Tự chủ đại học
Bao nhiêu điều kiện để xây dựng được một đại học “ngang tầm quốc tế”? Nào vật chất tài chính, nào trang thiết bị hiện đại, nào thầy thật giỏi, nào điều kiện hợp tác quốc tế tốt...
Tất cả đều hết sức cần thiết, không có không xong. Nhưng chính vì quan niệm về đại học vừa nói trên kia, nên có một điều kiện hàng đầu, có nó thì tất cả những điều kiện vừa kể mới có thể có ý nghĩa, mới phát huy được hiệu quả, bằng không thì có đổ của đổ công bao nhiêu cũng vô ích, cũng là trở lại con đường mòn cũ thôi.
Như chúng ta vừa nói ở trên, đại học là để tạo nên những con người tự chủ ở đời, để rồi có thể thật sự làm chủ một cách đàng hoàng xã hội và đất nước, vậy nên trường đại học trước hết phải là một cơ sở xã hội tự chủ, theo nghĩa lành mạnh và đúng đắn nhất của khái niệm này. Trong đề án về cải cách đại học do Bộ Giáo dục trình lên Chính phủ gần đây, có điều rất đáng mừng là tư tưởng về việc trao quyền tự chủ rộng rãi cho các trường đại học đã được đề ra và nhấn mạnh.
Đấy là một bước chuyển biến quan trọng và có ý nghĩa trong tư duy cơ bản của ngành giáo dục. Trao quyền tự chủ rộng rãi cho đại học chính là để cho đại học trở lại đúng chức năng thiêng liêng của nó, giao cho nó một nhiệm vụ trọng đại, khác hẳn công việc nhàm chán (và cũng quá dễ dàng) nó vẫn làm lâu nay là dạy cho người ta những “chân lý” tuyệt đối định sẵn: bây giờ nó phải tạo ra cho được những con người tự chủ cho xã hội.
Vậy thế nào là một con người tự chủ, và bằng cách nào trường đại học tạo nên được những con người tự chủ?
Điều kiện đầu tiên của tự chủ, như ai cũng có thể biết, là phải được tự do tư tưởng, hoàn toàn tự do tư tưởng. Không có điều kiện tiên quyết đó thì nói tự chủ chỉ là nói nhảm, hay tệ hơn nữa là lừa bịp. Trường đại học trước hết là môi trường của tự do tư tưởng, ở đấy con người tập làm quen với đức tính quan trọng nhất của một người có thể được gọi là người trí thức: một người biết rằng mình có quyền tự do tư tưởng, biết cách sử dụng đúng đắn quyền lớn nhất, cao nhất đó của con người, và biết tôn trọng quyền đó ở mọi người.
Nguyên Ngọc (5 tháng 9, 1932 – ) tên thật là Nguyễn Văn Báu, bút danh khác là Nguyễn Trung Thành. Ông là nhà văn, nhà văn hóa -giáo dục Việt Nam, phóng viên chiến trường, tổng biên tập báo và dịch giả. "Tôi sống và làm theo những điều mình tin, và chịu trách nhiệm về tất cả điều đó, không thối lui, không nhân nhượng. Đúng sai là điều khó tránh ở đời, nhưng tôi luôn coi trọng sự nhất quán trong thái độ sống: bao giờ cũng sống như một người tự do, trước hết với chính mình. ... Thiết lập lại một nền giáo dục khác hẳn nhằm tạo nên những con người tự do, dám và biết tự mình đi tìm lấy chân lý, sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Sự thống nhất của xã hội sẽ là sự thống nhất của những con người tự do, đầy trách nhiệm với chính mình và với xã hội, đầy tự chủ và sáng tạo." >> Trang tác giả:Nguyên Ngọc |
Tôi hiểu khái niệm “trao quyền tự chủ rộng rãi cho các đại học” nói trong dự án cải cách đại học do Bộ Giáo dục trình Chính phủ là như vậy. Phải từ cách hiểu đó mà triển khai các tự chủ cụ thể cần thiết khác, như tự chủ về tuyển sinh, tự chủ về chương trình, tự chủ về phương pháp dạy và học, tự chủ về tổ chức nhân sự, về đội ngũ giáo sư, về quản trị, về tài chính...
Trong đó, riêng tôi muốn nhấn mạnh đến tự chủ về phương pháp dạy và học. Về chương trình, nói chung hiện nay không quá khó, có thể tha hồ kéo trên mạng xuống vô số chương trình tiên tiến của các đại học tiên tiến trên thế giới, chỉ với một điều kiện là ta dám chấp nhận nó. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị tất nhiên không dễ, nhưng có thể hoàn toàn giải quyết được nếu ta thật sự coi đây là việc quan trọng, quan trọng hàng đầu, không chỉ của giáo dục mà của cả xã hội.
Còn về đội ngũ giáo sư và công tác quản trị đại học thì lại liên quan trực tiếp và mật thiết đến điều kiện vừa nói trên, tức phương pháp dạy và học, thay đổi cho được cơ bản phương pháp dạy và học.
Có một điều cứ tưởng đã xong, đã giải quyết xong từ lâu lắm rồi, chẳng có gì phải nói nữa, nhưng thật ra thì trong thực tế lại chưa ổn chút nào. Tại sao ta gọi những người đi học phổ thông là “học sinh”, trong khi đi học đại học lại là “sinh viên”. Danh có chính thì ngôn mới thuận: học sinh là trẻ em, cần dạy dỗ, dìu dắt chúng. Còn sinh viên là người lớn, với tất cả tư cách và quyền của người lớn.
Ở đại học khác với ở phổ thông, chúng ta làm việc với những người lớn. Đối với người lớn người ta không răn bảo, truyền cho những chân lý có trước và bất di bất dịch, mà là đối thoại, giúp người ta tự nghiên cứu, tự phân tích, tự suy nghĩ, tự tìm ra sự thật, thậm chí có thể là sự thật khác, ngược với sự thật được viết trong sách và thầy giảng. Xin thử trích dẫn một đôi suy nghĩ của một số nhà giáo dục Pháp mới đây về điều này:
Armand Frémont viết: “Theo tôi, dường như không phải chúng ta cần dạy những niềm tin đinh ninh mà là dạy sự hoài nghi”.
René Blanchet thì nói: “Cần luôn nhớ rằng một trong những mục đích chính của giáo dục không phải là chất đống cho đầy các kiến thức, mà là khơi thức dậy đầu óc phê phán”...
Còn vô số những ý kiến tương tự của những người đã lăn lộn nhiều năm trong những nền giáo dục lớn, trăn trở cả đời vì chúng. “Hoài nghi”, “phê phán”, “tranh cãi”, “phản đối trước khi chấp nhận”..., riêng tôi nghĩ một người chưa đạt được những yêu cầu tinh thần tối thiểu đó thì chưa thể coi là một người có trình độ đại học một cách đàng hoàng.
Phương pháp học ở đại học do vậy phải là chủ động nghiên cứu, tự mình đọc và nghiên cứu (tất nhiên có sự gợi ý của thầy), tự mình phân tích, suy luận, tìm tòi, nghi ngờ, đặt lại vấn đề, phê phán, phản đối, tranh cãi... để cuối cùng chỉ chấp nhận cái tự mình tin là đúng. Song, điều còn quan trọng hơn gấp bội là qua đó tự rèn luyện tư cách độc lập, tự do tư tưởng của mình, để dần dần trở thành một người trí thức thật sự, tham gia vào tầng lớp trí thức của chúng ta.
Người thầy ở đây do vậy thật sự là một người bạn lớn, uyên bác tất nhiên để có thể giúp sinh viên trong quá trình đi tìm chân lý khó nhọc của họ, và đặc biệt tôn trọng họ như những người lớn đối thoại bình đẳng với mình, cùng mình đồng hành trên con đường gian nan làm người.
Học đại học là một niềm vui lớn (“Học nhi thời tập chi bất diệt lạc hồ!”), đó là niềm vui khám phá thế giới, niềm vui tự xây dựng nhân cách trí thức của mình. Ở đời có lẽ không còn niềm vui nào lớn hơn. Và thật hạnh phúc cho đất nước nếu bằng cuộc cải cách đại học chúng ta đang cố gắng thực hiện đây, sẽ có được một nền đại học như vậy, tương xứng với tầm cỡ đáng có của dân tộc ta.
Thử nghĩ một vài kiến nghị
Có những đại học như vậy đang trở thành nhu cầu bức bách của xã hội ta, nếu chúng ta nhất quyết không cam chịu mãi số phận lạc hậu so với bầu bạn năm châu, nếu chúng ta hiểu rằng trong “thế giới phẳng” ngày nay (như cách nói rất ấn tượng của Friedman), toàn cầu hóa và hội nhập không còn là một lựa chọn mà là một thực tế, và trong cuộc chơi mới đó của thời đại ta mới có thể đĩnh đạc vào cuộc cùng thiên hạ.
Vấn đề bây giờ là bắt đầu từ đâu, như thế nào?
Chắc sẽ rất khó “cải tạo” tình hình một cách cơ bản trên cơ sở các trường đại học đang có của ta hiện nay. Có đến nhiều trăm trường và tổ chức, nề nếp, thói quen, “truyền thống” của họ đã quá lâu năm, kéo dài, chẳng dê gì lay chuyển, nhất là khi lay chuyển ở chính những vấn đề thuộc về gốc rễ chứ không phải chi tiết.
Có lẽ cách tốt nhất là thiết lập một vài ba trường đại học hoàn toàn mới, theo tư duy mới, trên những nguyên lý mới, có học hỏi một cách nghiêm túc kinh nghiệm đại học phong phú của các nước tiên tiến. Có người gọi đó là kiểu những trường “đại học hoa tiêu” (pilot), một công văn của Thủ tướng Chính phủ gọi là “trường đại học mẫu”. Tạo nên đôi ba điểm đột phá, để rồi từ đấy loan rộng ra, làm thay đổi dần tình hình chung. Tôi nghĩ sự chuyển động có thể sẽ không quá lâu đâu nếu ta có quyết sách đúng, mạnh, kiên quyết tập trung cho những thí điểm để đảm bảo cho chúng thành công.
Theo chỗ tôi được biết, một số dạng trường theo kiểu này đang cố gắng hình thành, theo nhiều kiểu và nhiều con đường khác nhau, trường công tập trung của nhà nước làm lớn ngay từ đầu, hay trường tư đi lên dần theo từng bước thích hợp... Cần khuyến khích và ủng hộ một cách tích cực và thiết thực những cố gắng đó. Tôi biết những người đang lao vào công cuộc này đều thấy rõ trước mắt mình cả một núi khó khăn về rất nhiều mặt.
Họ làm vì tin rằng đó là việc đáng làm nhất cho đất nước bây giờ, sẵn sàng cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp theo họ có ý nghĩa sống còn này của dân tộc. Những người tâm huyết với sự phát triển và tự cường của dân tộc cần đến với họ, cùng bắt tay, cùng nhau làm nên sự nghiệp mới, tạo ra bước ngoặt mới của giáo dục, của đại học, và cũng là của đất nước.
Như là đang có một công cuộc duy tân mới đang được khởi xướng. Một trăm năm trước, Phan Châu Trinh, một trong những bộ óc sáng suốt nhất của VN đầu thế kỷ 20, đã thống thiết chủ trương và bắt tay thực hiện, nhưng rồi những uẩn khúc bi tráng của lịch sử đã khiến ông đứt gánh giữa đường. Ngày nay chúng ta có hàng nghìn lần điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục sự nghiệp dở dang của ông trong một thế giới mới. Sẽ thật xấu hổ, và có tội lớn nữa, nếu chúng ta để cho công cuộc này dở dang lần nữa, lần chần kéo rê, để mất thời cơ.
Nếu vậy, rồi sẽ phải nói sao đây với con cháu mai sau?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu