Giáo viên là nghề sang trọng

Businessman 360 JSC
04:40 CH @ Thứ Ba - 05 Tháng Năm, 2009

Một lần tình cờ đọc “Chuyện không có trong sự thật” của nhà văn Nguyễn Quang Lập, đằng sau những riết róng về bi kịch bản năng giới tính trong câu chuyện, tôi cứ mãi bị ám ảnh bởi một câu nói của nhân vật nữ chính – người chị - một nhà giáo mẫu mực:

Chị ngã vào vai tôi thì thầm: “Em khuyên chị kiếm lấy một tình vờ phải không? Chị không làm thế được...”- “ Chị yêu anh quá phải không?”-“ Ừ, yêu muốn chết đi được. Với lại... chị nhỡ sắm vai sang trọng mất rồi”. Chị ôm tôi nấc lên. Tôi ngậm ngùi đưa chị về nhà, không nói một lời.

Hóa ra, nghề giáo, nhất là những nhà giáo mẫu mực, đều là những người sang-trọng cả.

Cũng đúng thôi, bởi dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Bước vào lớp học, các em học sinh mỗi khi nhìn lên bảng, nếu ko bắt gặp khẩu hiệu trên, thì cũng lại là “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Kính thầy, yêu bạn”… Ra ngoài xã hội, phụ huynh và các cá nhân, đoàn thể lại càng thấm nhuần, nghề giáo là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.

Bất giác, tôi nhớ lại những người thầy, người cô trong cuộc đời đi học của mình, xem họ có sang trọng không nhỉ?

Cô giáo lớp Một lớn tuổi, người thấp, đậm, không đẹp, bàn tay phải bị tật. Cô sống một mình, không chồng không con, trong căn nhà nhỏ ở đầu ngõ nhà tôi. Hàng xóm quen miệng gọi cô Minh khoèo. Trong trí nhớ của tôi, cô viết chữ rất đẹp, bằng tay phải.

Cô giáo lớp Hai cũng lớn tuổi nhưng có gương mặt đẹp, giọng nói giòn giã, người cao lớn. Cô bỏ chồng, một mình nuôi hai anh con trai học đại học. Đôi lần, cô chở tôi về tận nhà trên chiếc xe đạp cũ cũ, vì tôi không có ai đưa đón.

Cô giáo dạy lớp Bốn và Năm thì rất trẻ, người nhỏ xíu, so với chúng tôi chẳng khác gì chị em. Chúng tôi có giải Quốc gia, cô nước mắt giàn giụa giữa sân trường, chúng tôi cười ngơ ngác, vui thế cô còn khóc gì, hay là giải chưa cao nhỉ?! Rồi cô đi lấy chồng, ra nước ngoài. Về nước với cậu con trai đang bập bõm học tiếng mẹ đẻ, cô vừa là thày dạy tiếng Việt, vừa là học trò môn tiếng Anh của chính con trai mình.

Lên lớp Mười, lần đầu tiên tôi học một lớp do thầy giáo làm chủ nhiệm. Thầy ngoài 50 tuổi nhưng chưa/không lấy vợ, ăn cơm bụi, sống một mình trong căn phòng hẹp chưa tới 15m2 trong khu tập thể giáo viên. Chúng tôi có thể lên nhà bất cứ lúc nào, nói bất cứ chuyện gì mình bức xúc hoặc đơn giản chỉ là tán gẫu với thầy, và thường gặp thầy trong tình trạng quần đùi, áo may ô. Ba thứ quý giá nhất trong nhà thầy là sách, rượu, và bản thân thầy. Ngày sinh nhật thầy, các cô gái dịu dàng và duyên dáng lớp tôi chúc mừng thầy với một hộp đầy khoai và sắn, một cây chổi đót quét nhà được trang trí cẩn thận thay cho cái chổi đã cùn vẹt. Đổi lại, thầy mời chúng tôi các loại trà mà thầy mới mua hoặc được tặng.

Tôi về Hải Dương thực tập Sư phạm, thầy giáo hướng dẫn có hai ao cá thênh thang sau nhà. Thầy nuôi gia đình bằng tiền làm kinh tế từ hai cái ao cá. Tiền dạy học chỉ đủ để phục vụ cho đam mê nghề nghiệp của thầy: theo đuổi văn chương và trợ giúp học trò. Đến thăm thì thấy thầy vừa từ ao cá đi lên, bùn đất lấm lem, trông giống một bác nông dân khắc khổ hơn là một ông tổ trưởng tổ văn vẫn hay giảng những lời bay bổng, thiết tha.

Cho đến giờ, tôi vẫn không hề thấy thầy cô mình là những người sang trọng. Hoặc giả, họ đã không sắm-vai-sang-trọng. Nhưng tôi đã lớn lên, đã trót nặng lòng với nghề giáo vì những người-không-sang-trọng ấy.

Song, quả là tôi đã gặp không ít giáo viên sang-trọng lắm.

Thầy giáo dạy Hóa cấp 2 nổi tiếng khắp trường về khoản hào hoa phong nhã. Lên lớp, thầy ung dung xỏ hai tay vào túi quần, đứng nói thao thao bất tuyệt về những điều rất đỗi cao siêu rùng rợn. Lần đầu tiên thầy rút tay khỏi túi, chúng tôi cứ ngỡ sẽ được cho xem một cẩm nang Hóa học gì đó. Không, chỉ đơn giản là một mẩu phấn. Miệng đọc, tay viết, thầy thoăn thoắt post cái đề bài lên bảng cho chúng tôi làm, rồi lại ung dung xỏ hai tay vào túi quần, đi ra khỏi lớp. Uhm, thầy đi luyện đội tuyển. Năm đó, chúng tôi tạ ơn trời đất vì không phải thi tốt nghiệp Hóa. Mặc dù kết thúc năm học, điểm đứa nào đứa nấy tròn vo vo toàn 9 và 10. Chỉ khổ các bạn đi làm điểm, đọc mỏi miệng mà chỉ lo nhìn nhầm, vào sổ sai.

Tôi học trường chuyên nên rất nhiều cô giáo giàu. Các cô đi xe ga, mặc váy đầm, mà ít khi diện trùng nhau lắm. Đi từ xa đã thấy các cô thơm phưng phức. Nhưng đến gần thì ngài ngại vì không rõ nét mặt thực sự của các cô như thế nào, cười hay nghiêm nghị, trìu mến hay lạnh nhạt, đằng sau lớp phấn son dày cộp.

Thời phổ thông, quả là nhiều lúc tôi thấy thầy cô cũng sang-trọng thật.

Lên đại học, thấy hãnh diện lắm vì bước chân vào trường Sư phạm, nghe các thầy cô trên trường nói rất nhiều điều cao đẹp về lý tưởng, niềm tin, lòng yêu nghề. Choáng ngợp vì những nhân cách, đạo đức, tài năng đang hiện thân sừng sững trước mặt mình, được “thực mục sở thị” những cái tên trên sách vở, báo chí mà trước đây chỉ dám “kính nhi viễn chi”. Há hốc miệng nghe các thầy cô giảng giải về đạo lý làm thầy, về nghiệp vụ sư phạm, về tri thức văn chương.

Ồ, ồ, nghề giáo đúng là sang-trọng thật, không phải sang trọng theo kiểu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” nữa, mà là sang trọng về tinh thần, giàu đẹp về tâm hồn và trí tuệ.

Tôi cứ gật gù với mình như thế, năm thứ nhất, rồi năm thứ hai… Nhưng mỗi ngày, cái sự gật gù càng trở nên nhát gừng, miễn cưỡng… Rồi một ngày, tôi tự nhủ, rằng bên trong những bức tượng sơn son thếp vàng có nhiều khi chỉ là đất sét, rằng cuộc đời này cần biết cách chấp nhận sự thật, dẫu sự thật đôi lúc rất đắng lòng.

Tôi về trường thực tập, mon men bước chân vào ngưỡng cửa của cái nghề vẫn được người đời gọi là sang-trọng. Tôi thấy dinh cơ của thầy hiệu trưởng rộng mênh mông với hồ lớn, với thủy đình, với bon sai, chó cảnh, một kiểu đại gia nông thôn, sang trọng kiểu Nghị Quế. Còn học trò của thầy, học trong dãy nhà cấp bốn, mái ngói xô lệch, tường và trần lở loét, không hề sang-trọng, giáo sinh thực tập ở nhờ khu tập thể giáo viên lụp xụp, không có công trình phụ, không hề sang-trọng.

Nhưng bất chấp cái cảnh sống nhếch nhác, khó khăn, ngày ngày, những giáo sinh như chúng tôi, và cả các giáo viên khác vẫn phải diện những bộ cánh chỉn chu và đạo mạo lên lớp, phải nghiêm túc và đứng đắn, phải nói với các em những điều tưởng như chân lý, vẽ lên trước mắt các em những bức tranh thành tích xán lạn, khuyên răn các em những bài học làm người cao quý. Và khi đã đi khuất khỏi bức tường bao của nhà trường, bao nhiêu điều không mấy sang-trọng lại kín đáo phơi bày. Các thầy cô cũng ăn tham và ăn bẩn từ những giáo sinh thực tập. Cô giáo trẻ ăn cơm trước kẻng ngay trong khu tập thể của nhà trường. Thầy giáo thiên vị học trò này, trù dập học trò khác. Khốn nỗi, không phải chúng tôi, mà chính các em học sinh và cả các thầy cô mới là những người rỉ tai nhau những câu chuyện không mấy sang-trọng và sạch sẽ này.

Trước khi trở lại trường ĐH, ngày cuối cùng trong vai trò giáo viên, đứng trên mái nhà hai tầng, nhìn đống rác cháy ngùn ngụt dưới sân, lần đầu tiên trong đời, tôi ước mình không-phải-làm-người-sang-trọng. Giáo viên, xét cho cùng cũng là một nghề như bao nhiêu người khác, chúng tôi vẫn cần sống bằng nghề, kiếm tiền bằng nghề, nuôi gia đình bằng nghề, như nhà báo, như người lao công, như anh thợ mộc. Vẫn biết nghề nào cũng cần đạo đức của nghề ấy. Nhưng tại sao cứ phải khoác lên mình một cái áo quá rộng, một bộ trang sức quá nặng, để rồi lại lộ ra cái bản thể nhỏ nhoi đến tội nghiệp, để rồi tự chôn trong cái bẫy của chính mình?

Cuối cùng, tuy không chọn con đường trở thành người-sang-trọng, nhưng tôi, tôi cũng không đủ can đảm để vật lộn với nghề, với tất cả sự thật trần trụi và cay đắng về nghề. Còn những người thầy không-sang-trọng của tôi, họ hoặc đã nghỉ hưu, hoặc chuyển sang nghề khác, hoặc vẫn đi nốt những năm cuối cùng trong sự nghiệp làm thầy của mình, lầm lụi và cô đơn với đôi mắt đã vằn đỏ.

Và nghề giáo, vẫn là nghề của những người sang-trọng hoặc đang sắm-vai-sang-trọng.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sự học ngày nay: Ít "bậc thầy" đúng nghĩa?

    12/11/2019Lại Nguyên ÂnGiữa tháng 1, nhà văn Lại Nguyên Ân gửi tới VietNamNet bài viết đưa ra "một cách lý giải về sự học và tình thầy trò ngày nay, cho rằng, khi mà học tập là một phần việc mà mỗi người phải theo đuổi suốt đời, khả năng “làm thầy” thiên hạ bao giờ cũng rất hạn hẹp...
  • Góc nhìn người trẻ

    30/04/2014Nguyễn Hoàng (thực hiện)Một cô gái lứa tuổi "8X", tốt nghiệp Đại học Sư phạm nhưng lại đang là biên tập viên của website chungta.com đã trò chuyện cuối tuần cùng chúng tôi dưới góc nhìn của một người trẻ tuổi. Và tôi đã hơi bất ngờ, khi Nguyễn Thị Hà trả lời câu hỏi đầu tiên...
  • Trước hết phải biết yêu thương

    21/11/2008Thầy Văn Như Cương (đã ngoài 70 tuổi) và giảng viên trẻ Mai Quốc Khánh (mới ngoài 20 tuổi) đã cùng tham gia cuộc đối thoại thế hệ kỳ này, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11.
  • Giáo dục Việt Nam - Đạo đức và thực dụng

    29/09/2008Nguyễn Thành TrungNước ta bước vào nền Kinh tế thị trường đã được hơn 20 năm, nhưng chúng ta vẫn lảng tránh việc Thương mại hóa giáo dục. Ở Việt Nam, hình ảnh “thầy giáo”, “cô giáo” hay “nhà giáo”, là một hình ảnh đẹp, đã là thầy giáo, là trong sạch, đã là giáo viên, là giản dị, là đạo đức...
  • Giáo dục cái “nhầm thứ ba” về người

    14/01/2008GS. Bùi Trọng LiễuTừ ngày nhận chức, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo đã năng nổ nêu vấn đề người học “ngồi nhầm lớp” và cố gắng sửa. Trừ trường hợp cá biệt, chắc ông đã được sự đồng tình của cả nước. Tuy ông không dùng cụm từ nhà giáo “đứng nhầm lớp”, nhưng một số vấn đề ông nêu, cũng chứng tỏ là ông cũng đã thấy vấn đề đặt ra cho cái nhầm thứ nhì này trong nền giáo dục nói trên...
  • Người trong góc khuất

    27/07/2006Đỗ Lê TảoChẳng phải nói thêm thì ai cũng biết thực trạng tiêu cực trong thi cử ở hệ thống các trường, các cấp học đang gia tăng ở mức báo động. Tân Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân - ngồi trên chiếc ghế "nóng" - đã phải đưa lời cảnh báo: "Ngành giáo dục và toàn xã hội nếu không có những biện pháp đặc biệt thì tiêu cực này sẽ trở thành một đại hoạ của dân tộc"...
  • Chuyện không thể không nói!

    24/07/2006Mai LanVẻ thâm trầm của một nhà giáo, tư duy sắc sảo của nhà ngoại giao, và nét đằm thắm của người phụ nữ Huế đã hòa quyện, tạo nên sự lịch lãm và quyết đoán nơi bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Người phụ nữ này hình như lúc nào cũng đau đáu muốn trở về với điểm xuất phát của mình: nghề giáo...
  • Triết học và tâm sự của các nhà giáo

    13/12/2005Cam Lu - Trương Hiệu - Minh Nguyệt (thực hiện)Thực tế ở Việt Nam, việc giảng dạy môn triết học cũng như đội ngũ cán bộ nghiên cứu giảng dạy môn học này hiện ra sao?
  • Thiên đường của trái tim

    07/10/2005Là một nhà giáo dục, nhà tư tưởng và nhà văn, Komensky đã để lại những tác phẩm có giá trị tư tưởng lớn. Các chuyên gia sư phạm coi Komensky là người đặt nền móng cho lý luận dạy học tiên tiến hiện đại. Những nhận định của ông về xã hội, về con người và cuộc đời… vẫn giữ nguyên tính thời sự và đầy sức thuyết phục. Những ước mơ của ông về một thế giới công bằng của những con người biết hành động theo lẽ phải và ánh sáng của trí tuệ, những khát vọng của ông về một thiên đường “nơi mà cái thiện sẽ ngự trị trong trái tim của mọi người” mãi mãi sẽ còn là mục tiêu hướng tới của các thế hệ...
  • Nhà giáo không được tụt hậu

    24/11/2003TS Đỗ Huy ThịnhTại Hội thảo quốc tế về giảng dạy tiếng Anh tổ chức ở Trung tâm Ngôn ngữ khu vực (Singapore) mới đây, trong số hơn 500 người tham dự chỉ có một đại biểu Việt Nam. Nếu không có kinh phí của trường, có lẽ đại biểu này cũng không thể tham dự...
  • Tôn vinh thầy cô bằng... tiền bạc?

    20/11/2003Nguyễn Anh DânGần đây, cứ đến tháng 11, nhiều cửa hàng lại tung ra những món quà độc đáo. Có những món quà mà người thu nhập thấp không bao giờ dám mua vì giá của chúng bằng cả tháng lương. Vậy thì ai là người mua những món ấy? Chắc chắn là những phụ huynh hoặc học sinh giàu có. Họ mua để tặng thầy cô giáo nhân Ngày nhà giáo VN 20-11.
  • Để củng cố quan hệ thầy - trò, hãy củng cố chính nền giáo dục!

    20/11/2003Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là tấm gương lớn về một nhà khoa học, một nhà giáo gương mẫu, lao động không biết mệt mỏi vì sự nghiệp "trồng người". Câu chuyện với ông xoay quanh chủ đề: quan hệ thầy trò và đạo đức nhà giáo - một trong những vấn đề đang gây sự chú ý của toàn xã hội...
  • Cần bãi bỏ ngay các “chỉ tiêu” trong giáo dục

    18/11/2003Có lẽ trong toàn bộ lịch sử giáo dục của Việt Nam, chưa bao giờ căn bệnh thành tích lại trở nặng như bây giờ. Nhìn sang các nước khác, hình như cũng không thấy ai mắc căn bệnh quái dị này. Bài viết này thử đề xuất một phương thuốc...
  • Phát triển giáo dục dưới góc nhìn của nhà giáo

    08/02/2003Giáo dục đang là mối quan tâm sâu sắc của toàn dân ta. Điều đáng nói là mối lo lắng đó ngày càng bộc lộ những cách nhìn khác biệt, những cách đánh giá trái ngược hẳn nhau về thực trạng giáo dục. Người thì cho rằng giáo dục đang trên đà phát triển tốt, tuy trước mắt còn không ít khó khăn. Trái lại, người ta cho rằng giáo dục đang xuống cấp trầm trọng. Vậy đâu là sự thật?
  • xem toàn bộ