Thoát Á luận

10:57 SA @ Thứ Bảy - 08 Tháng Sáu, 2019

Từ thế kỷ 19, Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản) đã viết: "Đường giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió của văn minh phương Tây thổi vào phương Đông. Khắp mọi nơi, không có cỏ cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này".

Khơi dòng từ bài viết "Xây danh dự cho dân tộc Việt" của tác giả Nguyễn Lương Hải Khôi, hàng loạt bài viết đã gửi về tranh luận quanh chủ trương Việt Nam nên thoát Á hay thoát thân...

Thoát Á luận là tựa đề bài báo của Fukuzawa Yukichi, với nội dung thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nền văn hóa tiểu nông, cổ hủ lạc hậu, nặng về hình thức giả tạo bên ngoài của các nước châu Á mà Trung Quốc là điển hình, để học theo nền văn minh phương Tây và hội nhập vào thế giới bên ngoài.

Bài luận nổi tiếng này đã khơi nguồn cho dòng triết học Khai sáng của Nhật Bản, nền tảng tư tưởng và tinh thần của cuộc Canh tân Minh Trị đưa nước Nhật thoát khỏi nguy cơ lệ thuộc và phát triển ngang hàng với phương Tây cuối thế kỉ 19, đầu thế kỷ 20.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài luận này như một tư liệu để bạn đọc tham khảo.


Thử nghĩ mà xem, những người phương Tây từ thời cổ kim đến nay đều có cùng dòng dõi giống nhau và họ không khác nhau nhiều lắm. Nếu ngày xưa họ chậm chạp thì ngày nay họ di chuyển hoạt bát và nhanh chóng hơn chính là vì họ lợi dụng được thế mạnh của phương tiện giao thông đó mà thôi. Đối với chúng ta, những người sống ở phương Đông, trừ khi chúng ta có quyết tâm vững chắc muốn chống lại xu thế văn minh phương Tây thì chúng ta mới có thể chống đỡ được, còn nếu không tốt nhất là chúng ta hãy cùng chia sẻ chung số mệnh với nền văn minh ấy.

Nếu chúng ta quan sát kĩ lưỡng tình hình thế giới hiện nay, chúng ta sẽ nhận thấy được rằng chúng ta không thể nào chống lại được sự tấn công dữ dội của nền văn minh ấy. Vậy tại sao chúng ta không cùng nhau bơi nổi trên biển văn minh ấy, cùng nhau tạo ra một làn sóng văn minh ấy, cùng nhau nỗ llực xây dựng và hưởng lạc những thành quả của nền văn minh ấy?


Chân dung Fukuzawa Yukichi. Nguồn ảnh: Wikipedia

Làn gió văn minh như là sự lan truyền của dịch bệnh sởi. Hiện giờ dịch bệnh sởi khởi phát từ vùng miền tây ở Nagasaki đang lan truyền về phía đông tới vùng Tokyo nhờ tiết trời ấm áp của mùa xuân. Thời điểm này chúng ta sợ sự lan truyền của dịch bệnh này thì phải tìm phương thuốc, nhưng liệu có phương thuốc nào có thể ngăn chặn sự lây lan này không? Tôi có thể chứng minh rằng chúng ta không có một phương thuốc nào ngăn chặn được dịch bệnh cả. Cho dù chúng ta có ngăn chặn được dịch bệnh có thể lây lan này thì hậu quả là con người chúng ta sẽ chỉ có hư hỏng mà thôi.

Trong nền văn minh ấy có cả lợi lẫn hại song song, nhưng lợi luôn nhiều hơn hại, sức mạnh của những điều lợi đó không gì có thể ngăn cản được. Đó chính là điểm mà tôi muốn nói rằng chúng ta không nên tìm cách ngăn cản lại sự lan truyền của nền văn minh ấy. Là những người trí thức, chúng ta hãy góp sức giúp cho sự lan truyền của làn sóng văn minh đó tới toàn dân trong nước để họ thấy được và làm quen với nền văn minh ấy càng sớm càng tốt. Làm được như vậy chính là sự nghiệp của những người trí thức.

Nền văn minh phương Tây đang xâm nhập vào Nhật Bản và có thể tính bắt đầu từ chính sách mở cửa của nước nhà vào thời Gia Vĩnh (Kaei, 1848-1854). Người dân trong nước bắt đầu biết đến những giá trị hữu ích của nền văn minh ấy, và đang dần dần tích cực hướng tới tiếp nhận nền văn minh ấy. Nhưng con đường tiến bộ tiếp cận nền văn minh đang bị cản trở bởi chính phủ già nua lỗi thời. Cho nên đó là vấn đề không thể giải quyết được. Nếu chúng ta duy trì chính phủ hiện nay thì nền văn minh chắc chắn không thể xâm nhập vào được. Đó là vì nền văn minh hiện đại không thể song song tồn tại được cùng với những truyền thống Nhật Bản. Nếu chúng ta tìm cách thoát ra khỏi những truyền thống cũ kĩ đó thì đồng nghĩa với việc phải hủy bỏ chính phủ đương thời đi. Thế thì đương nhiên, nếu chúng ta ngăn cản lại nền văn minh đang xâm nhập vào Nhật Bản thì chúng ta không thể giữ gìn được nền độc lập của chúng ta. Dù thế nào đi chăng nữa thì sự náo động mãnh liệt của nền văn minh thế giới không cho phép vùng Đảo Đông Á cứ tiếp tục ngủ trong sự cô độc nữa.

Trong thời điểm hiện nay, những sĩ phu Nhật Bản chúng ta hãy dựa trên cơ sở đại nghĩa “coi trọng quốc gia và coi nhẹ chính phủ”, thêm nữa chúng ta có cơ may được dựa trên thánh chỉ tôn nghiêm của Thiên Hoàng, nhất định chúng ta phải từ bỏ chính phủ cũ, thành lập chính phủ mới, không phân biệt quan lại triều đình và thần dân, toàn dân trong nước tiếp thu nền văn minh hiện đại phương Tây. Nếu chúng ta làm được như vậy, chúng ta không những có thể thoát ra khỏi sự trì trệ lạc hậu cũ kĩ của nước Nhật Bản mà còn có thể đặt lại được một trật tự mới trên toàn Châu Á. Chủ trương của tôi chỉ gói gọn trong hai chữ “Thoát Á”.

Nước Nhật Bản chúng ta nằm tại miền cực đông Châu Á, giá như chúng ta có tinh thần dân tộc thoát ra khỏi những thói quen cổ hủ của Châu Á mà tiếp cận tới nền văn minh phương Tây thì chúng ta đã có thể hoà nhập với nền văn minh phương Tây rồi. Tuy nhiên, thật không may cho Nhật Bản chúng ta, bên cạnh nước chúng ta có hai nước láng giềng, một nước gọi là Chi Na (Trung Quốc), một nước gọi là Triều Tiên. Cả hai dân tộc của hai nước này giống như dân tộc Nhật Bản chúng ta đều được nuôi dưỡng theo phong tục tập quán, tinh thần và nền giáo dục chính trị kiểu Châu Á cổ lai hi. Tuy nhiên, có lẽ do nhân chủng khác nhau, hoặc do quá trình di truyền khác nhau, hoặc do nền giáo dục khác nhau nên có sự khác biệt đáng kể giữa ba dân tộc. Dân tộc Trung Quốc và Triều Tiên giống nhau nhiều hơn và không có nhiều điểm giống với dân tộc Nhật Bản. Cả hai dân tộc này đều không biết đường lối phát triển quốc gia tự lập.

Ngày nay, trong thời đại phương tiện giao thông tiện lợi, cả hai dân tộc không thể không nhìn thấy được sự hiện hữu của nền văn minh phương Tây. Nhưng họ lại cho rằng những điều mắt thấy tai nghe về nền văn minh phương Tây như vậy cũng không làm họ động tâm động não. Suốt hàng nghìn năm họ không hề thay đổi và vẫn quyến luyến với những phong tục tập quán cũ kĩ bảo thủ. Giữa thời buổi văn minh mới mẻ và đầy khí thế ngày nay mà khi bàn luận về giáo dục thì họ thường lên tiếng giữ gìn nền giáo dục Nho học (Hán học), bàn về giáo lý của trường học thì họ chỉ trích dẫn những lời giáo huấn “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí”, và chỉ phô trương coi trọng hình thức bên ngoài giả tạo, thực chất họ coi thường chân lí và nguyên tắc, còn đạo đức thì hung hăng tàn bạo và vô liêm xỉ không lời nào tả xiết, đã vậy họ lại còn kiêu căng tự phụ.

Theo đánh giá của tôi, trong tình hình lan truyền mạnh mẽ của nền văn minh phương Tây sang phương Đông như hiện nay, hai nước ấy không thể giữ gìn được nền độc lập. Nếu trong hai nước ấy, xuất hiện những nhân tài kiệt xuất mở đầu bằng công cuộc khai quốc, tiến hành cuộc đại cải cách chính phủ của họ theo quy mô như phong trào Duy Tân (Minh Trị Duy Tân) của chúng ta, rồi cải cách chính trị, đặc biệt là tiến hành các hoạt động đổi mới nhân tâm và cách suy nghĩ thì may ra họ mới giữ vững được nền độc lập, còn nếu không làm được như vậy thì chắc chắn chỉ trong vòng vài năm tới hai nước sẽ mất, đất đai của các hai nước ấy sẽ bị phân chia thành thuộc địa của các nước văn minh khác trên thế giới. Vậy lý do tại sao? Đơn giản thôi, vì tại thời điểm mà sự lan truyền của nền văn minh và phong trào khai sáng (bunmei kaika) giống như sự lan truyền bệnh sởi, hai nước Trung Quốc và Triều Tiên đã chống lại quy luật lan truyền tự nhiên ấy của nền văn minh. Họ quyết liệt tìm cách chống lại sự lan truyền nền văn minh ấy ví như họ tự đóng chặt cửa sống trong phòng khép kín không có không khí lưu thông thì sẽ bị chết ngạt.

Tục ngữ có câu “môi hở răng lạnh”, nghĩa là các nước láng giềng không thể tách rời được nhau và giúp đỡ lẫn nhau, nhưng hai nước Trung Quốc và Triều Tiên trong thời điểm hiện nay không đóng vai trò giúp đỡ một chút nào cho nước Nhật chúng ta cả. Dưới nhãn quan của người phương Tây văn minh, họ nhìn vào những gì có ở hai nước Trung Quốc và Triều Tiên thì sẽ đánh giá nước Nhật chúng ta cũng giống hai nước ấy, có nghĩa là họ đánh giá ba nước Trung - Hàn - Nhật giống nhau vì ba nước cùng chung biên giới. Lấy ví dụ, chính phủ Trung Quốc và Triều Tiên chuyên chế cổ phong và không có hệ thống pháp luật nên người phương Tây cũng nghĩ rằng Nhật Bản chúng ta cũng là một nước chuyên chế và không có luật pháp. Các sĩ phu hai nước Trung Quốc và Triều Tiên mê tín hủ lậu không biết đến khoa học là gì thì học giả phương Tây nghĩ Nhật Bản chúng ta cũng chỉ là một nước âm dương ngũ hành. Nếu người Trung Quốc hèn hạ không biết xấu hổ thì nghĩa hiệp của người Nhật cũng bị hiểu nhầm. Nếu ở Triều Tiên có hình phạt thảm khốc thì người Nhật cũng bị người phương Tây coi là không có lòng nhân ái. Chúng ta có thể nêu ra biết bao nhiêu ví dụ cũng không hết được.

Lấy những ví dụ này, tôi ví trường hợp nước Nhật Bản bên cạnh các nước Trung Quốc và Triều Tiên không khác gì trường hợp trong một làng có một người sống bên cạnh toàn những người ngu đần, vô trật tự, hung bạo và nhẫn tâm thì dù người đó có là người đúng đắn lương thiện đến đâu đi chăng nữa cũng bị nhiều người khác cho rằng là “cá mè một lứa”, cũng chẳng khác gì những người hàng xóm. Khi những vụ việc rắc rối này sinh sôi nảy nở có thể gây ảnh hưởng trở ngại lớn tới con đường ngoại giao của chúng ta. Thực tế này là một đại bất hạnh cho nước Nhật Bản!

Vì vậy, nhằm thực hiện sách lược của chúng ta thì chúng ta không còn thời gian chờ đợi sự khai sáng (enlightenment, bunmei kaika) của các nước láng giềng Châu Á để cùng nhau phát triển được mà tốt hơn hết chúng ta hãy tách ra khỏi hàng ngũ các nước Châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây. Chúng ta không có tình cảm đối xử đặc biệt gì với hai nước láng giềng Trung Quốc và Triều Tiên cả, chúng ta hãy đối xử với hai nước như thái độ của người phương Tây đối xử. Tục ngữ có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, nghĩa là nếu chúng ta chơi với những người bạn xấu, thì chúng ta cũng trở thành người xấu. Đơn giản là chúng ta đoạn tuyệt kết giao với những người bạn xấu ở Châu Á!


Fukuzawa Yukichi(1835-1901, tên phiên âm Hán Việt: Phúc Trạch Dụ Cát) là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu và rộng nhất đến xã hội Nhật Bản cận đại. Ông là một nhà cải cách chính trị xã hội, nhà giáo dục tiên phong, nhà tư tưởng tiêu biểu của Nhật Bản từ cuối thời Edo, đầu thời kỳ Minh Trị - thời kỳ diễn ra những chuyển biến lớn lao trong lịch sử Nhật Bản.

Tư tưởng của ông có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào Khai sáng ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tạo tiền đề cho Nhật Bản trở thành một cường quốc trên thế giới. (Nguồn: Wikipedia)

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tinh thần "khai sáng"

    15/01/2016Duy LinhTôi cho rằng cái mà tôi và nhiều bạn trẻ khác đang thiếu chính là một tinh thần “khai sáng”...
  • Vấn đề giá trị quan Châu Á: nghiên cứu so sánh Châu Á và phương Tây

    18/10/2014Hồ Sĩ QuýNgười Châu Á coi “cần cù, yêu lao động” là giá trị hàng đầu của sự làm người. Nhưng người Mỹ lại coi "tự lực cánh sinh"' mới là giá trị đáng quý nhất, cần cù cũng được coi trọng nhưng chỉ đứng thứ ba sau “tự lực cánh sinh và thành đạt cá nhân”...
  • Hình thái châu Á (phương thức sản xuất kiểu châu Á) và chủ nghĩa xã hội

    30/12/2009Igor Nikolaevich KovalevSách Lịch sử kinh tế và các học thuyết kinh tế được Igor Nikolaevich Kovalev trình bày theo phong cách mới, trong đó tác giả sắp xếp kiến thức về lịch sử kinh tế học một cách hệ thống, liên kết phương diện xã hội nhân văn và phân tích toán học với chuyển biến lịch sử. Trong sách này, tác giả dành phần lớn phân tích giai đoạn phát triển kinh tế xã hội nước Nga xô-viết dưới ảnh hưởng trực tiếp của chủ nghĩa Marx. Bài viết dưới đây được trích dịch từ đề mục: “Chủ nghĩa Marx như một mô hình ngôi nhà thế giới về kinh tế”, có thể cung cấp thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến chủ nghĩa Marx.
  • Khuyến học: tự nhận thức để thành công

    11/05/2009Phạm Hữu Lợi dịch, tác giả Fukuzawa YukichiKhuyến học giúp độc giả không chỉ thấy thông tin không chỉ thấy thông tin hay hiểu về việc vì sao Nhật Bản đạt được những kỳ tích như ngày nay, mà thậm chí xa hơn có thể rèn luyện suy nghĩ, có được nhân sinh quan mới, phương pháp tư duy và hành động mới, khoa học hơn, quyết liệt để thành công trong cuộc sống.
  • "Nhất châu Á"

    02/05/2009TS. Nguyễn Sĩ DũngCuối cùng, chúng ta cũng có một cái gì đó được thiên hạ (cụ thể là Tổ chức tư vấn về rủi ro chính trị và kinh tế - PERC) đánh giá là nhất châu Á! Và đó là... cái sự "khó tính và gây trở ngại" của đội ngũ công chức. Đây là một sự nổi tiếng ngang ngửa với tai tiếng, một "giải thưởng Mâm xôi vàng" cho các công chức Việt Nam.
  • Rồng, hổ Đông Á và vấn đề sử dụng bài học kinh nghiệm về nhân tố văn hóa và con người

    22/04/2009PGS.TS. Hồ Sĩ QuýViệt Nam đang cất cánh và vẫn chưa mất cơ hội để hóa rồng. Việc lựa chọn những quyết sách, phương thức và bước đi trong phát triển trên cơ sở học tập kinh nghiệm thành công của mô hình Đông Á, như lời tư vấn nhiệt thành của các chuyên gia Harvard, rõ ràng là có ý nghĩa quyết định. Tuy nhiên, kinh nghiệm dù hay đến mấy cũng mới chỉ là hành trang để phát triển. Chỉ riêng hành trang chưa đủ giúp người tìm đường tới được cái đích mà anh ta cần đến.
  • Vấn đề phương Đông và phương Tây

    25/11/2008Phạm QuỳnhCó chăng một vấn đề Phương Đông và Phương Tây? Đặt ra vấn đề về các quan hệ giữa hai phần đó của thế giới do sự đối lập hay sự đối kháng của chúng là đúng hay sai? Giữa chúng có những khác biệt đặc trưng cho phép một sự đối lập như vậy không?
  • Châu Á phục sinh

    17/05/2007Vũ Sơn ThủyTất cả, như đã nói rằng vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, Châu Á đang đẩy toàn bộ sự đói nghèo, lạc hậu, bạc nhược và tủi nhục vào quá khứ để bước lên sân khấu chính trị toàn cầu và phát đi một tương lai đầy hứa hẹn về sự phục sinh nền văn minh chói lọi một thời.
  • Đông Á và sự phát triển của các giá trị phổ biến

    05/02/2007Nguyễn Ngọc ToànTrong sựbiến đổi văn minh hiện nay, vaitrò quan trọng của triếthọc là nhận biết các giátrị tham gia vào các nền văn minh chủyếu, đặc biệt là nền văn minh Châu Âu và Châu Á,đồng thời, chỉ ra sự tươngđồng của các nền văn hoá- cáicó khả năng liên kết những dântộc, những xãhội khác biệt...
  • Giá trị Châu Á trong thế kỷ XXI

    21/12/2006Kim Jae YoulSự sống dậy của truyền thống Khổng giáo qua CNTB Khổng giáo bắt đầu hấp dẫn nền kinh tế thế giới. Khi mà thế giới thế kỷ XXI bắt đầu phát hiện lại Đông Á, thì giới trí thức Đông Á lạibắt đầu tự ý thức để đưa ra những giá trị và cả tính Đông Á như một sự hoán đổi cho văn hóa thế giới trong thế kỷ XXI.
  • Về giá trị và giá trị Châu Á

    22/02/2006Hồ Sĩ QuýTác giả đã phân tích những giá trị truyền thống Châu Á trong bối cảnh thế giới đương đại và có sự đối sánh với những hệ giá trị khác, tổng hợp những quan điểm điển hình của một số học giả có uy tín trong và ngoài nước về lĩnh vực này, luận giải mối tương quan giữa những giá trị truyền thống Châu Á và nền văn hoá Việt Nam...
  • xem toàn bộ