Sống có trách nhiệm

08:35 SA @ Chủ Nhật - 29 Tháng Tư, 2007

“Sống có trách nhiệm” là chủ đề sinh hoạt, học tập của ngành giáo dục TP.HCM năm 2007 này. Đây là một chủ đề rất hay vì tinh thần trách nhiệm cá nhân đã phai mờ nhiều sau nhiều thập kỷ bao cấp.

Đối với học sinh, đó là trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Mỗi trường tự chọn lựa hình thức sinh hoạt. Trường Nguyễn Thị Minh Khai đã làm khá chu đáo với hai cuộc hội thảo toàn trường, một dành cho học sinh, một dành cho giáo viên. Hai cuộc hội thảo được chuẩn bị bởi hai cuộc khảo sát xã hội học trên 2.334 học sinh ba khối 10-11-12 và 115 giáo viên. Nội dung các câu hỏi đề cập việc dạy và học, chuyện nghỉ ngơi thư giãn, kỷ cương nhà trường và mối quan hệ thầy trò.

Ở đây chúng tôi chỉ xem xét câu hỏi về mối quan hệ thầy trò trong khía cạnh dạy người mà thôi. Nội dung câu hỏi giống nhau cho học sinh và giáo viên: “Khi gặp khó khăn trong học tập hay trong cuộc sống, các em có tìm đến thầy/cô để tâm sự hay xin lời khuyên không?”. Câu trả lời khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Nếu đặt trọng tâm ở dạy người thì sự dẫn dắt học sinh ngoài giờ học thuộc về trách nhiệm của giáo viên. Đối với thanh thiếu niên, ngoài cha mẹ, thầy cô là chỗ dựa tinh thần lớn nhất. Có thể ở nước ta nhiệm vụ này chưa được qui định một cách chính thức trên giấy trắng mực đen và vai trò người thầy bị bó hẹp trong nhiệm vụ “đứng lớp”. Nhưng dù sao con số cũng làm ta giật mình. Sự đánh giá của giáo viên lạc quan hơn nhận xét của học sinh rất nhiều.

Con số áp đảo trên 60% học sinh “không bao giờ” tìm đến thầy cô có nghĩa gì đây?

Trong khi chỉ 12% giáo viên cho rằng học sinh không bao giờ tìm tới họ.

Lý do vì sao? Lẽ ra nếu cả đôi bên được trả lời thêm câu hỏi mở này thì ta sẽ khám phá nhiều điều lý thú. Nhưng dù sao tình hình cũng khá báo động.

Chắc các trường khác cũng không khác mấy với Trường Minh Khai. Trong buổi hội thảo tổ chức ngày 24-3 vừa qua, thầy cô có nêu lên một số ý kiến như học sinh thích hỏi bạn đồng trang lứa hơn, trường đã có phòng tham vấn tâm lý...

Nhưng ý kiến được đưa ra nhiều nhất là thầy cô không có giờ. Dạy xong một lớp phải nhanh chóng chạy qua lớp khác hay đi làm nhiệm vụ khác...

Và câu trả lời về nghỉ ngơi giải trí của thầy cô cũng làm ta giật mình. Giáo viên không có thời gian hay chỉ có dưới một giờ để nghỉ ngơi giải trí chiếm tới 67,8%! Có mặt tại buổi hội thảo, ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT, đã nhấn mạnh khía cạnh dạy người cho học sinh. Vì theo ông, giáo viên đã hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Nhưng chỉ về mặt thời gian vật chất thôi, giáo viên cũng đã không hoàn thành nổi nhiệm vụ dạy người của mình. Và ai chịu trách nhiệm về đời sống tinh thần của giáo viên trong tình trạng họ làm việc không kịp thở đây?

Chỉ một cuộc điều tra bỏ túi tại một trường học đã cho ta nhiều ý tưởng khác để nghiên cứu tiếp. Rất cần biết tại sao học sinh không tìm đến giáo viên khi chúng có vấn đề. Cũng cần đặt câu hỏi tại sao cho giáo viên. Có thể trong các câu trả lời ta phát hiện về mặt kỹ năng, giáo viên chưa được trang bị đủ để tiếp cận và tham vấn cho học sinh.

Kết quả chắc chắn sẽ gợi lên nhiều đề tài tập huấn, bồi dưỡng lý thú và cần thiết. Nó cũng sẽ bắt ta nghiên cứu kỹ hơn về trách nhiệm của ngành giáo dục đối với giáo viên.

HỌC SINHTHẦY CÔ
Rất thường xuyên1,32%3%
Thường xuyên4,4%13%
Thỉnh thoảng29%73%
Không bao giờ60,49%12%
ghi chú: phần trả lời của giáo viên
nhiều hơn 100% vì có người đánh dấu ở nhiều
câu trả lời
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhìn lại việc giáo dục nhân cách cho sinh viên

    08/09/2016GS. Tương LaiNếu trong một thời gian dài, lòng trung thành được nói đến nhiều hơn sự trung thực thì đã đến lúc cần xếp lại vị trí ưu tiên cho cái cần được chăm lo bồi dưỡng, “cái đang thiếu”! Mà nếu thiếu cái gì đó, thì “cái còn lại còn gì là đáng giá” kể cả lòng trung thành!
  • Thấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?

    21/10/2003Trương HiệuCuộc điều tra về giáo dục học tại TP.HCM mới đây đã cho thấy thực trạng: 60% sinh viên sống khép mình, ít tham gia hoạt động xã hội; 10% sinh viên hướng vào vui chơi, hưởng thụ và chỉ có 30% sinh viên say mê học tập...
  • Mục tiêu giáo dục: Thành nhân trước khi thành tài!

    30/09/2006Trần Sĩ ChươngNhiều năm nay, ngành giáo dục nước ta đã lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên ở mọi cấp. Những vấn đề tiêu cực trong ngành đang là nỗi bức xúc lớn của toàn xã hội. Tân Bộ trương Nguyễn Thiện Nhân đã đặt mục tiêu phòng chống tiêu cực lên hàng đầu như chống gian lận trong thi cử và bệnh thành tích của Bộ giáo dục...
  • Mệnh lệnh từ cuộc sống

    02/07/2005Hà Thạch HãnCâu chuyện giáo dục lại nóng lên! Khi 23 nhà giáo, nhà khoa học mà đứng đầu là GS Hoàng Tụy “dâng sớ” đề nghị Thủ tướng Chính phủ cải cách và hiện đại hóa nền giáo dục, mọi người đều đồng thuận, hưởng ứng...
  • Bình thường hoá đời sống nhà trường

    13/02/2003Đời sống nhà trường hiện đại cần được diễn biến một cách bình thường, phù hợp với đời sống bình thường của cả 100% dân cư. Do đó, từ quan niệm đến triển khai thực tiễn, những nhà làm luật không nên phỏng theo nền giáo dục cũ, không nên căn cứ vào kinh nghiệm của thế hệ mình, không nên có những ảo tưởng xa vời... để đề ra Điều nay, Chương nọ.