Văn minh luận
Văn minh là đối với dã man. Chữ “văn minh” là một chữ mới. Tuy trong kinh Dịch đã có câu, nhưng dùng theo nghĩa mới để dịch chữ Tây civilisation thời mới bắt đầu tự người Nhật Bản. Người Nhật dùng trước (đọc là bunmei), người Tàu theo sau, rồi người ta bắt chước, ngày nay thành một chữ rất thông dụng. Vậy thời chữ này nhập tịch tiếng ta, chẳng qua hai mươi năm ngoại mà thôi.
Chính chữ civilisationở tiếng Pháp cũng không phải thông dụng đã lâu. Tra trong tự điển của hội Hàn lâm nước Pháp, mới đây có chữ ấy tự năm 1835. Tới nay, tuy đã là một chữ thường lắm rồi, mà vẫn chưa có định nghĩa hẳn. Muốn giải thích cho rõ ràng, thật cũng không phải dễ. Nhưng trong tự điển Littré thời giải nghĩa văn minh như thế nào: “Văn minh là gồm những ý kiến cùng tập tục do các kĩ nghệ, tôn giáo, mĩ thuật, khoa học, ảnh hưởng lẫn nhau mà thành”. (La civilisation est l’ensemble des opinions et des moeurs qui résultent de l'action réciproque des arts industriels, de la religion, des beaux-arts et des sciences). Guizot trong sách Bàn về lịch sử văn minh Âu châu, thời phân tích văn minh ra từng nguyên chất, rồi xét mỗi trình độ xã hội gồm được những nguyên chất gì, và vì cớ sao chưa thể gọi được là hoàn toàn văn minh; nhưng ông cũng không giải rõ nghĩa văn minh là gì. Nay cứ lấy cái ý nghĩa phổ thông mà giải thời có thể nói rằng: văn minh là gồm những nguyên chất đã gây thành ra xã hội có trật tự, và khiến cho người ta thắng đoạt được vạn vật làm chủ được địa cầu.
Các nguyên chất ấy tổ chức thế nào mà gây dựng ra xã hội, cùng hành động làm sao mà chinh phục được thế giới, đây không thể xét cho tường được. Chỉ xin khái luận về văn minh khai hóa thế nào, và trong cuộc sinh hoạt của một dân tộc phần gì là phần giúp cho văn minh được tiến bộ, nghĩa là lấy văn minh làm một hiện tượng mà xét xem hiện tượng ấy sinh thành tiến hóa ra làm sao vậy.
Như vậy thời lịch sử văn minh tức là lịch sử tiến hóa chung của nhân loại, đối với lịch sử chính trị cũ, chỉ là lịch sử những chính sự của các bậc vua chúa mà thôi. Học thuyết mới về lịch sử ấy phát minh tự thế kỉ thứ 18; thế kỉ ấy có những như Montesquieu, Voltaire, Gibbon, Herderđề xướng lên, rồi đến thế kỉ thứ 19 thời có bọn Klemm, Buckle và các nhà bác học thuộc về phái Darwin, cũng chủ trương một thuyết ấy.
Đại khái các học giả công nhận rằng người ta do dã man (sauvagerie) mà dần dần đến bán khai (barbarie), do bán khai mà dần dần lên văn minh, đó gọi là “tiến hóa thuyết” hay là “tiến bộ thuyết” (doctrine du progrès); nhà sử học nước Anh Gibbon là người chủ trương thuyết này trước nhất. Đối với thuyết này, có người lại xướng ra thuyết “thoái hóa” (théorie de la dégénérescence); như Joseph de Maistre nói rằng các dân tộc tới bậc bán khai thời chia nhau ra mà theo hai đường khác, dân này thời cứ tiến mãi lên cho tới cõi văn hóa càng ngày càng cao, dân kia thời cứ thoái mãi đi mà trở về chốn dã man đời trước. Cứ thực, thuyết sau ấy không có căn cứ gì; chưa từng thấy một dân tộc nào đã khai hóa rồi mà lại quay về dã man bao giờ. Gọi là “thoái hóa” ấy, chẳng qua là đến khi đã văn minh rồi, còn sót lại ít nhiều những tục xấu đời trước, chưa biến hết mà thôi; thế gọi là “di tồn” (survivance), chứ không phải là “thoái hoá”. Lại một dân trình độ văn minh đã cao cũng có khi bị dân khác văn minh còn kém biến hóa đi. Đến như mấy rợ thật dã man, mà thời hồ còn nhận thấy như có ít nhiều di tích văn minh đời trước, thời những di tích ấy có lẽ là tự giống khác di truyền sang vậy. Ngày nay, nhờ có các nhà khảo cổ cứu xét về những thời đại trước khi có lịch sử, thời biết rõ tình trạng loài người ta về đời thượng cổ thế nào, và thấy ở đâu đời dùng đá (âge du pierre) cũng là trước đời dùng sắt dùng đồng (âge du métal) cả. Sau nữa, một dân tộc nào đã tới một trình độ văn minh cao, thời về đường vật chất đã có phát minh được ít nhiều, tiến bộ được ít nhiều, không có lẽ nhất đán tiêu diệt đi hết cả, không còn dấu vết gì trong cách ăn ở hàng ngày vậy.
Muốn nghiên cứu về lịch sử văn minh thời vấn đề thứ nhất phải giải quyết là vấn đề này: công việc của người ta cùng các xã hội có phép tắc nhất định không, hay là do sự ngẫu nhiên mà ra (tự nhiệm thuyết: doctrine du libre arbitre), hay là do một cái sức ở ngoài thế gian can thiệp vào (thiên định thuyết: doctrine de la prédestination). Hai thuyết tự nhiệm và thuyết thiên định ấy phản đối nhau, nhưng đều thịnh hành cả. Nói rằng mọi việc ở đời là do sự ngẫu nhiên hay là do Trời định sẵn, thời đối với những người trí thức tầm thường cũng là một cách giải nghĩa giản tiện về muôn sự bí hiểm trong thế gian. Nhưng cứ phương diện khoa học ngày nay cho hai thuyết ấy là sai lầm cả, thuyết tự nhiệm thời thuộc về thuần lí, thuyết thiên định thời thuộc về thần bí, hai thuyết đều không có căn cứ ở sự thực vậy. Vả cứ nghiệm ngay khi làm một việc gì, bao giờ cũng là bởi một duyên cớ gì, duyên cớ ấy cũng lại bởi những nguyên nhân trước nữa, có nhận mới biết, càng xét càng ra. Vậy thời nếu biết rõ được các nguyên nhân về trước, tất dự liệu được những kết quả về sau. Nhân đó có thể kết luận rằng phàm công việc người ta đều có nguyên nhân cả, hễ nguyên nhân đã giống, thời kết quả cũng phải giống. Nguyên nhân muôn việc của người ta thời hoặc ở trong tinh thần, hoặc ở ngoài vũ trụ, vậy thời kết quả khác nhau thế nào, mọi sự biến thiên canh cải, văn minh khi tiến khi lui, đều là do hai sự động tác mà ra, một là ngoại giới động tác vào tinh thần, hai là tinh thần động tác ra ngoại giới. Như thế thời một bên là tài trí người ta theo phép tắc tự nhiên mà phát triển ra, một bên là sự vật ở ngoài cũng theo phép tắc tự nhiên mà suy diễn ra, hai bên tiếp xúc lẫn nhau vậy. Người ta biến cải sự vật, sự vật cũng biến cải người ta: bởi sự động tác lẫn nhau ấy mà sinh ra mọi việc ở đời. Nay muốn xét văn minh tiến hóa thế nào, trước phải tìm những phép tắc của sự tác động ấy ra sao.
Theo nhà sử học nước Anh Buckle, thời những động lực ở ngoại giới mà có ảnh hưởng đến sự tổ chức chung các xã hội là: thứ nhất khí hậu, thứ nhì sự ăn uống, thứ ba thổ địa, thứ tư cảnh tượng chung trong thế gian. Khí hậu, thổ địa, đồ ăn uống trong một xứ, ba mối ấy vốn có quan hệ mật thiết với nhau, nên xét gồm lại làm một. Một việc quan trọng nhất trong sự tiến hóa của bất kì xã hội nào, là sự trữ tích của cải. Nếu mỗi người chỉ làm để đủ ăn và làm được bao nhiêu ăn vừa hết bấy nhiêu, thời trong xã hội không thể nào có kẻ học hành, người tổ chức được việc gì cả. Nhưng nếu làm ra mà ăn dùng còn thừa, thời tức khắc thấy ngoài bọn lao động nhóm lên một bọn trí thức chuyên công luyện tập các khoa học, khoa học tấn tới tức là văn minh tiến bộ, như sau này sẽ giải tường vậy. Nay sự trữ tích của cải là bởi cái sức mạnh lao động của người ta cùng cái thành công của sự lao động ấy, và cũng bởi tạo vật hậu đãi người ta nữa. Hai nguyên nhân ấy thời nguyên nhân thứ nhất là thuộc về khí hậu (như khí hậu nóng nực quá thời sức hoạt động của người ta phải kém đi); nguyên nhân thứ nhì là thuộc về thổ địa tốt hay là xấu. Cứ xét qua lịch sử vạn quốc thời biết rằng cổ lai chưa từng thấy dân nào không có khí hậu tốt hay thổ địa tốt mà tự mình khai hóa văn minh được. Như ở Á châu, cái khu vực của văn minh chẳng qua là một giải đồng bằng chạy dài từ phía đông nam nước Tàu cho đến đất Tiểu Á ( Asie mineure): về phía Bắc những xứ ấy thời là những đất bất mao, chỉ có những rợ Mông Cổ, Thái Đất ở; các rợ này trước khi vào xâm chiếm mà làm vua trong trung nguyên mấy nước Tàu, Ba Tư, Ấn Độ thời hãy còn dã man lắm. Đến khi vào ở trung châu tới thời bấy giờ mới bắt đầu khai hóa dần ra, trở thành những dân tộc văn minh, như gây dựng chính thể, lập thành quốc văn, v.v.. Thuộc về dân Ả Rập cũng từng thấy như vậy: vốn nơi sinh trưởng của dân ấy là chỗ đất nghèo nàn, không cầy cấy gì được, chỉ chuyên nghề mục súc, nên trước vẫn là rợ du mục, chưa có chút văn minh gì; tự khi vào xâm chiếm nước Ba Tư (thế kỉ thứ 7), nước Tây Ban Nha (thế kỉ thứ 8), nước Lahore (ở Ấn Độ thế kỉ thứ 9), thời bấy giờ mới trữ tích được của cải nhiều và mở mang ra các nghệ thuật văn minh. Lại như nước Ai Cập, văn minh xưa rực rỡ biết bao, nhưng chỉ khu trong một dải đất ở hai bên bờ sông Nil mà thôi. Coi đó thời biết rằng về thời đại xưa, thổ địa tốt là cái nguyên động lực thứ nhất của văn minh. Nhưng ở về các nước Âu Tây thời nguyên động lực ấy lại là khí hậu. ở Âu châu khí hậu ôn hòa, tiện lợi cho sự lao động, người ta dễ phát triển nghị lực của mình mà làm được những sự nghiệp to lớn. Bởi thế nên trong trình độ văn minh tiến hóa, bước trước là thuộc về những dân tộc sinh trưởng ở mấy nơi đất tốt ở Á châu và Phi châu; nhưng văn minh Âu châu là bởi nghị lực người ta, không bởi tạo vật hậu đãi, nên vừa được lÂu bền hơn mà lại vừa tẤntới được hơn, vì rằng sức tác động của thiên nhiên tuy mạnh thật, mà không phải là biến hóa vô cùng, chứ như tài trí của loài người thời phát đạt không biết đến đâu là giới hạn. Như vậy thời rõ rằng khí hậu ôn hòa giục người ta phải xuất lực mới có đủ dùng, còn lợi cho văn minh tiến hóa hơn là thổ địa phì nhiêu khiến người ta không khó nhọc mà được sung túc.
Một điều quan trọng nữa cho cuộc văn minh tiến hóa là sự phân phát của cải cho các hạng người trong xã hội, ít ra cũng là trong một thời kì đầu, hồi xã hội mới thành lập. Xét ra sự phân phát này cũng như sự trữ tích kia, cũng là do những phép tắc thiên nhiên thuộc về ngoại giới cả. Cứ đại để mà xét thời sự phân phát của cải là ở trong hai hạng người: một hạng ra tay lao động, một hạng mưu tính chủ trương, hạng nào cũng có phần lợi ở đó, phần lợi của hạng người lao động thời gọi là “công” (le salaire), phần lợi của hạng người chủ trương thời gọi là “lời” (profit). Lệ thường hễ số người lao động nhiều thời giá tiền công hạ. Trong một xứ đồ ăn nhiều và rẻ, thời dân số tăng lên mau hơn là những xứ đồ ăn ít và đắt, và giá tiền công của người làm nhân đó mà sút đi. Ở những xứ khí hậu nóng thời người ta chỉ cần đến ít đồ ăn cũng đủ giữ được nhiệt độ trong người, và thường hay ăn các thức cây rau, vừa nhiều, vừa dễ kiếm. Đến như những xứ lạnh thời phải ăn nhiều mới đủ giữ được nhiệt độ, và thường phải ăn những vật có nhiều thán chất (carbone), nhiều mỡ, nhiều dầu, là những vật ít có và khó kiếm. Suy đó thời biết rằng, dân số các xứ nóng tăng lên mau hơn là các xứ lạnh, và giá tiền công người làm ở các xứ nóng có ý càng ngày càng sút đi mà ở các xứ lạnh thời lại càng ngày càng tăng lên. Kết quả sự đó rất là quan trọng: ở Á châu, Phi châu, Mĩ châu, văn minh đạt sớm ở các xứ nóng; xét ra giá tiền công người làm rất hạ, tình cảnh kẻ lao động thật là khổ sở; ở Âu châu thời văn minh mới nhóm lên là ở xứ lạnh, xem ra giá tiền công người làm thường thường là cao, sự phân phát của cải trong xã hội không đến nỗi chênh nhau lắm. Bởi thế nên ở Ấn Độ, Ai Cập, Mexique, của cải phân phát đã không đều, chính quyền phân nhiệm cũng không cân. Như ở Ấn Độ kẻ làm công chỉ được đủ gạo ăn, mà gạo trong ngũ cốc là thứ nhiều hơn nhất, rẻ hơn nhất, nghề trồng gạo một vốn mấy lời, thành ra đồ ăn nhiều quá và rẻ quá, khiến cho về thời đại nào trong xã hội cũng thấy chia ra hai hạng, hạng thượng lưu thời cực kì giàu có quyền thế, hàng hạ lưu thời cực kì khốn khó yếu hèn. Ai Cập cũng vậy, thổ địa thật tốt và khí hậu thật nóng; người Ấn Độ dùng gạo làm gốc đồ ăn thời người Ai Cập dùng một thứ quả có nhiều chất bổ, gọi là quả “chà là” (dattes), phía bắc Phi châu sản nhiều lắm. Thành ra thổ địa càng tốt thời của cải càng nhiều, đồ ăn càng lắm, dân số càng đông, mà các hạng người trong xã hội lại càng cách xa nhau lắm. Những đền đài lăng tẩm to lớn đồ sộ, ngày nay còn trông thấy di tích ở đất Ai Cập, đủ làm minh chứng vậy. Nếu là tay những người có tư cách tự do, được tiền công xứng đáng, xây dựng ra, thời không của nào đủ làm được những công trình vĩ đại như thế, nhưng bọn thượng lưu nước Ai Cập đời bấy giờ lãng phí sinh mệnh kẻ lao động dữ quá, coi như đào một con sông vận hà ra bể Hồng Hải mà chết mười hai vạn người Ai Cập thời đủ biết vậy. Thuộc về mấy xứ Pérou và Mexique là những nơi ở Mĩ châu đã hơi có chút văn minh trước khi người Âu châu đến, tình trạng trong xã hội đại khái cũng như thế: mấy xứ đó sản lúa bắp cũng nhiều như Ấn Độ sản gạo, Ai Cập sản “chà là” vậy.
Ấy đại khái khí hậu, thổ địa và đồ ăn ảnh hưởng về sự văn minh tiến hóa của các dân tộc như vậy.
Bấy nhiêu mối là thuộc về vật lí và ảnh hưởng về phần vật chất, tức là sự trữ tích và sự phân phát các của cải. Nay xét đến hình tượng chung trong thế gian, thời xem ra cũng có ảnh hưởng về phần tinh thần, tức là sự phát khởi và sự truyền bá các tư tưởng chẳng kém gì trên. Ở những xứ nóng thời các sức mạnh vô địch của tạo vật thường kích thích trí tưởng tượng của người ta mà làm suy kém mất tài khôn ngoan đi, khiến so sánh mà biết thân mình đứng trong vũ trụ hèn yếu là dường nào. Đến như những xứ khí hậu ôn hòa thời những hình tượng trong thế gian không lấy gì làm to tát cho lắm, người ta biết tin cậy ở tài lực, ở trí khôn mình, ra công nghiên cứu các hiện tượng trước mắt, dần dần thắng đoạt được những sức mạnh thiên nhiên của tạo vật và lợi dụng để làm nên công việc cho mình. Những hình tượng dữ dội trong thế gian thời kích động trí tưởng tượng, sinh ra lòng mê tín, và làm thoái chí học vấn; cứ xét lịch sử các văn minh ở về xứ nóng, thật cũng đủ chứng nghiệm. Các văn minh ở ngoài Âu châu thời những hình tượng trong thế gian càng tăng trí tưởng tượng lên bao nhiêu lại càng nhụt tài khôn ngoan đi bấy nhiêu. Ở Âu châu thật là khác hẳn: các hiện tượng thiên nhiên, hình như lại có ý muốn hạn chế trí tưởng tượng mà phát đạt suy nghĩ. Muốn chứng minh điều đó, không gì bằng so sánh các truyện thần tiên của Ấn Độ với truyện thần tiên của Hi Lạp, một bên thời những thần quái kì kì, kinh kinh hãi hãi, thần với người cách xa nhau như trời với đất, một bên thời những thần tính tình diện mạo chẳng khác gì người, người với thần thân cận nhau như cùng loài cùng giống. Sự nguy hiểm của các văn minh xứ nóng dễ sinh ra cái quan niệm vô cùng (idée de l'infini); sự yên ổn của văn minh Âu châu thời lại sinh ra quan niệm hữu hạn (idée du fini)(1).
█Ở Âu châu thời cái khuynh hướng chung của người ta là lấy sức người mà thắng đoạt tạo vật; ngoài Âu châu thời cái khuynh hướng chung lại là đem mình mà phục tùng tạo vật. Bởi thế nên muốn nghiên cứu các văn minh ngoài Âu châu, đại để phải xét ngoại giới ảnh hưởng vào người ta thế nào; cốt nhất là phải xét người ta trước. Âu châu sở dĩ được khai hóa hơn các châu khác, thứ nhất là bởi tài trí người ta xâm lấn được cả các sức mạnh của các giống hữu cơ vô cơ trong thế gian. Muốn hiểu rõ lẽ đó, không thiếu gì minh chứng: tỉ như ở Á châu thương nghiệp phát đạt là nhờ có các đường sông tiện lợi, các cửa bể giao thông; ở Âu châu thời là tự sức người mở mang, công nghệ biến cải. Cái khuynh hướng muốn hạn chế các sức mạnh thiên nhiên đã rõ rệt, đến nỗi hiện nay ở nhiều nước văn minh Âu châu, dân các tỉnh thành càng ngày càng nhiều hơn dân nhà quê, đủ biết người ta đã thoát li được cơ mi của tạo vật và chỉ chuyên tâm chú ý đến những việc trong vòng nhân sự mà thôi. Nói tóm lại thời đặc sắc của văn minh Âu châu là sức mạnh của các phép tắc thuộc về vật lí ngày một sút kém mà sức mạnh của các phép tắc thuộc về tinh thần ngày một tăng lên, nghĩa là người ta muốn thoát li vòng nô lệ của tạo vật mà lấy tài trí mình làm chúa tể trong thế gian vậy.
Vậy thời những phép tắc chủ trương mọi sự tiến hóa thuộc về tinh thần người ta là những phép tắc gì? Mà trước nhất, sự tiến hóa ấy thế nào? Sự tiến hóa ấy có hai đường: một là đường đạo đức, hai là đường trí thức, một là thuộc về nghĩa vụ làm người, hai là thuộc về trí thức ở đời. Một dân tộc kỹ nghệ có tăng tiến mà thói xấu lại thêm lên, hay là đạo đức có hơn trước mà dốt nát cùng hủ lậu, thời dân tộc ấy không gọi là có tiến hóa được. Hai phần đạo đức trí thức liền với văn minh là một, không thể phân lìa ra được, nhưng trong hai phần ấy, phần nào mạnh hơn? Vấn đề này quan trọng lắm, vì nếu văn minh tiến hóa thuộc về đạo đức nhiều hơn là trí thức thời phải lấy trí thức làm tỉ lệ. Nhưng dù là đạo đức, dù là trí thức, nói rằng tiến hóa không phải văn minh càng tiến thời những năng lực tự nhiên của người ta càng hoạt bát, càng mãnh liệt hơn lên đâu; đứa con trẻ giống văn minh với đứa con trẻ giống dã man, lúc sơ sinh không có gì khác nhau cả; rồi sau khác là bởi sự ảnh hưởng của xã hội, sự cảm hóa của tinh thần, sự đào tạo vô hình về đường đạo đức, đường trí thức, khiến cho cách ăn ở giống nào rõ ra giống ấy. Bấy nhiêu thứ tức là cái “hoàn cảnh” (le milieu, l’ambiance) ở ngoài, mà hoàn cảnh thời thay đổi luôn; thành ra văn minh không có nhất định, và những nguyên nhân làm thành ra văn minh cũng mỗi lúc một khác. Nay xét những gương đạo đức trong lịch sử, đủ biết sự đạo đức ít có ảnh hưởng đến cuộc tiến hóa của văn minh. Vì rằng những rường mối lớn của luân lí tự cổ chí kim có thay đổi tí nào đâu: phải thương yêu kẻ đồng loại mình, phải dung thứ cho kẻ thù mình, phải làm điều lành, phải cầm bụng dục, ái nhân khắc kỉ, v.v.; cổ lai chỉ có mấy điều đó, không thấy khác chút nào, đến như về đường trí thức thời mỗi ngày một phát minh ra những chân lí mới: khoa học đời nay tấn tới hơn khoa học đời xưa biết bao nhiêu, các phương pháp để nghiên cứu, để thí nghiệm hay hơn tốt hơn biết bao nhiêu. Vậy thời văn minh đã là kết quả của những nguyên nhân thuộc về tinh thần, về trí thức, và kết quả ấy mỗi ngày một thay đổi luôn, thời không thể lấy đạo đức là một sự thiên niên bất dịch mà chi phối được, trí tuệ mới thật là cái đệ nhất động cơ của văn minh vậy. Muốn chứng rõ lẽ đó, cứ xét nghiệm ngay phàm sự phát minh về đường trí thức thường hay truyền nối đời nọ sang đời kia, như cái hương hỏa chung của loài người, không bao giờ mất được chứ như việc đạo đức của mỗi người thời của ai riêng người nấy, không sao truyền thụ sang người khác được; việc đạo đức phải tự mình làm, việc đạo đức là việc riêng, dẫu người thật thành tâm bác ái, hết sức ra tay tế độ cho kẻ khác, công đức ấy cũng chỉ được nhất thời và cũng chỉ phổ cập được số ít người mà thôi. Không những thế mà thôi, xét trong lịch sử thật thấy nhiều người bụng dạ rất tốt mà trí thức tầm thường; những người ấy làm hại cho nhân quần biết bao nhiêu mà kể; như sự bách hại người ta vì tôn giáo (persécutions religieuses) thực là một cái tai nạn rất lớn cho loài người, thường là tự tay những bậc rất đạo đức chủ trương (như hai vua Marc Aurèle, Julien nước La Mã, bách hại những người theo đạo Giatô; cái tai nạn ấy, nhờ trí thức mở mang mới thấy dần dần bớt đi.
Nói tóm lại thời kẻ ác làm hại chỉ được một lúc; người thiện làm lành cũng chẳng bao lâu; cái gì mà lưu tồn được mãi mãi, di truyền đến vô cùng, ấy là những sự phát minh của các trang đại từ; nước dù đổ, đạo dù tan, những sự phát minh ấy vẫn còn mãi, cái sau kế tiếp cái trước không hề gián đoạn bao giờ; mọi sự đều khi chìm, khi nổi, khi đổi, khi thay, duy có trí tuệ người ta là đời đời rạng tỏ, làm đuốc sáng đưa nhân loại trên con đường tiến hóa văn minh vậy.
Hoặc có người nói rằng sử học vấn không phải là cái động cơ thứ nhất của văn minh, và văn minh tiến hóa phần nhiều là nhờ tôn giáo, ở văn chương, ở chính trị. Ý kiến đó thiết tưởng không được đúng, xin biện giải như sau này.
Trước nhất, cứ đơn cử một dân tộc tuần tự tiến hóa một mình, không có quan hệ gì với dân khác, thời chắc là tôn giáo, văn học, chính trị, ba mối ấy là kết quả, chứ không phải là nguyên nhân của văn minh. Nay một dân tộc đã văn minh rồi, không có khi nào tự mình theo một tôn giáo hãy còn dã man kém cỏi, và một dân tộc hiện trí tuệ chưa mở mang, học thức còn hẹp hòi, thời dẫu tôn giáo mình hủ lậu cũng không tự biết mà cải lương. Dân còn ngu dốt thời tiện thị ưa những sự hoang đường quái đản, cho thần thánh là có quyền muốn làm chi cũng được; dân đã khai thông rồi thời tự nhiên tín ngưỡng những lẽ cao thượng hơn. Cứ thực thời tôn giáo của một dân tộc nào, một thời đại nào là cái biểu hiện đặc biệt của thời đại ấy, dân tộc ấy. Như đạo Thiên chúa là một đạo rất cao thượng của các dân tộc văn minh Âu châu, thế mà đem truyền bá cho những dân còn mọi rợ, chửa khai thông, thời bất quá chỉ truyền được cái hình thức lễ bái bề ngoài, mà cái tinh thần tín ngưỡng ở trong thời không sao truyền cho được, vì những dân ấy không thể nào hiểu được những lý tưởng từ bi bác ái rất cao thâm của đạo Thiên chúa. Muốn lấy tôn giáo mà khai hóa cho các dân ấy, thời trước nhất phải mở mang trí thức, luyện tập cho biết suy nghĩ đã; như vậy thời tôn giáo là kết quả, không phải là nguyên nhân sự tiến hóa vậy. Xét trong lịch sử, lâu lâu mới thấy một đôi người siêu quần bạt chúng, một đôi nhà đại tư tưởng xuất hiện ra, làm tiên phong cho nhân loại mà xướng lên một tôn giáo hay một triết học mới; nếu tư tưởng của các nhà ấy siêu việt quá, người đương thời chưa đủ hiểu, thời phải đợi cho bao giờ dân trí đến trình độ, bấy giờ đem truyền bá mới có người tiếp thụ được. Như lí thuyết thờ một ông thần gọi là Thiên chúa phát minh ra ở đất Do Thái đã lâu mà phải chờ đến mấy thế kỉ mới dựng thành tôn giáo. Hồi đầu tuy đặt luật rất nghiêm, hình rất nặng, mà trong dân gian vẫn mê tín quỷ thần; đến sau dân trí dần mở mang mới biết bỏ sự lễ bái quỷ thần mà theo tôn giáo độc thần. Lại khi đạo Thiên chúa mới truyền sang dân La Mã và các rợ Bắc Man thời sự mê tín trong dân gian cũng không giảm đi chút nào, chỉ thay hình đổi dạng mà làm cho biến tính tôn giáo mới đi; như trước nhờ quỷ thần, nay thờ các thánh vậy. Đại để, khi một dân tộc nào theo một tôn giáo cao hơn trình độ mình, thời tôn giáo ấy cũng không được tuần tự phát đạt và dân tộc ấy cũng không được tận hưởng lợi ích.
Thuộc về văn chương, cũng một lẽ vậy. Văn chương là cái khí cụ để biên chép những trí thức phổ thông trong một xã hội; nhưng khi nào có những nhà đại tư tưởng dùng văn chương mà truyền bá những nghĩa lí cao hơn trình độ người đương thời, thời những nhà ấy tuyệt nhiên không có ảnh hưởng gì đến người đời, hoặc có khi lại bị người đời phản đối công kích nữa. Nếu hạng trí thức với các hạng người khác trong xã hội cách xa nhau quá, thời hạng trên không có ảnh hưởng gì đến các hạng dưới và hạng dưới cũng không được ích lợi vì hạng trên. Tức như ở Hi Lạp và La Mã ngày xưa, bọn hạ lưu thời ngu si dốt nát, mê tín những việc quỷ thần, mà bọn thượng lưu thời thông minh sáng suốt quá, sáng nghe ra những triết lí rất cao thâm, hai hạng cách xa nhau như trời đất; bởi thế cho nên hai nước ấy không giữ văn minh được lâu bền. Sách vở chẳng qua là cái kho chứa những của báu của trí tuệ; nếu trình độ trong dân chưa đến nơi thời không văn chương nào làm cho mau tiến hóa được.
Lại có người nói rằng các nước Âu châu sở dĩ được văn minh là bởi các chính phủ biết trị dân khôn khéo. Song cứ xét qua cũng đủ biết rằng phàm người đương đạo trong một xứ, những lúc thái bình vô sự, mấy khi là có người siêu việt ra ngoài thế lực. Những người ấy cũng là sản nhi của thời thế, không phải là sáng tạo ra thời thế, sự nghiệp của họ chẳng qua là kết quả của văn minh tiến hóa chung, không thể làm nguyên nhân cho sự tiến hóa ấy được. Phàm sự cải cách lớn trong xã hội, không bao giờ, không thấy đâu là tự tay những người cai trị dân xướng suất ra; kẻ đề xướng ra trước bao giờ cũng là những nhà tư tưởng thâm trầm, trông thấy sự lưu tệ, đại thanh tật hô cho ai nấy đều biết, rồi bày phương kế để cách tệ canh tân. Dư luận đã cảnh tỉnh, thường thường các chính phủ còn chống cưỡng mãi, cho kì đến không thể cưỡng được nữa mới chịu theo phong trào cải cách vậy. Cư thực mà nói thời phàm các chính phủ can thiệp vào việc gì là có hại nhiều hơn là có lợi cho văn minh tiến hóa, mà cái hại ấy lắm khi to đến nỗi làm trở ngại cả sự tiến hóa; xét trong lịch sử, thiếu gì minh chứng. Công việc của các chính phủ thứ nhất là giữ cho cuộc trị an trong xã hội, ngăn cấm kẻ mạnh bắt nạt người yếu, ban bố sự giáo dục phổ thông, giữ gìn vệ sinh chung; chẳng qua là dự bị cho sự tiến hóa, không phải là làm cho tiến hóa mau lên được; chính văn minh tiến hóa là bởi nhiều những nguyên nhân khác vậy.
Nói tóm lại thời tôn giáo, chính trị, văn chương, tuy cũng có biến hóa được người ta mà lại bị người ta biến hóa nhiều hơn; cũng là những động lực của văn minh, nhưng mà sức mạnh không có mấy, và cũng tùy tình trạng các xã hội mà sự lợi ích cho đường tiến hóa không nhất định vậy.
Văn minh tiến hóa chỉ là bởi trí thức khai thông và tiến hóa ít hay nhiều lại là bởi cái số những chân lí mà trí tuệ người ta phát minh ra được nhiều hay ít, và cái phạm vi ban bố ra ngoài rộng hay hẹp vậy. Đại để thời tổng số những sự trí thức của người ta, nghĩa là người ta có biết nhiều mới làm được nhiều. Văn minh chẳng qua là trữ tích lấy nhiều trí thức, rồi ban bố cho rộng, phải gồm cả hai, mới được hoàn toàn; vậy thời dân nào còn khuyết một điều trong hai điều ấy, chưa gọi được là văn minh mô phạm vậy. Như ở nước Mĩ thời tổng số những trí thức ít mà ban bố được ra khắp các hạng người trong xã hội; ở nước Đức thời tổng số những trí thức nhiều mà chỉ chứa lại trong một hạng người mà thôi. Bởi thế nên văn minh hai nước ấy hãy còn khuyết điểm mà chưa gọi được là hoàn toàn vậy.
Trở lên là cái giải nghĩa văn minh và xét văn minh tiến hóa ra làm sao. Các độc giả nhận kỹ thời biết phàm văn minh là bởi tài trí người ta gây dựng ra. Người ta khôn lắm biết nhiều tự khắc tìm cách tô điểm cho sự sinh hoạt của mình được văn vẻ tốt đẹp, thế gọi là văn minh. Nhưng sự văn vẻ tốt đẹp ấy là bề ngoài, là cái áo mặc sán lạn của văn minh mà thôi, không phải thật là văn minh. Văn minh là ở tự trong trí não người ta, trí não có mở mang sáng suốt mới thật là văn minh. Nếu trong còn mờ tối bí tắc mà ngoài đã rực rỡ vẻ vang, thời đó là văn minh giả vậy.
Đương lúc quốc dân mơ màng sự văn minh, nhiều người hiểu lầm hai chữ văn minh, lấy văn minh giả làm văn minh thật, lấy hình thức làm tinh thần, lấy cái áo sặc sỡ ở ngoài thay cho cái não tinh túy ở trong; ngộ nhận như thế thật là hại cho sự văn minh tiến hóa trong nước. Phàm người thượng lưu trong xã hội có trách nhiệm hướng đạo cho đồng nhân, không nên hiểu lầm như thế. Phải biết rằng văn minh cốt ở trí thức như trên đã giải rõ. Nếu trí thức chửa khai thông thì dẫu đạo đức rất cao thâm cũng không đủ làm cho quốc dân tiến hóa được. Muốn cho trí thức được khai thông thời phải làm thế nào? Phải học cho rộng, biết cho nhiều, có học có biết mới làm nên. Không những đời này là đời sự đua tranh bằng trí khôn kịch liệt hơn cổ kim, mà từ xưa đến nay phàm văn minh tiến hoá cũng là nhờ ở trí khôn, nhờ ở học thức cả. Không học, không khôn, không theo kịp thời thế, thời dẫu đạo đức như thánh hiền đời xưa cũng đến bị đào thải trên trường cạnh tranh và xua đuổi vào hàng liệt bại mà thôi; huống chi nữa là người thường?
Vậy muốn cho xứng đáng huy hiệu văn minh, anh em ta nên ra công học tập, học để cho mở mang trí thức, không phải chỉ để huyễn diệu người mình vậy...
(1920)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh