Công bằng xã hội trong giáo dục Đại học
Việt Nam đã vào WTO. Điều này có nghĩa, nguồn nhân lực của Việt Nam và từ đó là nền Giáo dục Đại học (GDĐH) cũng như nguồn cung cấp tài chính cho nền giáo dục, nay cũng phải được đặt trên cùng một mặt bằng so sánh với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh đó, một lần nữa, Đề án điều chỉnh tăng học phí lại được soạn thảo. Tuy nhiên, tăng học phí, không ít Sinh viên nghèo sẽ phải bỏ học. Vậy, làm thế nào để giải bài toán Công bằng xã hội (CBXH) trong GDĐH? Giáo sư Phạm Phụ đã có cuộc trao đổi với Tia Sáng về vấn đề này.
PV: Thưa Giáo sư, đến nay thì vấn đề tăng học phí ở Đại học có vẻ như đã được dư luận bước đầu đồng tình, tuy vậy vẫn còn rất nhiều băn khoăn, trước hết là: Tăng học phí - SV nghèo sẽ phải bỏ học?
Giáo sư Phạm Phụ:Có thể nói, các vấn đề cốt lõi của một nền GDĐH có thể tóm gọn trong ba từ: Chất lượng, Hiệu quả và CBXH. Tăng học phí là để đảm bảo nguồn tài chính tối thiểu cho việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Và, đây cũng là xu thế chung trên toàn thế giới trong vài chục năm gần đây, khi mà GDĐH đã là nền giáo dục cho số đông, đã có tính toàn cầu, “chi phí đơn vị” (cho 1 Sinh viên/năm) tăng lên rất nhanh và dịch vụ GDĐH được xem là “hàng hóa cá nhân” hơn là “hàng hóa công cộng”. Tuy nhiên, ở nước nào cũng vậy, phải thiết kế tổng thể chính sách “cung cấp tài chính cho GDĐH”, trong đó có: (1) Xác định các tỷ lệ “chia sẻ chi phí” giữa Nhà nước, người học và đóng góp của cộng đồng, (2) Xây dựng các phương thức cung cấp và sử dụng tài chính có hiệu quả và (3) Thiết kế các chính sách để đảm bảo khả năng tiếp cận GDĐH và CBXH. Chuyện tăng học phí là mới chỉ nói đến một phần của bài toán (1). Nếu không xét bài toán (2) thì xã hội sẽ đặt câu hỏi: Liệu Ngành giáo dục đã sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính hay chưa? Và, nếu không xét bài toán (3) thì đương nhiên dẫn đến việc, Sinh viên nghèo phải bỏ học, mất CBXH trong GDĐH sẽ trở thành gây cấn hơn.
PV: Được biết sơ bộ, trong Đề án tăng học phí lần này đã có nêu lên các giải pháp đi kèm như: miễn giảm học phí, cấp học bổng và tài trợ cho SV những vùng khó khăn, SV thuộc diện chính sách, tín dụng SV... Nhưng, liệu chỉ tăng cường hơn các giải pháp lâu nay đã có này thì có đủ để giải quyết bài toán (3), khi mà học phí phải tăng lên nhiều lần?
Giáo sư Phạm Phụ:Ở các nước, để cải cách chính sách “cung cấp tài chính cho GDĐH”, người ta nghiên cứu công phu và chi tiết lắm. Và, đây cũng là vấn đề thường gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là khả năng tiếp cận GDĐH của người dân nói chung và của con em các nhóm gia đình có thu nhập thấp nói riêng. Ví dụ, ở Anh sau nhiều năm nghiên cứu, đến tháng 01/2003 người ta mới công bố được “sách trắng” (White paper), đến tháng 01/2004 mới được Quốc hội phê duyệt dưới dạng một Dự luật và được tiếp tục hiệu chỉnh để có thể áp dụng từ năm học 2006 - 2007. Đây cũng là đề tài mà các đảng phái chính trị ở Anh đưa ra phương án để tranh cử khi nhiệm kỳ 1 của Thủ tướng Tony Blair sắp kết thúc. “Viện Công khố” của họ tiến hành phân tích các phương án đó để giúp cho công chúng tranh luận. Hiệp hội SV ĐH Cambridge (CUSU) cũng có phương án đề xuất riêng của mình. Một nội dung rất được chú ý là: khi áp dụng chính sách mới thì tỷ lệ SV trong thanh niên ở độ tuổi thuộc các tầng lớp dân cư khác nhau được tiếp cận GDĐH sẽ thay đổi như thế nào.
Ở Việt Nam, đến con số thống kê để biểu thị đơn giản về mức độ mất CBXH trong GDĐH (Ví dụ, tỷ lệ SV trong thanh niên ở độ tuổi của lớp dân cư 20% giàu nhất gấp mấy lần tỷ lệ này của lớp dân cư 20% nghèo nhất) cũng còn chưa có con số chính thức. Vì vậy, thiết nghĩ, khó mà nói được, liệu các giải pháp nói trên có đủ hay chưa. Nhưng xin lưu ý, cách đây ít lâu có người ước lượng, con số chênh lệch về tỷ lệ tiếp cận GDĐH của 2 lớp dân cư đó đã là khoảng 20 lần.
PV: Có nghĩa, mất CBXH trong GDĐH đã là nghiêm trọng?
Giáo sư Phạm Phụ:Mức độ phân hóa giàu nghèo (tính theo chênh lệch thu nhập bình quân của 2 lớp dân cư nói trên) ở Việt Nam mấy năm trước đây là khoảng 7 - 8 lần. Trong bối cảnh mới, Việt Nam sẽ chuyển từ nền kinh tế thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn, công nghệ... Khi thâm dụng lao động, người nghèo có lao động, tình hình phân hóa giàu nghèo chưa đến mức gây cấn. Nhưng khi thâm dụng vốn, công nghệ..., người nghèo không có các thứ này, tình hình có xu thế sẽ xấu hơn. Khi đó, mất CBXH trong GDĐH sẽ trở thành rất nghiêm trọng, nếu không có đủ các giải pháp cho bài toán (3). Tôi mong rằng, mức độ phân hóa trong GDĐH sẽ không cao hơn mức độ phân hóa giàu nghèo.
PV: Vậy, đâu là giải pháp cơ bản để giải quyết bài toán này, thưa GS?
Giáo sư Phạm Phụ:Cách đây vài chục năm, nhiều nước trên thế giới sử dụng chủ yếu chính sách: “Học phí cao, tài trợ nhiều” (High Tuition Fees - High Aids). Nhưng gần đây xu thế chung là, thiết lập các chương trình cho SV vay vốn, hiện đã phổ biến trên 50 nước khắp thế giới. “Tài trợ nhiều” vẫn chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước, mà nguyên nhân chủ yếu của tăng học phí lại thường là do sự hạn chế của ngân sách Nhà nước. Còn, cho SV vay vốn về bản chất là để có thể tăng thêm mức gánh chịu chi phí của SV, giảm bớt mức gánh chịu của ngân sách Nhà nước (Người đóng thuế)... Có điều, cần phải chuyển sự gánh chịu của họ từ hiện tại (trả học phí trước) sang tương lai, khi mà họ đã “có khả năng chi trả”. Có như vậy, một mặt SV nghèo mới không phải bỏ học, mặt khác, việc tài trợ của Nhà nước mới có công bằng hơn so với khi thực hiện chính sách học phí thấp.
Chương trình cho SV vay vốn có thể có nhiều mục tiêu như: (1) Tạo cơ hội tiếp cận GDĐH cho nguời nghèo, (2) Giảm bớt áp lực lên ngân sách Nhà nước, (3) Mở rộng hệ thống GDĐH, (4) Đáp ứng nhu cầu nhân lực khu vực hoặc nghề nghiệp ưu tiên cụ thể, (5) Giảm bớt khó khăn tài chính cho SV đồng thời tăng cường trách nhiệm của họ (chính người SV sẽ phải trả chi phí, chứ không phải chỉ là gia đình họ). Ở Việt Nam thiết nghĩ, các chương trình cho SV vay vốn trước mắt nên được thiết kế tập trung vào các mục tiêu (1), (2) và (5). Tất nhiên, bên cạnh chương trình cho SV vay vốn vẫn phải tiếp tục duy trì những giải pháp tài trợ SV truyền thống đã có lâu nay.
PV: Chúng ta cũng đã có quỹ tín dụng SV?
Giáo sư Phạm Phụ:Được biết quỹ này hiện có hình như chỉ khoảng 200 tỷ Đồng và vay cũng khó khăn nên không sử dụng hết. Về quy mô, như vậy quỹ này chỉ có khoảng 13 triệu USD so với ngân sách NN dành cho GDĐH khoảng 450 triệu USD. Trong khi đó, năm 2003, Thái Lan đã có quỹ học bổng đến 60 triệu USD, quỹ tín dụng SV đến 350 triệu USD so với ngân sách NN dành cho GDĐH là 860 triệu USD. Ở Hàn Quốc, Hồng Kông, số SV được vay lên đến trên dưới 30% tổng số SV. Về phương thức cho vay, các chương trình ở các nước cũng khác ta rất nhiều.
PV: GS có thể giới thiệu vài nét về các chương trình tín dụng SV trên thế giới?
Giáo sư Phạm Phụ:Chương trình cho SV vay vốn trên thế giới hết sức đa dạng. Tuy vậy có thể phân thành 2 nhóm. Thứ nhất là nhóm các “chương trình cho vay cố định”, nghĩa là việc thu nợ được thực hiện trong một khoảng thời gian cố định, có thể là 4 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa sau khi tốt nghiệp. Và, mức trả cho từng thời đoạn cũng đã được xác định trước. Ví dụ một số Chương trình ở Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines... mà năm 2004 UNESCO đã lựa chọn để thực hiện các nghiên cứu điển hình nhằm “xóa bỏ khoảng trống kiến thức” về vấn đề này. Thứ hai là nhóm các “chương trình cho vay được trả theo thu nhập” (Income Contingent Loans), đã được áp dụng ở Úc, Anh, Thụy Điển, Nam Phi, New Zealand... trong khoảng 15 năm gần đây. SV sau khi ra trường xin được việc làm và có thu nhập cao hơn một ngưỡng nào đó mới phải trả nợ. Mức chi trả tính theo phần trăm của phần thu nhập cao hơn ngưỡng, gần giống như thuế thu nhập cá nhân vậy. Ví dụ, khi có việc với mức lương 1 triệu Đ/tháng thì chưa phải trả, khi mức lương 2 triệu đồng/tháng thì trả 20% của triệu thứ hai chẳng hạn, nghĩa là trả 200.000 đ/tháng. Như vậy, mức trả cho từng thời đoạn ở đây là chưa xác định trước mà tùy thuộc vào mức thu nhập của người vay, cho đến khi hết nợ. Nhưng sau 15 hay 20 năm nếu chưa trả hết, hoặc lỡ bị tai nạn không làm được việc nữa, thì được xóa nợ. Còn về lãi suất, đa số chương trình của cả nhóm thứ nhất và nhóm thứ hai đều có lãi suất thấp, ví dụ ở Trung Quốc chỉ khoảng 50% lãi suất thị trường, 50% lãi suất còn lại được NN trợ cấp. Các chương trình cũng thường cho vay để trang trải một phần chi phí ăn ở...
PV: Thiết nghĩ, hầu hết SV sẽ vay theo nhóm chương trình thứ hai?
Giáo sư Phạm Phụ:Các chương trình thuộc nhóm thứ hai có đầy đủ các ưu điểm là: (1) không gây áp lực nợ lên SV, họ chỉ phải trả khi họ đã có “khả năng chi trả”, (2) NN như đã gánh cho SV gần hết những rủi ro, (3) SV được NN tài trợ trực tiếp qua mức lãi suất thấp, không chịu chi phí vận hành quỹ cho vay và chi phí bù đắp rủi ro. Tôi có thử hỏi một số SV, họ nói rằng họ rất mong được vay như vậy.
Thế tại sao rất nhiều nước vẫn còn sử dụng chương trình cho vay cố định?
Ở các nước đang phát triển việc kiểm soát thu nhập cá nhân còn hạn chế, nếu áp dụng các chương trình cho vay nhóm thứ hai, thường có tỷ lệ thu hồi vốn thấp. Muốn áp dụng, cần phải có nghiên cứu thiết kế rất kỹ và tổ chức cho vay một cách thực hợp lý.
PV: Còn tỷ lệ hoàn vốn, thưa GS?
Giáo sư Phạm Phụ:Xin lấy ví dụ, tỷ lệ hoàn vốn ở Trung Quốc là 55%, ở Hàn Quốc 64%, ở các nước phát triển thì cao hơn. Phần “tổn thất” ở đây chính là “chi phí tài trợ”, bao gồm: Tài trợ lãi suất, chi phí vận hành quỹ vay và cả một số tổn thất do có người hoãn nợ hoặc không trả nợ. Cũng xin được nói rõ, Nhà nước cấp vốn cho các Trường Đại học là để tài trợ SV trong khi chưa cấp trực tiếp cho SV được (ví dụ phiếu trợ cấp voucher) chứ không phải là cho Trường Đại học. Vì vậy, “chi phí tài trợ” có thể trích từ phần ngân sách Nhà nước cấp cho các trường Đại học, được xem như là khoản cấp trực tiếp cho SV. Theo GS Adrian Ziderman, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu điển hình của UNESCO nói trên: “Chính phủ giảm ngân sách cho các cơ sở GDĐH và các cơ sở này duy trì thu nhập của mình bằng cách thu và tăng học phí. Chính phủ xây dựng chương trình cho SV vay vốn, SV vay để trả cho những khoản chi phí mới. Khi tất cả SV vay vốn để trả học phí, chi phí tài trợ các chương trình cho vay của chính phủ sẽ tương đương với phần giảm đi trong tổng ngân sách dành cho các cơ sở GDĐH. Trên thực tế, nhiều SV không vay vốn, tổng kinh phí của chính phủ cho GDĐH cuối cùng có thể giảm đi”.
Như vậy, xem ra vấn đề “cung cấp tài chính cho GDĐH” quả là một bài toán hết sức phức tạp và rất cần sự tranh luận - đồng thuận của công chúng.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường