Tư tưởng, phong trào Khai Sáng là gì?
Phong trào Khai sáng – Phong trào bắt đầu thời thế kỷ 18 ở châu Âu, coi việc tuyên truyền, phổ biến các tư tưởng tiến bộ, nâng cao các chuẩn mực đạo đức và tri thức khoa học (chứ không phải tôn giáo, điều giáo điều có sẵn) là những phương tiện quan trọng để biến đổi cuộc sống xã hội, con người, làm cho nhân loại tiến bộ. Phong trào thúc giục, kêu gọi các nhà tư tưởng – chính trị xây dựng lại quan hệ xã hội trên cơ sở bình đẳng, công lý và các nguyên tắc bắt nguồn từ quyền lợi con người.
Tư tưởng khai sáng là tư tưởng tiến bộ về ý thức hệ thời kỳ đầu của CN Tư bản và đến nay vẫn tiếp tục lan toả nhằm đánh đổ thần quyền và chủ nghĩa phong kiến mông muội. Nó diễn ra ở Anh thế kỷ 17, ở Pháp thế kỷ 18, đóng vai trò quan trọng suốt cuộc cách mạng Mỹ (1775-1883), ở Nhật thế kỷ 18 và vẫn tiếp tục ảnh hưởng to lớn đến CN Tư bản ngày nay. Ở Nga phong trào bắt đầu từ đầu thế kỷ 19.
Khai Sáng cũng từng được người Việt tiếp cận qua trào lưu ở Nhật và trở thành phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 18 của Phan Chu Trinh với tên gọi Tân Việt Nam. Phương châm của phong trào này là “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”, tức là thay đổi phải dựa trên sự học hỏi kiến thức, kỹ thuật mới của thế giới; với tinh thần tự chủ, ngang nhiên và cao vọng tự cường; để đạt đến dân giàu và nước mạnh.
Các luận điểm lớn phản ánh tư tưởng Khai Sáng là:
1. Bóng tối chính là những huyền hoặc, giáo điều, tệ nạn, mê tín, lạc hậu, chậm tiến, bất công, áp bức ngăn cản phát triển của con người. Chúng bắt nguồn từ sự ngu dốt, chủ quan của con người; do việc con người không chịu tìm hiểu bản chất của thế giới khách quan, bản chất của chính mình, bản thân họ.
2. Ánh sáng chính là Lý trí, Tiến bộ và Tự do. Tư tưởng khai sáng coi trọng vai trò của học thuật, ý thức/tự ý thức trong áp dụng thành tựu khoa học vào sự phát triển xã hội, xoá bỏ những lề thói, định chế xã hội lạc hậu, đối nghịch với thế giới quan truyền thống duy ý chí, dựa vào tôn giáo/nhà thờ của những thế kỷ trước.
3. Con người tự bản chất là trân trọng và làm theo chân lý, điều thiện và cái đẹp. Mỗi cá nhân và nhân loại đều có khả năng tiến tới tự hoàn thiện. Chính tinh thần con người uốn nắn con người và vẫn mãi mãi tiến bước trong tiến trình hoàn thiện mình vô tận. Trong sự vươn lên không ngừng này, con người luôn cảm nhận được tính bất tử của mình và của nhân loại.
4. Lý trí chính là khả năng trung tâm của con người, nó không những giúp cho con người có khả năng suy nghĩ sáng suốt mà còn cả hành động một cách đúng đắn. “Khai sáng là sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng ấu trĩ do chính con người gây ra. Ấu trí là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập, không cần sự chỉ đạo/giúp đỡ của người khác…(Sapere aude !) Hãy can đảm sử dụng trí tuệ của chính mình! Ðó là phương châm của Khai Sáng” (I. Kant – Khai sáng là gì?)
5. Niềm tin phải được đón nhận bằng lý trí, không dựa trên quyền uy và chức sắc, tôn giáo, kinh nghiệm hay truyền thống. Vũ trụ, con người, tinh thần là những thực thể thống nhất, chúng ta có thể hiểu được chúng và chính mình bằng lý trí. Phải bao dung với những niềm tin và lối sống khác nhau.
6. Tất cả mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm, tuyệt đối cá nhân, hoàn toàn bình đẳng xét về khía cạnh lý lẽ (so với các cá nhân khác hay nhà nước) và do đó phải được tạo cho sự bình đẳng trước luật pháp và quyền tự do cá nhân. Bởi vậy cần có những cơ chế, hiến chương tránh lạm dụng, vi phạm những quyền cơ bản về sự tự do của cá nhân. Những giải pháp đảm bảo tự do, bình đẳng được nhắc đến bao gồm:
a. sử dụng thành tựu khoa học, tinh hoa trí tuệ, sức mạnh của lý trí, tinh thần hoài nghi và phê phán
b. sử dụng tình cảm và ngôn ngữ trái tim
c. khế ước xã hội đảm bảo người dân có tự do, bình đẳng.
7.Con người không tự do với hoàn cảnh lịch sử xã hội. Con người đón nhận hoàn cảnh, và trong điều kiện không tự do ấy khởi sự làm nên tự do, giải phóng mình. Trong con người hàm chứa nhiều mâu thuẫn: giữa xã hội và cá nhân, giữa bản năng và trí tuệ, giữa sáng và tối. Khai Sáng là sự phân tích, là tư duy tiên đoán về những phương tiện và mục đích khả thể hỗ trợ thực hiện tự do trong tương lai. Các ý tưởng về pháp lý và chính trị của quốc gia, dân tộc, toàn cầu có khả năng đem đến cho mỗi người và các dân tộc điều kiện bên ngoài để mỗi người thực thi tốt nhất, đầy đủ nhất sự tự do của mình.
8. Tôi là một cá nhân và được nối kết trong tình huynh đệ với tất cả mọi người khác bằng sự hợp lý mà tôi chia sẻ với họ, không có bất kỳ thành kiến với bất kỳ ai. Giáo dục phải giúp chuyển giao tri thức cho các thế hệ và toàn nhân loại, hơn là gò sẵn, đúc khuôn tình cảm và lý trí của mỗi người. Truyền thông là công cụ chủ đạo của cả cộng đồng giúp cho từng cá nhân và toàn thể nhân loại trao đổi tư tưởng, sự thật và chân lý; tình thương, cảm thông và nhân ái. Hãy truyền bá ánh sáng của lý trí, đức hạnh! Hạnh phúc sẽ đến ngay trong tay các bạn.
Chúng ta là những người thừa kế tư tưởng Khai Sáng và những tiến bộ khoa học/công nghệ mới. Đó là di sản vô giá của nền văn minh chung, tràn đầy ý nghĩa nhân bản và tiến bộ. Lịch sử phát triển của nhân loại không thể thiếu ánh sáng soi đường của ngọn đuốc Khai Sáng ấy.
Hình ảnh các nhà Khai Sáng
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý