Nỗi lo văn hóa
Cứ nhìn những lá cờ tổ quốc lộng gió trong thác người tuôn chảy trên đường phố dạo nào khi những cầu thủ thân yêu của họ đem vinh quang về cho đất nước với chiếc cúp vô địch Đông Nam Á sẽ hiểu rằng ở đây không đơn thuần chỉ là niềm tự hào về một chiến thắng trên sân cỏ.
Người hùng của trận đấu, thủ môn Dương Hồng Sơn, đã chiếm lĩnh một vị trí đặc biệt trong những người yêu bóng đá và không chỉ có họ. Khi quả bóng vàng được trao cho anh, xã hội biểu tỏ sự tán đồng. Ấy vậy mà phút đăng quang đầy xúc động qua chưa lâu, các báo đã buộc lòng phải lên án hành vi phi thể thao của người hùng từng góp phần đem vinh quang về cho thể thao nước nhà.
Và quả thật “giận thì giận mà thương thì thương”! Đáng thương vì xét đến cùng thì đây là một hành vi bột phát. Nếu đem đặt lên bàn cân giữa những điều mà anh ta đã làm được và những cái mà anh ta gây ra sẽ thấy cần phải ứng xử thế nào với những sai lầm khá phổ biến về hành vi phi thể thao trên sân cỏ và cả ngoài sân cỏ. Vụ đụng độ mới diễn ra ở sân Vinh giữa các cổ động viên của cả hai đội bóng là một ví dụ. Lực lượng bảo vệ đã triển khai dày đặc nhưng vẫn không ngăn chặn được những hành vi bạo lực mang tính côn đồ “quyết đấu” đã được chuẩn bị.
Đâu chỉ vì các lực lượng an ninh và cảnh sát thiếu phương tiện, thiếu kinh nghiệm cho dù điều này vẫn cần rút kinh nghiệm. Vấn đề nằm ở chỗ khác thì hãy lấy chuyện “văn hóa vặt trụi” diễn ra trong lễ hội hoa anh đào Nhật Bản năm ngoái đã đưa đến cuộc triển khai lực lượng hùng hậu để phòng sự tái diễn trong năm nay. Chỉ nhằm bảo vệ có mấy gốc hoa anh đào mà phải huy động gần 700 công an, cảnh sát, dân quân... Thế mà rồi, tuy hiện tượng “văn hóa vặt trụi” đã được ngăn chặn nhưng vẫn diễn ra cảnh xô đẩy, chen lấn “thưởng hoa” của nhiều nam thanh nữ tú, thậm chí đẩy ngã cả cụ già để chen được đứng vào chỗ cạnh hoa để có một tấm ảnh đẹp! Quả là nghịch lý trong cách thưởng thức “cái đẹp”!
Phải chăng cần gắn kết những sự kiện đáng xấu hổ nói trên với cả một chuỗi những sự kiện phản văn hóa liên quan đến giới trẻ từ trên các lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt xã hội, đời sống gia đình, diện mạo học đường... để nhìn nhận một cách nghiêm túc và chỉ cho ra nguyên nhân nào đã đẩy tới những cái đáng xấu hổ đó. Nỗi đau của sự xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận của giới trẻ, đặc biệt là giới trẻ đô thị, không thể chỉ là nỗi đau của những gia đình bất hạnh mà phải là nỗi đau của xã hội. Sự chuyển đổi một mô hình kinh tế, làm khởi sắc một số hoạt động sản xuất và dịch vụ đã khó, song sự chuyển đổi một lối sống, một nếp sống bị xuống cấp sẽ khó hơn nhiều.
Nhìn nhận một sự kiện văn hóa, đạo đức, có thể thấy những nguyên nhân trực tiếp, song thực ra phải nhìn lùi vào bề dày của những hệ lụy do nhiều nguyên nhân đã gây ra. Bề dày đó có khi phải tính bằng độ dài của sự ra đời và trưởng thành của một lớp thanh niên.
Cho nên văn hóa phải đi trước một bước thì mới tạo ra được nền tảng tinh thần của xã hội và đánh giá một hiện tuợng phản văn hóa lại phải lùi lại phía sau nhiều bước thì mới thấu tỏ được nguyên nhân. Có vậy mới đưa ra được giải pháp đúng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh