhân cách kéo dài quá, và họ đã không trụ nổi.
“Lỗi này là của toàn bộ xã hội.” – Nhà văn Chu Lai quả quyết.
Dùng luật pháp nghiêm minh để cứu
Theo thông kê sơ bộ, đã có hàng ngàn người nghe trực tuyến bàn tròn Nhân cách thầy cô và sứ mệnh giải cứu niềm tin của Tuần Việt Nam, có hàng trăm phản hồi gửi về ngay sau khi bàn tròn vừa kết thúc. Một sinh viên thuộc ĐH thuộc ngành vũ trang góp một câu chuyện buồn: thầy giáo nhận tiền phụ đạo, xào bài viết đăng báo, chiếm thời gian lên lớp kể chuyện tiếu lâm, dốc những cơn bực tức.
“Thầy cô như thế, chúng tôi sẽ là sản phẩm gì?” – sinh viên này đặt câu hỏi nhức nhối khiến ai cũng phải đau lòng.
Chia sẻ với sinh viên này và cũng là chia sẻ với những người quan tâm khác, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, muốn điều chỉnh thì phải thi hành luật pháp nghiêm minh. Góp phần vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính. Đối với xã hội, đó là con đường để giải quyết.
Còn với những thầy cô, khi đã chọn nghề làm thầy là chấp nhận sống điềm đạm, khiêm tốn, thanh đạm. Nếu muốn cuộc sống khác, thì ra khỏi nghề. Nếu chỉ cần một nghề để kiếm sống thì chọn nghề khác. Bởi vậy, mỗi người thầy cô phải dũng cảm đặt câu hỏi xem mình muốn gì?
Mặt khác, những nạn nhân sao không dám nói lên. Nếu ai cũng sợ bị trù dập trong trường, thì không còn ai dám nói gì nữa, cái xấu, cái xấu cứ tồn tại mãi.
Về quản lý ngành, phải nghiên cứu nghiêm túc, đánh giá thực trạng, đưa ra giải pháp cuối cùng. Có hệ thống thanh tra chặt chẽ.
Trong bức tâm thư gửi đến bàn tròn, cụ bà Lê Hiền Đức chia sẻ: nhiều năm nay, bà có rất nhiều hồ sơ, chứng cứ các vụ việc tiêu cực trong giáo dục, nhưng nhiều đoàn thanh tra đến rồi đi. Liệu có hi vọng gì mang những vụ việc ra đó ra ánh sáng?
“Đó là câu hỏi không thể trả lời trong một đời, mà phải trả lời trong nhiều đời.”- nhà văn Chu Lai nói.
Bằng chiêm nghiệm cuộc sống, ông cho rằng sự phát triển kinh tế bao giờ cũng tỉ lệ thuận với nhân cách (ngoại trừ trường hợp chiến tranh). Khi kinh tế ổn định đi lên, thì tiếng gọi dạ dày nó không kêu gào các nhà giáo nữa.
Lời kêu than của một bậc phụ huynh có 2 cháu nhỏ đi học đang bị tuyệt vọng, khi mọi thứ xung quanh đều có thể đổ thành tiền, thầy giáo mắng chửi học sinh thậm tệ, bằng cấp điểm chác hạnh kiểm đều mua được bằng tiền.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, người lớn có thể mất niềm tin, bế tắc đến mức hi vọng kiếp sau thôi. Nhưng trẻ con không được để như vậy. Cố gắng tránh cho các cháu chứng kiến những cảnh đó. Nếu các cháu có mắt thấy tai nghe, thì cố giải thích để con hiểu là hiện tượng xấu mà mình phải đấu tranh.
"Mỗi chúng ta ở các vai trò khác nhau, như mỗi người lính ở các điểm chốt, cứ cố bảo vệ chốt của mình cho thật chắc. Phía chúng tôi, các đại biểu QH, chúng tôi cúng nghe nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh, và tích cực tham gia giải quyết". – GS Thuyết cam kết.
Nhà văn Chu Lai bàn: Giải pháp tình thế là nghiêm trị, một cuộc điều tra đi sâu vào nhà trường - càng trường ở đô thị, càng có mua bán điểm. Phải đưa ra cuộc “thanh trừng nội bộ”. Nghiêm trị giáo dục có tác dụng hơn nghiêm trị trong kinh tế nhiều lần. Cái ủy mị, bùi ngùi, chín bỏ làm mười… đã đến lúc phải dừng.
Trên đây ta đã có một câu chuyện cụ thể, hãy đến ngay chỗ đó, tìm bằng chứng cụ thể, thải loại. Và tôi chỉ sợ sau khi điều tra xã hội học thì số này đông quá…
GS Thuyết nhắc tới việc những quy định luật pháp hiện nay đã tương đối đầy đủ. Nhưng vấn đề là thi hành luật không nghiêm. Liệu có phải ta sợ “rút dây động rừng” không? Và bản thân người đi xử cũng chưa tự tin khi xử tội người khác
Bàn tròn đã kết thúc bằng câu chuyện được nhà báo Nguyễn Quang Thiều kể lại. Ông hỏi một nhà thơ Colombia – một đất nước đang chịu sự đe dọa của ma túy, cờ bạc, mại dâm: “Làm thế nào để những bài thơ đẹp tác động được đến bộ phận xã hội màu đen kia”. Nhà thơ Colombia trả lời: "Họ bên kia đường. Chúng ta bên này đường. Chúng ta có thể chưa làm cho phía bên kia đường sáng lên, nhưng hãy giữ cho phía bên này đừng đen tối".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn