Ngoại giao văn hóa và hình ảnh "người Việt xấu xí"
10h sáng, đại sứ quán vắng hoe. Sau 15 phút chờ đợi, một người đàn ông trung niên ra tiếp, trong trang phục quần đùi, áo may ô... Đôi khi, hình ảnh "người Việt xấu xí" làm xóa sạch những nỗ lực tiến hành ngoại giao văn hóa của hai quốc gia.
Nụ cười Việt Nam
"Nụ cười Việt Nam", đó là hình ảnh được những người nước ngoài từng tới Việt Nam, tiếp xúc với người Việt, trong và ngoài nước, lưu giữ lại trong ký ức khi nhắc về ấn tượng mang tên Việt Nam.
Trong tạp bút "Chuyện mình - chuyện người", nhà văn Việt Linh từng mô tả về nụ cười của các cụ bà Thái Bình tham gia chương trình biểu diễn ở hàng chục quốc gia trên thế giới mang tên "Luân hồi hạn hạn - cơn mưa": "Mười bốn khóe miệng răn reo bỗng chành rộng nụ cười: rạng rỡ, chói chang, tách bạch xa xôi với gương mặt khô cằn".
Những nụ cười "miên man, buốt chói" ấy nở bung ngay sau khi họ "móc từ túi áo những bức hình cũ kĩ. Từng nhịp một, nhịp một tiến thẳng về khán giả, gí di ảnh vào mặt họ với cái nhìn xoáy sâu: "Các ông bà thấy không? Con tôi đó, chồng tôi đó! Họ đã chết trong hai cuộc chiến tranh tàn khốc. Các ông bà thấy không?". Khán phòng lặng phắt. Những chân dung dồn bứt tát tai. Những cái nhìn quắt quay câu hỏi. Tôi thấy người lau mắt. Tôi thấy người cúi mặt..."
Nghĩa là, vượt trên những ám ảnh, những nhức nhối, người ta thấy chói ngời hình ảnh người Việt Nam hòa hiếu, chuộng hòa bình và nghị lực vượt đau thương...
"Nụ cười Việt Nam" hồn hậu và những cái vẫy tay thân thiện cũng là "món quà bất ngờ" dành cho Tổng thống G.W.Bush khi ông này tới Việt Nam, để rồi, mãi một năm sau khi đón chào các lãnh đạo Việt Nam tới thăm, ông vẫn còn nhắc lại như một kỷ niệm đẹp về Việt Nam.
Chỉ những chi tiết nhỏ ấy nhưng lại mang ý nghĩa biểu trưng lớn cho văn hóa người Việt, thân thiện và hòa hiếu, trong mắt bạn bè quốc tế.
"Dù Việt Nam làm tốt cả trăm điều cũng không đổi lại được cảm giác khó chịu do thiếu một nụ cười trên môi nữ tiếp viên hàng không và do cái nhăn nhó, cáu gắt của nhân viên hải quan khi vừa bước xuống sân bay", một người bạn Pháp nói.
Nếu những hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa khiến bạn bè quốc tế yêu Việt Nam, kéo họ tìm đến Việt Nam thì điều níu chân họ và cuốn hút họ trở lại và mang một phần Việt Nam trong trái tim mình, lại là những hành xử có văn hóa của người Việt, những "đại sứ nhân dân".
"Mỗi người Việt chính là một Đại sứ văn hóa".
Có hình thức nào giới thiệu truyền thống hiếu học của người Việt hơn là việc một người Việt Nam được xướng tên trong danh sách những người có kết quả học tập hàng đầu ở quốc gia đó, hơn là danh sách người Việt Nam đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế. Có hình thức nào giới thiệu người Việt Nam thân thiện, hòa hiếu hơn nụ cười Việt Nam rạng rỡ chào đón bạn bè quốc tế...
Chừng nào nụ cười của tiếp viên hàng không, nhân viên hải quan... vẫn là "của hiếm" thì chừng ấy, bạn bè quốc tế vẫn chưa dám tin về một Việt Nam thân thiện, bởi đó là những cửa sổ đầu tiên để bạn bè quốc tế nhìn vào văn hóa Việt.
"Người Việt xấu xí"
Điều đáng tiếc là hình ảnh "người Việt xấu xí" trong nước và nước ngoài đã và vẫn đang làm phai nhoà những nỗ lực của ngoại giao văn hóa của quốc gia.
Cách đây vài năm, dư luận Việt Nam từng xôn xao trước chuyện một nữ ca sỹ nổi tiếng của Việt Nam đi biểu diễn ở nước ngoài bị bắt quả tang "thó" đồ trong siêu thị.
Một cô sinh viên người Việt sang Đức học đã phải tấm tức vì ngay lập tức bị trở thành nghi phạm khi trong lớp xảy ra vụ mất đồ, và cả lớp dồn ánh mắt hoài nghi về phía cô.
Ở nhiều nơi, đã thành quán tính, người ta bị ám ảnh bởi câu chuyện người Việt Nam ăn cắp vặt tại nước ngoài. Mà không ai khác, chính những người Việt Nam ở nước ngoài là hình ảnh đầu tiên thế giới nhìn nhận về Việt Nam.
Một cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào chua chát nhớ lại những ký ức thời gian công tác tại Lào. Làm công tác bảo hộ công dân, ông đã trở thành "khách quen" của trụ sở cảnh sát. Các nhân viên cảnh sát Lào đã nhẵn mặt ông, bởi tuần nào, ông cũng phải làm việc với họ, để bảo lãnh cho những người Việt ăn cắp vặt, đánh nhau...
Thậm chí, ngay ở cơ quan đại diện ngoại giao cũng xuất hiện hình ảnh "người Việt xấu xí". Một doanh nghiệp kể, vài năm trước, trong chuyến đi công tác châu Âu, ông đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại. 10h sáng, Đại sứ quán vắng tanh. Đợi 15 phút, một ông bước ra tiếp, trong quần đùi, áo may ô... Vị doanh nghiệp kia đến giờ vẫn tự hỏi, liệu đó là một vị khách nước ngoài, người ta sẽ nhìn về Việt Nam như thế nào?
Đương nhiên, không thể phủ nhận thế giới đang biết nhiều hơn về Việt Nam và "người Việt xấu xí" không phải mang tính phổ biến, nhưng những hình ảnh đó đang làm méo mó hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Tạo dựng một hình ảnh đẹp đã khó, xóa bỏ những ấn tượng xấu lại càng đòi hỏi nỗ lực lớn hơn rất nhiều. Do đó, mỗi người Việt cần góp sức chung trong việc làm đẹp ấn tượng Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Bàn về xây dựng thương hiệu, Giản Tư Trung từng đưa ra câu chuyện thương hiệu Việt gắn với hai khái niệm: made in Vietnam và made by Vietnamese, nghĩa là tạo ra tại Việt Nam và tạo ra bởi người Việt. Đối với quốc gia và hình ảnh quốc gia, yếu tố made by giữ vai trò chủ đạo.
Tuy nhiên, người Việt đã không ít lần xóa đi những ấn tượng đẹp về Việt Nam.
Ngày 6/4/2008, ba trăm cành hoa đào qua đường máy bay đã rời Nhật Bản và có mặt tại triển lãm Giảng Võ trong vai trò là những "đại sứ văn hóa" từ đất nước mặt trời mọc đến dải đất hình chữ S. Những bộ áo dài truyền thống thướt tha của Việt Nam xen giữa những bộ kimônô truyền thống của Nhật. Người ta đã kỳ vọng sẽ nối nhịp cầu văn hóa giữa hai dân tộc, kéo hai nước xích lại gần nhau hơn qua lễ hội.
Nhưng cách hành xử của người Việt Nam với những "đại sứ văn hóa" đã trở thành một vụ xì căng đan về văn hóa của người Việt. Chỉ chưa hết một ngày, những cây hoa anh đào tượng trưng cho vẻ đẹp tâm hồn người Nhật, cho văn hóa Nhật đã bị những bàn tay vô tình và hữu ý vặt trụi.
Những "sự cố" như tại lễ hội hoa anh đào hẳn đã gây sốc với không chỉ người Nhật, mà với tất cả những người yêu mến và thiện cảm với Việt Nam. Đó là sự kiện gây giật mình đối với những người làm văn hóa và ngoại giao văn hóa, nhất là khi đây không phải là "sự cố" hi hữu và duy nhất.
Như bà Tôn Nữ Thị Ninh đã nói, phải làm sao để bạn bè quốc tế nhận ra góc Việt Nam nhờ những đặc tính tốt, thay vì sự lộn xộn, vô tổ chức... của người Việt.
Biết mình và hiểu người
Một cán bộ nghiên cứu về ngoại giao Việt Nam cho rằng, điều quan trọng trong ngoại giao văn hóa không chỉ "biết mình" mà còn phải "hiểu người". Biết mình nghĩa là phải nắm được cái gốc, cái cốt văn hóa của dân tộc Việt Nam, từ đó giới thiệu, quảng bá những cái hay nhất, tinh túy nhất của văn hóa Việt cho bạn bè quốc tế. Đồng thời, trong hội nhập, anh cũng phải hiểu cái hay, cái đẹp của văn hóa bạn, để trân trọng và tôn vinh.
Khi hai bên ghi nhận lẫn nhau, trân trọng giá trị của nhau, thì đứa con của sự "biết mình và hiểu người" ấy sẽ được nảy mầm và sinh sôi, giống như cây sen Việt - Nhật là sản phẩm lai tạo của sen truyền thống Nhật Bản và sen nghìn năm Việt Nam vậy.
Những cuộc trình diễn văn hóa Việt Nam ở nước ngoài sẽ giảm phần nào ý nghĩa, khi những văn hóa của nước bạn không được trân trọng tại Việt Nam. Những nỗ lực tạo dựng sự hiểu biết, hợp tác giữa hai dân tộc, hai nền văn hóa, thông qua việc đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài sẽ không còn ý nghĩa, một khi văn hóa nước bạn không được trân trọng và đánh giá đúng mực ở Việt Nam.
Cái gốc văn hóa càng sâu rộng, thì trước hết và trên hết, phải được thể hiện bằng hành động nhỏ thể hiện sự trân trọng văn hóa của nước khác.
Nền văn hóa có đậm đà trước hết được đánh giá và ghi nhận bằng việc xem cách ghi nhận, đánh giá của người Việt Nam với những giá trị văn hóa của bên ngoài.
Nếu chỉ biết mình mà không biết người cuộc tiếp xúc ấy thực chất chỉ là cuộc đối thoại của những người câm.
Hơn nữa, "hiểu người" còn nằm ở việc nắm rõ và thực hiện tốt những chuẩn mực văn hóa chung trong giao tiếp. Những quy định lễ tân có vẻ rườm rà chính là đúc kết của chuẩn văn hóa giao tiếp thế giới mà khi hội nhập, Việt Nam cần phải tuân theo. Nó giống như một luật chơi đã được định hình và được ghi nhận mà Việt Nam phải tuân thủ khi tham gia sân chơi chung.
Không chỉ nhà ngoại giao, chính khách cần nâng hàm lượng văn hóa của mình, bản thân mỗi người Việt cũng phải tự bồi thêm vốn văn hóa, của Việt Nam và thế giới, để góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam. Không chỉ các nghệ sỹ mới đóng vai trò của một đại sứ văn hóa, cá nhân mỗi người Việt cũng sẽ trở thành một đại sứ văn hóa thực sự của dân tộc Việt.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh