Không vô cảm
Một lần nữa cái tên Đỗ Việt Khoa lại nóng lên trên các trang báo. Một câu chuyện có vẻ lặt vặt, chỉ là những xử sự của con người cụ thể với nhau, mà nhuốm nỗi buồn. Một bên là "người đương thời" Đỗ Việt Khoa, với lời tố cáo bị đe dọa hành hung bị cướp máy tính chỉ vì - như mọi lần- đã dám lên tiếng về những khoản thu không đúng quy định ở một trường THPT, sự "mập mờ" trong những phòng học áp sát cổng trường để phục vụ dạy thêm.
Một bên là phía nhà trường với những bằng chứng hùng hồn và không kém phần bức xúc về thái độ thiếu nghiêm túc trong công việc, bỏ giờ, bỏ tiết của một thầy giáo "tự cô lập mình", luôn thủ sẵn máy ghi âm để rồi chuyện gì cũng đưa lên báo, làm phức tạp tình hình...
Bỏ qua những chi tiết có vẻ vặt vãnh, dù về bản chất những chi tiết ấy có thể nói lên những chuyện lớn, thì việc Đỗ Việt Khoa luôn tự mình gánh lấy những "rắc rối", những "hiềm khích" trong chính môi trường làm việc của mình có vẻ là một việc không được "thức thời" cho lắm. Giữa thời buổi giá cả leo thang, trăm nỗi lo đổ xuống những viên chức thu nhập bình bình, thì việc tỉ mẩn kê ra những khoản thu chi từ quỹ hội phụ huynh đến tiền xây dựng, cặm cụi gửi kiến nghị giải quyết rốt ráo dễ bị coi là chuyện lạ, "chuyện rỗi hơi". Mà "vụ việc" Vân Tảo cũng chỉ là "chuyện thường ngày" đâu đã phải là điểm nóng ở ta - một nền giáo dục còn bao nhiêu bất cập? Cho nên, dễ hiểu là những người lãnh đạo trường THPT Vân Tảo, nơi thầy giáo Khoa đang thụ giảng cũng "bức xúc" vì cách "hành xử" có vẻ "cực đoan" của người đồng nghiệp, bức xúc vì đã bất đắc dĩ trở nên "nổi tiếng" chỉ vì "người đương thời" lúc nào cũng muốn mọi chuyện phải thật minh bạch, thật rõ ràng.
Đúng như một đồng nghiệp của tôi nhà báo Kỳ Duyên, đã nhận xét: Đỗ Việt Khoa cũng chỉ là một con người với tất cả cái hay, cái dở, cái mạnh, cái yếu, cái mặc cảm thân phận và cái bướng bỉnh của người tin mình có lẽ phải, đến mức có người cho là "soi mói", thậm chí có lúc có cả sự ảo tưởng, hãnh tiến của một anh giáo làng. Nhưng không thể phủ nhận, thầy giáo Đỗ Việt Khoa có lý tưởng của đời mình, đến mức trở nên "gàn", "ngang ngạnh". Trong thâm sâu của sự "ngang ngạnh" ấy, có chất lấp lánh của con tim lương thiện, một niềm tin chính trực và sâu sắc về nghề.
Ông Đỗ Việt Khoa, sinh năm 1968, quê Hà Tây. - Tốt nghiệp ĐH Khoa học-Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) chuyên ngành Toán Tin, khoá học 1996-1999. - Chính thức chuyển sang công tác ngành giáo dục sau 2 năm tốt nghiệp ngành Địa. - Từ năm 1994-1999 dạy tại trường THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên (Hà Tây) - Từ năm 1999 đến nay, công tác tại trường THPT Vân Tảo. |
Cũng như hai năm trước đây, khi ngành giáo dục "yên tâm" với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao chót vót, "thư thái" với sự giả dối thản nhiên lộng hành, Đỗ Việt Khoa đã dám đứng lên tố cáo cái sai, cái xấu và căn bệnh thành tích trong giáo dục. Một động thái "đội đá vá trời", nhưng đủ để dấy lên một làn sóng mạnh mẽ về quyết tâm lập lại sự nghiêm túc của thi cử, tạo dựng không khí nghiêm trang chốn học đường. Trong những hành xử hàng ngày khi tiếp xúc với bộ máy công quyền, chạm mặt những nhân viên công vụ chưa ý thức sâu sắc về trách nhiệm "phục vụ người dân", chính chúng ta cũng có thể gặp những phiền toái, khó chịu và bức xúc. Doanh nghiệp khó chịu vì hải quan sách nhiễu, cán bộ thuế "làm khó" vì những biểu mẫu phức tạp và hay thay đổi. Bệnh nhân đi khám ở bệnh viện bức xúc vì thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh của một số không ít nhân viên y tế vốn nhiễm thói cửa quyền, coi bệnh viện là thương trường, là chốn "làm ăn"... Thế nhưng, đã mấy ai trong chúng ta dám nổi xung lên, dám khiếu nại,"ý kiến", hay sự "thông minh" của những người đã quen va vấp trường đời dạy cho đa số những "tội nhân" bất đắc dĩ sự im lặng. Im lặng cho được việc. Im lặng là vàng. Càng là không tưởng nếu mong có những nhân viên hải quan thuế vụ lên tiếng về sự "sách nhiễu" doanh nghiệp của đồng nghiệp mình; không hy vọng sẽ có những cán bộ y tế dám quyết liệt đấu tranh với sự "vô cảm"; phanh phui cái xấu của một số đồng nghiệp không còn xứng với chiếc áo lương y.
Thế cho nên, trong ngành giáo dục, phải cảm ơn những người như Đỗ Việt Khoa. Cảm ơn vì sau hơn hai năm trở thành "người đương thời" nếm đủ cả những vinh quang và cay đắng của một người nổi tiếng, ngấm vào lòng sự xót xa, lo lắng của người vợ trẻ và hai đứa con thơ, người thầy giáo làng này vẫn rừng rực ngọn lửa khát vọng về lẽ công bằng, về một môi trường giáo dục trong sáng, lành mạnh, đúng như nó phải có. Dù việc cứ khuấy mãi những việc "lặt vặt" ở một ngôi trường cụ thể có gì "hơi thái quá", dù sự "đa mang" của thầy Khoa có thể khiến đồng nghiệp của thấy ở trường THPT Vân Tảo "phiền lòng" thì tư duy ấy, khát vọng ấy vẫn đáng trân trọng, và cần phải lắng nghe để giải quyết cho thấu đáo.
Đỗ Việt Khoa đã làm hết những điều có thể của một viên chức ngành giáo dục với những giới hạn về chức phận của mình. Nói một cách hình ảnh thì thầy Khoa đã gióng lên được một tiếng chuông. Còn việc giải quyết rốt ráo, dứt điểm những vấn đề của ngành giáo dục, phải chờ ở cấp cao hơn. Cũng như Đỗ Việt Khoa, chúng ta hy vọng những đổi thay ở giáo dục và không chỉ trong giáo dục. Bởi trong mọi lĩnh vực cuộc sống vẫn còn và sẽ có thêm nhiều những người tâm huyết, cháy bỏng như Đỗ Việt Khoa.
Mặt trận trên cao
(Lê Thiếu Nhơn, Người Việt biết đùa)
Mặt trận trên cao vụ việc tiêu cực ở trường THPT Lê Quý Đôn cũng kết thúc bằng quyết định đình chỉ quyền quản lý của Hiệu trưởng Trần Thanh Vân và Hiệu phó Nguyễn Thị Quế Hương. Đây có thể xem là "vụ án" đáng chú ý của ngành Giáo dục Việt Nam năm 2006, năm có rất nhiều sự kiện quan trọng khiến thế giới chú ý đến nước ta như gia nhập WTO, như tổ chức tuần lễ cấp cao APEC. Bằng tất cả thiện chí để thực hiện đợt vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích" do chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phát động, thì thử hỏi còn bao nhiêu ngôi trường nổi tiếng và ít nổi tiếng ở nước ta vẫn còn dòng chảy ngầm chạy điểm, chạy trường? Oan ức nhất trong chuyện không có gì hay ho ở trường Lê Quý Đôn vốn có truyền thống dạy tốt học tốt đất Sài Gòn, không phải là những người đã mất chức hoặc bị khởi tố, mà chính là cô giáo Nguyễn Thanh Hằng đã từng dũng cảm chống tiêu cực. Cô giáo Nguyễn Thanh Hằng không có tội gì, nhưng suốt một thời gian bị tẩy chay, bị trù dập, bị đuổi khỏi bục giảng quen thuộc của mình một cách không thương tiếc. Cô Hằng đã từng tuyệt vọng khi nhờ đến một tờ báo ngành Giáo dục can thiệp nhưng kết quả chẳng đâu vào đâu. Nếu lần này, không phanh phui cái xấu bao năm gặm nhấm trường Lê Quý Đôn thì chắc chắn còn lâu nỗi uất ức của cô giáo Nguyễn Thanh Hằng mới được hóa giải. Người xưa có câu "kinh sư dị cầu, nhân sư nan đắc" (tạm dịch nghĩa: giáo viên có tri thức sách vở thì dễ tìm, mà giáo viên có nhân phẩm, đức độ rất khó kiếm). Không chỉ bảo vệ cô giáo Nguyễn Thanh Hằng hay thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Tây, mà ngành Giáo dục cần có tưỏng thưởng xứng đáng cho họ.
Đất nước ta đang từng bước đẩy lùi khó khăn và thiếu thốn, để tiến đến xây dựng một xã hội công bằng dân chủ văn minh đích thực. Trong nhiều thứ ngổn ngang đang tồn tại, Bộ Giáo dục Đào tạo đang phải đối mặt với nhiều bất cập nhất, bởi lẽ ngành này chịu trách nhiệm trang bị bản lĩnh tốt đẹp cho con người Việt Nam thế kỷ 21 vươn cao, vươn xa. "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích" không thể bắt đầu từ nơi nào khác, mà phải từ chính đội ngũ thầy, cô giáo. Nhiều thế hệ học trò, nhiều thế hệ phụ huynh vẫn tự hào rằng trên khắp dải núi sông hình chữ S có hàng ngàn, hàng vạn giáo viên tận tụy và gương mẫu. Vì vậy, chúng ta không có gì hoang mang khi đây đó xuất hiện vài trường hợp người thầy, người cô đáng trách. Cô giáo Đỗ Thị Thanh Hòa ở trường Lê Quý Đôn ngửa tay nhận 2.000 USD để chạy trường cho học sinh kém, không có quyền đại diện và không thể thay mặt những cô giáo nghèo ở bản làng hẻo lánh từng ngày cõng chữ lên non.
Đánh chặn nhiễu nhương và tôn vinh những đóng góp thầm lặng của đội ngũ giáo viên là hai việc cần tiến hành song song trong công cuộc chấn hưng và phát triển giáo dục. Bởi lẽ, "thân giáo thân vu ngôn giáo", người thầy lấy bản thân mình để giáo dục hơn là giáo dục chỉ bằng lời nói gió bay?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005