Giáo sư Hoàng Tụy và Giải pháp cứu ngành giáo dục.
Trong xã hội hiện nay đang có nhiều ý kiến lo ngại về số phận nền giáo dục nước ta. Thưa Giáo sư, ông có ý kiến gì trong vấn đề này?
- Cách đây khoảng 4-5 năm, tôi đã từng cảnh báo về thực trạng giáo dục nước ta hiện nay là rất nguy kịch trên báo chí, nhưng mà không ai nghe hoặc nghe rồi để đấy. Nay tình hình càng nguy kịch, rất nguy kịch! Và chúng ta phải cứu, phải cứu con em chúng ta khỏi cái nguy kịch đó. Cứ đào tạo như thế này thì nhân tài tàn lụi. Ta tưởng những giải thưởng quốc tế như thế là hay. Phải nói rằng là những em đạt được những thành tích ấy thì có mang lại vẻ vang cho đất nước và bản thân họ chứng minh được tài năng hay tiềm năng của họ cũng như khả năng của người Việt nam. Nhưng mà tôi vừa đọc được một bài báo lo ngại những nhân tài này giờ đi đau hết rồi. Ta chạy theo cái đấy trong khi đó phần đông số học sinh có thể nói chất lượng đào tạo rất xấu. Đó là vì cơ chế quản lý hiện nay. Nói thế thì phải nói chính sách. Tôi rất lấy làm lạ là nhiều đồng chí lãnh đạo, nhiều người phụ trách các ngành, ai cũng nói cần có chính sách Câu đấy có thể đã nói đến cả chục năm nay rồi nhưng vẫn không có chính sách hay nói chính xác là không sửa chính sách. Tôi ví dụ chính sách đối với giáo viên. Năm 1996, tại Hội nghị Trung ương II của Đảng đã ra Nghị quyết xóa bỏ việc dạy thêm, học thêm. Nhưng từ hồi đó đến bây giời bảy năm rồi, xem thử có thay đổi gì không?
Không!
- Thì đấy! Như vậy tức là quyết nghị không được thực hiện. Vì sao vậy? Thực tế nhu cầu về dạy thêm, học thêm thì ít vì nếu người ta dạy tốt, đàng hoàng thì đâu có gì phải dạy thêm, học thêm nhiều như thế này? Và nếu có cần dạy thêm, học thêm thì cần cho một số rất ít trường hợp đặc biệt, không thể có cái chuyện tràn lan như vậy. Căn nguyên của vấn đề là vì lương của giáo viên không đủ sống trong khi chúng ta cứ luôn luôn nói là “tôn sư, trọng đạo”. Giáo viên bỏ nghề hàng loạt. Có người chuyển sang đạp xích lô. Ban đầu người ta cứu vãn tình thế bằng cách dạy thêm. Sau các cơ quan quản lý đều thấy “thôi thì đấy cũng là một cách giải quyết”. Rồi ta cứ để việc đó phát triển dần ra. Thêm nữa lại có một hệ thống thi cử khuyến khích người ta dạy thêm, học thêm. Trong khi đó, xã hội bên ngoài mở cửa, hội nhập, bao nhiêu tiện nghi hiện đại vào, mức sống lên, xe Dream và đủ các thức khác Mức lương giáo viên có tăng lên chút ít nhưng vẫn còn quá thấp. Mấy ông có chức, có quyền thì còn có chức có quyền để bán. Còn họ thì chẳng có gì để bán ngoài chữ. Thế là họ đành phải bán chữ thôi.
Trong vấn đề này, Giáo sư có cao kiến gì không?
- Tôi đã gặp trực tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải để đưa kiến nghị. Trong đó tôi có nói ba vấn đề của giáo dục cấp bách phải giải quyết. Một là phải cải cách thi cử hiện thời vừa làm cho cả xã hội căng thẳng, vừa làm cho việc học càng ngày càng tồi tệ ra. Hai là việc dạy thêm, học thêm tràn lan. Thứ ba là sách giáo khoa năm nào cũng in, cũng sửa rất tốn kém. Thủ tướng chuyển lá thư của tôi cho Bộ Giáo dục yêu cầu Bộ trả lời tôi đồng thời có thông báo cho tôi về việc chuyển thư này. Chờ mãi 5-6-7 tháng không thấy Bộ trả lời, buộc lòng tôi phải đưa đăng trên báo Văn nghệ. Đó là năm 1999. Đến năm 2001, Thủ tướng trực tiếp chỉ thị Bộ Giáo dục giải quyết ba vấn đề này. Trong kiến nghị tôi nêu cả phương án giải quyết như thế nào. Ví dụ về dạy thêm, học thêm. Đằng nào người ta cũng đã phải trả rất nhiều tiền cho việc này. Để cho phụ huynh, học sinh cầm đồng tiền trao cho thầy cô thì rất bất lợi về mặt giáo dục. Hơn nữa, chỗ này làm, chỗ kia không làm, có thầy được nhiều, có thầy được ít đã nảy ra những bất công, từ đó sinh ra rất nhiều tiêu cực. Chi bằng đặt tất cả các khoản thu này vào học phí, Nhà nước thu và thu theo một quy chế thống nhất, chứ không phải là đưa trực tiếp cho thầy (tất nhiên phải có chính sách riêng đối với các trường hợp đặc biệt, ưu tiên). Nhà nước lấy khoản đó cộng với khả năng hiện có, trả lương cho giáo viên, đảm bảo cho họ một mức sống trung bình có thể chấp nhận được, đồng thời yêu cầu họ phải dạy cho thật đảm bảo chất lượng và tuyên bố cấm tiệt không được học thêm, dạy thêm nữa. Ai vi phạm kỷ luật thật nặng. Ngoài ra, trong kế hoạch giảng dạy của nhà trường, cần tổ chức những buổi cho học sinh đến trường tự học, có sự theo dõi hướng dẫn của thày cô giáo. Tôi nhắc lại đó là những buổi học sinh tự học trong sự hướng dẫn của thày cô giáo chứ không phải là học thêm (không thu thêm bất kỳ một khoản phí nào ngoài học phí đã nộp cho Nhà nước).
• Nhưng có người cho rằng nguồn cơn của việc dạy thêm là do đạo đức nhà giáo bị suy thoái, chứ không phải là do thu nhập. Vì có rất nhiều nhà giáo hiện nay đang có thu nhập cao nhưng họ không thể bỏ việc dạy thêm.
- Họ thu nhập cao ở đâu? Họ thu nhập cao bằng gì? Họ thu nhập cao bằng dạy thêm, học thêm chứ gì? Và chính vì để tràn lan dạy thêm,học thêm cho nên bây giờ dù có làm cách nào ngăn chặn họ vẫn cố tình dạy thêm. Không thể cầm họ dạy thêm được một khi mình chưa đảm bảo cho họ một mức sống trung bình. Cấm thế nào được? Tôi mà ở vị trí của họ hiện nay thì tôi cũng dạy thêm. Và nếu mà ai cấm thì tôi sẽ nói: tôi dạy như thế này, tôi làm việc như thế này mà đồng lương của tôi thấp hơn mức sống trung bình của xã hội, trong khi đó, không biết bao nhiêu người khác làm việc kém hiệu quả hơn tôi lại đượchưởng lợi cao hơn tôi rất nhiều lần, thế thì tôi đang bị bóc lột! Thế cho nên tôi phải có cách riêng để tôi sống chứ? Còn nếu mà các ông không đồng ý như thế thì cứ cho tôi ra khỏi ngành. Cho nên tôi nói, nếu không đảm bảo cho người ta có một cuộ sống tử tế thì không thể nào mà cấm dạy thêm, học thêm được. Và nếu mà cứ cấm theo kiểu đó thì sẽ có hàng loạt người ra khỏi ngành.
Nếu làm như vậy, có người, có ngành suy bì tỵ nạnh
- Thế sao hiện nay có những ngành, những cơ quan đang chi lương cho nhau cả chục triệu đồng/tháng, sao không thắc mắc? Có phải họ thực sự làm ăn hiệu quả hơn không?
Đúng ra là phải có một giải pháp chung về lương. Từ năm 1997-1998, tôi đã kiến nghị. Ban đầu tôi nói chuyện với cụ Phạm Văn Đồng. Cụ khuyên tôi phải gặp ba đồng chí: đồng chí Nông Đức Mạnh (hồi đó đang là Chủ tịch Quốc hội), đồng chí Phan Văn Khải và đồng chí Trần Đức Lương. Tôi đã gặp cả ba người để đưa kiến nghị. Các vị này người nào cũng rất đồng ý cả. Từ đấy đến năm 2000, Trung ương mới nêu vấn đề lương ra bàn. Nhưng từ đó đến bây giời, tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Giải pháp lương của Giáo sư như thế nào?
- Mức lương của chúng ta hiện nay quá thấp, không thể nào chấp nhận được. Như thế này cho nên sinh ra tiêu cực. Không phải là vì chúng ta nghèo nên mới có đồng lương thế này. Bởi vì thu nhập thực tế của chúng ta lại gấp rất nhiều lần lương. Mà thu nhập ấy ở đâu ra? Phần lớn cũng vẫn từ ngân sách, từ công quỹ, theo những con đường không minh bạch, không đàng hoàng. Nhưng, nếu chúng ta quan niệm việc giải quyết tiền lương hiện nay chỉ việc giải quyết tiền lương hiện nay chỉ là nâng lương không thôi thì dù chỉ nâng chừng 10-20%, Nhà nước không có đủ tiền đâu ra mà chi. Giải quyết chuyện tiền lương còn như hiện nay thì nói chống tham nhũng là nói cho vui thôi, làm sao mà chống được. Như vậy đây có một cái vòng luẩn quẩn. Phá nó phải bằng biện pháp đi vay tiền. Vay tiền để tăng lương (mất khoảng vài trăm triệu đôla gì đấy). Chỉ phải vay tiền trong những năm đầu tiên của cuộc cải cách. Về sau, chính hiệu quả không nhỏ từ cuộc cải cách này sẽ dư khả năng trang trải khoản nợ này. Cùng với việc tăng lương, luật pháp phải rất nghiêm, ai tham nhũng phải bị rất nặng. Ngoài ra phải tăng cường cải cách quản lý tài chính thật chặt chẽ. Ví dụ như bất kỳ khoản tiền nào rút từ ngân sách ra đều phải qua ngân hàng, lương cũng được trả qua tài khoản cá nhân ở đó. Cho nên ai tham nhũng, đến khi điều tra không có gì khó. Tất cả các nước văn minh đều làm như vậy. Phương tiện để làm việc này là công nghệ thông tin. Chẳng khó khăn gì, sao không làm?
Đi vay để đầu tư, phát triển sản xuất còn có thể dễ chấp nhận chứ đi vay để trả lương thì
- Thì sao? Trả lương cũng là một hình thức đầu tư cho sản xuất. Chỉ có điều, nếu thực hiện giải pháp này của tôi, đòi hỏi các vị phải làm đồng bộ, phải vạch cho ra được lộ trình và cái chính là phải có sự công tâm.
Quay trở lại thực trạng giáo dục hiện nay mà Giáo sư cho là rất nguy kịch ?
- Trước thực trạng này, một số người nghĩ đến việc phải quy trách nhiệm chính cho ông Bộ trưởng Bộ giáo dục và cách chức ông ta. Riêng tôi lại nghĩ khác. Anh Hiển(Bộ trường Giáo dục hiện thời) có lần đến thăm tôi đã từng than vãn: nhiều lúc cũng muốn làm mạnh tay vài việc nhưng lại vướng quá. Tuy nhiên, bây giờ không phải là thời buổi để gán trách nhiệm cho ai nên phân tích tác hại của nó để thấy đường ra. Còn cái chuyện này là do tích lũy trong mấy chục năm nay chứ không phải một sớm một chiều mà ra như thế này. Và vì vậy, muốn thóat ra cũng phải qua một lộ trình và phải có chuẩn bị. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, đến Singapore người ta thấy nó chẳng khác gì là mấy so với các nước trong khu vực. Chỉ sau một thời gian ngắn là nó khác hẳn. Là vì ở đấy họ theo các nước văn minh, có những luật lệ, chính sách, nhưng bao giờ thi hành người ta cũng báo trước 6-7 tháng cho người dân chuẩn bị và họ đã thực hiện rất nghiêm. Ở mình thì ngược lại, không làm lộ trình, đùng một cái muốn làm là làm ngay. Rất chuyện như thế, tôi không muốn kể ra làm gì. Cách đây mấy tháng tôi được đồng chí Tổng bí thư tiếp. Tôi nói chuyện lương, đồng chí nói Trung ương cũng nhận định là việc tăng lương vừa qua chỉ là tạm thời thôi. Chính phủ đang chuẩn bị một đề án cuối năm nay trình Quốc hội. Tôi có nói với đồng chí chuyện này không thể giải quyết sớm, nhanh được. Sắp tới đây mà đưa ra một lộ trình, làm đồng bộ với nhiều việc khác thì tôi thấy được. Còn nếu nghĩ cái đề án này sẽ giải quyết ngay được chuyện lương không thôi thì tôi cho rằng không thể được.
Nhưng nếu làm như tôi nói thì giải pháp này đụng chạm nhiều tới những người đang được hưởng lợi thế do tình này đem lại, họ không dễ dàng từ bỏ lợi thế đó. Cho nên có thể nói đây là một cuộc cách mạng cũng gay go. Nếu ta không đủ can đảm làm cuộc cách mạng đó thì coi như là cánh cửa bước vào nền công nghiệp hiện đại bị khép lại với Việt Nam ít nhất là trong thế kỷ 21.
- Nhưng cá nhân vai trò lãnh đạo vẫn có ý nghĩa quyết định trong mọi việc
Năm 1977, tôi cùng mấy nhà khoa học khác được đồng chí Lê Duẩn, Tổng bí thư hồi đó cho gọi lên hỏi làm thế nào chống tiêu cực (hồi đấy mới chỉ gọi là tiêu cực, chưa gọi là tham nhũng). Tôi nói 90% chúng ta đều phạm pháp, trong đó chỉ có một vạn, phần chục vạn là phạm tội. Nếu không như vậy thì không sống được. Có người không đồng ý cho rằng “Tôi có phạm pháp gì đâu mà tôi vẫn sống được?”. Tôi thừa nhận, đúng là có một số người không phạm pháp vẫn sống được. Nhưng đó là những người thuộc hai diện: Một là được Nhà nước bao cấp hét. Hai là cũng có một số anh em nào đó bằng lao động của chính mình, có hoàn cảnh thuận lợi thế nào đấy cũng không phạm pháp vẫn sống được. Thí dụ một số anh em văn nghệ sĩ, người làm khoa học một số thỉnh thoảng đi đây đi đó cũng có đôi chút tiền mang về cũng đủ sống. Thì anh thuộc vào loại thứ nhất, tôi thuộc vào loại thứ hai, có thế thôi. Chứ còn đại bộ phận chúng ta chỉ làm cho Nhà nước 3-4 giờ thôi, thời gian còn lại nếu có ngồi đấy thì cũng chỉ suy nghĩ chuyện của mình hoặc đi làm chuyện khác. Thì cái đấy cũng là ăn cắp chứ? Phạm pháp chứ?
Như vậy trong xã hội chúng ta hiện nay đang có quá nhiều vấn đề đang cần giải quyết ngay. Đó là vì thời kỳ phải giải quyết chúng đã đến từ đâu rồi nhưng ta cứ nấn ná, chần chừ mãi không giải quyết, để chúng tích luỹ đến mức độ khó giải quyết.
Nhưng bây giờ dù khó đến mấy cũng phải làm bởi vì càng để yên những vấn đề đó chừng nào thì chúng lại càng khó giải quyết chừng ấy. Thế còn dĩ nhiên làm thì nó phải đau đớn và chúng ta phải noi gương một số nước như ở Trung Quốc đã làm nặng tay đối với những anh tham nhũng và sửa lại cơ chế quản lý của họ. Cách đây độ ba bốn năm, tôi gặp một số giáo sư Trung Quốc ở Úc, các anh ấy kể chuyện với tôi là các anh ở bên đó bây giờ sống đường hoàng, lương của họ một nghìn đô la / tháng. Và một nghìn đôla / tháng ở Trung Quốc thì bằng ba nghìn đô la ở nước ngoài. Vậy cho nên bây giờ số người muốn bỏ Trung Quốc đi thì ít. Trái lại có nhiều người đã đi rồi bây giờ lại muốn quay về. Ở ta giáo sư tất cả tôi chỉ được lĩnh ba triệu đồng/tháng, thế thì làm sao mà phát triển khoa học được.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm