Câu chuyện giáo dục

03:51 CH @ Thứ Bảy - 22 Tháng Mười Một, 2003

Làm dân ai cũng mong xã hội có nhiều cải cách tiến bộ. Thế mà cứ mỗi lần Bộ Giáo dục công bố, thi hành một cải cách là y rằng thiên hạ bấn loạn cả lên. Một dạo người của Bộ nổi hứng làm cuộc "cải cách chữ quốc ngữ, cải cách chữ viết", lập tức kiểu chữ truyền thống mềm mại uyển chuyển bị đem ra hành quyết, thay vào đó là thứ chữ gai góc thô cứng; chữ hoa bắt viết theo lối chữ in cỡ to, a giống cái thang gấp, e giống giàn ăng ten, x giống ký hiệu biển cấm đỗ... Mãi gần đây người ta mới sực tỉnh quay về kiểu chữ cũ thì đã mất đứt hai mươi năm; đó là khoảng thời gian đủ để học trò lớp  ngày ấy hôm nay đã là bố là mẹ trẻ con! Chuyện mới đó mà đã thành quá khứ, dân cũng đã quên! Thấy vậy, Bộ lại mạnh dạn xin kinh phí phóng tay cải tiến, chỉnh lý sách giáo khoa (SGK). Tưởng cải tiến thế nào hoá ra chữ nọ ở sau nay đưa lên trước; chữ kia ở trước nay đổi ra sau; từ đầu chí cuối chi chít lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, lỗi kiến thức, học thuật. Thấy báo chí cả nước liên tục lên tiếng góp ý, phê phán, cực chẳng đã, lãnh đạo Bộ bèn đứng ra nhận lỗi, nhưng chỉ nhận là "thiếu sót", hứa "chỉnh lý", lý ra phải dũng cảm nhận là sai, phá đi làm lại từ đầu.

Ngoài sai lầm nghiêm trọng về phương pháp, nội dung soạn thảo SGK, ngành giáo dục còn mắc hàng loạt sai lầm khác như hoàn toàn bó tay trước tình trạng hỗn loạn trong thi cử, tuyển sinh, học thêm, trường điểm, cũng như công tác quản lý chất lượng chuyên môn, tư cách đạo đức đội ngũ giáo viên.

Cống hiến như vậy mà thành tích bao giờ cũng cao nhất trời thì chỉ còn mỗi cách phát huy dối trá: dối trá nhà nước, dối trá nhân dân; trên dưới, thầy trò thoả thuận được phép dối trá lẫn nhau!... Trở lại việc thất bại trong cải cách, lịch sử chứng minh việc lớn, việc nhỏ mà chưa kinh qua thực tế, chưa tích luỹ kinh nghiệm, chưa vật lộn với hàng loạt thí nghiệm thử nghiệm thường là chuốc lấy thất bại. Giáo dục, đào tạo con người là lĩnh vực đòi hỏi công phu gấp bội nếu bỏ qua hoặc đảo ngược trình tự ấy thì thất bại còn lớn hơn nhiều.

Trần Xuân, Tạp chí Ngày Nay

LinkedInPinterestCập nhật lúc: