Xây dựng văn hoá tiêu dùng: Bắt đầu từ đâu?
Còn đó những gương mặt người tiêu dùng (NTD) hí hửng trước những món hàng đắt tiền mà chưa chắc đã tôn lên giá trị bản thân họ, hay những cảnh dở khóc khi rơi từ vai trò “thượng đế” xuống thành con nợ, chỉ vì vung tay quá trán, chạy theo mốt sính hàng ngoại, hoặc vì thiếu hiểu biết… xung quanh vấn đề văn hoá mang tính đời sống thiết thực này, Lao Động giới thiệu ý kiến bàn luận của các nhà văn hoá qua chuyên đề: Xây dựng văn hoá tiêu dùng.
Việt Nam chưa có văn hoá tiêu dùng
Theo GS - nhà xã hội học - kinh tế học Tôn Thất Nguyễn Thiêm, văn hoá phải qua thời gian để kết tinh thành nền tảng cùng quá trình lịch sử. Văn hóa tiêu dùng (VHTD) là một khái niệm song hành cùng lịch sử của kinh tế tư bản. VN trong bối cảnh hiện nay là một nền kinh tế mới phát triển, mới nổi lên, mà đặc thù của những nền kinh tế này là vận tốc và sự chuyển động, muốn tăng GDP rất nhanh. Sự thay đổi về thị trường, xã hội trong bối cảnh vận tốc chỉ mang về trào lưu, khuynh hướng tiêu dùng hơn là văn hoá, chạy theo mốt thời thượng hơn là suy nghĩ về hành vi tiêu dùng.
Ông nhấn mạnh: "Điểm đặc biệt của nền kinh tế mới nổi, nhất là ở nước vừa mở cửa là nói chung, là những người mới có khả năng tiêu dùng, thanh toán, thường lẫn lộn hai khái niệm: Trị giá và giá trị. Họ coi những món hàng có mức giá cao thể hiện chân giá trị cao. Nhưng ở những nền kinh tế phát triển, có cả chiều dài lịch sử, thì người ta phân định rõ hai phạm trù: Những mốt thời thượng có giá rất đắt nhưng không có giá trị và những chân giá trị. Người Việt chạy theo vận tốc, sự thay đổi nên dẫn đến hệ quả vẫn thường lẫn lộn giữa 2 khái niệm trên. Trong bối cảnh đó, VHTD chưa thực sự có nền tảng ở VN. NTD thông thái đòi hỏi một nền tảng văn hoá đối với kinh tế thị trường. Có VHTD thì đương nhiên có NTD thông thái, mà không cần kêu gọi suông".
Cách tiêu dùng của người Việt đã có nhiều thay đổi, kể từ khi VN chuyển sang nền kinh tế thị trường. Trước đây, thời bao cấp, NTD VN không có nhiều cơ hội để lựa chọn. Ngày nay, họ có nhiều lựa chọn hơn cho hàng hoá từ thông thường đến xa xỉ. Người thành thị dường như đã quen với việc mua hàng hoá trong siêu thị, mua sắm trên mạng, thanh toán bằng thẻ ATM và bắt đầu có nhu cầu tiêu dùng hàng hoá có chất lượng, cũng như thực phẩm an toàn trong mấy năm gần đây. Tâm lý sính hàng ngoại, không mặn với hàng nội ngày càng tăng. Hơn nữa, không ít DN vẫn ăn xổi ở thì, thấy lợi nhuận cao thì lao vào bất chấp pháp luật, tạo ra một vận tốc thay đổi khiến chính NTD cũng bị cuốn vào đó mà không còn khoảng cách để suy nghĩ về hành vi tiêu dùng của mình. Cho nên, hành vi tiêu dùng của người Việt chưa thực sự thay đổi về chất.
Nói không với giá trị ảo!
Bằng chứng là ở chỗ, nổi lên khuynh hướng mua sắm xa xỉ để khẳng định địa vị trong xã hội và chơi trội. Xu hướng tiêu dùng lấy thương hiệu khẳng định phong cách từ giới thu nhập cao đang chuyển sang giới tiêu dùng trẻ, đặc biệt là ở tầng lớp trung lưu. Họ sẵn sàng chi những khoản tiền lớn cho những mặt hàng "độc" nhằm thể hiện cá tính và sự khác biệt trước đám đông. Cụ thể là điện thoại di động, xe hơi, các mặt hàng công nghệ đều phải thể hiện cho được đẳng cấp của người chủ, cho dù đôi khi công năng sử dụng bị gạt sang một bên.
Chính vì VHTD chưa hình thành rõ rệt, mà có tình trạng phổ biến là thanh niên lao vào mua "hàng hiệu" giá rẻ, hàng thanh lý của nhà sản xuất đã cắt mác, chấp nhận mua hàng giả vì còn nghèo, nhưng lại mua hàng giả với ...giá thật. Khuynh hướng bắt chước lối sống và cách hưởng thụ của thanh niên các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản có xu hướng tăng, nhưng lại chỉ bắt chước phần giá trị ảo, chứ không phải ở chiều sâu văn hoá.
Khi khuynh hướng "ăn chắc mặc bền" đã trở thành lỗi mốt, những tập đoàn sản xuất lớn bắt đầu nhắm đến giá trị ảo cao hơn trong quá trình mở rộng và xây dựng thương hiệu. Họ nhắm đến phong cách và bản lĩnh của NTD để làm sao người ta móc tiền túi ra tiêu thật nhiều cho sản phẩm của họ. Chính vì thế, khó phân biệt thật-ảo giữa các giá trị khi NTD bị tung hỏa mù trước các thông điệp quảng cáo, kiểu "Đàn ông đích thực", "Nói theo cách của bạn", "Sống là không chờ đợi". Điều này cho thấy, nếu không có bản lĩnh, NTD dễ lạc lối trước những giá trị bên ngoài, hay những mỹ từ quảng cáo sáo rỗng.
Nhìn lại hành vi và khuynh hướng tiêu dùng của người Việt để có thể thấy, muốn gây dựng nền tảng VHTD, đòi hỏi một quá trình phát triển của nền kinh tế thích ứng, cũng như quá trình hoàn thiện của NTD: Học cách tiêu tiền hợp lý và khôn ngoan, tự bảo vệ mình trước làn sóng vật chất mê hoặc.
Viện sĩ - GS - TS Trần Ngọc Thêm: Xây dựng con người Việt Nam tiêu dùng có bản lĩnh Trong tiêu dùng, có một đặc điểm rất quan trọng của nông nghiệp lúa nước là tính trọng danh. Vì văn hóa truyền thống VN thiên về trọng danh, "một quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng", dẫn đến những hệ lụy như giáo dục ở ta có vẻ ham học đấy, nhưng rất phổ biến tình trạng học cốt để lấy bằng, dẫn đến bằng giả, bằng rởm tràn lan. Trở lại vấn đề tiêu dùng. Tật háo danh, khoe mẽ dẫn đến chỗ cứ muốn mình hơn người. Người Việt sống trong cộng đồng có truyền thống coi mọi người ngang nhau, mà thực chất thì ai cũng muốn mình hơn người khác. Ngày trước, nếu giấu tâm lý đó đi thì dễ sống, để lộ ra thì bất lợi. Giờ là lúc giảm đi nhiều rồi. Anh có thể khoe ra, nên người ta háo hức khoe giàu (thực ra chưa giàu đến mức đó, nhưng vẫn cố tỏ ra giàu). Ví dụ, thấy người ta sắm xe ôtô, thì phải đi vay đi mượn để mua, mà đã sắm phải sắm xe loại sang. Mà dùng thì chưa chắc đã thực sự cần. Bệnh háo danh còn kèm theo thiếu tri thức về khoa học kỹ thuật, những vấn đề hiện đại do lâu nay chưa tiếp cận nhiều và học hành không đến nơi đến chốn, dẫn đến chỗ sử dụng không đúng công năng, thành ra rất lãng phí. Bởi lẽ, một đặc tính của nền văn hóa nông nghiệp là tính linh hoạt. Người làm nông nghiệp lúa nước rất linh hoạt, dẫn đến khả năng biến báo tài tình, dễ thích nghi, nhưng đang tiếp nhận lại biến đổi, làm khác người ta; thành ra, mình không bao giờ tiếp nhận được cái gì đến nơi đến chốn và có phần tùy tiện. Thứ hai là vì kiến thức kém, không chỉ mua về dùng không đúng lúc, đúng chỗ; mà còn mua về cả những sản phẩm liên quan đến đồ ăn thức uống gây nguy hiểm cho người tiêu dùng (các nước đã cấm rồi, báo chí có nói đến, nhưng dân mình không quan tâm). Đặc biệt, đáng sợ nhất là bệnh lãng phí. Vì háo danh, nên đua đòi (một đặc tính của nông nghiệp là a dua, chạy theo phong trào, thấy ai làm gì mình cũng bắt chước, trong khi văn hóa công nghiệp là phải biết tính toán, cân nhắc). Thế nên, sau một thời gian lại gặp cảnh ế thừa. Chẳng hạn, thấy người ta trồng loại cây gì đấy, cả tỉnh đua nhau trồng, đầu ra không có nên ế cả nút, sau đó đồng loạt chuyển sang cây khác, lại ế tiếp vì không tính toán kỹ. Giới trẻ còn nguy hiểm hơn, nhiều người chưa làm ra tiền đã ham mua sắm, đôi khi dẫn đến chuyện lừa bố mẹ để có tiền mua hàng hiệu, hàng ngoại. Thứ hai là bắt đầu đi làm rồi, thì sử dụng đồng tiền chưa hợp lý, mua theo phong trào, theo mốt, rồi bỏ đó. Công nhận hàng ngoại có những thứ rất tốt như đồ hi-tech, chọn hàng ngoại là đúng. Nhưng có những thứ như đồ ăn, đồ uống thì chưa chắc gì đã tốt hơn hàng nội. Pepsi, Coca làm sao bằng được những thứ nước uống truyền thống, chất lượng hơn rất nhiều lại không có hóa chất, như nước hoa quả tươi chẳng hạn? Tuy nhiên, trong thời đại tiếp thị theo kiểu "xài hàng hiệu là khẳng định mình", quan trọng vẫn là người tiêu dùng phải khôn ngoan, có bản lĩnh và hiểu biết. Nên xây dựng con người VN là con người tiêu dùng có bản lĩnh. Muốn có bản lĩnh thì phải có tri thức. Muốn có tri thức thì phải chịu khó lắng nghe, đọc, học hỏi. Lớp trẻ phải hiểu được giá trị, ý nghĩa, công dụng của sản phẩm, có trách nhiệm với đồng tiền làm ra, thay vì bắt chước mua rồi vứt đi. Có những nước vốn nghèo, giàu lên rồi vẫn tiết kiệm từng xu. Mình là dân nông nghiệp, lại ở vùng điều kiện tự nhiên thuận lợi, khi kha khá hơn một chút là đã có tâm lý ăn chơi, đủ xài là xài, ngày mai tính sau. Tất nhiên, tằn tiện, ky bo không phải là tốt, nhưng sử dụng đồng tiền phải hợp lý, việc đáng dùng thì dùng. Đôi khi, những người chạy theo hàng hiệu là những người còn thiếu một phẩm chất nào đó, hay đúng hơn, thiếu bản lĩnh. Khi người ta giỏi thực sự thì hình thức không còn quá quan trọng nữa. Tất nhiên, nếu cộng thêm hình thức đẹp thì bao giờ cũng tốt hơn. Thế nhưng, đẹp không có nghĩa là mốt. Đẹp chính là sự phù hợp. Muốn đẹp cũng phải có hiểu biết. Chúng ta cần người tiêu dùng có hiểu biết, làm tăng giá trị bản thân. Minh Thi ghi |
Nguồn:Báo Lao động
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh