Vong thân
Xem »
Vong thân bày tỏ tình cảm con người đánh mất hay bị mất bản thân, bản ngã của mình. Mất ở đây không phải là không còn nữa, vì bị tan vỡ, trở thành không có nhưng là bị biến thể. Bản thân vẫn còn có, nhưng bị tách khỏi mình, trở thành khác mình và hơn nữa trở thành xa lạ, đối lập với chính mình.
Vong thân là khái niệm căn bản trong triết học Hegel một triết gia duy tâm nổi tiếng người Đức vào cuối thế kỷ thứ XIX.
Vấn đề quan trọng, đề tài then chốt làm bận tâm các nhà triết học, những thế kỷ XVII, XVIII, XIX vẫn là vấn đề nhận thức: làm sao lý trí tinh thần có thể biết được sự vật, thế giới bên ngoài là một thực tại khác với tinh thần, lý trí? Những triết gia duy lý nhấn mạnh vào vai trò quyết định của tinh thần, lý trí, còn những triết gia duy nghiệm nhấn mạnh vào tính cách tích cực chủ động của sự vật, thế giới bên ngoài. Kant cố gắng dung hòa hai quan điểm đối lập. Đến Hegel, Hegel cho rằng không bao giờ giải quyết được vấn đề bao lâu cứ đứng ở bình diện phân biệt tinh thần là một thực tại khác với sự vật, thế giới bên ngoài. Và đứng ở bình diện tách biệt trên theo Hegel phải nhìn nhận không thể có quan điểm nào hoàn hảo hơn quan điểm của Kant.
Hegel không xóa bỏ vấn đề nhận thức, nhưng thay đổi hẳn quan niệm nhận thức. Trước hết Hegel nhìn nhận chỉ có một thực tại và thực tại duy nhất đó là tinh thần. Nhưng ở khởi điểm, tinh thần chưa biết mình là tinh thần, chưa tự giác là tinh thần, vì tinh thần chỉ biết mình là tinh thần ở tận cùng lịch sử, một diễn biến lâu dài gồm nhiều giai đoạn. Nói cách khác, tinh thần không ở trạng thái im lìm và hoàn tất ngay từ khởi điểm và phải trải qua một lịch trình diễn tiến trong lịch sử để đạt tới tự giác.
Vậy tất cả mọi sự của thực tại: thế giới vật chất, nhà nước, văn minh, tôn giáo, nghệ thuật, triết lý… chẳng qua chỉ là những biểu lộ của tinh thần trong lịch sử diễn tiến hướng về tự giác. Do đó khi tinh thần tìm hiểu thế giới bên ngoài, lịch sử, không phải là tìm hiểu một thực tại khác mình vì không bao giờ hai thực tại khác nhau về bản chất, có thể hiểu nhau mà chỉ là tinh thần tự tìm hiểu mình qua những biểu lộ của chính mình.
Trong viễn tượng đó, nhận thức triết lý không còn phải là giải thích tại sao và bằng cách nào lý trí, tinh thần biết được thế giới bên ngoài hoặc xác định những điều kiện có thể nhận thức như Kant đã làm mà là mô tả những biểu lộ xuất hiện của tinh thần trong lịch trình diễn tiến của nó. Những biểu lộ này cũng từ tinh thần mà ra, tách khỏi tinh thần, trở thành khách quan.
Quan niệm trên đưa đến nhận xét căn bản sau đây: tinh thần không thể tự giác nếu không trở thành khác mình bằng những biểu lộ bên ngoài. Cũng như con người chỉ biết mình là một vật sáng tạo khi đứng trước một tác phẩm, công trình sáng tạo của mình. Tác phẩm là kết quả sinh hoạt sáng tạo của ta, tuy do ta mà ra nhưng đã tách khỏi ta và trở thành khác ta.
Hiện tượng tách khỏi mình, trở thành khác mình Hegel gọi là vong thân. Nhưng vong thân cũng là một điều kiện cần thiết và chỉ có đánh mất mình trong những biểu lộ của mình, tinh thần mới biết được những khả năng, giá trị của mình, mới biết mình. Thực ra việc đánh mất mình ở đây chỉ tạm thời, vì tinh thần sẽ phục hồi tất cả những biểu lộ, sản phẩm của vận chuyển trong lịch sử quá trình diễn tiến ở tận cùng lịch sử, và nhất là không có nghĩa như từ ngữ muốn chỉ thị, vì việc đánh mất mình, chính là một cách phong phú hóa mình. Do đó, vong thân là cần thiết để tinh thần có thể tự giác và chỉ là một giai đoạn trong lịch trình diễn tiến, vì vong thân sẽ chấm dứt khi tinh thần đạt đến giai đoạn chót thu hồi được thực ngã và hoàn toàn tự giác là tinh thần tuyệt đối.
Đến Marx khái niệm vong thân mang một nội dung cụ thể không còn phải tinh thần trừu tượng vong thân như Hegel hiểu, nhưng là con người bằng xương bằng thịt, sống trong những hoàn cảnh lịch sử, chế độ xã hội nhất định bị mất bản thân, giá trị làm người. Tình trạng vong thân cũng không phải là hình thức “khách thể hóa cần thiết để tiến tới chỗ hoàn thiện, trái lại bày tỏ một sa đọa suy đồi thật sự”.
Vong thân xuất hiện dưới nhiều hình thức: tôn giáo, chính trị, pháp lý, triết lý, nhưng tất cả những vong thân, tôn giáo, chính trị, triết lý… đều bắt nguồn từ vong thân căn bản là vong thân kinh tế của con người lao động, sản xuất. Cũng như Hegel, Marx coi con người là một vật lao động và cần lao là yếu tính của con người. Sự làm việc bao hàm dự định và mục đích. Dự định làm việc nhằm thực hiện mục đích, thỏa mãn những nhu cầu sinh sống đồng thời nhằm phát triển con người, nhân hóa con người, phong phú hóa con người. Nói cách khác những sản phẩm con người lao động làm ra thuộc về con người sản xuất và nhằm thực hiện những mục tiêu mà hắn dự định.
Con người lao động vong thân khi những sản phẩm mình làm ra không thuộc về mình, không nhằm thực hiện những mục tiêu, những dự định, trái lại bị người khác tước đoạt nhằm thực hiện những mục tiêu của họ.
Do đó, người làm việc bị tách khỏi những kết quả sự làm việc của mình, bị tách khỏi chính sự làm việc của mình vì nó không còn nhằm thực hiện những dự định của mình và sau cùng bị tách khỏi cả những người khác, trở thành thù địch với mình vì người khác đã chiếm đoạt công lao sự làm việc của mình. Đáng lẽ lao động sản xuất là một sinh hoạt để con người nhận biết mình là người, như vật sáng tạo, một giá trị làm người trước sản phẩm do mình làm ra thì lại một dịp đánh mất bản ngã, giá trị làm người và ném con người vào tình cảnh vong thân trở thành xa lạ, thù địch với người khác, với thiên nhiên, với chính mình.
Nhìn một cách cụ thể, người lao động bị vong thân trong những chế độ nô lệ, phong kiến và nhất là trong chế độ tư bản. Những chế độ này là nguồn gốc sự mất mát, thua thiệt của người làm việc. Thay vì nhằm phát triển những giá trị nhân loại, thăng tiến con người bằng những sinh hoạt kinh tế, những chế độ trên, nhất là tư bản đã lấy tư lợi làm tiêu chuẩn cho mọi sinh hoạt lao động, do đó đã biến con người sản xuất thành một dụng cụ sản xuất như cái máy, cái cày và biến sức lao động thành hàng hóa đổi chác theo luật thị trường.
Marx đã viết những đoạn rất nghiêm khắc để mô tả và kết án sự bóc lột lao động trong những chế độ trên, nguyên nhân tình cảnh vong thân của người làm việc.
Trước hết, người lao động bị tách rời khỏi những kết quả sự làm việc. “Người thợ càng nghèo khi càng sản xuất nhiều và hơn nữa, sản phẩm sự làm việc càng văn minh, người thợ càng trơ trẽn, mọi rợ. Lao động càng mạnh, người thợ càng yếu, lao động càng thông minh người thợ càng không được sử dụng trí khôn và trở thành nô lệ thiên nhiên. Lao động làm ra sự đẹp đẽ nhưng đối với người thợ nó chỉ đem lại sự đui què. Lao động làm ra tinh thần nhưng đối với người thợ nó chỉ đưa đến sự sa đọa thành con vật”. Nói tóm lại. “sản phẩm lao động thế nào thì chắc chắn người thợ không được như thế. Người thợ trở thành một món hàng rẻ nếu nó càng sản xuất được nhiều hàng hóa”.
Sau là sự phân ly giữa con người với chính hoạt động làm ăn của mình. Lao động ở ngoài người thợ, nghĩa là không còn thuộc bản chất người thợ, vậy người thợ không phải là mình khi làm việc, người thợ như tự phủ nhận trong khi làm việc, không phát triển năng lực thể xác hay tinh thần nhưng là kìm hãm thể xác và phá hủy tinh thần trong sự làm việc. Cho nên người thợ cảm thấy thoải mái như ở nhà mình ngoài giờ làm việc, còn trong lúc làm việc, người thợ cảm thấy ngoài mình. Sự làm việc của người thợ không phả là tự ý nhưng là bị bó buộc. Do đó sự làm việc không có nghĩa là làm thỏa mãn những nhu cầu. Tính cách xa lạ của sự làm việc xuất hiện trong sự kiện sau đây: nếu không bị bó buộc người ta trốn tránh làm việc như trốn dịch. Cho nên, hoạt động của người thợ là sự tiêu diệt chính mình.
Người dân thuộc địa
Đối với Marx, vong thân từ sự bóc lột kinh tế và chỉ cốt yếu ở tại chức năng sản xuất, nhưng tình cảnh người dân thuộc địa mất nước, bị ngoại bang đô hộ, thống trị, không những làm cho họ mất bản thân về phương diện làm ăn, mà còn mất cả về hoàn cảnh sinh sống, đất đứng tự nhiên của mình (mất chủ quyền, ngôn ngữ, phong tục…). Người thợ ở nước mẹ tư bản chỉ bị bóc lột sức lao động do chính đồng bào họ, trái lại người dân ở nước thuộc địa, không những bị bóc lột sức lao động mà còn bị bốc lột chính trị, văn hóa do người ngoại quốc.
Do đó người dân thuộc địa không những cảm thấy xa lạ với sinh hoạt làm ăn, bị phân ly với những kết quả sự làm việc của mình, mà còn cảm thấy xa lạ với đất nước của mình, trở thành khách trong chính nhà ở của mình.
Sự vong thân là triệt để, vì vong thân cần lao bao quát cả vong quốc, vong bản.
Mỗi người sống đều cần một không gian cư ngụ là cái nhà, đất nước, dân tộc, nghãi là một mảnh đất, một cộng đồng cùng chung một văn hóa, lịch sử, tiếng nói. Con người sinh ra, lớn lên, làm ăn và chết đi trong không gian cư ngụ của mình. Người dân thuộc địa mất không gian cư ngụ, nhưng không phải bị đuổi ra khỏi không gian cư ngụ, mà chỉ mất quyền làm chủ trong không gian cư ngụ của mình.
Cho nên tình cảnh của người dân thuộc địa vừa là một tình cảnh làm thuê, làm công vừa là một tình cảnh đi ở nhờ ngay trên đất nước của mình. Hoàn cảnh đi làm thuê đi ở nhờ tạo nên một tâm tình đi làm thuê, đi ở nhờ phản ảnh vong thân vì mục đích làm việc, sự sinh sống không còn nhằm phục vụ người làm việc. Chẳng hạn người công chức trong công sở chỉ làm lấy lệ, một cách bó buộc vì chỉ làm thuê cho người ngoại quốc, không phải làm cho mình cho người mình, nên tội gì lo lắng đến lợi ích của người khác. Người dân thuộc địa không thấy cần bảo vệ, tôn trọng công ích, của chung như không làm bẩn vườn hoa, công viên, không ăn cắp những đồ dùng công cộng, vì vườn hoa công viên không còn phải là của mình, mình chỉ đến ngồi nhờ, đường phố, nhà giây thép là của người ta, kẻ ngoại bang bóc lột thống trị mình, nên cần phải bảo vệ giữ gìn.
Sự sa đọa tinh thần trên đã hẳn bắt nguồn từ tình cảnh làm thuê ở nhờ và xa hơn nữa, từ tình cảnh mất nước, mất chủ quyền trên đất nước mình.
Toàn thể người dân bản xứ thuộc địa rơi vào tình cảnh vong quốc, vong thân nhưng đặc biệt người dân bản xứ thuộc địa có ăn học. Thực dân cần một từng lớp trung gian để thực hiện chính sách bóc lột, thống trị, bằng cách tạo điều kiện ăn học cho một thiểu số người bản xứ. Thiểu số này công tác với thực dân để bóc lột thống trị đồng bào của họ. Đang làm nô lệ, họ trở thành kẻ được giải phóng, nhưng không phải giải phóng khỏi tình trạng nô lệ mà chỉ là người bị đẩy vào tình trạng lệ thuộc sâu hơn, vì khi thực dân chia phần thống trị bóc lột cho họ trả lại vai ông chủ thì không phải đó là cái mình trước đây của họ, vai ông chủ của người không mất nước mà là mặc cho họ một cái mình thực dân, chia sẻ vai ông chủ là người ngoài cho họ. Do đó, sự mất bản thân, nơi người có học được cộng tác với thực dân, trầm trọng hơn nơi người dân hoàn toàn bị áp bức.
Sự vong thân còn trầm trọng hơn nữa đối với số người được ăn học trở thành tri thức, nhà văn hóa, vì họ mất bản thân mất nước và mất gốc hoàn toàn khi họ chấp nhận văn hóa của kẻ thống trị coi ngôn ngữ của thực dân là tiếng nói tự nhiên của mình, đồng thời khinh bỉ văn hóa tiếng nói của mình.
Tính cách vong thân thuộc địa dựa trên vong quốc, vong bản làm tổn thương nhiều đến khía cạnh tình cảm của con người, do đó khi người dân thuộc địa ý thức được tình cảnh vong thân của mình và vùng lên chống thực dân nhằm chấm dứt vong thân của mình và vùng lên chống thực dân nhằm chấm dứt vong thân, sự quật khởi trước hết được biểu lộ bằng tính tự do dân tộc, ý thức quốc gia. Người dân thuộc địa cũng bị áp bức bóc lột như người thợ ở mẫu quốc nhưng dân thuộc địa còn cảm thấy mình bị bóc lột áp bức vì là người da vàng, da đen, vì dân tộc Á Đông, Phi châu cho nên sự vùng dậy trước hết cũng xuất phát từ ý thức về màu da, dân tộc nhằ đòi lại quyền sống của dân tộc độc lập, quyền làm người bình đẳng của một sắc da, nói cách khác giải phóng chính trị đi trước cách mạng xã hội nhằm chấm dứt bóc lột kinh tế.
Thực dân cũ hay thực dân mới cũng vẫn cùng một bản chất xâm lược, bóc lột và thống trị và cách thống trị bóc lột của thực dân mới chỉ tinh vi, tế nhị, khéo léo hơn mà thôi, do đó càng nguy hiểm và dễ lường gạt hơn.
Người gái điếm
Người đàn bà bị vong thân trong hoàn cảnh phái tính của mình khi tất cả con người chỉ còn là một cái xác, một xác thịt đối tượng của cái nhìn, dụng cụ thỏa mãn dục tính của người khác. Người đàn bà vì nhu cầu sinh sống, phải làm việc bằng cách bán thân xác mình cho người khác như một món hàng theo giá thị trường: Cung nhiều cầu ít, giá rẻ, cung ít cầu nhiều, giá cao. Có nhiều cách bán, trước hết bán dưới hình thức phô trương, biểu diễn thân xác trong những trường hợp: hoa hậu, đào kép, minh tinh… Những chủ hãng phim, phòng trà, tiệm nhảy khai thác thân xác đàn bà như một cái vốn để hốt bạc. Họ là bọn con buôn, buôn một thứ hàng đặc biệt là thịt người đàn bà, ngụy trang sau bộ mặt trình diễn nghệ thuật, nhưng thật ra chẳng có nghệ thuật gì cả. Nghệ thuật chân chính dùng thân xác để biểu lộ một tình tự, một ý tưởng, để người xem ngắm nhìn thưởng thức bộ mông, bộ ngực, đùi người đàn bà như một xác thịt…
Cách bán thân đồi trụy hơn cả là hiến thân. Ở đây thân xác không còn phải chỉ là đối tượng để nhìn ngắm mà còn là phương tiện thỏa mãn dục tính của người đàn ông mua dâm.
Dục tính không còn nhằm phát huy con người như một mục đích trong quan hệ hôn nhân, gia đình, mà trở thành thú tính thuần túy giản lược con người vào hàng thú vật.
Người đàn bà đĩ điếm bị vong thân vì đã mất tư cách làm người, vì thân xác, điều kiện ở đời và làm người của mình đã trở thành sở hữu của người khác. Vong thân, vì thân xác không còn là xác tôi, tôi là thân xác tôi, tôi hiện hữu trong thân xác tôi, như là tôi, nhưng chỉ còn là cái xác cho người khác.
Thực ra vong thân về thân xác cũng thường bắt nguồn từ bóc lột kinh tế. Chỉ thay đổi đối tượng, một đằng là thân xác, một đằng là sức lao động.
Người giàu có
Khái niệm vong thân giả thiết khái niệm có cho mình như là giá trị và vong thân là đánh mất, bị mất cái có đó. Cái hiểu như bản thân, bản ngã, hữu thể là dự phóng nguồn gốc những cái có như dụng cụ, đồ dùng, của cải.
Người bị vong thân là người bị bóc lột những cái gì do họ làm ra , đồng thời cũng bị bóc lột cả cái đó là bản thân hữu thể, nguồn gốc những cái có, vì sự làm việc là yếu tính của hữu thể, của con người cũng như quê hương, đất nước, hoàn cảnh sinh sống ngôn ngữ và thân xác là những cái thiết thân, gắn bó với con người, với hữu thể vì một người không thể sống không có quê hương, ngôn ngữ và thân xác.
Nhưng không phải chỉ người bị bóc lột cả về cái có lẫn cái thiết thân, bản thân rơi vào tình cảnh vong thân, mà cả người bị bóc lột. Người bóc lột trở thành giàu có bị vong thân vì những cái họ có do bóc lột người khác (đồng tiền của cải) đồng thời của dự định bóc lột, tham vọng chiếm đoạt gắn liền với bản thân, hữu thể của họ, là nguồn gốc sự bóc lột.
Cho nên, như Marx đã nói, đó là sự mất mát toàn diện về con người, vì kẻ bóc lột và kẻ bị bóc lột cả hai trong chế độ lấy tư lợi làm mục đích, đều xô đẩy vào tình cảnh vong thân.
Người giàu có đánh mất bản ngã của mình khi trở thành lệ thuộc đồng tiền, của cải, dụng cụ, sự vật, vì kiếm tiền muốn có của đã là mục đích cuộc đời của họ trong khi đáng lẽ, việc kiếm tiền chỉ là phương tiện để cho con người thực hiện những cứu cánh nhân loại, phát huy con người.
Đáng lẽ con người dùng tiền, thì lại để đồng tiền dùng con người, làm chủ con người, điều khiển mọi sinh hoạt cuộc đời. Người giàu có, bám víu vào của cải, tìm cách chiếm đoạt bằng bóc lột, rồi lo lắng bảo vệ giữ gìn của cải, trở thành nô lệ của cải. Đó là sự sa đọa vong thân của con người vào vật chất, của cải, đồ dùng.
Trước hết, tham vọng của cải, tư hữu chi phối hoàn toàn hữu thể của người có của vì lúc nào cũng chỉ muốn có và biến mọi sự thành thái có của mình, thuộc về mình như tư hữu. “Tư hữu đã làm chúng ta trở nên thô bỉ, thiển cận đến nỗi một đồ vật gì chỉ là đồ vật nếu chúng ta có nó như là một tư sản hay tức khắc chiếm được nó như ăn nó, uống nó, mặc nó, tóm lại sử dụng được nó” (Marx).
Chiếm đoạt được rồi, người có của có thể chỉ lo lắng bảo vệ, giữ của, không dám dùng nó vì quý trọng của cải, tôn sùng của cải. Càng quý bao nhiêu, càng không dám dùng bấy nhiêu. Do đó của cải trở thành thần linh, ông chủ và người có của, ông chủ, trở thành tín hữu nô lệ.
Hoặc người có của đem dùng nó để mua những cái không thể mua được, nhưng cái vô giá, thuộc về tương giao nhân loại, lĩnh vực giá trị tinh thần, luân lý, thẩm mỹ. Ở đây Marx đã viết những lời tố cáo thật đanh thép sự sa đọa của những tương giao nhân loại, những giá trị tinh thần, luân lý, khi chúng trở thành những món hàng để mua bán, đổi chác.
Sự đổi chác cũng có một lịch sử, nó đã trải qua nhiều giai đoạn. Có thời như thời Trung Cổ, người ta chỉ trao đổi những gì thừa thãi, thặng dư, do sự sản xuất quá mức tiêu thụ.
Rồi đến thời không những cái thừa thãi mà ngay cả mọi sản phẩm sinh hoạt kỹ nghệ đều chuyển vào thương mại và do đó toàn bộ sản xuất lệ thuộc sự buôn bán.
“Sau cùng đến thời mà tất cả những gì con người thường vẫn coi như thể là người đụng chạm đến cũng trở thành đồ hàng để đổi chác, buôn bán và bị xúc phạm. Đó là thời mà những gì từ trước đến nay chỉ để thông cảm chứ không bao giờ để đổi chác, chỉ để cho biếu chứ không để bán, chỉ để nhận lãnh chứ không phải mua như đức tính, tình yêu, khoa học… Tất cả những cái đó nay đều chuyển qua ngành thương mại. Đó là thời sa đọa toàn diện, thời mua chuộc phổ biến hay nói theo danh từ kinh tế học đó là thời mà mọi sự tinh thần hay vật chất, vì đã trở nên đồ hàng đổi chác đều bị mang ra thị trường để định giá hết”.
Trong bản thảo “Kinh tế triết lý”, Marx cũng đã dành nhiều trang để tố cáo nền văn minh tiền bạc.
Theo Marx, tiền bạc đáng lẽ chỉ có một công dụng là trao đổi, buôn bán hàng hóa, nay đã trở thành một giá trị tự tại một mục đích tối hậu một ông chủ đầy uy quyền, một thần linh quyền bính vô song vì nó có thể mua được hết, chinh phục được hết, đồng thời có thể mua được tiên như câu “Có tiền mua tiên cũng được”. Sự sa đọa của con người vào đồng tiền của trầm trọng hơn sự sa đọa vào tôn giáo. Vì ở bình diện tôn giáo, người bị vong thân nhưng là thứ vong thân được biểu hiện bằng hình ảnh, đức tính cao cả của đấng tuyệt đối (Chúa, Phật).
Còn ở đây đồng tiền chỉ là thứ thần dược được chế tạo bằng vật liệu tầm thường như giấy, kim loại…
“Tiền bạc, vì nó có thể mua được mọi thứ, có thể có mọi thứ nên đã trở thành đồ vật theo nghĩa cao nhất. Tính chất phổ biến của việc có của là sức mạnh vô song của nó”.
Marx trích lại một đoạn của Shakespeare trong “Timon của Nhã Điển”, mô tả quyền lực của Thần Tiền:
“Vàng, châu báu lấp lánh. Không, hỡi các vị thần tôi không cầu khẩn các ngài một cách vô ích đâu: Có nhiều vàng bạc, tôi có thể làm đen ra trắng, xấu thành đẹp, ác thành thiện, già trẻ lại, hèn nhát trở lên can đảm, tầm thường thành cao cả. Nó lôi kéo thầy cả ra khỏ bàn thờ, nó lôi kéo bọn người vừa đang ốm, đang ngái ngủ ra khỏi giường. Cái cảnh nô lệ đỏ chót này kiến tạo hay tháo gỡ những giây liên lạc linh thiêng nó ban phúc cho kẻ mất phúc, nó làm cho hủi phong trở lên dễ thương, nó đề cao kẻ cắp và cho nó ngôi thứ, ảnh hưởng trong hội đồng kỳ cựu, nó đưa những nhân tình đến góa bụa già nua, nó đem lại cho người góa bụa bị sa thải một cách chán chường một tuổi trẻ tháng năm đầy hương thơm. Thứ đồ kim loại khốn nạn, con đĩ điếm tầm thường của loài người, mày làm mù quáng các dân tộc”.
Với đồng tiền có thể mua được mọi sự, kể cả những cái vô giá (giá trị tinh thần) và do đó làm nhơ bẩn làm mất giá những cái vô giá đó đi.
“Đồng tiền đối với tôi thế nào, điều gì tôi có thể trả được nghĩa là có thể dùng tiền ma được thì đó là của chính tôi, người có tiền”.
“Quyền lực của tôi cũng lớn lao như sức mạnh của đồng tiền”
“Những đặc quyền của tiền bạc cũng là những đặc quyền, những thế lực thực sự của tôi và người có của. Tôi là gì và tôi có thể được gì, không phải do cá tính của tôi định đoạt, nếu tôi xấu, tôi vẫn có thể mua được người đàn bà đẹp nhất, vậy tôi không xấu và hậu quả của sự xấu xí, cái sức lực làm cho người ta xua đuổi nó đã bị đồng tiền mua. Nếu tôi bất loại, nhưng có tiền tôi vẫn sắm được tay chân. Vậy tôi không phải là người bất toại. Tôi là một người xấu, bất lương, vô liêm sỉ, bẩn thỉu nhưng vì đồng tiền được kính trọng vì đồng tiền là thứ quý giá hơn cả nên người có tiền cũng tốt. Đồng tiền làm cho tôi không còn mang tiếng là bất lương và do đó tôi có thể được coi như người lương thiện, tôi không có tài năng, tinh thần gì hết những đồng tiền là tinh thần đích thật của mọi sự, vậy làm sao người có tiền có thể thiếu tài năng, tinh thần được. Đằng khác, đồng tiền còn có thể mua chuộc được cả những người có tinh thần và người có quyền trên những kẻ có tinh thần lại không phải là người “tinh thần” cao hơn là người có tinh thần hay sao?
“Nhờ đồng tiền tôi có thể có tất cả những gì lòng tôi áo ước, vậy tôi không thể có tất cả những quyền lực nhân loại đó hay sao? Đồng tiền há chẳng biến đổi tất cả những gì không thể thành có thể hay sao?”
“Đồng tiền, không những mua được tất cả mà còn biến cái không thể thành cái có thể, dung hòa những đối lập hay đối lập những dung hòa, vậy đồng tiền là chúa tể mọi sự…”
Những người nghèo khổ đã hẳn là có những mơ ước nhưng chỉ vì thiếu tiền mà họ không thực hiện được những mơ ước, thành ra đó chỉ là những biểu tượng không thực. Chỉ có những người có tiền mới có những mơ ước coi như là thực tế.
Đồng tiền quy định cái có thể, những năng khiếu, khuynh hướng. Nếu tôi thích học nhưng không có tiền, tất nhiên tôi trở nên không có khuynh hướng thích học và ngược lại nếu tôi có tiền dù tôi không có khuynh hướng hiesu học hay không, tôi vẫn có thể học (một cách dễ dàng).
Marx đã viết trong viễn tượng đó: “Khi tôi có khiếu học nhưng không có đủ điều kiện cần thiết, tôi trở thành không có khiếu học nghĩa là không có khiếu học hiệu nghiệm và đích thực. Nhưng nếu tôi thực sự không có khiếu học, nhưng tôi có tiền và muốn học, vậy tôi có khiếu học hiệu nghiệm”.