Dịch thuật và vấn đề cải cách giáo dục
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn dến tình trạng lạc hậu của nền giáo dục nước ta, đặc biệt là giáo dục ĐH, theo tôi, là tình trạng kém cỏi của công việc dịch thuật. Tình trạng này nói chung có thể quy về ba chữ: thiếu, yếu, và lệch lạc. Về chuyện thiếu, nhiều người và bản thân tôi đã từng nói: hầu hết các tác phẩm quan trọng trên thế giới chưa hề được dịch ra tiếng Việt.
Chuyện yếu nhiều người cũng đã nói: rất ít bản dịch đáng tin cậy; nhiều bản dịch giống như là những bài đánh đố. Ở đây tôi muốn nói về sự lệch lạc. Theo tôi, trong những tác phẩm thuộc nhiều ngành, cần thiết nhất là các sách nghiên cứu kinh điển, trước hết là triết học, chính trị học, kinh tế, ngôn ngữ, mỹ học... Nhưng chúng ta chủ yếu tập trung vào văn học. Trong sách văn học, cái cần nhất hiện nay là sách lý luận, thì chúng ta lại tập trung vào sáng tác. Trong sách sáng tác, chúng ta cũng chỉ tập trung vào các tác giả cổ điển hoặc quen thuộc của một vài nước quen thuộc, chứ ít giới thiệu các tác giả đương đại. Trong số các tác giả đương đại thì chủ yếu tập trung vào các sách thương mại, chủ yếu của Mỹ.
Kết quả là nhận thức của chúng ta về thế giới vừa lạc hậu vừa phiến diện. Nhiều giáo viên văn học - cũng như các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - chưa bao giờ đọc, thậm chí chưa bao giờ biết đến những cái tên cực kỳ quan trọng đối với người cầm bút như Roland Barthes, Schklovskij, James Joyce hay Noam Chomsky. Cũng vậy, nhiều giáo viên dạy triết học chưa bao giờ đọc Platon, Aristote...
Ba nước tôi có điều kiện sống lâu nhất là Liên Xô, Pháp và Mỹ. Cái chung tôi thấy ở các nước này là trình độ tri thức rất cao, được hậu thuẫn bởi kho tài liệu vô cùng phong phú. Ngay ở Liên Xô ngày trước, tôi cũng có thể dễ dàng đọc hầu như tất cả các tác giả trên thế giới, kể cả các tác giả phương Tây. Ở Pháp cũng vậy.
Nhưng có lẽ khó nơi nào có thế sánh được với Mỹ. Chỉ cần đến một thư viện bất kỳ, bạn có thể mượn hầu như tất cả những gì đã từng in ra bằng tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác. Chỉ cần dùng tiếng Anh, bạn có thể đọc hầu như tất cả các tác giả quan trọng Đông Tây kim cổ. Nếu thư viện này không có, bạn có thể mượn từ thư viện khác qua mạng một cách dễ dàng. Điều này giúp cho sinh viên và các nhà nghiên cứu chỉ mất một thời gian ngắn là có thể cập nhật toàn bộ các thành tựu đỉnh cao trên thế giới.
Vì thế, sinh viên và các nhà nghiên cứu ở Mỹ luôn luôn đứng trên vai người khổng lồ. Theo tôi, dịch thuật chính là một cách đầu tư khôn ngoan của người phương Tây, cách rẻ nhất để thu hút trí tuệ của các dân tộc khác. Đó mới thực sự là cách "đi tắt đón đầu".
Trong một bài báo in trên Lao Động, tôi có đề xuất một chương trình dịch thuật. Theo tôi, trí tuệ nhân loại thì bao la, nhưng có thể rút lại khoảng 500 cuốn sách quan trọng nhất về khoa học xã hội và nhân văn, trong đó chúng ta đã dịch tốt được khoảng 50 cuốn, bao gồm Chủ nghĩa Marx, Triết học Trung Hoa và một số tác giả phương Tây. Chúng ta cần có một kế hoạch dịch thuật các cuốn sách này, coi đó là cái vốn cơ bản để xây dựng một đội ngũ trí thức cho tương lai.
Tuy nhiên, đó là một chương trình dài hạn chứ không phải là một chương trình cấp bách. Trước hết, loại tác phẩm gốc như vậy chủ yếu dùng cho tầng lớp tinh hoa, mà tầng lớp này thường đã có (và cần phải có) khả năng dùng được ngoại ngữ. Hơn nữa, để thực hiện chương trình này, chúng ta phải mất khoảng mười năm hoặc thậm chí lâu hơn. Trong thời gian đó, vài thế hệ học sinh, sinh viên, tức hàng chục triệu người đã ra trường.
Theo tôi việc cấp bách nhất đối với chúng ta hiện nay không phải là dịch các tác phẩm gốc, mà là dịch các tác phẩm mang tính phổ biến tri thức. Loại sách này cũng có thể chia thành hai loại, loại phổ thông và loại ở trình độ cao. Loại sách phổ thông dùng cho tất cả mọi người. Nó cho phép cung cấp kiến thức một cách dễ hiểu nhưng chính xác, toàn diện và có hệ thống về từng ngành khoa học xã hội. Loại sách trình độ cao dùng cho sinh viên các chuyên ngành hẹp và cả các giảng viên đại học thuộc các chuyên ngành khác.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân tôi, loại sách này hiện nay cực kỳ cần thiết ngay cả đối với các giảng viên đại học của chính các chuyên ngành hẹp đó. Chúng ta thường hay nói cần nâng cao dân trí. Nhưng muốn nâng cao dân trí thì phải nâng cao trí tuệ của chính những người đi dạy, tức là "giáo trí". Tất nhiên, cả hai loại phải là những cuốn sách do các tác giả có uy tín viết, do các nhà xuất bản có uy tín phát hành, đã được thử thách và công nhận.
Nếu không quan tâm đến dịch thuật, nếu không xây dựng được một kho dữ liệu tối thiểu ngang tầm nhân loại, chúng ta mãi mãi chỉ có thể đào tạo một đội ngũ trí thức tuy có bằng cấp nhưng quê mùa, lạc hậu, mẹ hát con khen. Khi đó, mọi cải cách giáo dục đều thất bại. Mọi chiến lược đi tắt đón đầu vào kinh tế tri thức mà không dựa trên một nền tảng tri thức sẽ chỉ là khẩu hiệu suông mà thôi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt