Giáo dục đại học Việt Nam: Một vài con số
LTS.Nhà báo Lê Hạnh, trên Lao Động số ra ngày 23.06.2004, đã ghi nhận từ hội thảo quốc tế "Đổi mới giáo dục đại học và hội nhập quốc tế ", tổ chức trong hai ngày 22 – 23.6.2004 tại Hà Nội, một vài thông tin so sánh đại học Việt Nam và thế giới. Chúng tôi xin trích đăng dưới đây một số đoạn của bài báo – dù biết rằng các so sánh thường khó tránh khỏi phần khập khiễng !
Đầu tư ít ỏi
Giáo sư Đào Trọng Thi, giám đốc Đại học Quốc gia HN đưa ra một so sánh : tỷ lệ đầu tư cho GD mới đạt 3 % GDP, trong khi tỉ lệ này ở Philippines là 4,2 %, ở Thái Lan là 5,4 % và ở Malaysia là 6,7 %; tỉ lệ này ở Mỹ vào năm 1995 đã là 5,3 %, ở Anh là 5,5 %, ở Canada là 7,3 %. Một cách so sánh khác : Chính phủ hiện quy định mức trần thu học phí đối với các trường ĐH công lập là 1,8 triệu đồng/ năm/ SV, chỉ bằng khoảng 20 - 25 % định mức chi phí đào tạo thường xuyên cho một SV (định mức này ở hai ĐHQG là 9 360 000 đồng/ SV, các trường ĐH công lập khác vào khoảng 7 - 8,5 triệu đồng).
Còn các trường đại học dân lập (ĐHDL) trên thực tế thu học phí ở mức thấp hơn rất nhiều, ví dụ ở trường ĐHDL Quản lý và Kinh doanh HN (thuộc loại cao nhất) cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng/năm học. Với định mức và mức thu học phí như hiện nay, khoảng cách chênh lệch với các nước khác là rất lớn. Ở Mỹ học phí của trường ĐH California, Berkeley, một trong những trường ĐH công lập nổi tiếng, vào năm 1999 chỉ là 4 355 USD, trong khi đó học phí ở các trường ĐH tư thục rất cao : ở Harvard là 22 802 USD, Yale là 23 700 USD, Stanford là 21 389 USD...
Vì vậy, theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Quốc Toản, tổng thư ký Hội đồng Quốc gia GD, « Sẽ không công bằng nếu chỉ phê phán về chất lượng mà không tính đến khoảng cách trong đầu tư cho GDĐH giữa VN và các nước trong khu vực và thế giới ».
Người "nhập", ta "xuất"
Giáo sư Phạm Phụ, ĐH Quốc gia TPHCM đưa ra con số : VN hiện nay đã có trên 20 000 SV đang du học tự túc ở nước ngoài, chi phí ước tính không dưới 200 triệu USD/năm. Nhà nước cũng đã có chương trình học bổng du học từ ngân sách quốc gia với tổng kinh phí 1 000 tỉ đồng trong 5 năm. Về du học sinh trong cuộc hội thảo " Đổi mới giáo dục ĐH VN - Hội nhập và thách thức " do bộ GDĐT tổ chức cách đây không lâu, giáo sư Hồ Sĩ Hiệp, trường ĐH Sư phạm TPHCM nhận định : « Chúng tôi sang nước ngoài khảo sát thì thấy SV mình rất kém, không làm cái gì được, chỉ có cộng trừ nhân chia là giỏi. SV VN ở nước ngoài nhìn chung thể lực yếu, rụt rè, ít chủ động, làm được những bài tập tự luận nhưng không biết phát triển lên cao. Vai trò cá nhân của SV VN trong trường học không thể sánh được với SV bạn. Hầu hết là SV đi du học tự túc, không phải là tinh hoa của SV VN»
Nước láng giềng trong khu vực - Malaysia - lại theo con đường khác : Cho rằng việc để SV của họ đi du học quá nhiều (đến 1997 có khoảng 35.000 SV) là mất chất xám và tổn thất ngoại tệ không đáng có, đạo luật về GD năm 1998 của họ cũng đã cho phép mở rộng sang mô hình " Mở chi nhánh ĐH ở nước ngoài ". Từ đó, đến năm 2001, đã có đến 27.000 SV từ 134 quốc gia khác nhau đến Malaysia học tập. Vì vậy, nên chăng, đã đến lúc nghĩ đến một chiến lược hội nhập thích hợp để tiết kiệm ngoại tệ, giảm thiểu việc mất chất xám?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu