Cú va đập văn hóa của đô thị
Việc chuyển từ một xã hội thuần nông, tiền công nghiệp, hay công nghiệp có trình độ thấp sang xã hội công nghiệp đô thị hiện đại, chắc chắn sẽ tạo ra những biến chuyển xã hội nhanh chóng và mạnh mẽ
Những biến chuyển xã hội ở các đô thị lớn càng trở nên dồn dập hơn, bởi quy mô của xã hội đô thị lớn hơn, và sự ma sát giữa các lực lượng xã hội mạnh hơn. Chúng xảy ra trên tất cả các cấp độ, từ xã hội tổng thể (thiết chế, cơ cấu) đến từng hộ gia đình, những biến đổi này không chỉ diễn ra trên bề mặt kinh tế, xã hội, văn hóa của xã hội vĩ mô, mà còn tác động đến đời sống tinh thần trong chiều sâu tâm linh của mỗi cá nhân. Điều này đã diễn ra ở những quốc gia tiến hành đô thị hóa trước chúng ta hàng trăm năm như Pháp, Đức, Hà Lan và hàng chục năm như Hàn Quốc, Singapore và hiện đang lập lại ở các nước đô thị hóa sau như Việt Nam, Trung Quốc, Brazil. Đó là sự tất yếu của mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng xã hội và kiến trúc thượng tầng.
Truyền thống bị thách thức
Những sự biến đổi xã hội vào giai đoạn ban đầu của tiến trình đô thị hóa đã gây ra những va đập mạnh mẽ vào tổ chức xã hội và vỏ bọc gia đình và tạo nên các cú sốc, bởi đây chính là giai đoạn giằng xé giữa cái cũ truyền thống và cái mới đang hình thành. Biểu hiện thường thấy là cuộc sống cá nhân, gia đình bị đảo lộn, giá trị xã hội truyền thống bị thách thức, những gì đang diễn ra ngày hôm nay không giống ngày hôm qua. Nói cách khác là, cuộc sống không còn giống như trước nữa. Dường như mọi người phải làm việc nhiều hơn, đi nhanh hơn, ép mình vào khuôn khổ nhiều hơn, thường xuyên ngó đồng hồ, ưu tư tính toán và lúc nào cũng thấy thiếu thời gian cơ khí.
Quy luật thay thế bù đắp
Trong một sự biến chuyển như thế, có nhiều thứ gắn bó thân thiết không còn nữa, nhiều thói quen buộc phải biến mất. Chẳng hạn, bữa cơm gia đình thật là thú vị và hạnh phúc cho tất cả mọi thành viên, nhưng người ta buộc phải tạm biệt nó ít nhất 5 ngày trong tuần bởi vì công việc của mỗi người khác nhau, dù muốn cũng chẳng thể ngồi với nhau thường xuyên được. Người con muốn báo hiếu cha mẹ, nhưng không thể thường xuyên ở bên phụng dưỡng. Chúng ta có thể kể ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thứ bị mất đi với các lý do khác nhau, mà lý do nào cũng hợp lý cả. Rõ ràng là bước vào xã hội hiện đại, con người có nhiều sự lựa chọn hơn, nhưng việc ra quyết định lại không nhiều hơn.
Vậy, người ta phải hành xử làm sao trong một mớ mâu thuẫn như thế? May thay, từ cổ chí kim cho thấy, khi trong xã hội có một bài toán đặt ra, thì đâu đó đã lấp ló những tiền đề cho lời giải. Các nhà khoa học gọi đó là thay thế bù đắp. Sự thay thế này thường ra đời theo quy trình lúc đầu là tự phát đáp ứng ngay nhu cầu cấp thiết, sau đó được hoàn thiện dần và trở thành thiết chế và được tổ chức thành hệ thống hoàn chỉnh.
Dân đô thị bị cột chặt vào dịch vụ
Nếu quan sát và ghi nhận, chúng ta thấy những năm gần đây việc thay thế đã trở thành một hệ thống gọi là hệ thống dịch vụ. Và trong một xu hướng ngày càng hoàn thiện hơn, nhờ có công nghệ hiện đại và kỹ thuật tiên tiến. Các loại dịch vụ ở các đô thị lớn như TPHCM ngày một phong phú hơn và đa dạng hơn theo quy luật cung-cầu. Đủ loại dịch vụ từ cao cấp đến bình dân, có những dịch vụ mới xuất hiện được du nhập từ bên ngoài vào.
Cuộc sống của người dân đô thị dần dần bị cột chặt vào các loại dịch vụ đến mức không tách ra được nữa. Nếu không có thời gian nấu ăn thì cơm hộp, cơm bụi, thức ăn chế biến sẵn trong nhà hàng lúc nào cũng có. Còn nếu không có thời gian dạy con học đã có gia sư. Thậm chí những nhu cầu được coi là kỳ quái nhất cũng được đáp ứng bởi hệ thống dịch vụ như mang thai hộ, bán thận, khóc mướn, ...
Bi kịch của cuộc sống bị điều kiện hóa
Dịch vụ thay thế mang lại nhiều ích lợi không chối cãi, nhưng mặt trái của nó lại tiềm ẩn ngay trong giá trị của nó.
Chính vì sự thuận tiện và hoàn thiện của sự thay thế này mà làm cho con người dựa dẫm và ỷ lại vào chúng. Hơn thế nữa, nó làm cho con người trở nên lười biếng, từ chủ động thành kẻ phụ thuộc, tự đánh mất đi một số kỹ năng hành động và có phần vô cảm. Thay vì tự mình chăm sóc người thân thì lại phó thác cho các loại dịch vụ như y tế, giúp việc.
Có một sự thật giản dị mà người ta không hiểu hay không chịu hiểu là, hệ thống dịch vụ cũng như công nghệ - kỹ thuật có chức năng thay thế dẫu có tốt đến đâu cũng không thể nào thay thế được vai trò của con người. Chẳng có người giúp việc nào, bác sĩ nào cho dù tốt nhất cũng không thể thay thế được cho sự chăm sóc của người mẹ, chẳng có gia sư nào thay được cho sự dạy dỗ của người cha...
Sau hơn 40 năm phát triển rực rỡ, Singapore là nơi có hệ thống dịch vụ tốt nhất châu Á cũng đã nhận thấy những cái giá phải trả cho việc sùng bái quá mức dịch vụ. Khi còn đương chức, Thủ tướng Lý Quang Diệu là người khởi xướng ngày lễ bữa cơm gia đình để nhắc nhở người dân Singapore dù bận bịu làm ăn đến đâu cũng luôn nhớ quay về với gia đình trong bữa cơm sum họp.
Trong xã hội hội hiện đại, một mặt chúng ta phải hoàn thiện tốt hơn nữa hệ thống dịch vụ để đảm nhiệm được vai trò dịch vụ thay thế, nhưng mặt khác nữa mỗi người trong chúng ta luôn luôn có ý thức về trách nhiệm của chính mình trong vai trò người làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ, làm con và làm người công dân tốt.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005