Giáo dục đại học: Cần một hệ tư duy quản lý khác?
Một vấn đề mà tôi đã nêu ra trong hội nghị của ngành từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời: để đảm bảo chất lượng đào tạo, chúng ta đã tiến hành sàng lọc sinh viên trong suốt quá trình học, nhưng sao lại không có cơ chế rõ ràng để sàng lọc đội ngũ cán bộ giảng dạy (cả về trình độ, năng lực và nhân cách)?
Khi một trường đại học dân lập ở một tỉnh nọ ra đời, chưa có cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu mà đã được phép tuyển sinh ngay một lúc đến chín ngành đào tạo, kể cả những ngành kỹ thuật; cũng như việc để nhiều vấn đề tiêu cực nghiêm trọng kéo dài trong một số trường dân lập khác thì làm sao xã hội có thể yên tâm với chất lượng đào tạo của các trường này, mặc dù chủ trương mở trường dân lập là rất đúng, rất cần thiết và cần đẩy mạnh. Trên thế giới có không ít trường đại học tư nổi tiếng nhờ chất lượng đào tạo cao.
Tại sao một số vấn đề của ngành vẫn còn lúng túng hết năm này đến năm khác mà không giải quyết được, như vấn đề tuyển sinh chẳng hạn? Nhiều trường đã đề xuất một cách rất hợp lý từ nhiều năm trước là xin chuyển hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm, vừa đơn giản, vừa đánh giá kiến thức thí sinh toàn diện hơn, tránh hiện tượng học tủ, quay cóp, tránh được sai sót chủ quan của người chấm bài và tiết kiệm hơn lại không được chấp thuận. Thậm chí việc tuyển sinh qua trắc nghiệm đã được thí điểm thành công ở một số trường đại học phía Nam mấy năm trước cũng phải chờ cho đến năm 2006 mới được thực hiện. Thận trọng chăng hay là tư duy quản lý còn rớt lại quá xa so với thực tế?
Có một điều rất lạ là trong khi chất lượng đầu vào được Bộ GD-ĐT kiểm soát rất chặt chẽ thì việc kiểm soát chất lượng đầu ra của sinh viên hoàn toàn buông lỏng cho các trường. Vậy ai là người chấn chỉnh những yếu kém của các trường về chất lượng đào tạo, trong khi bằng cấp của các trường được công nhận một cách duy ý chí là có giá trị như nhau, vì đều là bằng quốc gia?
Tại sao chương trình đào tạo đại học bốn năm ở các nước phương Tây chỉ gồm 125-130 tín chỉ, trong khi chương trình đào tạo ở nước ta (dù mới là chương trình khung) đã lên đến hơn 250 đơn vị học trình (tương đương tín chỉ) thậm chí hơn, mà chất lượng đào tạo của ta khác xa của người vậy?
Cái đáng sợ hơn đó lại là chương trình khung sẽ dùng cho 10 năm hay lâu hơn nữa, trong thời đại khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão! Vậy đâu là tính hiện đại của chương trình như mục tiêu nêu ra? Đó là chưa nói những chương trình khung được soạn thảo chi tiết đến mức gần như là một chương trình hoàn chỉnh cho tất cả các chuyên ngành, kể cả những chuyên ngành phát triển cực nhanh như tin học, viễn thông, điện tử, công nghệ sinh học thì làm sao có thể tồn tại lâu dài được.
Không thể vin vào luật có đề cập đến chương trình khung mà làm ra những sản phẩm phi khoa học rồi gán cho nó cái tên “chương trình khung” và buộc mọi người phải chấp nhận. Đáng tiếc là đất nước đã phải tiêu tốn hàng chục tỉ đồng và sẽ còn tốn thêm hàng chục tỉ đồng nữa cho sự ra đời của những cái không giống ai đó!
Cũng như vậy, chương trình đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài chỉ 35-40 tín chỉ thì chương trình của ta trung bình là 80-100. Đây là vấn đề mà các trường không thể vượt qua vì đó là qui định của bộ. Đây cũng là nguyên nhân tại sao có những môn có giờ lý thuyết dài lê thê nhưng kém hiệu quả. Đây cũng là “cái phao” cho những người thầy không có khả năng chuẩn bị bài giảng và truyền đạt một cách súc tích, hay những người muốn dạy nhiều để được nhiều tiền. Thật tội nghiệp cho sinh viên VN phải học chương trình nặng gấp đôi, nhưng kiến thức tiếp thu được lại nghèo nàn hơn sinh viên nước ngoài!
Đã có chủ trương mở rộng dần quyền chủ động cho các trường đại học, nhưng trên thực tế quyền chủ động quan trọng nhất là chủ động trong đào tạo thì lại đang bị thu hẹp. Không thể vì những tiêu cực, yếu kém ở một số ít nơi nào đó mà khép toàn hệ thống vào chung một khung cứng đến mức triệt tiêu tính năng động, sáng tạo của các trường trong đào tạo. Phải chăng ở đây cần có một hệ tư duy quản lý khác?
Không ai đánh giá thấp vai trò của cơ sở vật chất đối với chất lượng đào tạo, nhưng một khi chưa phát huy hết các tiềm năng hiện có để nâng cao chất lượng đào tạo thì chưa nên đặt vấn đề tăng học phí để nâng cấp cơ sở vật chất. Cần xem đó là biện pháp cuối cùng trong tình hình kinh tế của nước ta hiện nay.
TSKH TRẦN THƯỢNG TUẤN
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi