Cải cách giáo dục nhìn ra thế giới

03:51 CH @ Thứ Bảy - 07 Tháng Chín, 2013
Họ nói gì về cải cách giáo dục?

Ya’akov Hecht, hiệu trưởng một trường cấp tiến ở Hadera, Israel:

  • “Cần đánh giá một học sinh theo những mục đích mà học sinh đó tự đặt ra chứ không nên so sánh với các bạn đồng học”.

Thầy giáo Arnaud Daire, trường trung học Louis Pasteur ở thành phố Strasbourg Pháp:

  • “Giáo viên không còn là cấp trên và học sinh là cấp dưới. Tuy vậy giáo viên vẫn là một người lớn với chữ L viết hoa”

Shin Tae - Shik, Hiệu phó Trường Trung học Yang Chung ở Seoul, Hàn Quốc:

  • “Cần phải thừa nhận rằng xã hội hiện nay rất đa dạng. Và chúng ta cũng cần thừa nhận rằng các quyền lợi của học sinh cũng đa dạng không kém”.


Pháp.

- Tại Trường Trung học Louis Pasteur ở Strasbourg, thành phố cảng sông lớn thứ hai ở miền Bắc nước Pháp, học sinh lớp 9 gánh chịu một cú sốc khá mạnh lúc nhập học. Nếu ở cấp trung học cơ sở, các em chỉ phải làm những bài tập ở nhà khá dễ, đơn giản thì ở đầu cấp 3 này, các em phải bộc lộ hết mình sức học với những bài tập khó hơn, đòi hỏi phải tư duy sáng tạo hơn.

Theo thầy giáo kỳ cựu Arnaud Daire, cú sốc đó kéo dài cả tuần lễ đầu. Khác với những bài tập cấp 2 chỉ cần 30 phút để hoàn thành, học sinh lớp 9 phải động não ít nhất 1-2 giờ đồng hồ mỗi đêm để làm bài tập ở nhà.

Cú sốc thứ hai, dễ chịu hơn, là các em phải làm quen với mối quan hệ thầy trò mới: tôn trọng lẫn nhau, khoan dung, thân ái. Học sinh Romain Micoud - Poilvert nhận xét: “Thầy cô giáo dạy rất tận tụy, cố gắng không làm cho chúng em cảm thấy thấp kém. Tuy nhiên, thầy, cô giáo vẫn khác biệt với học sinh”.

Về vấn đề này, thầy Daire thừa nhận rằng mặc dù đã tiến hóa nhiều, nền giáo dục Pháp chưa cải cách triệt để bằng các nước Bắc Âu. Ở các nước này hệ thống giáo dục chủ yếu dựa vào quan hệ cá nhân thầy - học trò rất sâu đậm.

Tuy vậy, thầy Daire vẫn cho rằng nền giáo dục Pháp đang hướng tới mục tiêu: “Giáo viên không còn là cấp trên và học trò là cấp dưới nhưng giáo viên vẫn là một người lớn với chữ L hoa. Một vài người cho rằng hệ thống giáo dục của chúng tôi quá cứng nhắc, nặng về kỷ luật và thiếu tập trung vào việc để cho học sinh tự biểu lộ mình. Cá nhân tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đạt được sự cân bằng giữa uy quyền và tự do.

Giờ đây chúng tôi không còn phân biệt rạch ròi học sinh giỏi và học sinh dở. Thay vì tách biệt, chúng tôi gom học sinh giỏi và trung bình vào một lớp. Học sinh kém và học sinh trung bình học chung một lớp. Theo truyền thống, học sinh quá kém phải lưu ban nhưng tình trạng này không còn phổ biến nữa”.

Cải cách giáo dục ở Pháp được coi là khiêm tốn nhưng số học sinh đậu bằng tú tài tăng lên rõ rệt. Nếu hai mươi năm trước chỉ có 25% học sinh thi đậu tú tài thì hiện nay tỉ lệ này là 60%.

Israel

- Tháo dỡ hàng rào ngăn cách thầy trò là cốt lõi của nền giáo dục nước này. Khi bà hiệu trưởng Hana Levitte bước vào lớp học, 40 học sinh tại một trường trung học nổi tiếng ở Jerusalem cất tiếng: “Chào Hana”. Bà kể: “15 năm qua học trò gọi tôi là cô Levitte, nay các em gọi tôi là Hana. Đây là một nỗ lực xóa bỏ hàng rào giữa giáo viên và học sinh”.

Cải cách giáo dục ở Israel không dừng lại ở đó. Việc điều hành trường học và chọn chương trình dạy học đều có sự tham gia của phụ huynh học sinh (được quyền chọn 25% chương trình) và bản thân học sinh. Ở nhiều trường, nội quy học đường do một ủy ban bao gồm đại diện học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh soạn thảo.

Tại trường của bà Hanna Levitte, học sinh được phép đi trễ 5 phút nếu có lý do chính đáng. Bằng không, không được vào lớp và sự vắng mặt này bị trừ vào các ngày nghỉ vì lý do sức khỏe của các em. Ngược lại, nếu giáo viên không báo lại kết quả kỳ thi trong vòng 3 tuần thì không được bắt học sinh thi lại.

Mặc dù các trường được hưởng quyền tự trị khá rộng rãi, phương pháp dạy học theo kiểu giáo viên giảng bài, học sinh ngồi nghe một cách thụ động không được khuyến khích. Học sinh tham gia vào buổi giảng và làm tiểu luận là điều gần như bắt buộc. Làm tiểu luận giúp học sinh rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm.

Ở hầu hết các trường, giáo viên không ghi điểm vào học bạ mà đánh giá động cơ, sở thích và các vấn đề của học sinh. Ngoài ra còn có phần học sinh tự đánh giá. Nhiều trường không tổ chức thi kiểm tra. Chỉ có một số môn học ở những lớp cuối cấp cần có điểm để xem xét vào các lớp đầu cấp trên.

Hệ thống giáo dục ở Israel rất đa dạng. Ngoài trường công lập, có trường công lập tôn giáo, trường Ả Rập và trường của các hệ phái Do Thái bảo thủ. Tất cả đều được ngân sách nhà nước bao cấp. Trẻ em học miễn phí từ lớp mẫu giáo đến lớp 12.

Mỹ.

- Trường nhỏ, lớp học sáng tạo là một nét độc đáo trong hệ thống giáo dục ở nước này. Trường Trung học Marble Hill ở quận Bronx, thành phố New York là một thí dụ điển hình. Trường mới thành lập hồi năm ngoái, nhận 96 học sinh lớp 10 và 100 học sinh lớp 9 thuộc 31 quốc tịch khác nhau. Chương trình học, ngoài môn toán, khoa học và khoa học nhân văn, chú trọng đến ngoại ngữ và nghệ thuật.


Nhà trường tiếp nhận cả học sinh không nói được tiếng Anh thông thạo và không qua nổi các kỳ thi chính thức của chính phủ. Đối với học sinh kém tiếng Anh, nhà trường tăng cường môn Anh văn, còn đối với học sinh có bản ngữ là tiếng Anh buộc phải học thêm ngoại ngữ Tây Ban Nha và Nhật, sắp tới sẽ thêm tiếng Pháp.

Điều đáng nói nhất ở Trường Marble Hill là phương pháp dạy. Hình thức làm tiểu luận theo nhóm và làm báo giúp học sinh nắm vững bài học. Ví dụ khi dạy các tế bào động và thực vật, cô giáo Emily D’Agostino cho 21 học sinh trong lớp đóng vai từng chi tiết tế bào, hát lên nhiệm vụ của nó. Cả lớp ca hát giống như một dàn đồng ca, tuy có đôi chỗ nghe không êm tai, nhưng nói chung học sinh thuộc bài nhanh. Không khí lớp học luôn sinh động. Phụ huynh học sinh được khuyến khích đến thăm lớp.

Phong trào mở trường nhỏ nhắm vào những cộng đồng sắc tộc đa dạng sinh sống ở New York đang phát triển mạnh. Nó được tổ chức Bill and Melinda Gates, do Bill Gates - người giàu nhất nước Mỹ - tài trợ 51 triệu USD hồi tháng 9 vừa qua.

Anh.

- Hệ thống giáo dục nước này không có những cải cách lớn, ngoạn mục. Kỷ luật nghiêm minh ở cấp 2-3 vẫn là nền tảng cơ bản. Học sinh không được nhai kẹo cao su, ăn uống hay đi giày thể thao trong lớp.

Phương pháp giảng dạy ở Anh đang theo trào lưu khuyến khích học sinh suy nghĩ độc lập, bỏ lối học vẹt. Nhiều môn học biến thành diễn đàn thảo luận dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Có môn, giáo viên điều khiển cuộc thảo luận đi đến một kết luận có thể rút ra làm bài học ứng xử ở đời cho học sinh. Nhưng cũng có môn - ví dụ môn học về tôn giáo - giáo viên không đưa ra kết luận nào. Xuất phát từ thực tế ở Anh có học sinh theo các tôn giáo khác nhau như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, môn học về tôn giáo thường được giảng dạy theo phương pháp thảo luận “Thượng đế là gì, tôn giáo là gì, có ý nghĩa gì với các em?”.

Dạy theo nhu cầu của học sinh là một đặc điểm của chương trình giáo dục Anh hiện đại. Phương pháp dạy linh hoạt, sinh động có sự vận động tự thân của học sinh. Ví dụ, học môn sinh học, học sinh có 10 phút để tóm tắt những thông tin từ sách giáo khoa trước khi giáo viên giảng bài. Đây là cách xử lý thông tin được cho là hữu ích đối với học sinh. Saffron Smyth, 29 tuổi, cô giáo dạy toán, cho biết trong 10 năm qua các phương pháp giáo dục đã được cải tiến đáng kể.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của ngành giáo dục ở Anh là khó tuyển giáo viên và ngân sách hạn chế.
LinkedInPinterestCập nhật lúc: