Vinh quang đại học hay áp lực tù đày: Những khác biệt từ quan niệm

03:51 CH @ Thứ Tư - 20 Tháng Tám, 2003

Khác biệt trong quan niệm

Nhiều người có ý kiến rằng giáo dục Việt Nam hiện nay đang đi chệch hướng. Một trong những nguyên nhân căn bản đưa đến tình hình giáo dục hiện nay là những suy nghĩ của chúng ta về giáo dục đã lỗi thời trước những tiến bộ của khoa học và công nghệ trong những thập kỷ gần đây.

Chúng ta thường có thói quen dạy con cái những điều tốt đẹp và đầy lạc quan như Việt Nam có "rừng vàng biển bạc", con người "thông minh tuấn kiệt", mà không nói lên những khó khăn về thời tiết, về đất hẹp người đông, về sự nghèo khó trong đại bộ phận nhân dân, về khoảng cách mỗi ngày một gia tăng giữa người giàu và nghèo. Trong lúc đó, nhiều dân tộc như Nhật Bản chẳng hạn, đã dạy cho con em của họ những khó khăn triền miên của đất nước và những gì con người phải làm để tồn tại và phát triển.

Mục tiêu tối hậu là vào được đại học (!)

Chính vì thế mà bậc cha mẹ đã phải chuẩn bị cho con em ngay từ những nằm đầu của bậc tiểu học. Nhiều em đã phải học hai hoặc ba ca mỗi ngày, nhất là những năm ở cấp ba. Giáo dục phổ thông vì thế đã trở thành lò thiêu đốt sức khoẻ và trí tuệ của các em, khiến chúng không thể phát triển một cách toàn diện như trẻ em trong các nền giáo dục tiên tiến. Những em sau 12 năm học may mắn vào được đại học thì cũng chỉ dùng sự miệt mài của mình để kiếm được mảnh bằng, nhằm dễ dàng kiếm việc làm.

Trái với Việt Nam, giáo dục phổ thông ở các nước phương Tây, đặc biệt là 8 hoặc 10 năm đầu (tùy nước), có chương trình vừa học vừa chơi, nhằm giúp cho trẻ em phát triển các năng khiếu của chúng. Ở những năm học này, các em không phải thi lên lớp như ở Việt Nam mà chỉ có những bài trắc nghiệm để biết các em đã nắm được các bài học chưa. Các em dùng thì giờ để đọc sách, chơi thể thao, học nhạc, đi du ngoạn, tìm hiểu các di tích lịch sử trong nước và trên thế giới, hoặc theo đuổi những sở thích riêng. Từ các lớp nhỏ các em đã dược thầy cô và gia đình khuyến khích đọc sách, đọc nhiều và nhanh. Nhờ thế, kiến thức tổng quát của các em về mọi lĩnh vực đều vượt trội.

Tại các lớp phổ thông trung học, tùy năng lực, mà các em được hướng dẫn và chuẩn bị để chọn ngành thích hợp ở các trường đại học hay cao đẳng.

Mục đích học đại học là mảnh bằng (!)

Học sinh ở nhiều nước phương Tây, như Anh, Mỹ, Canada, Australia chẳng hạn, muốn vào đại học hay cao đẳng không phải thi. Kết quả học tập trong năm cuối ở bậc trung học phổ thông (như ở Anh, Australia, New Zealand) hoặc qua một kỳ thi trắc nghiệm khả năng (như ở Mỹ chẳng hạn) sẽ quyết định việc học của các em tại các trường cao đẳng hay đại học.

Không ai thấy xấu hổ khi học tại một trường cao đẳng, một trường đại học cộng đồng hay một trường dạy nghề. Người ta quý trọng sự đóng góp của mỗi cá nhân cho sự phát triển của xã hội chứ không coi trọng người chỉ có bằng cấp.

Tại các nước phương Tây, những năm học trong các đại học là những năm mở ra chân trời học tập bao la để đưa các em vào những công trình nghiên cứu với những phát minh và sáng chế có thể giúp ích nhân loại sau này.

Trái lại, đa số học sinh Việt Nam, nếu may mắn vào được đại học, thì đây là những năm "dùi mài", "học thuộc" để có mảnh bằng kiếm sống và vinh dự cho gia đình. Có ít em nuôi ý tưởng học đại học để tìm kiếm kiến thức mới, hoặc đưa ra những phát minh khoa học nhằm giúp ích nhân loại. Mục đích theo đuổi giáo dục đại học của con em chúng ta vì vậy quá "cận thị".

Việt Nam cần có những thanh niên nuôi dưỡng những mục tiêu theo đuổi giáo dục đại học cao hơn, xa hơn, giống như ước nguyện về giáo dục của các em trong các nước phát triển.

Cần một nền giáo dục đại học đại chúng

Ở đa số các nước phương Tây, giáo dục (GD) đại học (ĐH) là đại chúng vì bất cứ ai nếu muốn học ĐH hay cao đẳng (CĐ) đều có cơ hội... Ngược lại, ở VN, GDĐH lại là một nền GD dành cho học sinh ưu tú.

Với dân số trên 80 triệu người, mỗi năm, VN chỉ có dưới 300 nghìn sinh viên được nhận vào học trong các trường ĐH và CĐ là quá ít so với các nước đang phát triển trong vùng.

Về mặt tổ chức, các trường ĐH ở VN lại chia ra nhiều "đẳng cấp": ĐH quốc gia, ĐH vùng và ĐH chuyên ngành. Không bình đẳng còn ở chỗ chỉ có các trường ĐH và CĐ công lập nhận được tài trợ của ngân sách nhà nước, còn các trường ngoài công lập thì không được tài trợ hoặc không được giúp đỡ về mặt tài chính...

Tại các nước phát triển, cũng tất cả các trường ĐH và CĐ, dù công hay tư, đều nằm dưới quyền quản lý của Bộ GDĐT, không có trường trực thuộc bộ chuyên ngành..., không có sự phân biệt ĐH quốc gia hay ĐH vùng như ở VN. Tại Mỹ, Anh, Australia không có sự phân biệt đối xử giữa một trường ĐH công và ĐH tư. Không ai đánh giá GD trong các trường ĐH tư thấp kém hơn trường công hoặc ngược lại.

Theo triết lý tài chính đại học ở nhiều nước phát triển phương Tây, các trường ĐH và CĐ công cũng như tư đều có nhiệm vụ đào tạo con người để phục vụ cho xã hội, vì thế ngân sách (thu từ thuế của người dân đóng góp) phải được phân phối đều cho sinh viên, dù họ học dưới loại trường nào.

Bộ GDĐT không nên "bao sân"

Ở các nước phát triển, Bộ GDĐT có nhiệm vụ hoạch định các chính sách lớn về GDĐT và nghiên cứu phát triển; thiết lập ngân sách hằng năm; thoả thuận với các trường ĐH trong việc ấn định số sinh viên mỗi trường và phân phối ngân sách GDĐT; xây dựng chính sách đảm bảo chất lượng; phát triển chính sách GD quốc tế và trao đổi sinh viên. Bộ GDĐT trong các nước nói tiếng Anh như Mỹ, Australia, Anh, Canada v.v... tuyệt nhiên không nhúng tay vào việc bổ nhiệm bất cứ một chức vụ nào ở các trường ĐH, kể cả giám đốc hay hiệu trưởng. Công việc bổ nhiệm thuộc hội đồng quản trị của mỗi trường. Bộ GDĐT cũng không có nhiệm vụ quyết định các chương trình GDĐT trong các trường ĐH vì đây là nghiệp vụ của trường.

Ở VN không như vây. Bộ GDĐT đã "bao sân" làm thay công việc của các trường như: Quyết định từ tổ chức nhân sự tới chương trình GDĐT của các trường. Trong khi đó lại chưa đưa ra được mô hình quản lý thích hợp, dẫn tới phí phạm và thiếu hiệu quả; chưa có kế hoạch kích thích phát triển GDĐT; chưa xây dựng được mô hình hệ thống GDĐT phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH; chưa đưa ra được chính sách giúp tăng cường hoạt động nghiên cứu KH và triển khai...

Nguyên Vũ (Australia), Lao Động

LinkedInPinterestCập nhật lúc: