Một cách tiêu đẹp

08:17 SA @ Thứ Năm - 31 Tháng Bảy, 2008

Bài này không phải nhằm phân tích và phê phán những quỹ tài trợ của các Mạnh Thường Quân mà chỉ muốn nhấn mạnh đến một điểm: Khi xã hội đã bắt đầu giàu có, một vấn đề bức thiết cần được đặt ra là xây dựng một cách tiêu tiền đẹp hay là xây dựng một nền văn hóa tiêu tiền cho những doanh nhân.

Thoạt kỳ thủy, đúng là con người không cần đẹp

Đẹp không phải là một nhu yếu phẩm.

Con người không có ăn thì chết đói.

Con người không có mặc thì chết rét.

Chưa ai chết vì không được đẹp cả

Chính vì thế mà trong thời gian bao cấp khi nhà nước tự nhận lấy trách nhiệm cung cấp những nhu yếu phẩm cho dân, chưa từng có tem phiếu mỹ phẩm cho cái đẹp

Trong văn chương, hình như chỉ có một lần tôi đọc thấy ở Max Jacob, một nhà thơ lớn người Pháp gốc Do Thái câu thơ mà tôi đánh giá là tuyệt vời sau đây

“ Anh ngã lăn đùng vì cái đẹp sét đánh “

Các nhà thơ sến thường nhai đi nhai lại hình ảnh cũ mèm “tiếng sét ái tình” nhưng hầu như chưa ai đi xa được như Max Jacob: Tiếng sét đẹp.

Đó là điểm phân biệt giữa những nhà thơ nhàng nhàng chỉ dám đi đến nửa chừng với các nhà thơ “nòi” dám đi đến tận cùng.

Hình như con người là loại động vật duy nhất không những đòi hỏi phải thỏa mãn cả những điều kiện cần lẫn những điều kiện đủ. Hơn nữa với đà phát triển của văn minh, các điều kiện đủ dần dần trở thành các điều kiện cần.

Việc không ngừng thỏa mãn những điều kiện đủ đánh dấu trình độ phát triển của một xã hội một quốc gia.

***

Ta hãy lấy một ví dụ hết sức đơn giản để minh họa cho nhận định này

Pháp ngữ dùng một biểu thức nhiều hàm nghĩa để chỉ việc đi đại tiện :đi nhu cầu (aller aux besoins). Việc đi nhu cầu theo lịch sử đã trải qua nhiều thăng trầm. Bắt đầu từ hình thức hết sức đơn giản nơi bụi cây bãi cỏ, đi bô, đào một cái hố và bắc một miếng ván ngang qua...

Tôi rất không thích và rất nghi ngờ những người sang trọng bẩm sinh.

Hay nói một cách khác sang trọng vô học.

Câu ca dao đầy hương đồng gió nội của Đồng bằng Bắc bộ:

Thứ nhất là đỗ thủ khoa
Thứ nhì tiến sĩ, thứ ba ỉa đồng

Dưới góc nhìn xây dựng nông thôn mới bỗng trở thành bất lịch sự và mất vệ sinh.

Ở miền Nam nước Việt Nam, nơi những sông rạch chằng chịt thì chỉ cần bắc một cây cầu thô sơ để dốc bầu tâm sự trôi theo dòng nước (có lẽ vì thế mà sinh ra từ đi cầu chăng?). Rồi đến những nhà vệ sinh sang trọng của thế kỷ 21, to đùng có nước thơm, có tấu nhạc, có màn hình kỹ thuật số hệt phòng ngủ một khách sạn năm sao. Đến mức một nhà kiến trúc A.Loos đã phải phát biểu: Cứ xem tình trạng những nhà vệ sinh sở tại thì biết trình độ phát triển văn hóa của một quốc gia, một xã hội như thế nào.

Vào thế kỷ mới có thể khẳng định rằng cái đẹp đã dần dần trở thành một nhu yếu phẩm. Điều kiện đủ của một thế hệ trước có thể trở thành điều kiện cần của một thế hệ sau theo quá trình tiến hóa của lịch sử.

Câu tục ngữ: “Phú quý sinh lễ nghĩa” đã một thời thường được sử dụng theo phương thức dè bỉu giờ đây đã lấy lại đầy đủ ý nghĩa sâu xa của nó.

****

Lịch sử phát triển của loài người là những cố gắng không mỏi mệt thoát khỏi sự nghèo khó đến chỗ đầy đủ và dư thừa. Cái đẹp đã trở thành một nhu cầu bức thiết của một xã hội khá giả mà người ta thường gọi là xã hội tiêu dùng. Một xã hội tiêu dùng nhất thiết phải học tập cách tiêu dùng đẹp.

Tôi rất phục tài năng của Moliere, nhưng tôi rất không thích thái độ diễu cợt của ông khi viết vở hài kịch nổi tiếng “Trưởng giả học làm sang”. Từ “Trưởng giả” bản thân nó đã mang một hàm nghĩa lạc hậu của một lịch sử quá nhiều thế kỷ nghèo khổ. Nó cũng chẳng báu gì để ta cứ khư khư ôm lấy nó. Theo tôi đó là một truyền thống xấu chứ không phải một truyền thống đẹp. Trong một xã hội văn minh mọi sự kì thị đều phải được coi là xấu chơi và cần phải thổi còi.

Nhà giàu nhất thiết phải học làm sang, hay nói một cách khác học một phương thức tiêu dùng đẹp để mau chóng ra thoát khỏi tình trạng trọc phú(?) mà giới quý tộc thường dùng để dè bỉu giới nhà giàu.


Sang trọng không phải là đặc quyền của giới quí tộc. Mọi tầng lớp đều có quyền sang trọng như nhau. Nhưng muốn thế thì phải học.

Con người thật khổ. Cái gì cũng phải học.

Học ăn học gói học nói học mở.

Nhưng con người cũng thật lớn lao.

Cái gì cũng phải học. Và cái gì cũng có thể học được.

Kể cả học làm thánh hiền.

Tôi rất không thích và rất nghi ngờ những người sang trọng bẩm sinh. Hay nói một cách khác sang trọng vô học.

Không nên quên rằng con người bẩm sinh là một con hắc tinh tinh. Chính học thức đã biến nó từ một con thú leo cây thành một con người leo lên con tàu vũ trụ đánh bại sức hút trái đất bay cao tới những vùng thiên hà.

Các nhà vật lí có một nhận xét rất hay: Tư nhiên sợ khoảng trống.

Bộ óc con người cũng vậy nếu nó không được lấp đầy bởi học thức nó sẽ bị lấp đầy bởi sự dốt nát.

***

Loài người trong nhiều thế kỷ đã quá quen với sự nghèo khổ và chưa thể gọi là từng trải với sự giàu có.

Không nói gì ở ta hay ở nhiều nước phương Đông. Bắt đầu thế kỷ 20, sự phát triển tốc độ cao của khoa học hiện đại đã tạo những tiền đề cho sự phát triển “nhãn tiền” của một nền kinh tế khá giả. Ngay tại một số nước phát triển, loài người hình như vẫn còn bỡ ngỡ trước hình ảnh một cuộc sống giàu có. Những khái niệm xã hội học phổ biến thời này như xã hội tiêu dùng (socie’te’ de consommation) và xã hội lãng phí (socie’te’ de gaspillage’), theo tôi đều xuất phát từ góc nhìn của sự nghèo khổ.

***

Trong lịch sử nhân loại giàu có thường đi kèm với sự đồi bại, trụy lạc.

Khi đế chế La Mã phát triển tới tột cùng giàu sang của nó, người ta chứng kiến một thực tế thật rợn người.

Các nhà quý tộc của một nền văn minh rực rỡ bắt đầu chìm đắm trong một sinh hoạt hết sức xa hoa và thú vật. Nó còn đi xa hơn thơ Đỗ Phủ rất nhiều: “Trong nhà rượu thịt ôi / Đầy đường người chết đói”

Giới nhà giàu La Mã nằm ăn suốt ngày (Người La Mã có thói quen nằm ăn). Những ông lang thuốc tiêu hóa phất lên như diều, người ta đua nhau uống thuốc tiêu để giúp dạ dày thải nhanh đầu ra, giúp đầu vào tiếp nhận hàng mới. Thậm chí người ta còn sáng tạo ra những chiếc bô mỹ thuật hết ý hiện diện trong hầu hết các bữa tiệc để thực khách có thể móc cổ nôn một cách thoải mái(!) chuẩn bị cho một “tăng” khác. Và chính sử gọi đó là thời kỳ đồi trụy của nền văn minh La Mã.

Aniban là một vị tướng khét tiếng thành Cartagiơ từng làm rung chuyển cả đế chế La Mã. Việc trú quân hơi lâu ở Capu, nơi thừa mứa rượu ngon và gái đẹp đã đánh bại đoàn quân bách thắng này. Và trong ngôn ngữ văn học “Những khoái lạc thành Capu” đồng nghĩa với sự hư hỏng và đồi bại trong hưởng thụ.

***

Không phải trong lịch sử, loài người không nghĩ đến một cách đẹp trong tiêu dùng, nói một cách lí luận hơn là một văn hóa tiêu dùng.


Thời trung cổ, bên cạnh hình ảnh oai phong lẫm liệt của người Hiệp sĩ ‘thanh gươm, yên ngựa’ là hình ảnh hào hoa, và tao nhã của người Mạnh Thường Quân chiêu hiền đãi sĩ.

Ở thời đại công nghiệp của chúng ta, bên cạnh hình ảnh những ông vua tập đoàn dầu lửa, tài chính, bất động sản “giàu nứt đố đổ vách” mác bệnh cuồng đô la là hình ảnh văn minh sang trọng của những quỹ văn hóa lớn: Quỹ Nobel của ông vua thuốc nổ, quỹ Rockfeller, Carnegie...

Tôi rất ngạc nhiên và thán phục khi được đọc trong chương trình tài trợ của Quỹ Rockfeller có ghi khoản tài trợ cho một nhà khoa học nghiên cứu bướm Nam Mỹ trong ba năm, với số tiền hàng trăm vạn đồng đôla nặng.

Người ta không thể không nhắc tới ở đây quỹ Bill Gates- một quỹ từ thiện và tài trợ khoa học trên quy mô toàn thế giới. Mặc dầu vậy, nó vẫn không chứng tỏ rằng nền văn hóa tiêu tiền đã có một truyền thống vững chắc và phổ biến cần thiết.

Một nhà thơ già nói về văn hóa tiêu tiền thoạt nghe như một nghịch lý lố bịch. Túi anh chỉ toàn chữ, tiền nhiều lắm cũng chỉ dăm bảy trăm nghìn đồng còm, anh biết cái gì mà tiêu đẹp hay tiêu xấu. Đúng là nhà thơ không có tiền, nhưng ngược lại nhà thơ có một khả năng đặc biệt mà người ta thường gọi là hóa thân. Giới phê bình đã từng nức lời khen một nhà thơ đồng dao: “Ông ấy không phải là sâu bọ mà nói còn thật và hay hơn sâu bọ(!). Thì lẽ dĩ nhiên.

Người ta không nên quên rằng tác phẩm xuất sắc nhất của một nhà văn Việt Nam trứ danh là một truyện nói về loài Dế Mèn.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Mạnh ai nấy sống... và kiếm sống với bất cứ giá nào!

    12/03/2019Vương Trí NhànThử tìm một triết lý toát ra trong cách đi lại của hiện thời. "Trong ý nghĩa tượng trưng của chúng, các xe cộ, cổ cũng như hiện đại, là những hình tượng của cái tôi. Chúng phản ánh các mặt khác nhau của đời sống nội tâm và có quan hệ với các vấn đề phát triển của nhân cách".
  • Hậu quả của giàu xổi

    18/08/2018Nguyễn Tất ThịnhMọi người sống cuộc đời lam lũ vốn đã quá vất vả, tần tảo sớm hôm, nên lòng bảo dạ ăn ở với nhau nên quây quần, lấy sự lương thiện, dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười, bán anh em xa mua láng giềng gần... làm điều căn bản...
  • Một cách nhìn khác về cuộc đời

    20/08/2017Tăng Thị Hoa dịch (Thanh tra Bộ Giáo dục)và Đào tạo“Khi còn khoẻ mạnh, tôi cũng đã từng suy nghĩ điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời? Sau khi biết mình mắc bệnh, tôi đã đi đến kết luận điều quan trọng nhất chính là triết lý sống của một con người ”...
  • Trông xuống, trông lên…

    27/07/2017Nguyễn Ngọc LợiKhông biết từ bao giờ câu nói cửa miệng: "Trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống thì cũng chẳng ai bằng mình” được nhiều người nhắc đến như một niềm an ủi khi người ta cảm thấy mình còn thua kém một ai đó về tài sản, về đường làm ăn...
  • Sống đẹp, sống có ích

    27/07/2016Đặng Kim Cúc, Nguyễn Văn KhởiLại nhớ đến câu hỏi lớn của nhà thơ Cách mạng Tố Hữu: "Ơi, sống đẹp là thế nào hỡi bạn ?" lại càng là một khái niệm trừu tượng mà mỗi người có một cách hiểu riêng. Những hành động như trên liệu có phải là "sống đẹp”? Mỗi người phải làm thế nào để "sống cho đẹp"?
  • Giàu và nghèo

    15/12/2010Đ.H.L...xét về quan điểm thực tiễn, đa số con người ta kể từ khi nhận thức được tầm quan trọng của vật chất cho đến khi chính chúng ta.trở thành một loại vật chất tổng hợp, đều nhắc nhỏm và chú trọng hai từ giàu - nghèo. Thật lòng ai chẳng muốn giàu hay nói đúng hơn là ham giàu, bởi giàu sẽ sang và miệng kẻ sang bao giờ cũng đầy gang thép...
  • Thế thái nhân tình

    14/11/2009Tam Dương (soạn theo tài liệu nước ngoài)Bữa tiệc đã bắt đầu, nhưng họ vẫn chưa tới. Nói chung họ không bao giờ đến đúng giờ, vì họ bận và còn vì họ quan trọng. Chủ tiệc đã mấy lần gọi điện thoại, họ đều trả lời sắp đến, sắp đến và cuối cùng thì họ cũng đến.
  • Chuyện tiêu tiền

    08/07/2008Sưu tầmXã hội ngày càng phát triển đến chỗ duy trì bằng pháp luật và đô la. Có mức tiền định số, thì ở đời trôi chảy. Đoàn tụ chia ly, đi đi lại lại, con người giàu nghèo...chìm nổi trên đồng tiền. Nếu mỗi tờ đô la là một cuốn tiểu thuyết thì đều có một đoạn li kì...
  • Tôi là ai?

    01/11/2007Hồng ThuCâu hỏi có vẻ ngớ ngẩn hóa ra lại vô cùng chí lý, tạm thời chia ra làm hai nhóm người, xin khu biệt chỉ gồm toàn những người trẻ. Nhóm người không bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi: Tôi là ai? Bởi họ thừa biết , dĩ nhiên tôi đã là tôi...
  • Từ chuyện “chôm” của công đến ý thức cộng đồng

    20/09/2006Hữu VinhVụ trộm hơn 3,4 tấn thép trụ cầu Vĩnh Tuy của nhóm thanh thiếu niên mới đây được ưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng có vẻ như không mới. Đơn giản là vì những vụ trộm cắp tương tự như vậy cũng đã xảy ra và số tiền mà bọn trộm thu được không lớn nhưng hậu quả về mặt kinh tế thì thật khó lường...
  • Cứu cánh và phương tiện

    25/08/2006Cứu cánh có biện minh cho phương tiện không? Có thể đôi khi đúng chăng khi sử dụng một phương tiện xấu để đạt đến một cứu cánh tốt đẹp? Chẳng phải là thân phận con người đòi hỏi đôi chút ám muội và lừa dối để được an toàn và thành công đó sao? ...
  • xem toàn bộ