“Làm mềm” sách triết

09:12 CH @ Thứ Ba - 02 Tháng Năm, 2006

Một điểm mới, lạ trong xuất bản sách: 36 tập sách dịch về các chủ thuyết triết học, những tư tưởng của các triết gia đều thể hiện theo kiểu... tranh truyện.

Tủ sách mang tên “Nhập môn” (NXB Trẻ) nhằm giới thiệu khái lược nội dung tư tưởng của từng triết gia, từng chủ thuyết của các nhà khoa học. Sách mới ra bốn tựa: Marx, Freud, Kierkegaard và Plato.

“Người giới thiệu với chúng tôi các tập sách triết tiếng Anh bằng tranh truyện như thế này là nhà văn Nguyên Ngọc. Sau đó chúng tôi thương thảo mua tác quyền, độc quyền bản dịch tiếng Việt loạt sách này” - bà Lương Ngọc, cán bộ NXB Trẻ, cho biết.

Bộ sách được các NXB ở Anh đầu tư tranh vẽ không đơn thuần là minh họa mà những bức tranh truyện có nội dung, lột tả thêm các phát biểu, suy nghiệm, đề xướng... (vốn rất khó hiểu và phức tạp) của những triết gia.

Chính các bức tranh có tinh thần dí dỏm mà sâu sắc, nhẹ nhàng nhưng có tác dụng gợi mở thêm những suy nghĩ khi đọc sách, đã làm cho các bộ sách triết trở nên sinh động, mềm mại hơn. Ví dụ như nhập môn triết học Marx, dung lượng sách bao nhiêu là đủ?

Tập sách tranh truyện này chỉ vỏn vẹn 141 trang. Nhưng các lý thuyết đề xướng của Marx, những tinh thần trụ cột của học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, của đấu tranh giai cấp, của kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng... đều có đủ.

“Chúng tôi sẽ giới thiệu tất cả những học thuyết, chủ thuyết về triết học và tâm lý, xã hội học. Nhưng vì thứ tự của từng tựa sách xuất bản chưa có sự sắp xếp hợp lý (do vấn đề mua tác quyền, mua được tập nào thì làm trước tập đó), nên có thể khi đọc Kierkegaard người ta chưa hiểu lắm về tư tưởng hiện sinh của ông. Nhưng sau đó, chúng tôi sẽ xuất bản riêng một tập sách về thuyết hiện sinh. Như thế, bạn đọc sẽ hiểu hơn về dòng tư tưởng này” - bà Dạ Thư, người phụ trách việc thương thảo tác quyền cho tuyến sách, chia sẻ với bạn đọc như vậy.

“Việc cung cấp nhiều sách thuộc tư tưởng triết học, khoa học mới là một trong những hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc muốn tìm hiểu, nghiên cứu các trào lưu tư tưởng của nhân loại. Bức tranh các sách tư tưởng triết học, khoa học... của Việt Nam sẽ sinh động và toàn diện hơn”, bà Lương Ngọc nói thêm.

Đây là những sách mới, xuất bản từ năm 2000 trở lại đây. Với tốc độ làm việc như hiện nay, mỗi năm NXB Trẻ cho ra đời khoảng 10 tựa.


Tủ sách nhập môn Triết học và Khoa học

Trên thế giới hiện có không ít những loại sách “nhập môn” có giá trị về triết học và về nhiều ngành khoa học khác nhau. Tuy được biên soạn bởi các chuyên gia có thẩm quyền trên từng lĩnh vực, nhưng thật ra, chúng đều thường không … dễ đọc vì đòi hỏi không ít kiến thức và nỗ lực từ phía người đọc. Bộ sách “Nhập Môn” – với hình thức xinh xắn và vui tươi do NXB Trẻ tổ chức dịch và ấn hành – quả là một sáng kiến độc đáo và lý thú, giải quyết khá tài tình khó khăn ấy.

Bằng hình thức “truyện tranh” sinh động, các tác giả sẽ giới thiệu đến đông đảo người đọc chân dung và hành trình tư tưởng của nhiều khuôn mặt lớn trong lịch sử nhân loại, từ Đức Phật, Platon, Aristote đến Kant, Shakespeare, Rousseau, Hegel, Marx, Sartre, Einstein, Wittgenstein…; những thông tin chính xác và cô đọng về nhiều ngành khoa học quan trọng, từ xã hội học, tâm lý học, đạo đức học đến ngữ học, ký hiệu học, toán học và vật lý hiện đại… Có thể nói, đây là một bộ “bách khoa thư” về văn hoá và khoa học dưới lớp áo nhẹ nhàng, kết hợp “niềm vui và sự hiền minh” trong một “khoa học vui tươi” (“Die frohliche Wissenschaft”) như cách nói nổi tiếng của Nietzsche.

Đằng sau nét cọ hồn nhiên và lời dẫn chuyện gọn gàng, chuẩn xác, ta có thể nhận ra chủ trương biên soạn thật nghiêm túc của các tác giả: triết học và khoa học không phải là sản phẩm ngẫu nhiên của những thiên tài cô độc, không phải là những “định luận” nhất thành bất biến, mà là nỗ lực suy tư không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ kế tiếp nhau, là một cuộc đối thoại có thể tái hiện lại được, trong đó mỗi quan điểm có thể được hiểu như lời giải đáp với các câu hỏi của tiền nhân và gợi mở những câu hỏi mới cho kẻ đến sau. Triết học và khoa học cũng không phải là công việc riêng của những chuyên gia, mà liên quan đến mọi người và cần được mọi người tiếp nhận và chia sẻ. Sự phong phú, đa dạng của tri thức nhân loại không làm ta “choáng ngợp”, mà trái lại, kích thích lòng khao khát hiểu biết và gợi hứng cho ta vươn tới những chân trời mới mẻ, những nỗ lực tìm tòi sâu sắc hơn, nhất là trong bối cảnh của cuộc giao lưu và hội nhập quốc tế đang ngày càng sôi động hiện nay.

Hy vọng rằng bộ Nhập môn này – đang được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều nơi trên thế giới – cũng sẽ được người đọc nước ta, nhất là các bạn trẻ, vui vẻ chọn làm người bạn đồng hành trên con đường khám phá và khai phóng.

Xin chân thành hoan nghênh sáng kiến của Nhà xuất bản Trẻ và hoan hỉ giới thiệu cùng bạn đọc.

Bùi Văn Nam Sơn. (03/2006)

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thế giới của Sophia

    13/04/2014Điệp HoaCuốn sách mà tôi muốn nói đến là “Thế giới của Sophie” của tác giả Jostein Gaarder, Na Uy, do Huỳnh Phan Anh dịch, xuất bản tại Việt Nam năm 1998. Cuốn sách được dịch sang tiếng Việt chỉ hai năm sau khi xuất bản tại Na Uy Trong thời gian đó, “Thế giới của Sophie” cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Điều này chứng tỏ sự nhất bén của người dịch và nhà xuất bản...
  • Giới thiệu sách “Câu chuyện triết học”

    10/11/2010Như LêNói đến triết học, nhiều người thường tỏ ra e ngại, có cái gì đó như nặng nề - phải nhăn trán suy tư; hoặc nói đến những người râu tóc dài, những thư viện lớn và những cuỗn sách dày cộm… Thế nhưng, có những cuốn sách triết học lại làm người đọc phấn chấn tạo cảm giác gần gũi, như đọc tác phẩm văn học hay sách giải trí vậy...
  • Thông diễn học của Hegel

    24/04/2006Ts. Lê Tuấn Huy (dịch)Hermeneutics hiện thường được dịch là "chú giải học". Tuy nhiên, nhánh học thuật này, với ý nghĩa đương đại, đã không còn bó hẹp trong việc chú giải Kinh thánh hay văn bản như trước, mà là sự thông đạt lẫn nhau từ sự diễn dịch tư tưởng, lý luận...
  • Cái lý và nghịch lý qua Einstein - dấu ấn trăm năm

    07/11/2005GS. TS. Phạm Duy HiểnBạn hãy tìm lấy những giây phút tĩnh lặng một mình dưới bầu trời đêm, ngắm nhìn những ngôi sao leo lét phía chân trời. Biết đâu cái thế giới xa xăm ấy đã lụi tàn hàng trăm triệu năm trước mà ánh sáng vẫn cứ lầm lũi hành trình qua vũ trụ mênh mông để mang đến cho bạn những dấu ấn của một thời...
  • Tư Tưởng Loài Người Qua Các Thời Đại

    13/09/2005Tác giả: Sir Julian Huxley- Dr. J. bronowski- Sir Gerald Barry- James Fisher. Tư tưởng loài người qua các thời đại là quyển sách cuối của bộ sách nghiên cứu về tri thức loài người. Tổng tập sách này trình bày một cách toàn diện sự phát triển của những tư tưởng chủ yếu về : tôn giáo, khoa học, đạo đức, xã hội... những tư tưởng ảnh hướng đến đời sống vǎn minh của loài người...
  • Về cuốn sách Lượng tử và Hoa sen

    18/08/2005Tác phẩm viết chung với Matthieu Ricard, mà báo chí Pháp gọi đây là cuộc đối thoại giữa một nhà khoa học trở thành Phật tử (tức tiến sĩ sinh học Matthieu Ricard) và một phật tử trở thành nhà khoa học (Trịnh Xuân Thuận). Tác phẩm này xuất bản ở Pháp (NXB Nil-Fayard 2000) và ngay lập tức nó được dịch ra 12 thứ tiếng. Bản dịch ở Hoa Kỳ có tên là Lượng tử và hoa sen. Nếu bạn cầm cuốn này trên tay, bạn không thể bỏ xuống được, bởi đó là cuộc đối thoại rất lý thú xung quanh các vấn đề của vũ trụ, sự sống, ý thức hệ... xen lẫn với các triết thuyết nhà Phật...
  • xem toàn bộ