Văn hoá tiêu dùng: Hãy biết xếp hàng…
Nói tới xếp hàng, nhiều người cứ nghĩ đó là “động tác điển hình” của thời bao cấp. Nhưng thời kinh tế thị trường, cũng cần biết xếp hàng trong những trường hợp cần xếp hàng. Xét nhiều lẽ, xếp hàng chẳng có gì xấu, nó thể hiện tầm văn hoá của người tiêu dùng.
Nhiều người, nhất là lớp trẻ, dù được học hành nhiều nhưng không chấp nhận hành vi xếp hàng, vì cho rằng như vậy là đánh mất giá trị bản thân, cái bản ngã… vô giá của mình (?). Họ chỉ chấp nhận hành vi xếp hàng khi có sự can thiệp của những cơ quan chức năng có trách nhiệm và quyền lực.
Từ lấn tuyến, chen nhau gửi xe…
Cứ chịu khó quan sát trên những con đường hai chiều vào mỗi buổi sáng. Nếu có con “lươn” hay dải phân cách và ông cảnh sát giao thông, tỷ lệ đậu xe lấn tuyến có ít hơn. Còn không có những “thông số” ấy, mạnh ai nấy lấn. Một người lấn được, hàng trăm người lấn theo. Không có chiều lưu thông cho hướng ngược lại. Vậy là tắc đường. Họ là ai? Đủ thành phần trong xã hội. Người lao động bình dân, còn dễ chấp nhận. Còn lớp trẻ, là “nam thanh nữ tú” là điều không thể chấp nhận được. Nếu kiểm tra bằng cấp, không ít người có vài ba tấm bằng đại học, cao học, thậm chí là tiến sĩ. Học trong nước. Du học bên Tây. Có nhắc nhở, họ sừng sộ. Đành thôi.
Thử một lần vào siêu thị hay trung tâm điện máy vào những giờ cao điểm để gởi xe mới cám cảnh tình trạng vô trật tự. Chẳng theo thứ tự trước – sau, mạnh ai nấy chen. Cứ hai bên “cánh gà” mà chen xe vào. Tội cho những ai đi “chính đạo” phải nhường chỗ. Không ít lần nghe cãi nhau, thậm chí những cánh tay vung lên… Nhiều lần thấy vậy. Đôi lúc cũng bực mình, nhưng ngẫm lại: thôi. Có chờ tốn ít phút cũng chẳng chết!
Cách đây 4 năm, vào dịp Computer World Expo 2005 tại TP.HCM, hãng máy in Lexmark lần đầu tiên công bố chương trình bán máy in với giá 1 USD ngay ngày khai mạc triển lãm. Vì không có kinh nghiệm tổ chức nên mạnh ai chen được thì mua. Thế là đám đông giẫm đạp lên nhau mà mua. Áo rách, dép rơi, điện thoại di động mất… Mặc cho nhà tổ chức kêu gọi xếp hàng, nhưng chẳng mấy ai nghe. Ban tổ chức đành yêu cầu hãng máy in này ngưng ngay chương trình bán máy mới vãn hồi trật tự.
Thật đáng buồn, khi sự việc diễn ra có không ít người nước ngoài làm việc các hãng công nghệ thông tin qua tham dự triển lãm. Một nhân viên phiên dịch trẻ tuổi không biết giải thích như thế nào cho giám đốc một hãng chuyên sản xuất thiết bị lưu trữ điện (UPS), khi vị khách này hỏi: “Sao người ta không xếp hàng chờ đến lượt để mua?”. Trả lời thì dễ nhưng nói như thế nào mà không mất mặt mới là chuyện khó, vô cùng khó. “Mình muốn nói thẳng là dân ta phần lớn không có ý thức xếp hàng, nhưng nói vậy đâu có được. Người ta đánh giá thấp dân mình, chủ yếu là giới trẻ có học”, anh nhân viên này tâm sự.
Đến tổ chức lại khuyến mãi
Câu chuyện nóng hổi là chuyện Samsung phải tổ chức chương trình “Crazy Sale” tới hai lần mới trọn vẹn. Chương trình này bán những chiếc điện thoại Samsung Star với 3 mức giá: 178.000đ/ máy (100 máy), 1,78 triệu đồng/ máy (150 máy) và 4,1 triệu đồng/ máy kèm theo món quà là chiếc va li (trị giá 600.000 đ). Điều mà người tiêu dùng nhắm đến là những chiếc điện thoại 178.000đ và 1,78 triệu đồng.
Vì không thể lường trước những gì sẽ xảy ra nên lần đầu tiên Samsung tổ chức (ngày 30.5.2009) tại Parkson Hùng Vương với không gian chật hẹp và đội ngũ nhân viên an ninh khá ít ỏi. Dù thể lệ quy định phải có tờ giấy đăng ký qua email mới đủ điều kiện để may mắn được mua, nhưng những ai tham dự quên mất điều kiện này, cứ chen vào để mua. Hàng ngàn người chen lấn, xô đạp… Vậy là “vỡ trận”.
Xếp hàng "cưỡng bức" dưới sự giám sát của lực lượng bảo vệ và những khung thép, trong một cuộc khuyến mãi của hãng điện thoại
Báo hại cho nhà tổ chức phải tốn chi phí và những lời xin lỗi để tổ chức lại lần 2 vào sáng hôm qua và hôm nay (6.6.2009 tại TP.HCM, ngày 7.6.2009 tại Hà Nội). Tại TP.HCM, “Crazy Sale” lần hai được tổ chức một nơi an toàn hơn: sân vận động quân khu 7, với lực lượng bảo vệ hùng hậu lên đến gần 100 người. Rút kinh nghiệm lần trước, không chỉ có lực lượng bảo vệ đông mà ban tổ chức còn bố trí những lối đi bằng những khung thép (vì tế nhị nên được bọc vải).
Theo quan sát, chương trình đã diễn ra thành công như nhà tổ chức đã dự liệu, nhưng vẫn còn “lời ong tiếng ve”. Nhiều người không có phiếu đăng ký vẫn đến và chờ từ 2-3 giờ sáng. Khi ban tổ chức mở cửa để 700 người đầu tiên hợp lệ tham gia chương trình, những người còn lại đã la hét, chửi rủa ban tổ chức. Chua xót mà nói rằng, họ đã không tôn trọng luật chơi và không chịu… xếp hàng. Một chuyên gia về marketing của Samsung đến từ Hàn Quốc nói một cách lịch sự: “Đã tổ chức những chương trình như thế này, nhưng chưa nơi nào người tham gia cuồng nhiệt đến độ phải dùng bảo vệ và những khung thép như ở đây”. Nghĩ mà thấy… xấu hổ!
Chọn số may mắn và tham gia khuyến mãi cũng phải có bảo vệ giám sát!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành