Về việc tăng học phí

03:51 CH @ Chủ Nhật - 14 Tháng Chín, 2003

Liệu bố mẹ các em có biết học phí sắp tăng?
Theo Báo Lao Động số ra ngày 29.8.2003, Bộ GDĐT đã trình Chính phủ khung học phí (HP) mới, trong đó đáng chú ý nhất là từ tháng 1.2004, mức trần học phí ở bậc đại học sẽ tăng từ 180.000 đồng/tháng lên 250.000 đồng/tháng. HP đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng được kiến nghị tăng lên mức tối đa là 4,5 triệu đồng/năm.

Đối với cán bộ công nhân viên (CBCNV) làm việc ở khu vực hành chính sự nghiệp, một gia đình mỗi tháng tiền lương được khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng, ít gia đình được 2 triệu đồng. Một gia đình hai vợ chồng CBCNV về hưu, những người  buôn thúng bán mẹt, chạy chợ... có khoản thu nhập còn ít hơn thế.

Cứ mỗi gia đình ở thành phố nơi có trường đại học, có một con học đại học thì mỗi tháng chi  học phí cho con 250.000 đồng, ngoài ra còn tiền thuê sách, xe cộ đi lại, tiền giấy bút và các khoản chi phí khác tối thiểu khoảng 100.000 đồng nữa. Nếu gia đình có hai con học đại học thì chi phí sẽ tăng lên gấp 2 lần; nếu có một con học đại học, một con học phổ thông thì chi phí đó sẽ tăng lên gấp rưỡi. Như vậy số tiền còn lại khoảng dưới 1 triệu đồng chi cho 4 người (ăn uống, quần áo, điện nước, đóng các quỹ xã hội, ma chay hiếu hỉ, ốm đau v.v...), thử hỏi các gia đình chi tiêu thế nào cho đủ?

Một gia đình nông dân nếu có một con ra thành phố học đại học thì còn phải chi thêm các khoản: Tiền thuê nhà tối thiểu 150.000 đồng, tiền điện nước khoảng 50.000 đồng, tiền ăn tối thiểu 200.000 đồng. Như vậy mỗi gia đình ở nông thôn cho con ra thành phố học đại học mỗi tháng phải chi tối thiểu 750.000 đồng, tương đương với khoảng 4 tạ thóc, mỗi năm vị chi khoảng 4 đến 5 tấn thóc, đó là chưa kể các khoản quần áo, thuốc men lúc đau ốm, các khoản đóng góp xã hội. Chúng ta thử tính xem một năm một gia đình nông dân sản xuất ra được mấy tấn thóc, trong khi phải bán đi khoảng 4 đến 5 tấn thóc cho một con đi học thì gia đình đó sẽ sống bằng cách nào?

Còn đối với đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ thì sao? Một kỹ sư hay cử nhân ra trường được vài năm ở cơ quan hành chính sự  nghiệp và các viện nghiên cứu  bình quân lương khoảng 700.000 - 1 triệu đồng/tháng. Nếu làm  nghiên cứu sinh thạc sĩ hoặc tiến sĩ thì mỗi tháng họ phải nộp học phí hơn 370.000 đồng, tương đương với một nửa hoặc một phần ba tháng lương. Số tiền còn lại còn phải chi ăn ở, điện nước, đi lại, quần áo, các khoản đóng góp đoàn thể, xã hội v.v...; có người còn phải nuôi con, thuê nhà, nuôi bố mẹ già... Thử hỏi với số tiền lương như thế, học phí như thế thì liệu họ có đủ kinh phí để theo học nghiên cứu thạc sĩ hay tiến sĩ không?

Đến nay số đông các tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài  (trong những thập  kỷ 60, 70, 80 thế kỷ trước) đã nghỉ hưu, số lượng các cán bộ khoa học trên đại học đã giảm đi đáng kể, một số mới được đào tạo chưa đủ trình độ và kinh nghiệm để đảm nhiệm các vị trí nghiên cứu chủ chốt. Vì vậy việc khuyến khích các kỹ sư, cử nhân trẻ hăng hái nghiên cứu khoa học là rất cần thiết. Muốn vậy, Nhà nước cần nghiên cứu một mức học phí ở bậc đại học và  ở bậc cao học một cách hợp lý, nhằm giúp cho con em của đại đa số nhân dân lao động học xong bậc đại học và tạo điều kiện thuận lợi cho các kỹ sư và cử nhân trẻ học tập và nghiên cứu khoa học.

Cũng cần phải nói thêm rằng việc xã hội hoá nền giáo dục là cần thiết, nhưng chúng ta cũng cần tránh việc thương mại hoá nền giáo dục.

TS Lê Văn Đệ, Dân bàn chuyện học, báo Lao động

LinkedInPinterestCập nhật lúc: