“Hoa Anh Đào Nhật bản và cô hàng bánh rán bán rong” hay một triết lý giáo dục mới
Hình như có một sự liên lạc mơ hồ giữa điệu múa “Hoa Anh Đào khô” của Nhật Bản với các gánh hàng quà rong nhan nhản trên khắp các phố phường Hà Nội. Điệu múa “Hoa Anh Đào khô” cho phép chúng ta nhìn sâu sắc hơn những đặc điểm tâm lý cơ bản dân tộc của Việt nam. Những đặc điểm ấy chi phối mỗi người dân Việt nam chúng ta hàng ngày, hàng giờ, trong mọi hoạt động. Những đặc điểm này làm nên lịch sử và văn hóa của đất nước chúng ta. Nhưng vì những đặc điểm này là máu thịt của ta, nên ta quá quen biết chúng, đến độ xem các đặc điểm tâm lý ấy là tầm thường.
Hôm 12-04-2009 vừa qua, tại Sân Quần ngựa, Hà Nội, có lễ hội Hoa Anh Đào của Nhật Bản. Người Nhật thật kỳ công khi chuyển bằng máy bay hạng lớn mấy cây Anh Đào sang cho nhân dân ta ngắm. Hoa Anh đào chỉ nở ở xứ lạnh, vào mùa xuân. Nó là thứ “Quốc Hoa” của Nhật Bản. Được gọi là quốc hoa vì Anh Đào không những đẹp, thanh cao, lộng lẫy, mà cái chất “Anh Đào” còn ngấm vào từng hành vi, từng sản phẩm của dân Nhật, thậm chí ngấm vào cả lối tư duy Nhật Bản nữa. Sở dĩ chúng tôi muốn nói vậy vì để tìm ra cái gốc văn hóa của Việt Nam thì không gì bằng nhìn sang bên nước bạn.
Thực vậy, mấy cây Anh Đào tươi chỉ thỏa thói hiếu kỳ của những người ngắm Anh Đào trong nắng Hà Nội thôi. Ngay trước khi Anh Đào được chở bằng máy bay sang, còn có một buổi biểu diện nghệ thuật tại DAEWO hotel nữa. Đó là buổi biểu diễn về “Hoa Anh Đào khô”. Mấy chục nghệ nhân già trẻ từ Nhật sang vui vẻ nhảy múa trên sân khấu trong tiếng nhạc hoành tráng biểu diễn bài Anh Đào “khô”. Đó là điệu múa dân gian Nhật Bản. Mỗi nghệ nhân có một bó đũa. Các cây đũa nhỏ được liên kết với nhau, khi gói lại thì là bó đũa, khi trải ra thì như bức mành. Bó đũa đó thật giản dị. Họ vừa nhảy múa, vừa hát, vừa biến hóa bó đũa đó bằng hai tay, bằng nụ cười và bằng cả ánh mắt nữa. Chỉ một bó mấy chục cái đũa mà được biến hóa thành vài chục phương thức liên kết, lúc là cái cầu, lúc là cánh cung, là là cần câu, lúc là con cá,… Người chỉ huy buổi diễn hát và hô theo phách nhạc, mỗi lần hô là một lần biến hóa, lần biến hóa cuối cùng và đặc sắc nhất là bó đũa được biến thành những cành hoa Anh Đào, cả mấy chục bó đũa biến thành một rừng hoa anh đào rung rinh điểm những nụ hoa trắng muốt. Lúc đó tiếng nhạc bừng lên cao vút, những điệu hò âm vang, những cành hoa Anh Đào “đũa” quay tròn biến ảo như trận đồ bát quái Khổng Minh.
Người xem có thể chưa hiểu biết nhiều về văn hóa Nhật bản, nhưng hoàn toàn cảm nhận được những tinh hoa tiêu biểu nhất của cả một đất nước, một dân tộc chỉ qua một tiết mục. Vì không rành ngôn ngữ Nhật nên chúng tôi tạm gọi đó là buổi biểu diễn “Hoa Anh Đào khô”. Mà triết lý cơ bản của buổi biểu diễn đó là đoàn kết trong biến hóa, đoàn kết để biến hóa, đoàn kết để sáng tạo.
Suy rộng ra, đó chính là nét sâu sắc trong cách sống của dân Nhật, trong văn hóa Nhật. Cái sự sâu sắc ấy ngấm vào hành vi của từng doanh nghiệp, từng tổ chức (lớn hoặc nhỏ) của nước Nhật, thậm chí ngấm cả vào các chi tiết máy móc, hạng mục công trình của các sản phẩm Nhật Bản nữa.
Đem cái gương ấy soi vào văn hóa Việt Nam, chúng ta nhận thấy tính chất đoàn kết của dân Việt mình khác nhiều lắm. Thực vậy, người Việt mình rất đoàn kết trong kháng chiến, trong đắp đê. Nhưng hình như chúng ta chưa đoàn kết nhiều trong cấy lúa. Cảnh đồng của chúng ta chỉ có “chống cày vợ cấy con trâu đi… bừa”, mà lại cày bừa trên những mảnh ruộng nhỏ bé. Vậy suy ra, dân ta lúc thường thì đoàn kết trên qui mô nhỏ, cỡ họ tộc, cỡ “cạ”, cỡ “nhóm”, nhưng chưa đoàn kết đến qui mô làng xã, xí nghiệp. Ngược lại, khi bị ngoại xâm thì sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam chúng ta bùng ra ở qui mô rất lớn, qui mô toàn dân tộc. Lịch sử của dân tộc ta biết bao thăng trầm. Những giai đoạn “trầm” là lúc mà triệu người cùng khắc chữ “Sát Thát” trên bắp tay, hoặc khi ngàn vạn người hành quân băng qua “những cánh rừng Trường Sơn ào ào lá đổ”. Lúc đó, cả dân tộc ta đoàn kết muôn người như một. Những giai đoạn “thăng” là lúc một anh thợ cày thuê ruộng nuôi tôm vài năm thành tỉ phú, hoặc một cán bộ qua đêm cá độ bóng đá tiêu gần hết một triệu đô.
Vậy là, khi thăng thì đoàn kết qui mô nhỏ, khi trầm thì đoàn kết qui mô lớn. Chúng ta chưa giữ được sự đoàn kết qui mô lớn trong thời lượng dài. Điều này khác dân Nhật Bản nhiều lắm, khác cả dân Tầu nữa. Có lẽ Cụ Hồ Chí Minh là người biết rõ tính chất “du di” của qui mô đoàn kết dân tộc cho nên trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, cho đến tận bài viết cuối cùng, cụ luôn luôn nhấn mạnh đến sự đoàn kết (xem Di chúc Hồ Chủ tịch).
Vậy đoàn kết rất quan trọng, đoàn kết là đặc trưng văn hóa sâu đậm nhất của dân tộc Việt Nam. Nhưng tính đoàn kết của dân tộc Việt nam chúng ta có nhịp điệu theo biểu đồ hình sin. Hình 1 là biểu diễn theo đồ thị cái nhịp điệu ấy.
đG
T đN
Hình 1. Mối quan hệ giữa mức độ gắn kết cộng đồng và mức độ nguy hiểm trong môi trường sinh tồn. Trong đó đG là thước đo độ gắn kết cộng đồng, đN là thang đo mức độ nguy hiểm của cộng đồng.
Theo hình 1, khi nguy cơ sinh tồn bị đe dọa thì mức gắn kết cộng đồng tăng nhanh, người ta sẵn sàng bỏ qua sự ích kỷ thường ngày để liên kết với nhau thành khối thống nhất có hành động chung theo cùng hướng, cùng ý chí.
Hiện nay, chúng ta đang làm ăn kinh tế, mức độ gắn kết cộng đồng dần bị suy giảm. Bạn không thể nào để cái xe máy trên vỉa hè ngay trước một cửa hàng, mà không định vào mua, bạn sẽ dễ bị ăn mắng. Đi đường bạn cũng dễ bị chửi nếu vô ý đụng chạm. Hoặc giả bạn thường nghe Ông Kiến trúc sư Ngô Huy Giao phàn nàn về kiến trúc nhà ống. Ông bảo ở Hà Nội, Sài Gòn, và các tỉnh thành người dân xây nhà ống vì quĩ đất hẹp. Nhưng ông rất lạ rằng ở nông thôn, quĩ đất lớn hơn, dân ta vẫn xây nhà ống. Những nếp nhà quay ngang, có vườn phía trước ngày càng ít. Ông rất băn khoăn không biết vì lý do gì mà nhà ống phát triển nhanh khủng khiếp như vậy, bất chấp các qui tắc về cái đẹp và cái tiện dụng trong sinh hoạt. Theo chúng tôi nhà ống có lý do văn hóa. Nó bắt nguồn từ sự suy giảm đoàn kết. Ngày nay nhà ống đang ngày một vươn cao. Dân Nhật Bản chịu ở nhà hẹp, nhưng sẵn lòng dành qui đất để xây các công trình công cộng thật rộng rãi hoành tráng. Dân Việt nam không vậy, họ lấn từng centimet, làm sao để lòng nhà ống rộng thêm, mà sẵn lòng để ngõ đi hẹp lại. Vậy suy rằng, khi phát triển nhà ống người ta nghĩ đến lợi ích cá nhân trước khi nghĩ đến lợi ích cộng đồng. Và chúng ta xem đó là một điều tự nhiên. Vì căn nhà là thành trì của tự do cá nhân. Hơn nữa, khoảng không gian phía trước cũng được cái lòng tham lợi cá nhân lấn nốt nữa. Cho nên mặt vỉa hè là pháo đài kinh doanh nhỏ. Nói tóm lại, chỉ cần nhìn vào cái nhà và mặt phố thì bạn dám kết luận mức độ đoàn kết, mức độ gắn kết cộng đồng đang suy giảm cùng với sự phát triển của kinh tế.
Hiện tượng chen lấn nhau khi kẹt xe, xô đẩy nhau khi vào đền bà Chúa kho, gian lận thi cử, “thửa” bằng giả đổi lấy chức quan thật, chạy chức vụ bằng tiền, hay tham nhũng, biển lận, thậm chí cả việc soạn văn bản nghị định có lợi cho riêng ngành mình,… đều cùng một cốt lõi tư duy. Chúng ta đang đứng trên lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ của tổ chức mình để tư duy. Chúng ta đang dần bỏ lại phía sau lợi ích cộng đồng. Nhiều người xem việc tích lũy cho cá nhân mình làm lẽ sống. Lẽ sống đó, lẽ sống tích lũy cục bộ, trong vật lý học, được gọi là sự co cụm, sự cô đặc, sự suy biến về một điểm không gian- thời gian bé. Tất nhiên, qui trình đó làm giảm các lực liên kết cộng đồng, làm cho sức mạnh khối của cộng đồng bị giảm. Khi tư duy và hành động như vậy, chúng ta quên rằng, lợi ích cá nhân chỉ bền lâu trên cơ sở lợi ích cộng đồng không ngừng được củng cố. Đây chính là nguyên lý sự bền vững của toàn thể là cơ sở của sự bền vững cục bộ. Thực vậy, không thể nào duy trì giá trị sử dụng của căn nhà ống khi mà mọi người đều chỉ lo giữ sạch bên trong và vô tư xả rác ra bên ngoài.
Sự cân nhắc về mối quan hệ cái chung/cái riêng được thể hiện ra bởi một từ “đoàn kết”. Vậy, rõ ràng khái niệm đoàn kết có chiều sâu triết lý rất lớn. Không thể nào miệng nói đoàn kết, mà lòng thì chỉ lo cái lợi riêng, cái lợi cục bộ. Và điều nguy hiểm hơn cả là cái lợi ích cục bộ. Nó là thành trì vô hình trong lòng ta, để ta củng cố và phát triển “cạ”. Ta làm lợi cho “cạ”, để ta có lợi riêng, mà không biết rằng cả cộng đồng lớn đang lâm vào suy biến.
Bạn hãy suy tư về hành vi cân điêu cân gian của mấy bà bán hàng ngoài chợ, hay hành vi chặn xe lấy tiền của mấy “thầy đội cảnh sát” ngoài đường. Họ làm vậy và có lợi, họ thu được nhiều tiền hơn. Họ đang tiến hành tích lũy. Hoặc như hành vi ăn tiền tham nhũng của một số cán bộ, kiểu như Bùi Tiến Dũng ở PMU 18 chẳng hạn. Các cán bộ ấy có thể tích lũy được nhiều tiền hơn mấy bà cân điêu và mấy “thầy đội cảnh sát” mãi lộ nữa. Tiền tích lũy ấy chảy từ phía cộng đồng về túi của các cá nhân đó. Có lẽ, khi tích lũy bằng những phương pháp ấy, họ không suy tư nhiều lắm cho lợi ích cộng đồng. Thậm chí, họ cũng ít nghĩ cho lợi ích của một nhóm người nhỏ hơn bao quanh họ, ví dụ con em trong nhà. Khối tài sản họ tích lũy được từ cộng đồng theo các cách trên hình như không có tính khả kích, tức không trở thành tiền đề để sáng tạo ra cái mới. Hình như những khối tích lũy đó có tuổi đời ngắn.
Cho nên, nếu xét tình đoàn kết dân tộc đang theo biểu đồ hình sin ở nhịp đi xuống, thì rõ rằng điều đó đang gây một hiệu ứng to lớn. Nó kéo theo một số lượng rất lớn người (thuộc đủ thành phần xã hội, có vị trí, đẳng cấp, nghề nghiệp khác nhau) vô tư đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng. Biểu hiện ra ngoài của sự suy giảm đoàn kết là chất lượng sản phẩm ngày càng kém. Điều này lại gây hiệu ứng domino. Thực vậy, chất lượng sản phẩm (kể cả dịch vụ) xuống thấp đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự xâm tràn của các sản phẩm ngoại. Do đó, các ngành sản xuất ở Việt Nam ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình vươn lên. Như vậy, càng làm kinh tế, tâm chúng ta càng quằn quại với những lo toan.
Tuy nhiên, thoát ra khỏi những lo toan đó không khó lắm. Bạn hãy thử mà xem, ngay bây giờ thôi. Bạn hãy nghĩ về cộng đồng nhiều hơn, hãy đặt lợi ích cộng đồng lên trên đi. Ngay khi ấy, dường như, thị trường trước mắt bạn rộng hơn, với nhiều tiềm năng phong phú hơn. Hãy nghĩ mình là người phục vụ cho cộng đồng, mình phải làm tròn bộn phận. Còn lợi nhuận cho doanh nghiệp mình hay cá nhân mình, chính là tiền công mà mình được hưởng từ cộng đồng. Khi đó chắc chắn bạn sẽ nghĩ ra các dự án lớn.
Đến đây chúng tôi tổng kết lại về đặc điểm tâm lý dân tộc ta: lúc nguy biến thì đoàn kết muốn người như một, lúc bình thường thì nghĩ đến lợi riêng nhiều hơn nghĩ đến lợi ích chung. Khi đó, chúng ta thường dùng cái vỏ cục bộ, cái vỏ họ tộc, làng xã, “cạ cánh” để phủ lên cái lòng tham lợi cá nhân. Nói theo ngôn ngữ Tầu, chúng ta có tâm hồn “bá đạo” mà chẳng có tư cách “vương đạo”. Đó là một trong những đặc trưng cơ bản nhất của văn hóa Việt.
Vậy nên, muốn xây dựng một dự án về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ đều nên bắt đầu từ cái cốt lõi văn hóa ấy, nhất là các dự án liên quan đến đào tạo và dậy dỗ con người.
Khái niệm văn hóa-kỹ thuật
Dưới đây chúng tôi trình bày một khái niệm mới, gọi là văn hóa - kỹ thuật. Khái niệm ấy xuất phát từ việc quan sát quá trình sản xuất các sản phẩm cơ khí. Khái niệm này, theo chúng tôi, cơ hồ có thể cho phép chúng ta nhận thức sâu hơn về nguyên nhân của sự suy giảm độ gắn kết cộng đồng trong phát triển kinh tế.
Đây là một khái niệm lai ghép giữa văn hóa và kỹ thuật. Do đó, trước khi lai, chúng tôi xin trình bày lại định nghĩa của hai khái niệm này, theo cách để có thể lai ghép được.
Định nghĩa về văn hóa:
Cụ Hồ Chí Minh đã định nghĩa “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi hình thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Đó là một định nghĩa tổng hợp rất hàn lâm về văn hóa, đúng trong hầu hết trường hợp. Nhưng trong bài này, vì muốn tìm những nét tương đồng giữa văn hóa và kỹ thuật, nên chúng tôi chỉ chắt lọc trong định nghĩa của Cụ ra đôi chút tinh hoa mà thôi.
Một sản phẩm văn hóa như bản nhạc, bài hát, bức tranh, áng văn, …. phải là một sản phẩm có thể hấp thụ được bằng óc não con người. Khi đã được hấp thụ vào thì sản phẩm ấy gây hiệu ứng làm hưng phấn lòng người. Không nhất thiết sản phẩm ấy được toàn thể cộng động hấp thụ một cách vui vẻ, nhưng ít nhất phải có một tầng lớp đủ đông thuận tình hấp thụ. Nếu số người hấp thụ bằng 0, thì sản phẩm ấy không thể là sản phẩm văn hóa. Nếu độ cảm hứng bằng 0, thì sản phẩm ấy cũng không thể là sản phẩm văn hóa nữa. Chẳng hạn, một số thanh niên thích để tóc lởm chởm nhuộm vàng nâu hoe hoét. Đối với họ và vài bạn bè mốt tóc đó là một sản phẩm văn hóa. Nhưng nhiều bạn khác và các bậc phụ huynh hình như khó cảm nhận hết được nét đẹp ấy. Vậy mốt tóc đó cơ hồ là một sản phẩm văn hóa chất lượng thấp. Bởi vì, khả năng được hấp thụ và khả năng gây hưng phấn của nó thấp. Ngược lại nếu một sản phẩm văn hóa được rất nhiều người hấp thụ, gây cảm hứng cao, lại có nhiều người vì cảm hứng cao mà sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa khác thì sản phẩm ấy có chất lượng văn hóa rất cao, ví dụ Truyện Kiềucủa Cụ Nguyễn Du. Như vậy đặc trưng cơ bản của sản phẩm văn hóa là có thể được hấp thụ, có thể gây cảm hứng, có thể làm nền tảng kích thích sáng tạo ra cái mới. Một cách vắn tắt văn hóa phải có ba đặc trưng khả hấp, khả cảm, khả kích. Với ba đặc trưng ấy sản phẩm văn hóa đi vào lòng người, tồn tại bền lâu trong môi trường (vật thể hoặc phi vật thể). Một bài dân ca, một mẩu gốm có tuổi vài trăm năm hoặc hàng ngàn năm, nếu vẫn còn ba khả năng trên thì vẫn là các sản phẩm văn hóa cao cấp. Một bản nhạc ủy mị ẽo uột, một tiểu thuyết ướt át được hấp thụ bởi một số ít quần chúng trong một thời gian ngắn vài năm là các sản phẩm văn hóa thấp cấp.
Theo định nghĩa trên, thì các sản phẩm văn hóa ngoài chức năng giải trí còn có chức năng quan trọng khác là khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi là một sản phẩm văn hóa tuyệt đỉnh, vì cho đến tận bây giờ mỗi khi đọc lại chúng ta còn tìm thấy vô vàn cảm hứng để sáng tạo ra các cách xử thế hợp nhân nghĩa trong đời thường hay trong kinh doanh. Hoặc truyền thuyết Thánh Gióng cũng là một sản phẩm văn hóa độc nhất vô nhị của dân tộc Việt nam, vì nó tạo cảm hứng để chúng ta có các cách tổ hợp mới về vật chất (ví dụ ngựa sắt, gậy sắt,…) và về nhân tâm (cả làng góp gạo, góp sức nuôi Thánh,…) để có thể tìm ra những nguồn sức mạnh tổng hợp lớn.
Định nghĩa về kỹ thuật:
Ông Phạm Quốc Tuấn, một chuyên gia về khuôn mẫu cơ khí, thường nói rằng “nhiều người (nhiều sinh viên, thậm chí một số vị có bằng cấp cao nữa) hiểu về kỹ thuật còn hời hợt”. Ông không định nghĩa từ “kỹ thuật” bằng từ điển, bằng giáo trình mà bằng thực nghiệm nhiều năm lăn lộn với nghề. Trong từ điển, người ta giải nghĩa từ “technique” (kỹ thuật) là những thứ liên quan đến hiểu biết trong một lĩnh vực chuyên môn gồm một chuỗi hành động để tạo ra sản phẩm. Trong các trường học người ta dạy kỹ thuật điện; kỹ thuật mài, tiện, phay; kỹ thuật điều chế đồng, nhôm; kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho lợn, kỹ thuật mổ gan khô, kỹ thuật ghép giác mạc; kỹ thuật ly tâm làm giàu urani, kỹ thuật chế tạo tên lửa vượt đại châu; kỹ thuật rung vuốt trên đàn ghi ta, đàn tranh; kỹ thuật làm thơ Đường, kỹ thuật viết văn nghị luận, kỹ thuật làm câu đối… Theo các định nghĩa chuyên môn đó, cơ hồ kỹ thuật liên quan đến mọi hoạt động của con người.
Mức độ phổ quát của “kỹ thuật” cũng rộng lớn bao la như mức độ phổ quát của văn hóa. Ở trên, chúng tôi đã gán cho văn hóa ba đặc tính ‘khả hấp, khả cảm và khả kích”. Dưới đây, chúng tôi chứng minh “kỹ thuật” cũng có các đặc tính tương tự. Ông Phạm Quốc Tuấn nói rất đơn giản: kỹ là kỹ, thuật là thuật. Tức là để chế tạo ra một chi tiết nào đó phải làm thật kỹ, ngay cả khi đã có bản vẽ chỉ định cách gia công. Làm kỹ là phải biết rõ mọi yếu tố ảnh hưởng đến chi tiết sẽ chế tạo trong quá trình gia công, và cả quá trình vận hành sau này. Ví dụ cái piston định vị hai mảng khuôn phải đứng nghiêm như thế nào, phải đạt độ trơn bóng bao nhiêu, nó sẽ bị mòn mỏi, rung lắc thế nào khi vận hành,…. Sau khi đã hình dung, tính toán kỹ lưỡng mọi yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chế tạo, thì việc gia công sản phẩm thuộc về “thuật” của mỗi người. “Thuật” là phương pháp tiến hành, cách tổ chức trước sau, chính phụ, nhanh chậm,…. Cái thuật ở đây ông Tuấn dùng theo nghĩa của Hàn Phi tử viết trong thiên trừ gian, trị nước, thuyết nan (Tần Thủy Hoàng mê “học thuyết về thuật” của Hàn Phi lắm, đến nỗi mong được kết bạn với Hàn Phi rồi chết cũng được, dù rằng vị Vua này ham sống đến độ đã giết rất nhiều người vì không tìm được thuốc trường sinh cho ông). Cái “thuật” trong kỹ thuật mang tính nghệ thuật ở trình độ cao. Vậy tóm lại, làm “kỹ thuật” là làm “thật kỹ” theo “thuật” của mình. Mà người ta chỉ đạt mức độ “thuật” khi toàn tâm toàn ý chú mục vào quá trình chế tạo sản phẩm. Như vậy, một sản phẩm được sản xuất theo “kỹ thuật” sẽ có chất lượng cao, giá thành hạ. Một sản phẩm được làm hời hợt sẽ không có chất lượng. Nó có thể rẻ nhưng rất chóng hỏng, nó có thể “hơi” tốt nhưng rất đắt. Do đó, một sản phẩm làm theo “kỹ thuật” sẽ tốt mà rẻ, nói theo ngôn ngữ thị trường, sản phẩm ấy chắc chắn sẽ có sức cạnh tranh cao. Ví dụ, cái máy tính ngày càng tốt hơn và rẻ hơn là một sản phẩm kỹ thuật cao. Ngược lại, các sản phẩm của Việt Nam hiện nay, từ bộ đồ bàn ghế gỗ cao cấp, đến cuốn sách, cái xe đạp, con ốc vít,… tất cả đều được làm “phi kỹ thuật”, rất èo uột, chóng hỏng nát.
Khi chế tạo sản phẩm theo nguyên tắc “kỹ” ta phải tuân thủ tất cả các tiêu chí, các yêu cầu đối với sản phẩm, các qui trình công nghệ. Còn “thuật” thì ở mức cao hơn, đó là sự biến hóa để thích nghi với hoàn cảnh mà không đi sai nguyên tắc chính. “Thuật’ là thích ứng một cách tối ưu. “Thuật” cho phép đạt chất lượng cao bằng những chi phí tối thiểu. Do đó, sản phẩm “kỹ thuật” nhất định phải tính chất thứ nhất là “khả hấp”. Nó sẽ được thị trường hấp thụ bằng chất lượng và giá cả. Tính chất thứ hai của sản phẩm kỹ thuật là “khả cảm”. Bởi vì, bất cứ một sản phẩm nào, từ cái tivi, tủ lạnh, cái xe hơi, đến con dao cái đũa mà không mang lại cho người sử dụng cảm giác thuận tiện, hoặc hài lòng thì đều là các sản phẩm kém kỹ thuật. Cuối cùng, một sản phẩm kỹ thuật cao ở mức hàng đầu phải có thể trở thành tiền đề cho những sáng tạo phát minh mới. Ví dụ, cái máy cắt cỏ nhãn hiệu MAKITA cầm tay của Nhật Bản là một sản phẩm kỹ thuật cao. Một nông dân ở Thái Nguyên, Ông Đặng Xuyên (Tổ 21, Phường Quán Triều), đã sáng chế ra máy phay đất cầm tay bằng cách thay lưỡi cắt cỏ bằng đĩa cắt làm từ nhíp ô tô. Vậy là sản phẩm kỹ thuật cao có tính “khả kích”. Nó cho phép một người học thức không cao như Ông Đặng Xuyên sáng tạo ra một sản phẩm mới trên nền tảng một cái máy cắt cỏ. Hoặc ví dụ khác, GS Nguyễn Đức Cương đã tận dụng động cơ máy bay cũ hết độ an toàn để chế tạo máy hút nước ngập đường phố có công suất 36000 m3/h. Máy này có thể giải quyết nạn ngập khẩn cấp cho Hà Nội khi bị các trận mưa lớn. Như vậy các sản phẩm kỹ thuật cao, cũng như các sản phẩm văn hóa cao, đều nhất định đạt đến trình độ khả kích.
Khái niệm văn-kỹ:
Những phân tích trên cho phép dẫn đến một kết luận quan trọng:
Văn hóa và Kỹ thuật đều là các hoạt động đa dạng của con người. Kỹ thuật giúp ta tích hợp các hiểu biết (tri thức) lại để sáng tạo ra các sản phẩm vật thể. Còn văn hóa là tích hợp các hiểu biết để sáng tạo ra các sản phẩm phi vật thể (trong đa số trường hợp). Cả hai dạng sản phẩm đó đều có ba đặc tính không thể thiếu được: khả hấp, khả cảm, khả kích. Để tránh hiểu lầm về tính phi vật thể, chúng tôi giải thích thêm về sản phẩm “lai”, ví dụ các bộ phim nhựa. Về phần vật thể nó là các băng nhựa mỏng đã được ghi âm thanh và hình ảnh, phần phi vật thể là những nội dung, những ý tưởng ẩn trong hình ảnh âm thanh đó. Ta gọi những thước phim đó là sản phẩm lai của văn hóa và kỹ thuật. Sản phẩm lai cũng phải có đủ ba đặc tính cơ bản nêu trên thì mới được xem là một bộ phim hay, nếu không thì nó là kém, hoặc về kỹ thuật hoặc về văn hóa. Không một sản phẩm văn hóa nào đạt mức khả kích mà lại dựa trên vật mang là một sản phẩm kỹ thuật chất lượng kém. Cũng vậy, không một sản phẩm kỹ thuật chất lượng cao nào mà không đồng thời là một sản phẩm văn hóa. Chẳng hạn, ngay lúc mới được hình thành cách đây vài ngàn năm, trống đồng Ngọc Lũ có thể đã từng là một sản phẩm kỹ thuật, dùng trong quân sự, như là một trống lệnh khai binh hoặc thu quân. Nhưng ngày nay, trống đồng Ngọc Lũ là một biểu trưng văn hóa cao cấp của dân tộc Việt Nam. Như vậy, bất cứ sản phẩm nào, trước hết phải là một sản phẩm “kỹ thuật cao” đã rồi sau đó mới có thể được dùng làm thuyền chở cái “đạo văn hóa”. Chúng ta còn có thể dẫn ra nhiều ví dụ về các sản phẩm lai, ví dụ internet, máy tính, điện thoại di động,… Nền kinh tế mới, nền kinh tế tri thức mà chúng ta đang bắt đầu bước đến, là nền kinh tế mà sản phẩm chủ yếu là các sản phẩm lai ghép kỹ thuật và văn hóa.
Ba đặc tính khả hấp, khả cảm, khả kích của các sản phẩm văn-kỹ được xếp theo biểu đồ kim tự tháp như hình 2. Số lượng sản phẩm văn-kỹ đạt tính khả hấp khá nhiều, vì nó đáp ứng “cầu” của đám đông. Số lượng sản phẩm khả cảm rất ít hơn. Số lượng sản phẩm khả kích càng rất ít nữa. Điều này có nghĩa, một sản phẩm khả hấp chưa chắc đã khả cảm và khả kích. Ngược lại, một sản phẩm khả kích nhất định phải khả hấp và khả cảm. Vậy, nếu chúng ta tăng cường hấp thụ (sử dụng) các sản phẩm văn-kỹ khả kích thì cơ hồ chúng ta có thể sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm mới. Đó chính là cái “thuật” để phát triển nhanh trong một nước còn lạc hậu. Hoặc nếu chúng ta xây dựng nhiều tổ chức (xí nghiệp, đơn vị, …) chuyên tâm sản xuất ra các sản phẩm văn-kỹ khả kích thì xã hội còn tiến bộ nhanh nữa.
Hình 2. Số lượng sản phẩm văn –kỹ đạt tính khả hấp khá nhiều, vì nó đáp ứng “cầu” của đám đông. Số lượng sản phẩm khả cảm ít hơn. Số lượng sản phẩm khả kích rất ít.
Đặc điểm tâm lý dân tộc Việt nam trong mối quan hệ văn-kỹ
Đến đây tự nhiên chúng ta đặt câu hỏi tính chất đoàn kết theo biểu đồ hình sin trong tâm thức dân tộc và ba đặc tính khả hấp, khả cảm, khả kích của các sản phẩm văn hóa/kỹ thuật có liên quan gì với nhau không?
Để trả lời câu hỏi đó chúng ta quay lại cách giải thích về kỹ thuật của Ông Phạm Quốc Tuấn. Theo ông “kỹ” là thật kỹ lưỡng, “thuật” là phải biết dùng cái thuật của cá nhân mình trong quá trình làm bất cứ một việc gì. Một nghệ sỹ tài ba như Đặng Thái Sơn đã phải luyện nhiều năm ròng để đạt được tính kỹ trên các phím đàn, nhưng chỉ khi biết dùng cái “thuật riêng” để biểu diễn các bản nhạc của Traicopsky thì ông mới trở thành một nghệ sỹ nổi tiếng. Đối với các nghề nghiệp và sản phẩm khác cũng vậy, muốn đạt chất lượng đỉnh cao đều phải “làm kỹ ở mức độ thuật”.
Thế thì, môi trường nào, điều kiện nào cho phép người ta có thể làm kỹ ở mức độ thuật? Chăc chắn không phải môi trường ăn xổi ở thì, cũng không phải môi trường luật pháp lỏng lẻo, càng không phải môi trường chụp giật, sống gấp. Cái “thuật” chỉ đạt được khi ta luôn luôn tự hỏi trong quá trình hành động (gia công, chế tạo sản phẩm) rằng liệu sản phẩm của mình có tính khả hấp và khả cảm không? Ta phải luôn nghĩ đến cộng đồng, vì chỉ khi nào cộng đồng chấp nhận sản phẩm của ta, ta mới thu được lợi ích. Nếu trá bịp, ta thì thu được lợi ích theo lối chụp giật, có thể nhiều đấy nhưng không bền. Chỉ khi nào ta luôn luôn tự vấn mình bằng câu hỏi lợi ích cộng đồng thế nào trước khi hỏi về lợi ích cá nhân thì lòng ta mới nảy sinh cái “thuật lạ”.
Cái thuật tinh tế cho phép ta liên kết các sức mạnh vô hình để chỉ bằng dụng cụ thường vẫn có thể đạt độ tinh xảo cao. Vậy cái thuật liên quan mật thiết đến tâm. Tâm mà đen thì thuật sẽ là làm cống chìm để xả nước thải ra sông Thị Vải như vụ Vedan. Tâm mà xảo thì thuật là pha phẩm màu bột sắt vào gà quay cá rán cho hấp dẫn người mua. Tâm mà dối thì thuật là làm bài thi bằng “phao”. Các thứ tâm đen, tâm xảo, tâm dối,… đó đều xuất phát từ những cộng đồng có mức độ gắn kết thấp, hay sự đoàn kết kém. Thực vậy, tính đoàn kết xuất phát từ tâm. Khi tính đoàn kết thấp, thì Tâm suy đồi, cái thuật trở thành trá thuật, không còn là cái thuật sáng tạo nữa. Tâm mà nhỏ thì chỉ nghĩ đến cái lợi của mình mà không biết nghĩ đến cái bất lợi của người sử dụng sản phẩm của mình.
Các lý thuyết chỉ ra rằng không có hoạt động nào của con người không xuất phát từ tâm, cũng không có sản phẩm nào mà không ảnh hưởng ít nhiều đến cộng đồng. Chẳng hạn, một cô bán quà rong, bán được cái bánh rán ngon, nhưng lại vứt cái giấy gói xuống lòng đường. Cái bánh rán ngon thể hiện rằng mối quan tâm cộng đồng của cô khá cao, nhưng cái giấy gói vứt xuống lòng đường lại chỉ ra rằng mối quan tâm cộng đồng của cô đang bị suy giảm. Mối quan tâm công đồng của cô càng giảm nếu cô dùng nhiều thủ đoạn gia tăng lợi ích bằng cách trộn vào bột, vào nhân những thứ vớ vẩn khác. Có lẽ chẳng mấy khi cô bán bánh rán của chúng ta lý luận về tính đoàn kết theo biểu đồ hình sin trong khi cô làm bánh và bán bánh. Nhưng hành vi xả rác, (tín hiệu về mối quan tâm công đồng của cá nhân cô đang suy giảm) lại chứng tỏ rằng cô chưa được khai mở về ba đặc tính khả hấp, khả cảm và khả kích của các sản phẩm văn-kỹ.
Vậy nếu trong các trường nghề (kể cả các trường đại học) dạy cho người thanh niên biết cách làm ra các sản phẩm (dù là một linh kiện nhỏ nhất) hiểu về ba đặc tính văn-kỹ, thì cơ hồ chúng ta có thể làm cho tính đoàn kết hình sin của dân tộc ta được nắn thẳng, và hơn nữa còn có thể được nâng cao lên.
Trường này sẽ dạy từ công việc nhỏ nhất là nâng cao tính “kỹ” trong mọi hoạt động. Chỉ khi nào hiểu sâu sắc về tính kỹ, mới dạy về thuật. Vì thuật là sự biến hóa của Tâm. Tâm chưa sáng, chưa tinh tế, mà đã biến thì dễ biến thành tâm xảo. Tâm xảo thì nghĩ đến cái lợi của mình mà quên cái lợi chung của cộng đồng.
Ngoài các trường ra, liệu có cách nào có thể thúc con người làm ra các sản phẩm văn–kỹ chất lượng cao, trong khi đa phần người dân Việt nam hiện nay đang hành động theo phép “trọng lợi riêng, khinh ích chung”. Theo chúng tôi rất khó. Vì dân mình lách rất giỏi. Họ lách qua dễ dàng các qui định luật pháp về vệ sinh an toàn thực phẩm, về thương mại, về thi cử,… mà trong tay vẫn ung dung cầm những “món đồ” chất lượng thấp tung bừa ra thị trường. Để cải thiện tình hình nhất bên trọng nhất bên khinh ở trên, không thể nào chỉ kêu gọi “đoàn kết” chung chung, chỉ có cách rèn người bằng nghề. Chúng tôi đang xây dựng một dự án rèn người bằng nghề, trong đó xem trường đại học cũng là các trường nghề. Vì khi các thanh niên đã hiểu về văn-kỹ, về tam khả, thì họ xem đó là công cụ vào đời, công cụ lập nghiệp. Theo thời gian, tính văn-kỹ sẽ dần dần trở thành máu thịt, và do đó tâm lý a dua đám đông làm bậy trong xã hội sẽ bị loại bỏ. Cơ hồ, văn-kỹ có thể trở thành một triết lý giáo dục nữa. Biết đâu, nó có thể làm thay đổi vài khía cạnh của nền giáo dục hiện đại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh