Châu Á với vấn đề toàn cầu hoá giáo dục
(Sài gòn giải phóng, ngày 10/4/2000)
Trên thế giới, cải cách giáo dục hiện nay được xem là rất cần thiết cho thành quả kinh tế. Sự phồn thịnh kinh tế của một quốc gia tùy thuộc vào chất lượng của hệ thống giáo dục quốc gia đó. Mặc dù nhu cầu giáo dục sáng tạo chỉ mới chớm nở ở châu Á nhưng các chính phủ cũng đã quan tâm và chuẩn bị nhập cuộc toàn cầu hóa giáo dục. Từng quốc gia đã ráo riết cải cách chế độ giáo dục theo hướng toàn cầu hóa để tránh bị tụt hậu so với các quốc gia khác.
Trong hai thế kỷ vừa qua, các nhà cải cách giáo dục châu Á chỉ nhấn mạnh đến trật tự, kỷ luật xã hội và chỉ yêu cầu nắm bắt những khoa học kỹ thuật cơ bản của mọi ngành nghề; nhưng họ không xác định được phương hướng rèn luyện và phát triển thói quen tư duy sáng tạo.
Người châu Á hãnh diện vì học sinh châu Á thường đạt điểm cao nhất về khoa học và toán trong các kỳ thi quốc tế. Nhưng từ Tokyo đến Singapore, các chính phủ đã hiểu ra rằng con cái nước họ vì quá âu lo học hành và làm quá nhiều bài tập, chúng đã không được đào tạo tốt trong thời đại tin học. Do đó, giới trí thức tinh hoa của châu Á biết rõ rằng, để hòa nhập với thế giới hiện đại thì phải làm cái gì đó khác ngoài việc dạy học sinh tiếp thu kiến thức bằng học thuộc lòng.
Đài Loan có kế hoạch năm 2002 sẽ bỏ hẳn hệ thống thi cử nghẹt thở của các trường đại học đã làm cho sinh viên thất vọng và giận dữ. Trong tương lai, việc nhập học các trường đại học sẽ được xác định bằng một bài thi hỗn hợp bao gồm một bài trắc nghiệm tiêu chuẩn thành đạt SAT (Standard Achievement Test) và một bài trắc nghiệm năng khiếu (Aptitude Test).
Hàn Quốc cũng quyết định từ bỏ các kỳ thi nhập học đại học quá cứng rắn vào năm 2002. Nhưng hệ thống giáo dục cũ chìm đắm nhiều năm trong truyền thống phong kiến rất khó sửa đổi. Đường lối điều hành nhà trường vẫn tiếp tục độc đoán và giáo viên vẫn còn quyền trị học sinh bằng roi vọt.
Tại Malaysia, vi tính có vẻ là con đường tắt dẫn đến nền giáo dục hiện đại. Malaysia đã tiến hành chiến dịch đầy tham vọng gọi là chương trình "trường học thông minh" (smart schools) để học sinh làm quen với máy vi tính cá nhân và lên mạng Internet. Tuy nhiên các bậc phụ huynh bảo thủ vẫn lo rằng tự do và công nghệ hiện đại sẽ đẩy con em họ vào chỗ nguy hiểm như khả năng tiếp cận hình ảnh khiêu dâm, bạo lực, ma túy trên mạng Internet và có thể bỏ học. Bộ trưởng Giáo dục Najib Razak đã vội trấn an: "Trong mỗi xã hội, khi có thay đổi thì dân chúng phản ứng nhưng chúng tôi không có nhiều lựa chọn. Chúng tôi phải có một hệ thống giáo dục đào tạo ra những công nhân viên sáng tạo, nếu không, chúng tôi sẽ thất bại so với các nước khác".
Tại Nhật Bản, mười năm qua, chính phủ thấy thế hệ trẻ ngày càng đối nghịch với xã hội, chỉ nghĩ đến bản thân và tiện nghi hưởng thụ cho riêng mình. Ông Kawakami, một giáo viên kỳ cựu Nhật, nói: "nước Nhật đã mất 50 năm để đi đến tình trạng ngày nay, và có lẽ phải mất 50 năm nữa để xây dựng lại một hệ thống giáo dục đúng đắn". Hiện nay, các nhà giáo dục nước Nhật đang cố gắng tìm một lối thoát cho kiểu giáo dục chỉ dựa vào trí nhớ một cách nhàm chán.
Các trường học tại Singapore dạy trẻ tư duy độc lập nhưng không được tỏ ra chống đối. Hai năm trở lại đây, các nhà lãnh đạo Singapore đã nhận ra sự khủng hoảng trên con đường cải cách giáo dục. Bộ trưởng cấp cao Lý Quang Diệu đã đề nghị ban hành một chương trình cải cách giáo dục và chỉ đạo các trường học phải bắt đầu rèn óc sáng tạo cho học sinh.
Nhà trường được phát những tập tài liệu hướng dẫn phương pháp rèn luyện óc sáng tạo, thúc đẩy sinh hoạt nhóm, giúp học sinh tự mình động não, nhất là từ bỏ ý tưởng cho rằng mỗi bài toán chỉ có một giải đáp duy nhất và rằng chỉ có lãnh đạo chóp bu mới phải tư duy. Đến năm 2002, nhà trường sẽ cung cấp một máy vi tính cho hai học sinh sử dụng trong học tập. Ngoài ra, đã có kế hoạch cắt giảm 30 % chương trình học, mục đích là để cho học sinh có thêm thì giờ tư duy và giải trí, hy vọng học sinh phát triển thành những công nhân viên có đầu óc sáng tạo hơn. Ngoài ra, chính phủ Singapore đã chuẩn bị 5 chương trình hợp tác đào tạo mới với các trường đại học Âu-Mỹ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm