Đừng biến học sinh thành khúc gỗ!
"Việc làm cho học sinh trở thành những khúc gỗ biết nghe trên lớp được coi là thành công và khả năng quản lý giỏi của cô. Mọi ý tưởng sáng tạo hay đi chệch khỏi ý tưởng của cô đều bị gạt bỏ..."
Chị Trần Phương Hoa, Giáo viên trường Genetics - Đại học Bách khoa Hà Nội đã có những ý kiến trao đổi về tình hình dạy và học:
Cứ mỗi khi đến các kỳ tuyển sinh, các đợt thi cử, trên báo chí lại rộ lên những bài viết, những ý kiến của các nhà giáo dục, các chuyên gia, các độc giả bày tỏ những bức xúc của mình về tình hình giáo dục nước nhà.
Là một độc giả trung thành của báo Tiền Phong, một tờ báo có ảnh hưởng lớn trong dư luận xã hội, đồng thời là một bà mẹ có hai con đang đi học, tôi hy vọng qua báo có thể chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở và day dứt của mình về giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Ngay từ năm 1965, tác giả Philip Foster đã cảnh báo trước về cái gọi là “căn bệnh bằng cấp” (diploma disease). Hưởng ứng theo Foster, nhiều nhà khoa học chứng minh rằng khi mà các kỳ thi vào đại học giữ lối vào một xã hội nhỏ bé của những người có nhiều ưu thế hơn (những người đỗ đại học) thì toàn bộ hệ thống giáo dục tất yếu sẽ chỉ nhằm cho các kỳ thi.
Kết quả là cho ra đời những đứa trẻ học vẹt mà những gì chúng học chẳng có mảy may giá trị đối với chúng. Các nhà khoa học kết luận rằng việc nhấn mạnh vào các kỳ thi đại học sẽ làm biến dạng việc học thật sự và coi thường những giá trị thực tế của kiến thức.
Tất cả những điều mà các nhà khoa học của những năm 60 dự đoán và chứng minh hiện nay đã thành sự thật ở Việt Nam. Không hiểu các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục có nghiên cứu và có kinh nghiệm gì về vấn đề này không?
Hiện nay người ta nói nhiều đến hiện đại hóa phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên không phải một trường học được trang bị một phòng máy tính (tất nhiên là nhiều trường còn chưa có) hay các phương tiện hiện đại là hiện đại hóa. Cũng phải thừa nhận muốn đổi mới phương pháp phải có điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ.
Với một lớp học hơn 50 học sinh tiểu học hoặc trung học thì điều duy nhất mà cô giáo có thể làm là yêu cầu học sinh ngồi trật tự từ đầu đến cuối giờ để có thể nghe cô giảng bài. Việc trao đổi giữa giáo viên với học sinh hoặc giữa học sinh với nhau chỉ là điều không tưởng vì khi cô đang bận “thảo luận” với một ai đó thì lớp học thường trở thành một cái chợ vỡ. Để quản lý học sinh nhiều giáo viên đã phải ra những luật lệ hà khắc, nói một câu, trừ một điểm, quay sang trao đổi với bạn, trừ một điểm.
Tóm lại, việc làm cho học sinh trở thành những khúc gỗ biết nghe trên lớp được coi là thành công và khả năng quản lý giỏi của cô. Mọi ý tưởng sáng tạo hay đi chệch khỏi ý tưởng của cô đều bị gạt bỏ. Và như trên đã nói, vì là học để đi thi cho nên phải làm theo mẫu.
Với đáp án môn văn như đề thi đại học khối C và D năm nay, ai không học thêm thì khó có khả năng đỗ vì với biểu điểm cho đến 0,25 như vậy, những ý tưởng đi lệch khỏi đó liệu được thầy vớt vát cho mấy phẩy. Không hiểu các nhà phê bình văn học có ý kiến gì không khi mà văn học, một bộ môn nghệ thuật được bắt nguồn từ những cảm hứng vô tận lại bị gói ghém vào những “cái rọ nghiệt ngã” như thế?
Trình độ và khả năng sư phạm của giáo viên cũng là điều đáng bàn. Con tôi khi học lớp 3 (ở trường các cháu được học tiếng Anh từ lớp 1) đã đọc “Hi” là hi (lẽ ra phải đọc “hai”). Tôi giật mình và không hiểu chuyện gì đã xảy ra trên lớp.
Sau đó tôi đã cho cháu tới học ở một trường chuyên dạy tiếng Anh cho trẻ em. Lúc đầu cô giáo phụ trách cho rằng con của tôi không thể theo được vì cháu không nói được gì cả, phải vất vả lắm cháu mới phát âm được một từ. Cô đề nghị tôi nên cho cháu ở nhà. Tôi xin cô để tôi hỏi ý kiến cháu. Cháu nói rất thích học ở lớp mới và muốn được đi học. Tôi nói xin cô hãy cho cháu ở lại học. Sau đó một thời gian cháu đã tiến bộ và hiện là học sinh khá của lớp.
Động viên khích lệ trẻ dường như thiếu vắng trong các trường hiện nay, thay vào đó là phương pháp dọa nạt và trừng phạt. Cháu nhà tôi còn rất thích kể chuyện cười nữa. Tôi hỏi thế đến lớp con có kể chuyện cho các bạn nghe không thì cháu buồn rầu nói “Các bạn lớp con có máu lạnh hay sao ấy”. Cảm giác cô độc dường như đã manh nha trong cháu.
Ngoài ra còn rất nhiều điều cần phải bàn như chương trình học quá nặng, sách giáo khoa ôm đồm, hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan và dường như không thể kiểm soát được. Còn phải nói đến tệ chạy thầy cô để xin nâng điểm cho con.
Khi được thông tin Bộ sẽ hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS thì cô giáo lớp con tôi đã cảnh báo “Hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp thì người ta sẽ xét điểm trong 4 năm học, cháu nào có bảng điểm thấp sẽ rất thiệt”. Và lập tức số học sinh giỏi trong lớp học kỳ 1 đang từ 8 em nhảy lên thành 30 em với lời giải thích của cô “Đây là lớp ngoại giao của trường nên có nhiều trường hợp tôi cũng phải nâng điểm lên”.
Và một khi cô giáo chủ nhiệm có quyền sinh quyền sát như vậy thì bố mẹ nào chẳng phải ngoan ngoãn cúi đầu phục vụ cô để mong con mình có được một điểm số “đẹp”, bất chấp sức học của trẻ.
Một nhà giáo dục Nhật Bản nói rằng nền giáo dục của một quốc gia thể hiện rõ trên gương mặt của trẻ thơ nước ấy. Mong sao các nhà giáo dục Việt Nam đem lại cho trẻ em Việt Nam một gương mặt trung thực, nhân hậu, hồn nhiên và trong sáng, mỗi giờ học thực sự là niềm vui khám phá và niềm hạnh phúc của các em khi được tiếp xúc với kho tàng tri thức của nhân loại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu