Cần thay đổi triết lý đánh giá chỉ qua văn bằng!
Đổi mới việc kiểm tra - đánh giá nhằm trị tận gốc căn bệnh “thành tích”; thay đổi triết lý đánh giá trình độ con người chỉ qua văn bằng...
Thiếu và yếu năng lực đánh giá của giáo viên
Hoạt động kiểm tra, đánh giá gắn liền với mục tiêu và nội dung đào tạo, vừa mang tính định lượng lại mang cả tính định tính. Do vậy, hoạt động này là một công việc khó khăn phải đầu tư nhiều công sức mới có kết quả mong muốn. Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh cho biết: Người đánh giá học sinh trong nhà trường hiện nay là giáo viên. Trên thực tế, trong công tác đánh giá học sinh, hầu hết giáo viên đã làm việc hết sức trách nhiệm, tương đối đảm bảo các yêu cầu đề ra của nhà trường. Tuy vậy, giáo viên vẫn còn những bất cập cơ bản như: nhận thức về hoạt động đánh giá còn khá đơn giản cả về mục tiêu yêu cầu cũng như quy trình, điều kiện và kỹ năng đánh giá. Kỹ năng đánh giá của giáo viên thường dựa vào thói quen kinh nghiệm, dễ bị cảm tính chủ quan chi phối qua các mặt hạnh kiểm, đạo đức hay thể, mỹ, lao động... chưa có tiêu chí định lượng cụ thể.
Điều kiện đánh giá của giáo viên hiện nay đang còn nhiều khó khăn: Sự thống nhất chuẩn mực giữa các đồng nghiệp chưa được đề ra đúng mức; điều kiện theo dõi lớp học, học sinh quá đông; phương thức hoạt động của lớp còn thụ động, vai trò chủ thể của học sinh ít phát huy nên khó nhận diện được bản chất để đánh giá đúng mức; thời gian tiếp xúc với học sinh và phối hợp các lực lượng để có cái nhìn toàn diện và biện chứng của giáo viên đối với đối tượng đánh giá còn nhiều giới hạn; thậm chí từ ngữ được dùng để đánh giá ghi vào học bạ cho học sinh đôi khi còn tùy tiện, chưa mang tính chuẩn mực sư phạm.
TS Lê Thị Thanh Thảo: Đổi mới đánh giá phải đổi mới từng bước để người giáo viên tiếp cận được |
Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc này, theo TS Thảo, là đang thiếu trầm trong đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực này và ngay từ đầu đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của việc kiểm tra - đánh giá nên không có chiến lược phát triển đội ngũ đúng và kịp thời. Điều này thể hiện rất sinh động: Trong chương trình đào tạo của các trường sư phạm đã từ lâu khiếm khuyết toàn bộ mảng kiến thức về kiểm tra - đánh giá... Thực tế cho thấy chiến lược phát triển đội ngũ trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập, ví như Bộ GD-ĐT đã thành lập Trung tâm Khảo thí cách đây hơn hai năm nhưng hiện nay Trung tâm này đang thiếu những người được đào tạo cơ bản để kiểm tra – đánh giá nên khá lúng túng trong việc xây dựng và thẩm định Ngân hàng Đề thi Tuyển sinh ĐH.
Thi cử trong trường học phổ thông và tuyển vào ĐH là một đề tài luôn gây nhiều tranh cãi. Với cách thi cử lâu nay, dù thi tốt nghiệp hay thi học sinh giỏi đều cùng một kiểu: thầy ra đề, học trò làm bài trên giấy, cố gắng trong một thời gian nhất định viết lại càng nhiều và càng trung thành càng tốt các kiến thức mà mình đã tiếp thu từ thầy. Cách đánh giá bài làm bằng điểm số, điểm được quy định chi tiết trong một đáp án, nói trúng ý này hoặc trả lời trúng câu này là bao nhiêu điểm, trúng ý kia hoặc câu kia là bao nhiêu điểm. Cộng điểm số từng câu lại, ta có điểm số cả bài; cộng điểm số các bài lại, người ta có tổng số điểm bài thi. Tổng số này thể hiện trình độ của người thi.
Theo TS Hồ Thiệu Hùng cách thi cử và đánh giá trình độ người học hiện nay nặng tính chất hàn lâm, chỉ kiểm tra một số kiến thức qua một số môn thi; được thực hiện trong phạm vi thời gian nhất định bằng cách viết trên vài tờ giấy thi. Trong thực tế, những điều thí sinh viết ra được trên giấy bị khá nhiều tác động gây nhiễu, khiến cho “trình độ” được thể hiện trong bài thi lắm khi không phải là trình độ thật của thí sinh. Từ đó, ở nhiều người lại nảy sinh thói nghi ngờ mọi kết quả thi đậu với tỷ lệ cao và tâm lý tương đối an tâm khi biết tỷ lệ thấp. Một lối đánh giá về tính tin cậy của kỳ thi hết sức cảm tính!
Năm phương pháp thay đổi đánh giá học sinh
Lối thi cử truyền thống của Việt Nam có không ít nhược điểm vì nó không giúp nhiều cho việc đánh giá sản phẩm theo mục tiêu mà Luật Giáo dục yêu cầu. Thay đổi lối thi cử hiện nay đã thành vấn đề thời sự. Nhưng thay đổi để dẫn đến kết quả mong muốn là việc đánh giá trình độ học sinh phải trở nên khách quan, trung thực, toàn diện hơn không phải là đơn giản.
Theo ông Hùng, có năm mức độ cải tiến từ dễ đến khó:
Thứ nhất, thành lập ngân hàng đề phong phú, đáng tin cậy, phủ hết chương trình các môn thi. Từ ngân hàng này, cứ đến kỳ thi, người ra đề thi chỉ phải rút ra một cách ngẫu nhiên và cấu trúc lại thành một đề hoàn chỉnh. Song song đó, thay thế kiểu ra đề tự luận 100% hiện nay bằng ra đề trắc nghiệm khách quan cho các môn tự nhiên, ngoại ngữ và một số nội dung trong các môn xã hội. Cách giúp này giảm bớt tính chủ quan của người được chọn ra đề, giảm hiện tượng dạy tủ học tủ, dạy thêm học thêm, lại nâng cao chất lượng đề thi.
Thứ hai, với ngân hàng đề có sẵn, chuyển một số môn thi viết và đưa thêm một số môn khác thành thi vấn đáp. Số môn thi vấn đáp có thể chiếm tỷ trọng mỗi năm một cao. Cách làm này tránh được hiện tượng quay cóp và tiêu cực trong phòng thi, giúp giám khảo đánh giá kỹ hơn, sát hơn trình độ hiểu biết và kỹ năng diễn đạt nói của học sinh.
Đánh giá học tập để phân loại hoặc tuyển chọn người học |
Theo TS Lê Văn Hào, ĐH Thuỷ sản Nha Trang, điều này có lẽ là mục đích phổ biến nhất của các trường trong hoạt động đánh giá học tập. Thông qua đánh giá, sẽ phân loại người học về trình độ nhận thức, năng lực tư duy, hoặc kỹ năng. Sự phân loại này có thể nhằm phục vụ cho những mục đích khác nhau: xét lên lớp, khen thưởng, xét tuyển đối với bậc học cao hơn, xét tuyển dụng lao động. Đánh giá còn nhằm mục đích xem xét một chương trình học hoặc một nhóm đối tượng người học có đạt được yêu cầu tối thiểu về mặt chất lượng đã được xác định hay không. Đánh giá theo mục đích này thường được tiến hành bởi các nhà quản lý giáo dục hoặc các cơ quan quản lý chất lượng giáo dục. Thực tiễn giáo dục cho thấy một khi hoạt động đánh giá được tổ chức đều đặn và thích hợp thì chất lượng học tập không ngừng được nâng cao. Đánh giá xem như một chất xúc tác giúp cho “phản ứng học tập” được diễn ra thuận tiện hơn, hiệu quả hơn. Kết quả đánh giá có thể cho phép người học thấy được năng lực của họ trong quá trình học tập. Muốn vậy, thông tin đánh giá cần đa dạng (chẳng hạn cho điểm kết hợp với nhận xét) và hoạt động đánh giá cần diễn ra tương đối thường xuyên. Ở nhiều trường hiện nay, giáo viên phải dạy các lớp đông, dẫn đến họ không dám đánh giá thường xuyên vì không có thời gian chấm bài, mà có chấm thì đa số cũng chỉ cho điểm chứ hiếm khi có nhận xét về ưu, nhược điểm của người làm bài. Thông qua đánh giá, giáo viên có thể biết được năng lực học tập và khả năng tiếp thu về một vấn đề cụ thể của người học, biết được tính hiệu quả của một phương pháp giảng dạy hoặc một chương trình đào tạo nào đó và từ đó có thể khắc phục những hạn chế... |
Thứ tư, trị căn bệnh “thành tích” tận gốc, chấm dứt kiểu đánh giá chất lượng dạy và học qua thành tích tốt nghiệp. Điều này phải bắt đầu từ cách quản lý… xã hội: Nghiêm trị những nơi lừa dối cấp trên, lừa dối xã hội bằng những thành tích ảo.
Thứ năm, khó khăn nhất là thay đổi triết lý đánh giá trình độ con người chỉ qua văn bằng, mà đánh giá qua những gì người đó làm được. Từ đó, tạo nên một triết lý mới: Người thi rớt không phải là người buộc phải thất bại trong đời, bởi dù sao thi cử cũng chỉ mới là một “cuộc chơi” sát hạch về lý thuyết của vài môn học mà thôi.
TS Đỗ Hạnh Nga, ĐH Sư phạm TP.HCM, lại cho rằng, để kiểm tra có thể đóng vai trò của mình một cách hiệu quả - tức hỗ trợ cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học thì cần phải cân nhắc một số vấn đề trong thực thi kiểm tra. Việc giáo viên cung cấp thông tin phản hồi từ kết quả kiểm tra phải giúp cho học sinh thấy được những khiếm khuyết trong kiến thức, kỹ năng và thái độ hiện tại so với yêu cầu của giáo viên và chính người giáo viên phải đưa ra được những chỉ dẫn, biện pháp khắc phục và cải tiến những khiếm khuyết đó. Nếu người giáo viên làm được như vậy thì nhận xét về những sai sót, lỗi trong bài kiểm tra, bài tập sẽ có ý nghĩa đối với học sinh hơn là việc giáo viên chỉ đơn thuần cung cấp cho học sinh một câu trả lời, một lời giải hoàn hảo theo kiểu “văn mẫu", “toán mẫu"; hay đáp án có sẵn và bắt học sinh học thuộc lòng.
Quan trọng hơn cả là việc xác định đầy đủ và đúng đắn mục tiêu học tập cho từng môn học và cho từng bài học. Để thực hiện việc này, giáo viên cần phải được đào tạo và được hướng dẫn cách soạn mục tiêu giảng dạy, cách soạn một bài kiểm tra cho phù hợp với mục tiêu và chương trình học. Từ trước đến nay, chương trình đào tạo giáo viên của các trường sư phạm thiếu hẳn mảng kiến thức này, vì vậy giáo viên khi ra trường hầu như không biết những nguyên tắc đơn giản nhất của việc soạn một bài kiểm tra có tính khoa học. Hay nói rộng hơn là soạn một chương trình học hay giáo án cho phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của khoa học giáo dục. Chính vì vậy, vấn đề giáo viên phổ thông được bồi dưỡng kiến thức về đánh giá nói chung và soạn các loại bài kiểm tra nói riêng là một việc làm cấp bách hiện nay.
Việc lựa chọn quy trình và công cụ cho kiểm tra phải vừa bảo đảm những tiêu chí chất lượng đặc thù, đồng thời phải thích hợp cho mục tiêu “kiểm tra” . Hiện nay, khoa học giáo dục hiện đại đã đưa ra nhiều phương pháp kiểm tra có thể đồng thời áp dụng cho một môn khoa học giúp cho người giáo viên dễ dàng có được thông tin phản hồi từ phía học sinh nhằm cải tiến hoạt động dạy – học của thầy và trò.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường