Không còn là chuyện “trà dư tửu hậu”
Những ai từng học tiểu học trước Cách mạng Tháng Tám hẳn còn nhớ bài văn “Quốc văn giáo khoa thư” đọng lại trong ký ức ấu thơ với lời răn dạy đơn giản: hãy giữ danh dự như giữ đôi giày mới, chỉ cần dây bẩn một lần thì sẽ khó gột sạch mãi mãi.
Lên lớp trên chút nữa, một cuốn sách cũng gây ấn tượng không kém sâu sắc với tuổi thơ nhiều thế hệ là cuốn “Tấm lòng cao thượng” của Edmond de Amicis. Trong đó tôi nhớ mãi chuyện kể một cậu bé người Ý hát rong trên tàu hỏa đã vứt những đồng tiền vàng vừa được bố thí vào mặt những kẻ xúc phạm tổ quốc của cậu để bảo vệ quốc thể!
Nửa thế kỷ đã qua, lời cậu bé thành Padova ấy vẫn còn văng vẳng trong tôi như một bài thánh ca về danh dự và quốc gia: “Cầm lại tiền của các người. Ta không thèm nhận của bố thí của những kẻ đã lăng mạ nước ta”. Khi dạy bài “Thề non nước” của Tản Đà, thầy tôi than thở: “Đây là bài thơ yêu nước, nhưng nước còn đâu nữa mà yêu!”. Thời đó ai cũng mong lấy được nước để tôn thờ, để yêu mến.
Vậy mà, chuyện gì đã xảy ra hôm nay? Không hiểu sao lâu nay chúng ta có vẻ như chủ quan sau ba mươi năm chiến tranh với hào quang chói lọi, có được nước rồi chúng ta lại ít nhắc nhở con em giữ gìn “quốc thể”? Phải cầm súng hàng mấy thập kỷ liền mới có được một cái tên Việt Nam đàng hoàng trên bản đồ thế giới chứ không còn là xứ “Annam thuộc Pháp” chẳng mấy người biết đến như ngày xưa.
Không nghĩ tới giữ gìn “quốc thể” - danh dự và thể diện của quốc gia - có nghĩa là người ta không nghĩ tới NƯỚC mà chỉ nghĩ tới “mình” và tới quyền lợi của bản thân. Khi một người Việt bình thường ra nước ngoài phạm tội buôn lậu, vi phạm pháp luật nước người thì có thể họ chỉ đại diện cho bản thân họ mà thôi, người ta chưa có quyền nghĩ “mọi người Việt ở nước ngoài đều là những kẻ buôn lậu”. Nhưng khi người ấy là một nhà ngoại giao, hơn nữa, là một nhà ngoại giao có chức sắc mà bị bắt quả tang dù là chỉ khả nghi - nghĩa là còn chỗ chối cãi - dính dáng đến buôn lậu như vụ sừng tê giác ở Nam Phi thì đó là chuyện quốc thể, không thể nói gì khác!
Cũng như vậy, khi viên phó cơ trưởng hoặc những nhân viên hàng không, thành viên của tầng lớp luôn được coi là “thượng lưu”, thành phần lý lịch chắc chắn là “cơ bản”, thuộc loại người được tin cậy ở lòng trung thành, luôn được nâng niu như những phần tử ưu tú, được giao cho những chiếc máy bay hàng trăm triệu đô la, mang logo hoa sen Việt Nam mà tham gia vào đường dây ăn trộm vặt ở một quốc gia nổi tiếng là ghét cay ghét đắng thói ăn cắp như Nhật Bản (thời các Shogun, những kẻ ăn cắp vặt có thể bị chặt tay) thì đó là chuyện quốc thể chứ không thể nói khác đi được!
Khi đồng ý để chính phủ cho Việt Nam vay tiền xây dựng, ngoài những mục đích vì lợi ích quốc gia (thường chỉ là chuyện tính toán của các chính khách mà thôi), nhân dân Nhật còn vì sự thông cảm cho một đất nước bị tàn phá sau ba mươi năm chiến tranh, vì tình hữu nghị với nhân dân ta được hun đúc từ thời cụ Phan. Chắc chắn họ hiểu rằng, tham nhũng là một tệ nạn xã hội luôn xảy ra ở nhiều nơi theo mức độ cao, thấp khác nhau.
Nhưng nếu tham nhũng nguồn vốn ODA là tiền thuế của người dân Nhật, tiền nợ mà con cháu người Việt sau này phải trả thì có khác gì một anh hàng xóm nghèo sang nhà bên cạnh vay gạo nấu ăn cho cả nhà trong cơn khốn khó mà còn mặc cả lấy lại mấy nắm cho vào túi riêng! Cả gia đình anh ta sẽ là cái thứ gì trước con mắt người hàng xóm tốt bụng? Vụ PCI còn được tiếp tục làm rõ “ai”, “như thế nào”... Vốn ODA đã được nối lại, nhưng chắc chắn quốc thể đã lại một lần bị tổn thương, ít nhất trước con mắt người Nhật!
Không chỉ một số quan chức quản lý dự án, ngoại giao hay “thành phần ưu tú” kiểu viên phó cơ trưởng, bà tùy viên hay tham tán, chuyện coi thường quốc thể đã quá nhiều đến mức không chỉ làm ta sửng sốt mà còn phải kinh hoàng. Trong vụ vặt hoa anh đào, những người luôn tự xưng - và được tâng bốc vô lối - là “thanh lịch” của Hà Nội đã quên mất thể diện quốc gia!
Rồi người Việt khạc nhổ, vứt rác ở nơi công cộng nước ngoài, người Việt phạm tội ở Nga, ở Séc, người Việt trồng cần sa và chế biến ma túy ở Anh, người Việt buôn ma túy ở Úc... Trong nước thì những đoàn tàu Việt rải trắng phớ hàng ngàn cây số xuyên Việt rác rưởi và chất thải vì nhà vệ sinh không có bồn chứa, trong khi trên tàu luôn có đông đảo khách nước ngoài. Tất cả nói lên điều gì ngoài chuyện quốc thể?
Hầu như nước nào cũng có câu ngạn ngữ “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng họa vô đơn chí, tai nạn dồn dập buộc chúng ta phải xấu hổ, phải tự vấn bản thân mình, tự vấn về nền giáo dục, về việc dạy dỗ con cái trong gia đình đến tư cách công dân ngoài xã hội, tự vấn về thói giả dối, thói đạo đức giả tràn lan... khiến chúng ta không thể tự an ủi mình bằng câu “con sâu làm rầu...” ấy nữa.
Hình như bát canh của chúng ta đã quá nhiều sâu và “quốc thể” không chỉ là chuyện “trà dư tửu hậu”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành