Cần phải biết tiêu và biết dùng
Tiêu dùng là một nhu cầu "của chung nhân loại". Chúng ta đang bước đầu làm quen và hoà nhập với xu hướng của thị trường tiêu dùng vốn đang hết sức đa dạng hiện nay. Nhưng cách ứng xử với nhu cầu này lại mang tính văn hoá (VH) của mỗi dân tộc. Và hình như, khi "hoà vào biển lớn" chúng ta mới nhận ra mình còn quá nhiều vấn đề phải suy ngẫm: "Ngẫm người" và "ngẫm ta"...
Tôi cảm thấy dân ta mới đang bước vào ngưỡng cửa của thị trường tiêu dùng nên chưa hình thành rõ cốt cách của VH tiêu xài. Hoặc là mua bán sao cho thoả mãn nhu cầu tối thiểu của cuộc sống "đắp đổi qua ngày". Hà tiện tới mức "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành". Hoặc là mua đủ thứ hàng hiệu "xịn", của ngon vật lạ, cốt sao cho thoả chí tang bồng. Điều lạ lùng là bây giờ, rất nhiều người vừa mới thoát thân từ cảnh cơ hàn, đói khổ năm nào, giờ phất lên giàu có, sẵn tiền muôn bạc triệu, họ tiêu pha mà chẳng hề đắn đo. Tiêu mà cứ như "trả thù đời" vậy: Mặn này bõ nhạt ngày xưa.
Chắc mọi người cũng đều nhất trí rằng, trong việc tiêu dùng, hoà nhập cùng thiên hạ, chúng ta không thể áp dụng sách lược "đi tắt, đón đầu" được. Muốn "tiêu" phải có "tiền". Muốn có tiền phải biết lao động. Người lao động thực thụ bao giờ cũng biết rõ giá trị của đồng tiền. Ngay cả khi có "của ăn của để", người ta cũng biết tiêu làm sao cho thoả mãn nhu cầu hưởng thụ đích thực của cuộc sống. Bởi "ăn làm sao, tiêu làm sao" là kết quả của một sự lựa chọn có cân nhắc.
Không thể nghĩ phải có nhiều tiền thì người ta mới có VH tiêu dùng thực thụ. Có tiền dĩ nhiên mới có cái để tiêu, mới có cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng giàu chưa hẳn là đã sang, đã "rành", đã "sành điệu" theo đúng nghĩa của nó. Một trong những nguyên tắc của tiêu dùng cần tôn trọng là "biết tiêu tiền một cách hợp lý". Khi cần thì mới tiêu và tiêu sao cho đáng đồng tiền bát gạo. Cái cần mua không mua, còn cái chả cần gì (mà chỉ vì rẻ, vì lạ, vì được tiếng là chịu chơi) lại sẵn sàng chi thoải mái. Thật là vung tiền qua cửa sổ. Người ta thường nói: Đừng thấy đồ rẻ mà mua khi không có nhu cầu. Rẻ mà đắt đấy!
Tôi biết khá nhiều cô gái (và rất nhiều phụ nữ có tuổi) không tiếc tiền mua hết đồ này thứ nọ. Vậy là cứ vài tuần là họ lại lên một bộ váy áo, guốc dép, khăn, dây chuyền, mobile... đời mới, vì họ luôn có tâm lý "tham thanh chuộng lạ". Vớ được mốt này thấy mốt kia lại thèm, sợ mình lạc hậu lại mua. Thành ra, suốt đời họ luôn lo chạy theo mốt. Tân trang, sắm sửa đủ thứ "môđen" tân kỳ rồi biến thành kẻ lạc điệu, thậm chí lố lăng, kệch cỡm. Trong khi nhiều cô gái nết na, từ tốn cũng ăn diện, nhưng theo cách có cân nhắc. Họ bình tĩnh quan sát và bình tĩnh sắm sửa. Những gì họ mặc đều toát lên sự hợp lý, hài hoà, đẹp và duyên dáng. Và nói chung, họ không có tâm lý "có người ăn khoai là vác mai đi đào".
Phương Tây văn minh cho đến phương ta "đang trên đường văn minh" cũng đều thế thôi. Ranh giới giữa ăn tiêu và ăn chơi chỉ cách nhau chừng nửa bước. Nhưng chính sự khác biệt này làm nên nền tảng VH.
Cũng phải nói thêm rằng, VH là một giá trị nhận thức mang tính lịch sử. Vì vậy, có được một "gu" thẩm mỹ và một "gu" VH cần phải có thời gian. Từ một nước có nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, chúng ta còn mang nặng tâm lý của anh "nhà quê ra tỉnh". Hoa mắt, choáng ngợp vì đồ lạ, "sĩ diện" sợ bị chê là lạc hậu, không biết "ăn chơi", không ít người vội vã sắm vội sắm vàng để rồi "tiền mất tật mang".
Cũng có người hấp tấp sắm sửa vì thiếu thông tin, nóng vội. Nhiều khi ta cũng phải trải qua nhiều công đoạn sắm sanh, sử dụng... rồi mới "vỡ lẽ" ra nhiều điều mà lúc đầu ta cũng "vấp" như ai. Vấp váp, cả tin, ngờ nghệch, "kém VH"... cũng là lẽ thường tình ở đời. Không ai "chưa sống đã thành lão làng" được. Chỉ có điều, người có tri thức, biết rút kinh nghiệm để tìm ra giá trị đích thực của VH sẽ mau chóng tìm ra cách ứng xử thích hợp cho mình và cho cộng đồng.
VH tiêu dùng (và các VH khác trên cõi đời này) cũng phải trả "học phí". Chỉ có điều, không ít người đã chi một khoản học phí "cao như núi" mà vẫn chưa tìm ra VH đích thực. "Bài học thời gian" luôn luôn cần thiết trong quá trình khẳng định một cốt cách VH tiêu dùng VN vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính thời đại.
Cần xây dựng văn hóa tiêu dùng Xe gắn máy xịn, điện thoại di động đắt tiền là mốt của giới trẻ. Khổ nổi, từ khi kinh tế bắt đầu đi lên thì dân ta có thói quen đánh giá con người qua các phụ tùng đi kèm như xe, điện thoại, quần áo, nhà cửa. Thậm chí dân VN còn dè biểu người Nhật, người Hàn là ki bo. Cứ cho rằng mình xài nhiều là chứng tỏ sự giàu sang. Khi đến các nước văn minh thì không khó thấy người dân sử dụng điện thoại đời cũ, ti vi đời cũ. Đa số họ không thay đổi điện thoại xoành xoạch như ở VN bởi vì họ có nhiều việc khác để quan tâm. Vả lại, nếu có trang bị điện thoại đắt tiền thì nó cũng chẳng nâng cấp giá trị con người. Đấy là văn hóa tiêu dùng mà ở xã hội ta chưa có được. Bạn đọc VT Trung |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh