Trang bị từ chiến lược dịch thuật
“Thiếu tầm nhìn chiến lược” – đó là cụm từ thường được các chuyên gia nhắc đến khi nhìn sâu về thực tế cũng như tiềm lực, dự phóng phát triển của nghệ thuật, học thuật Việt Nam trong thời gian gần đây.
Trong buổi nói chuyện gần đây về dịch triết học Đức tại viện Goethe, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn đặt ra vấn đề lịch sử tư tưởng triết học của một quốc gia, dân tộc chính là lịch sử dịch thuật.
Ông lập luận: “Thế nào là triết học Trung Hoa nếu không có một quá trình dịch thuật Phật học từ chữ Phạn sang chữ Hán? Triết học Nhật Bản sẽ là gì nếu không có sự chuyển dịch Nho học, Phật học và sau này là triết học phương Tây sang tiếng Nhật? Và chúng ta vẫn có cảm tưởng rằng, bản thân triết học phương Tây thì không dịch lại của ai cả, nhưng trên thực tế, toàn bộ đều có khởi nguồn từ Hy Lạp – đó chính là quá trình chuyển dịch tư duy Hy Lạp vào tư duy Latinh, La Mã!”.
Và theo ông: “Cần có sự phân biệt giữa sự tiếp nhận triết học nước ngoài nơi một cá nhân với việc giao lưu tiếp thu tư tưởng ngoại lai ở một dân tộc. Cá nhân thì có thể tiếp thu trực tiếp, có thể đọc, suy nghĩ như một người nước ngoài và không nhất thiết phải trải qua một quá trình gian nan chuyển dịch, còn với một dân tộc, một nền văn hoá thì cần đến một sự chuyển dịch lâu dài và kỹ lưỡng. Dịch thuật là vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình giao lưu, tiếp nhận, cải biến, sáng tạo giữa quốc gia này với quốc gia khác. Trong quá trình giao lưu, tiếp nhận, bản sắc được tìm thấy trong tương quan với cái khác lạ”.
Theo ông, nước Nhật hiện đại và phát triển đặt cơ sở trên sự tiếp thu tư tưởng và tinh hoa từ bên ngoài, mà tư tưởng lại lấy nền tảng từ quá trình dịch thuật. Năm 1859, tập luận văn kinh điển Bàn về tự do của John Stuart Mill được in ở Anh, thì chỉ 12 năm sau, được dịch sang tiếng Nhật với hàng triệu ấn bản, được các nhà Duy tân Nhật Bản xem là sách xây dựng nhận thức tự do nơi con người, xã hội, dân tộc Nhật hiện đại. Nước Nhật cũng từng đầu tư du học sinh sang Đức nghiên cứu trực tiếp tư tưởng hiện đại của Martin Heidegger và trở về giới thiệu nhân vật này tại Nhật trước khi những tác phẩm quan trọng của triết gia này có mặt… Người Nhật chọn cách thoát Á, hiện đại hoá tư tưởng trước khi làm chủ kỹ thuật và công nghệ.
Trong khi đó, mãi đến năm 2005 cuốn sách mỏng Bàn về tự domới được dịch, in tại Việt Nam – một đất nước có hơn 85 triệu dân, nhưng sau ba năm trời thì số lượng sách bán ra không quá… 7.500 cuốn! (Các cuốn kinh điển khác: Thế giới như tôi thấy của A. Einstein bán được 6.000 bản, Tâm lý học đám đôngcủa Gustave Le Bon bán được 8.000 bản). Nhiều tác phẩm kinh điển khác của G.W.F. Hegel, I. Kant, John Locke hay F. Nietzsche còn hẩm hiu hơn. Người ta gặp đi gặp lại trên những cuốn sách nặng ký này những tên tuổi dịch giả quen thuộc.
Thường sách triết gần đây phần lớn do Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu và hiệu đính. Có người nói cơn khát tư tưởng học thuật ở Việt Nam đang cần đến một chục ông Bùi Văn Nam Sơn. Nhưng nhìn vào tín hiệu lu mờ của thị trường dòng sách tư tưởng, học thuật này, không khỏi băn khoăn: nếu đủ chục ông Sơn thì số người đọc loại sách ông ấy dịch và dày công hiệu đính có vì thế mà nhân lên chục lần? Những ai tâm huyết với dòng sách này thường mượn thành ngữ “mưa lâu thấm đất” để làm phép thắng lợi tinh thần!
Nhận thức được tầm quan trọng của vai trò dịch thuật tư tưởng học thuật trong giao lưu văn hoá với thế giới và trang bị cần thiết cho sự phát triển thì sẽ nhận thấy, đây không phải là trách nhiệm của một nhóm cá nhân làm khoa học mảnh mai dị biệt nào mà phải là trách nhiệm cần được cụ thể hoá bằng chiến lược quốc gia, dân tộc.
Một điều kiện tối quan trọng nữa, đó là câu hỏi về một bối cảnh xã hội và nền giáo dục khuyến khích sáng tạo, khuyến học thực sự đủ điều kiện để sinh ra trong nó lớp người biết truy cầu tri thức cộng hưởng và chia sẻ trách nhiệm với những người làm công việc lan toả tri thức.
Thế giới nhìn người Nhật trang bị cho hiện đại hoá dân tộc, đất nước của họ bằng chìa khoá tư tưởng. Ngoài việc giăng lên khẩu hiệu hiện đại hoá, người Việt đã trang bị gì?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh