Trừng phạt học trò
Dư luận lại xôn xao và phẫn nộ vì những vụ trừng phạt, làm nhục học sinh. Mộtcháu bé lớp 5 ở Châu Thành (Đồng Tháp) do bị nghi lấy cắp 47.800 đồng nên bị nhiều tầng nhiều lớp "hỏi cung" đã hoảng loạn, trở nên ngây ngô, và phải đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị.
Một cháu khác lớp 7 (cũng ở Đồng Tháp) uống thuốc sâu tự tử sau khi bị cô giáo làm nhục vì bị nghi liên can đến việc mất cắp 100.000 đồng. Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải đến tận nơi xem xét tình hình và tìm cách xử lý. Hai trường hợp này gây chấn động tâm lý nặng nề và có hậu quả nghiêm trọng hơn những việc "cho roi cho vọt" và các hình phạt thân thể khác trước đây đã làm xôn xao dư luận.
Chúng ta còn nhớ chuyện ở Gò Vấp (TPHCM), giáo viên thể dục đã bắt học sinh "hít đất" cả trăm lần do "hư"; chuyện một cô giáo ở Hà Tĩnh trừng phạt học sinh bằng cách bắt các em liếm ghế; chuyện một cô giáo ở Tân Kỳ (Nghệ An) đánh học sinh 200 roi "theo hình thức kỷ luật mà lớp đã đề ra (2 lần vi phạm nội quy của lớp là 50 roi, cứ thế nhân lên)"; chuyện một học sinh lớp 8 ở Bình Thuận bị thầy giáo đánh đến mức tay bị phù nề; chuyện phạt học sinh lớp ba đi bằng đầu gối 100 vòng ở Hải Phòng; chuyện cô giáo bắt 3 học sinh tụt quần ra đánh ở Vị Thanh (Cần Thơ); chuyện học sinh bị phơi nắng rồi bắt tự vả vào mặt nhau ở TPHCM; nạn bạo hành, nhục mạ, đánh, đấm học sinh chỉ vì những lỗi nho nhỏ, thậm chí đánh trọng thương; đến chuyện xén tóc, cắt quần học sinh,... Đấy là những sự vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền.
Chúng ta đã có Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, chúng ta đã ký các công ước quốc tế về nhân quyền, về bảo vệ các quyền của trẻ em.Tại sao vẫn xảy ra những chuyện đau lòng như vậy? Có thể có rất nhiều nguyên nhân, từ kỹ năng ứng xử kém như bà Thứ trưởng nhận xét, đến "tu dưỡng" kém, cho đến coi thường pháp luật. Ơ đây chỉ nêu hai khía cạnh.
Thứ nhất, nhận thức của xã hội ta còn bị ảnh hưởng rất nhiều của những lề thói từ ngàn xưa. Câu "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" của các cụ không phải hoàn toàn không có cái lý của nó trong bối cảnh một gia đình, song cách hành xử như vậy, dù là yêu thương, ngay cả trong gia đình cũng không thể chấp nhận được nữa.
Cách cư xử của nhà nước gia trưởng một thời vẫn còn in đậm nét trong nếp suy nghĩ, trong tầng sâu của vô thức xã hội. Vua quan coi dân là con, và ứng xử như các ông bố gia trưởng và độc đoán: tự nhận việc chăm lo cho dân như cho con cái; lo từ miếng cơm manh áo khiến cho người dân hay ỷ lại; và tất nhiên có quyền trừng phạt con cái khi chúng hư, cũng có khi con ngoan nhưng bố nóng tính.
Thậm chí ngày nay cách ứng xử như vậy của cán bộ nhà nước và các cơ quan nhà nước vẫn còn. Ngay cả các giáo viên trẻ, vừa mới được đào tạo đủ thứ hiện đại, kể cả tâm lý trẻ em và phương pháp giảng dạy, cũng hàng ngày hàng giờ vẫn tắm mình cái trong đại dương truyền thống (xấu) mênh mông đó. Trong nhà trường cần có kỷ luật, song dùng bạo lực để duy trì kỷ luật là không thể chấp nhận được.
Rất đáng tiếc nhiều giáo viên tuy phản đối bạo hành, nhục mạ học sinh nhưng vẫn nghĩ cần phải có hình phạt để duy trì kỷ luật, kỷ cương. Những khía cạnh nhận thức, tâm lý xã hội này chỉ có thể được khắc phục từ từ trong thời gian dài qua nâng cao nhận thức của các quan, của dân, qua đào tạo, huấn luyện, qua nỗ lực của tất cả các lực lượng trong xã hội, qua các quy định hướng dẫn rất cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ hai, việc đánh, nhục mạ, trừng phạt học sinh như vậy bị luật cấm, nói cách khác, những việc làm ấy là phạm pháp, các thầy cô đó đã vi phạm pháp luật. Có ai trong số họ bị truy tố vì những hành vi phạm tội đó? Nghe nói họ có bị kiểm điểm, thậm chí một vài người bị cách chức như trường hợp "hỏi cung" vừa xảy ra.
Nhưng có lẽ do bệnh "thành tích" mà các trường, các địa phương chỉ muốn "tự xử lý", "đóng cửa bảo nhau" trừ những trường hợp quá thể mà báo chí đã lên tiếng thì có "kiểm điểm", chuyển công tác hay cách chức. Những kẻ phạm pháp rành rành như vậy phải bị truy tố trước pháp luật và phải được xử một cách rất nghiêm minh. Nếu không thì dù có "giáo huấn" họ, tổ chức cho họ học và "noi gương" cũng không có kết quả mấy.
Theo tôi, vì rất nhiều lý do - trong đó có chủ nghĩa gia trưởng trong cách hành xử của cán bộ và cơ quan nhà nước - chúng ta đã làm xói mòn niềm tin của người dân vào hiệu lực của pháp luật, do luật không bám sát thực tế cuộc sống, khó thực thi, do xử sai và do các cơ quan khác nhau, nhất là những người tự coi mình có quyền, còn can thiệp quá nhiều vào hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Xử và phạt nghiêm minh các giáo viên nhục mạ, đánh đập học sinh là việc rất cần làm.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường