Mấy suy nghĩ về việc xác định bản chất của thế giới quan

08:44 SA @ Thứ Sáu - 23 Tháng Chín, 2005

Ngày nay, dưới sự tác động của các quá trình dân chủ hoá, nhân đạo hoá, tin học hoá và toàn cầu hoá, việc xác định tình trạng hiện thời của đời sống xã hội và vạch ra con đường phát triển của nó trong tương lai không chỉ là công việc riêng của các nhà lãnh đạo, các chính trị gia, mà còn cuốn hút sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp đại chúng. Trong khung cảnh như thế, việc xác định, xây dựng và phổ biến một thế giới quan khoa học và cách mạng sẽ mang lại một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chỉ với một thế giới quan như vậy, quần chúng mới trở thành động lực lớn lao của quá trình lịch sử, và mỗi con người mới trở thành một thực thể tự do và sáng tạo thực sự.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, mặc dù công việc này phải là kết quả nỗ lực của các nhà nghiên cứu thuộc các chuyên ngành khác nhau, nhưng không quá cường điệu khi nói rằng các nhà triết học luôn giữ một vai trò chủ chốt. Bởi lẽ, hầu như mọi người đều biết, triết học là một dạng thức quan trọng của thế giới quan. Có thể nói, những khiếm khuyết và khó khăn trong việc phát triển triết học có phần phụ thuộc vào việc xác định bản chất của thế giới quan.

Trong việc xác định bản chất giới quan, chúng ta có thể thấỵ thoạt tiên là cách tiếp cận vị khoa học, sau đó là cách tiếp cận nhận thức - giá trị học và cuối cùng cách tiếp cận hoạt động và thực tiễn. Tất nhiên, phải thừa nhận rằng, mỗi một cách tiếp cận ra đời trong một hoàn cảnh cụ thể và đáp ứng đòi hỏi của việc nghiên cứu cùng đời sống xã hội lúc bấy giờ. Vì thế, mỗi cách tiếp cận vẫn có ý nghĩa nhất định trong quá trình xác định bản chất của thế giới quan. Giờ đây chính là lúc cần phải tổng hợp cả ba cách tiếp cận trên. Bởi trong bản chất của mình, thế giới quan luôn thể hiên sự thống nhất biện chứng thức, đánh giá và thực tiễn, cải tạo. Việc xuất hiện quan niệm cho rằng thế giới quan như là một hệ thống các tri thức về thế giới nói chung (vật lý học, sinh học, kinh tế học, luật học... và nhiều lĩnh vực tri thức khác) là do muốn nhấn mạnh tính khoa học của thế giới quan, muốn chỉ ra sự thâm nhập, tiếp xúc các tri thức khoa học của đông đảo quần chúng nhân dân trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Cách hiểu như vậy về thế giới quan, ngay từ đầu, đã thể hiện tính hạn chế của mình. Tương tự như vậy, trong cuốn Từ điển triết học [dưới sự chủ biên của M.M.Rôđentan (M.M.Rodental), đã được tái bản hàng chục lần] , thế giới quan triết học được hiểu như là "khoa học về các quy luật chung nhất mà cả tồn tại (tức giới tự nhiên và xã hội) lẫn tư duy của con người, quá trình nhận thức đều phải phục tùng"(1). Việc hiểu bản chất của thế giới quan triết học như vậy đã loại ra khỏi nó không chỉ tất cả các quan điểm triết học phi mác xít, mà thậm chí còn cả quan điểm triết học mác xít về vấn đề con người, đạo đức, thẩm mỹ và các vấn đề quan trọng khác.

Dĩ nhiên, tri thức, thông tin về thế giới cũng nằm trong cơ sở của thế giới quan. Không ai có thể phủ nhận được rằng thế giới quan là kết quả trả lời của những câu hỏi như "thế giới là gì?", "nguồn gốc của nó từ đâu?" , kết cấu và hình thức tồn tại của nó là như thế nào?"...Rõ ràng, thiếu tri thức khoa học, nhất là khoa học tự nhiên, thì quả là khó khản khi muốn xác định nội dung của một thế giới quan hoàn chỉnh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là có thể quy thế giới quan về các tri thức của các khoa học tự nhiên riêng biệt. Bởi nếu vậy, việc tổng hợp các kết quả của nhận thức khoa học sẽ tạo ra cái gọi là "bức tranh khoa học về thế giới" hay "bức tranh khoa học tự nhiên về thế giới", thậm chí còn có cả "bức tranh vật lý" hay "bức tranh sinh học" về thế giới... Việc hệ thống hoá các tri thức khoa học về thế giới như vậy cũng đã có trong các công trình khoa học của các nhà khoa học nổi tiếng như M.Plăng (M.Plank), N.Bo (N.Bor) ... Khác hẳn với mặt nhận thức của thế giới quan khoa học, nét đặc trưng của bức tranh khoa học về thế giới là ở chỗ, nó không quan tâm đến mối liên hệ của con người với thế giới, vị trí của con người trong thế giới, cũng như những nhu cầu, lợi ích và mục đích của chính con người. Với việc định hướng hạn hẹp như vậy, thế giới hiện ra chỉ là những "vật tự nó" chứ không phải là những "vật cho chúng ta".

Thế giới quan - đó không chỉ là tri thức về thế giới nói chung, mà còn là tri thức về vị trí của con người trong thế giới, về mối quan hệ của con người với thế giới. Đó còn là cả một hệ thống những lời giải đáp cho các câu hỏi như "một vị trí như thế nào trong thế giới thuộc về con người?", "mối quan hệ của con người với thế giới ra sao?", "con người có những lý tưởng nào?", "đặc thù của ý thức và cảm xúc của con người ở chỗ nào?"...G.Gecxơ (G.Gertx) đã khái quát một cách vắn tắt rằng: "Chúng tôi hiểu thế giới quan như một hệ thống nhất định những lời giải đáp những vấn đề về cội nguồn của thế giới và nguồn gốc của tri thức, về vị trí của con người trong thế giới, về ý nghĩa của cuộc sống và đặc trưng của tiến bộ xã hội"(2). Rõ ràng, việc xác định bản chất của thế giới quan cần dựa trên cả phương diện bản thể luận lẫn phương diện nhận thức luận. ở đây, thế giới quan được hiểu như là sự tạo thành của quá trình nhận thức đặc thù, chứ không phải là phép cộng các tri thức của các khoa học cụ thể. Nếu việc xác định bản chất của thế giới quan chỉ dựa trên phương diện nhận thức luận thì quả là chưa đầy đủ. Khi đó, thế giới quan chỉ được hiểu như là sự thông tin nhận thức. Có không ít công trình đã phân tích thế giới quan ở bình diện phản ánh thế giới bởi xúc cảm của con người. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó trong phần Cảm nhận thế giới và nhận thức thế giới của bộ giáo trình triết học nổi tiếng Nhập môn triết học(3). ở đó nhấn mạnh rằng, thế giới quan là sự thống nhất phức hợp của các nhân tố lý tính và cảm nhận thế giới và thấu thế giới. Các tác giả còn khẳng định, mặc dù tri thức là một nhân tố quan trọng của thế giới quan, nhưng không thể quy thế giới quan về tri thức, thậm chí về sự thống nhất giữa tri thức với những nhân tố cảm xúc.

Thực chất, nội dung của thế giới quan rộng lớn hơn nhiều. Nó bao gồm những quan điểm. tư tưởng của con người những cái tạo thành hạt nhân của những quan niệm giá trị về thế giới, về cuộc sống, hạt nhân của các định hướng mục đích và của các chuẩn mực bên trong dưới dạng một phức hợp các chuẩn mực đạo đức và thẩm mỹ.Thế giới quan là sự tổng hợp đời sống tinh thần của con người, bao gồm không chỉ sự nhận thức và cảm nhận thế giới, mà còn cả những luận điểm sống tích cực của con người.

Không thể phủ nhận sự chuyển biến lớn trong việc xác định bản chất của thế giới quan của các tác giả giáo trình nói trên. Các tác giả đã cố gắng vượt ra khỏi khuôn khổ hạn hẹp của thông tin nhận thức. Nhưng ở đây vẫn chỉ nói đến thế giới bên trong, thế giới tinh thần của con người, còn thế giới bên ngoài cùng hoạt động thực tiễn của con người lại chưa được đề cập đến Chúng ta cần thấy rằng phương pháp thích hợp để phân tích thế giới quan là phải xuất phát từ sự nghiên cứu các nhân tố của thế giới bên trong lẫn thế giới bên ngoài của con người, từ sự thống nhất của tư duy và hành động, ý thức và tồn tại, lý luận và thực tiễn. Thực tiễn sẽ là cơ sở cho sự thống nhất này, đồng thời cũng là cội nguồn của các tư tưởng và những tiêu chuẩn tồn tại của chúng.

Thế giới quan của con người là sự phản ánh chủ quan lối sống của con người; hơn nữa, trong những nét chủ yếu đó còn là lối sống nhất định của toàn xã hội nói chung. Tuy nhiên, thế giới quan không chỉ dừng lại ở sự phản ánh thụ động lối sống của con người. Cùng với lối sống, nó còn là vị thế sống tích cực của con người; còn là nguyên tắc sống, triết lý sống, sự thông thái về cuộc sống để chỉ dẫn cho cả nhận thức lẫn hành động của con ngươi. Nó còn là nhân tố có ý nghĩa lớn lao trong việc giải quyết tất cả những vấn đề và những nhiệm vụ chủ yếu của đời người.

Như vậy, chính hành vi và hoạt động của con người đã đặt ra cho chúng ta một loạt vấn đề như: Con người đã đặt ra cho mình những mục đích sống và các phương tiện để hiện thực hóa chúng như thế nào? Mối quan hệ của họ với việc nhận thức ra sao? Liệu nhận thức có đáp ứng những mục đích sống đã được họ lựa chọn và con đường thực hiện những mục đích ấy có tuân theo những quy luật phát triển, theo cấu trúc và chức năng của thế giới khách quan, theo những nhu cầu, lợi ích và những khả năng khách quan vốn có ở họ? Liệu những mối quan hệ của họ với thực tiễn cải tạo thế giới khách quan, cải tạo chính bản thân mình có tương ứng với những đòi hỏi và những khuynh hướng phát triển hợp quy luật của hiện thực? Bằng cách nào mà với tư duy và hành động của ình, họ đã thể hiện sự thống nhất giữa con người và thế giới, đã hiểu được những triển vọng của mình, tin tưởng vào chính bản thân mình, vào tương lai của đồng bào mình, của nhân loại?

Rõ ràng, một kiểu định hướng giá trị nhất định, một tổ hợp những chuẩn mực sống, chuẩn mực đạo đức, pháp luật... tương ứng với nội dung xác định của nhân tố nhận thức trong thế giới quan. Trên cơ sở của việc định hướng thế giới quan nhất định, hình thành nên một kiểu hành động tương ứng của con người và ngược lại, một kiểu hành động của con người đòi hỏi được định hướng bởi một thế giới quan phù hợp, một thế giới quan luận chứng và củng cố cho kiểu hành động đó. Vậy thì vấn đề về khả năng giải phóng con người và xã hội, về những tiền đề khách quan và chủ quan của việc hiện thực hoá khả năng sáng tạo của con người đã trở thành bản chất của thế giới quan. Dĩ nhiên, chúng ta quan tâm tới bức tranh của thế giới bên ngoài, nhưng việc quan tâm đó chỉ có ý nghĩa khi lý giải được vấn đề là bằng cách nào để thế giới "tự mình" trở thành thế giới "cho ta".

Như vậy, thế giới quan không chỉ đề cập đến vị trí của con người trong thế giới, mà còn đề cập đến cả việc giải quyết những vấn đề: Chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu tới và chúng ta sẽ đi về đâu? Chúng ta sẽ tạo ra một môi trường sống của mình, một thế giới ngày mai vì những mục đích gì và dưới những hình thức nào? Cuối cùng, chúng ta sẽ đấu tranh để khẳng định vị trí của mình trong thế giới này, để thực hiện những mục đích của mình bằng cách nào?

Như vậy, thế giới quan là một hệ thống những lời giải đáp các câu hỏi trên, được hình thành và phát triển trong xã hội dưới hai hình thức:

Thứ nhất, thế giới quan là một nhân tố sống động của ý thức cá nhân, giữ vai trò chỉ dẫn cách thức tư duy và hành động của cá nhân (thế giới quan cá nhân).

Thứ hai, thế giới quan là sự thể hiện lý luận và khái quát hoá các quan điểm và hoạt động của một nhóm xã hội lớn, một giai cấp hay toàn xã hội (thế giới quan xã hội.

Các nhà triết học, kinh tế học, xã hội học hay các nhà tư tưởng chính trị... luôn suy ngẫm để xây dựng thế giới quan xã hội. Nhiệm vụ của họ là phải làm thế nào để thể hiện một cách đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất những nguyên lý triết học, những nguyên lý tư tưởng lý luận chỉ dẫn suy nghĩ và hoạt động của con người từ vị thế của một nhóm xã hội, một giai cấp hay toàn xã hội. Tuy nhiên, việc phân biệt hai hình thức này của thế giới quan không có nghĩa là để chúng ta xem xét chúng như những gì tách biệt, cô lập. Đó là hai cực của một hiện tượng - cá nhân và xã hội luôn nằm trong mối liên hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Mỗi cá thể đều luôn mong muốn làm phong phú tri thức của mình, tiếp nhận những lý luận thế giới quan để làm sáng tỏ vị trí của mình trong thế giới, trong đời sống xã hội. Ngược lại, những quan điểm thế giới quan xã hội trở thành một bộ phận trong ý thức và niềm tin của các cá nhân, thẩm thấu vào ý thức cá nhân được hình thành một cách tự phát rồi tác động và chỉ dẫn nó.

Định hướng thế giới quan của những người cụ thể, của những người đại diện cho một giai cấp không thể nào biểu hiện một cách hoàn toàn chính xác và thuần tuý hệ tư tưởng của giai cấp đó đã được khái quát hoá trong lý luận. Bởi lẽ, lý luận trong các quan điểm, các khái niệm của mình thể hiện cái chung, cái tất yếu, trong khi đó những người đại diện cho một giai cấp luôn thể hiện sự thống nhất biện chứng giữa cái chung, cái đặc thù và cái riêng. ở phần lớn dân cư, thế giới quan không phải là kết quả của việc nghiên cứu lý luận hay tri thức được rút ra từ sách vở, nghĩa là không được hình thành dưới dạng lý luận. Thế giới quan cá nhân thường là sự tích luỹ và thu thập kinh nghiệm sống của mọi người. Nó nằm trong những suy nghĩ và hành vi của họ mà chính họ cũng không biết rằng cái được gọi là kinh nghiệm sống hay sự thông thái đó chính là thế giới quan. Đó chính là mức độ thấp trong việc nhận thức thế giới quan. Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp tác dụng của nó với tính cách là một nhân tố điều chỉnh hành động của con người. Trong những điều kiện sống cụ thể, mỗi người đều luôn đặt ra và giải quyết những vấn đề về mối quan hệ của mình với thế giới, vị thế của mình trong xã hội và ý nghĩa cuộc sống của mình. Trong quá trình sống ấy, con người đã chọn lựa và định hướng cuộc sống của mình, thể hiển chính thế giới quan của mình. Nhưng con người vốn lại là một thực thể xã hội. Sự giao tiếp của họ luôn được mở rộng, còn những nhu cầu và quyền lợi của họ luôn gắn kết với nhu cầu và quyền lợi của các nhóm xã hội hay các giai cấp. Thế giới quan xã hội bổ sung cho thế giới quan cá nhân, cải biến sụ nhìn nhận thế giới của cá nhân. Thế giới quan xã hội cũng gắn bó chặt chẽ với thực tiễn và hoạt động của con người. Không phải là các cá nhân riêng biệt, mà chính các nhóm xã hội, các giai cấp, toàn xã hội là chủ thể của một thế giới quan như vậy. Sự gắn bó chặt chẽ giữa hai hình thức thế giới quan - cá nhân và xã hội - thể hiện rõ trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C.Mác và Ph.Ăngghen. Hơn nữa, trong tác phẩm này, chúng ta cũng có thể tìm thấy tất cả các phương diện của thế giới quan nhận thức, giá trị và thực tiễn nằm trong mối liên hệ biện chứng với nhau. "Tuyên ngôn" đã thể hiện và luận chứng một cách khoa học bản cương lĩnh như là kim chỉ nam cho việc giải quyết các vấn đề cơ bản trong đời sống của giai cấp công nhân và toàn xã hội. Nó không chỉ đem lại những thông tin mô tả về thế giới, mà còn thể hiện trực tiếp thế giới quan - nghĩa là thể hiện những tri thức, những giá trị, những chuẩn mực cần thiết để định hướng cho hoạt động của giai cấp vô sản. "Tuyên ngôn" đã giúp cho giai cấp công nhân hiểu được những quyền lợi chính đáng của họ và các phương tiện để giành lấy chúng, đã chỉ ra con đường đấu tranh vì một xã hội mới.

Một học thuyết mácxít hoàn chỉnh cùng lý luận và chiến lược, sách lược cách mạng đã được trình bày trong "Tuyên ngôn". Giải phóng triệt để những người lao động ra khỏi mọi hình thức bóc lột, đó là một vấn đề phức hợp đánh dấu sự chuyển biến lịch sử về chất trong việc kiến tạo lại toàn xã hội. Một sự can thiệp vào kết cấu xã hội như thế, tất yếu đòi hỏi phải nhận thức một cách khoa học và sâu sắc sự phát triển của xã hội và những mối liên hệ gắn bó mật thiết với nó. Thế giới quan mácxít không phải là thế giới quan của những con người riêng biệt, mà là của cả giai cấp công nhân, của toàn nhân loại cần lao. Những nguyên lý của thế giới quan xã hội này được chuyển hoá vào thế giới quan cá nhân, định hướng cho con người tích cực tham gia vào việc cải tạo tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình. Chính trong việc cải tạo ấy, con người có được sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, mơ ước và hiện thực. Cách tiếp cận như vậy đã chỉ ra sự thống nhất giữa con người và thế giới tư duy và hoạt động, cái chủ quan và cái khách quan, lý luận và thực tiễn trong thế giới quan như thế nào. Vì thế, có thể nói, thế giới quan đã bao hàm trong mình vấn đề cơ bản của triết học. Vậy thì ở đâu và bằng cách nào có được sự thống nhất giữa con người và thế giới, tư duy và tồn tại? Trong quá trình trao đổi chất giữa con người và thế giới đã hình thành nên cái gọi là thiên nhiên thứ hai, hay theo lời của C.Mác, thân thể vô cơ của con người. Thiên nhiên thứ hai này thể hiện sự thống nhất giữa con người và thế giới, cái chủ quan và cái khách quan, tư duy và hành động.

Thiên nhiên thứ hai, thân thể vô cơ của con người chính là hình thức vật thể của văn hoá. Như vậy, việc tìm hiểu và nghiên cứu văn hoá dưới góc độ triết học đã đi tới việc xác định giới hạn tột cùng của tồn tại người, và do đó, văn hoá đã được xác định ở cấp độ thế giới quan. Chính vì thế mà triết học, thế giới quan và văn hoá luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, luôn hỗ trợ và tác động lẫn nhau. Và cũng chính vì thế mà thế giới quan triết học như là sự phản tư văn hoá của một dân tộc, của một thời đại.

Trong những bước chuyển biến của đời sống xã hội, thế giới quan triết học lại thể hiện tầm vóc lớn lao của mình. Công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có một thế giới quan đúng đắn, khoa học và cách mạng, một thế giới quan thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa chân - thiện - mỹ. Một thế giới quan như thế phải được xây dựng trên những tư tưởng triết học của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác.

(1) Từ điển triết học. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1986, tr 599.
(2) G.Gertx. Triết học mácxít và tri thức khoa học tự nhiên. Mátxcơva, 1982, tr.42.
(3) Xem: Nhập môn triết học, t.1. Mátxcơva, 1989, tr 25 - 27.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Để biết là mình không biết...

    13/05/2018Phan Đình DiệuChưa bao giờ việc học được toàn xã hội chúng ta quan tâm như mấy năm vừa qua. Ta đã bàn nhiều về những điều mà xã hội phải lo cho người học, nhưng còn bản thân người học phải lo thế nào cho việc học của chính mình thì có lẽ còn ít được bàn tới. Trong một đời người thì việc học ở nhà trường có thầy có lớp nhiều lắm cũng khoảng mươi, mười lăm năm, còn ngoài ra để học suốt đời thì chủ yếu là tự học.
  • Tản mạn triết học

    30/03/2016Triết học hay là những triết lí trong cuộc sống. Người ta thường nói ai trong chúng ta cũng đều phải đối diện với những vấn đềtrong cuộc sống va người thành công là người có triết lí sống thích hợp. Thế nhưng thế nào là triết lí sống thích hợp?
  • Triết học và cuộc sống

    07/09/2005Lê ThiTrước đây, C.Mác đã nói: "Vũ khí vật chất của triết học là giai cấp vô sản cũng giống như vũ khí tinh thần của giai cấp vô sản là triết học" (1). Vấn đề đặt ra cho chúng ta ngày nay là làm sao cho triết học Mác - Lênin thật sự trở thành vũ khí tinh thần của nhân dân...
  • Đổi mới tư duy

    21/07/2005Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Đại học HarvardXin giới thiệu với quý độc giả bài viết với cách nhìn mới mẻ và toàn diện về đổi mới tư duy của Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Đại học Harvard.