Gióng hồi chuông về phương pháp học đại học

03:51 CH @ Thứ Ba - 13 Tháng Giêng, 2004

"Riêng tối hôm trước khi mất Thu học đến 4g sáng..." - một cán bộ quản lý của ký túc xá ĐH Bách khoa cho biết như thế. Giá như có một phương pháp học tập khoa học và hợp lý hơn, có lẽ Thu đã không phải hứng chịu một kết cục lạnh lùng đến thế. Phải chăng đó chính là cái hậu của suốt những năm dài ĐH, Thu phải chịu áp lực nặng nề từ bài vở, từ những cuộc thi căng thẳng và không khoan nhượng?

Trong lúc chờ phỏng vấn tại ĐH Y dược TP.HCM, tôi lấy điện thoại ra chơi trò chơi điện tử. Một SV thấy vậy ngạc nhiên hỏi: “Điện thoại di động có trò chơi điện tử à?”. Tiếp đó, anh SV cho biết người anh của mình mới mua điện thoại Samsung trị giá 3 triệu đồng và tỏ ý băn khoăn không biết máy của anh mình “có trò chơi điện tử không?”.

Tôi không nghĩ đó là một SV năm 5 ngành y lại thấy lạ lẫm khi “điện thoại di động có trò chơi điện tử”. Một đồng nghiệp đi cùng chỉ đưa ra lời nhận xét: “Chẳng có gì là lạ cả khi mà SV trường này học bù đầu bù cổ. Thời gian đâu mà để ý đến những việc xung quanh!”. Quả vậy, tại ĐH Y dược, đi đâu cũng thấy SV trải tấm bạt nilông để ngồi - và cả nằm nữa - dọc các hành lang. Quyển sách để bên cạnh, miệng lẩm nhẩm học bài với ánh mắt nhìn lạc lõng và dường như không để ý đến bất cứ thứ gì đang diễn ra xung quanh mình...

Có quá nhiều SV vừa học vừa chơi và cũng có quá nhiều SV quên mọi thứ trên đời để học. Cả hai kiểu học như thế đều mang lại những kết quả tiêu cực khác nhau. Một bên là sự hụt hẫng về kiến thức, thường xuyên đối diện với nguy cơ bị đuổi học. Còn bên kia lại là sự mệt mỏi và căng thẳng, những lo âu chất chồng trong những năm dài ĐH đã khiến sức khỏe bị suy sụp, lạc lõng với những diễn tiến xung quanh của xã hội, lạ lẫm với những điều đang tác động đến cuộc sống hằng ngày...

Điều đáng mừng là gần đây một số trường ĐH đã bắt đầu đề cập đến “phương pháp học tập ở ĐH” cho các tân SV vào đầu mỗi năm học mới. Thế nhưng đó cũng chỉ là những động thái manh mún, lẻ tẻ. Giáo trình cho môn học để biết cách học này vẫn chưa đến được với số đông SV. Nguyên nhân chính dẫn đến việc SV khó tiếp thu được phương pháp học là do những bài học của việc tự học có từ thực tế của SV ít khi được đưa vào chương trình. Thêm vào đó việc học theo kiểu trả bài, rồi lịch học và lịch thi cứ dày đặc, đan xen lẫn nhau khiến “phương pháp học tập ở ĐH” hầu như bị phá sản hoàn toàn.

Định hướng cho việc học của SV là một yêu cầu cực kỳ quan trọng, quan trọng không kém nữa là việc thiết lập một thời gian biểu hợp lý cho SV trong lúc học lẫn lúc thi.

Một SV đột tử vì học quá nhiều?
Ngày 9.1.2004, khi gọi bạn mình dậy đi học, các SV phòng 404A KTX Bách khoa phát hiện SV Đàm Hữu Thu (khóa 99, khoa xây dựng, ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM) chết ngay trên giường ngủ. Nguyên nhân gây đến đột tử cho SV này được Bệnh viện Chợ Rẫy xác định là nhồi máu cơ tim.

Đại diện ban quản lý KTX Bách khoa cho biết bình thường SV Thu học đến 3g30 sáng, còn tối hôm trước khi bị đột tử SV này đã thức học bài đến 4g sáng.

Được biết SV Đàm Hữu Thu đã nộp luận văn tốt nghiệp cho trường và ngày 17.1.2004 tới sẽ bảo vệ luận văn tốt nghiệp của mình.

Thi thể của SV này đã được đưa về Phú Yên.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: