Giá trị châu Âu và những gợi ý cho sự phát triển
I. Châu Âu “già nua”
Vài năm gần đây, hình ảnh về một Châu Âu già nua (Old Europe, Secular Europe) thường ám ảnh các nhà chính trị và các nhà hoạt động xã hội xã hội Châu Âu. Thật ra đây là một định kiến thiếu công bằng và không mấy sáng suốt, nhất là đối với những người ở ngoài khu vực Tây Âu tin vào định kiến này. So với Phương Tây ngoài Châu Âu và so với các khu vực khác mới nổi thì đúng là Châu Âu đã già nua. Nhưng già nua đâu có phải là các giá trị Châu Âu đã lỗi thời. Bài viết này cố gắng đưa ra một cái nhìn như vậy. Nhưng trước hết, chúng tôi muốn điểm qua cội nguồn của những quan niệm đã làm nảy sinh định kiến này.
Như mọi người đều biết, từ đầu thế kỷ XX mà đặc biệt là sau Chiến tranh thế giới II, hầu hết những biểu tượng tốt đẹp gắn với những giá trị tưởng như vĩnh cửu của nền văn minh Châu Âu bị hoài nghi sâu sắc.
1. Tại các vùng đất thuộc địa, chủ nghĩa dân tộc cùng với chủ nghĩa quốc tế gia tăng mạnh mẽ đã làm cho phong trào xóa bỏ ách áp bức các dân tộc thuộc địa trở thành làn sóng rộng khắp1. Từ năm 1954, với sự cổ vũ của chiến thắng Điện Biên Phủ, toàn bộ hệ thống thuộc địa của các đế quốc Châu Âu mất hẳn lý do để tồn tại. Toàn bộ tinh thần nghĩa hiệp của các nhà tư bản và giáo sỹ phương Tây dưới ngọn cờ “Khai hóa văn minh” đem đến những miền đất mới từ thế kỷ XIV đã hoàn toàn sụp đổ và hơn thế nữa còn bị coi là công cụ tham tàn của chủ nghĩa thực dân.
2. Cũng từ đầu thế kỷ XX, Nước Mỹ đã thực sự nổi lên như một thực thể văn minh mới. Các nước Anh, Pháp, Đức mất dần vị thế là những trung tâm văn minh. Những giá trị thực dụng, tự do, dân chủ kiểu Mỹ cùng với một nước Mỹ ngày càng giàu có về kinh tế, hùng mạnh về quân sự, năng động về văn hóa - xã hội” đã khiến cho người ta thêm nghi ngờ về một Châu Âu bảo thủ, máy móc, thiếu thiết thực.
3. Rồi chủ nghĩa phi lý (Irrationalism) thịnh hành và phát triển như một đối trọng của lý tính và chủ nghĩa duy lý (Reason, Rationalism): Duy lý hóa ra cũng mang trong nó nhiều điều bất hợp lý. Chủ nghĩa cá nhân(Individualism) bị phê phán là cực đoan, làm hỏng tính cộng đồng, tính xã hội của những nền văn hóa có bề dày truyền thống. Tiếp sau chủ nghĩa cá nhân, đến giữa thế kỷ XX, chủ nghĩa duy con người (Anthropocentrism - con người là trung tâm) cũng bị buộc tội là nguyên nhân gây nên tình trạng chia cắt con người với giới tự nhiên và với thế giới còn lại; làm hỏng môi trường tự nhiên, phá vỡ mối liên kết cố hữu của con người với hệ sinh thái và với vũ trụ”
Châu Âu với truyền thống duy lý rực rỡ từ thời đại Phục hưng và Khai sáng, với khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” lay động lòng người từ Cách mạng Tư sản Pháp 1789, với nền khoa học và giáo dục hùng mạnh từ thời Newton, Descartes, Kant, Einstein, và với các giá trị văn hóa đã trở thành kinh điển bởi Leonardo da Vinci, Shakespeare, Cervantes, Rousseau, Beethoven, Mozart” đã không còn là “khuôn vàng thước ngọc cho phần còn lại của thế giới” nữa2.
5. Đến cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, trật tự địa chính trị thế giới gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ càng khiến cho Châu Âu đánh mất thêm vị thế của mình. Những tham vọng trong việc mở rộng liên minh Châu Âu, phát hành đồng Euro, làm sống lại khối Pháp ngữ... hóa ra cũng vẫn không đủ để làm mờ đi những sự kiện kiểu như: khối Xô viết tan vỡ, chiến tranh ở Iraq và Apghanistan ác liệt, NATO mở rộng sang phía đông, Trung và Nam Âu rối loạn, hay, châu Á khởi sắc, toàn cầu hóa đột ngột mạnh lên, v.v… “Châu Âu già nua” - tuyên bố không rào đón của một chính khách Mỹ vào năm 2003 khi Mỹ mâu thuẫn với một số nước Châu Âu trong cuộc chiến Iraq đã khiến cho Châu Âu “chát đắng” khi buộc phải đối mặt với một định kiến mà không ngờ lại nặng nề đến thế3.
Nhưng Châu Âu già nua đâu phải là một phát hiện mới. Hình ảnh “ông già Châu Âu” đã được người ta nói tới ngay từ cuối thế kỷ XIX. Chỉ có định kiến thiếu công bằng về sự già nua của Châu Âu thì đúng là sản phẩm ngày càng được tô đậm ở nửa sau của thế kỷ XX.
Vậy Châu Âu đã đánh mất những gì? Và, Châu Âu “giao nộp” những giá trị của mình cho ai?
II. Tây Âu và Phương Tây
1. Những câu hỏi này được quan tâm gần như thường trực trong đời sống tinh thần Châu Âu nửa cuối thế kỷ XX và cũng là những nguyên cớ để xu hướng bi quan chủ nghĩa ở Châu Âu có thêm lý do tồn tại. Nghĩa là có thể tìm được lời bàn luận về những câu hỏi này ở nhiều tài liệu với nhiều tác giả. Tuy nhiên, theo chúng tôi, người có tiếng nói đáng chú ý hơn cả về sự mai một các giá trị Châu Âu lại là Aleksandr Zinov’ev, nhà triết học người Nga, một nhân vật đối lập thời Xô viết, người hiểu sâu sắc các giá trị Châu Âu bằng chính sự từng trải cá nhân sau hơn 20 năm phải sống lưu vong ở Đức. Ông có nhiều tác phẩm văn hóa và khoa học có giá trị, trong đó có cuốn “Phương Tây” xuất bản năm 1995. Một trong những đề tài mà ông tâm huyết là so sánh giá trị giữa văn hóa Tây Âu với văn hóa Nga và văn hóa nhân loại4.
Theo A. Zinov’ev, thế giới trong nhiều thế kỷ gần đây được phát triển chủ yếu dưới sự soi rọi của “thứ ánh sáng nhân văn rực rỡ của các nền văn minh Tây Âu”. Văn minh Tây Âu, Zinov’ev khẳng định, “là nền văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, nó đạt tới hưng thịnh ở các thế kỷ XIX-XX, đỉnh điểm của nó là các quốc gia dân tộc Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia)... Zinov’ev giải thích, văn minh Tây Âu, như vẫn thường ẩn giấu trong nhiều định nghĩa, là “những giá trị tinh thần được tạo ra ở những thời đại vĩ đại với những tên tuổi vĩ đại”. Thời đại vĩ đại mà Zinov’ev dẫn ra làm ví dụ là thời đại Phục Hưng. Những tên tuổi vĩ đại mà ông kể đến với tính cách là những biểu trưng cho giá trị tinh thần Tây Âu là Dante, Campanella, Michelangelo, Rafael, Shakespeare, Rablais, Thomas More, Robert Owen, Mongtaine, Cervantes, Goethe, Beethoven và Mozart. Những người Nga được ông nhắc tới là Chaikovsky, Mendeleev, Tolstoi... Theo Zinov’ev, “văn minh Tây Âu có thể là nền văn minh cuối cùng của lịch sử loài người”5.
2. Tại sao lại là nền văn minh cuối cùng của lịch sử loài người? Cuối cùng, theo Zinov’ev, không phải là sau đó loài người không còn nền văn minh nào khác, mà là sau đó sẽ không có nền văn minh nào có được các giá trị tinh thần khai sáng - nhân văn ở mức vĩ đại và rực rỡ như thế nữa. Cách hiểu sự tận cùng, cuối cùng này cũng là lối diễn đạt mang phong cách tư duy Phương Tây, đi theo dòng tư duy của Oswald Spengler trong “Ngày tàn của Phương Tây” hay Francis Fukuyama trong “Sự tận cùng của lịch sử và con người cuối cùng”6.
3. Điều thú vị là Zonov’ev phân biệt Phương Tây với Tây Âu. “Phương Tây”, theo Zinov’ev, thường bị quy giản trong các khái niệm chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân, chế độ tư hữu, thị trường, hay lợi nhuận... Nói đến Phương Tây, tính chất địa - văn hóa của khái niệm đã bị mờ nhạt, người ta quá chú trọng đến khía cạnh kinh tế - chính trị của vấn đề và do vậy khái niệm Phương Tây vô tình đã loại ra khỏi nó những giá trị tốt đẹp của văn minh, văn hóa Tây Âu và Châu Âu.
Phương Tây, theo thói quen được hiểu trong các tài liệu chính trị - xã hội mấy chục năm gần đây, chủ yếu chỉ còn là Phương Tây tư bản chủ nghĩa, thậm chí Israel, Australia, Nhật Bản đôi khi cũng được coi là thuộc Phương Tây7. Đây chính là lý do để Zinov’ev cho rằng, từ giữa thế kỷ XX, “thế giới Tây Âu đã giao nộp một cách nhục nhã mọi thành quả của văn hóa và văn minh cho cái gọi là phương Tây”. Phương Tây mạo nhận mình là đại diện cho tất cả những gì tiến bộ của Tây Âu. Nhưng thực ra tinh thần nhân đạo, giá trị khai sáng - tự do, bình đẳng, bác ái - đã bị rơi rụng và méo mó đi rất nhiều.
Có thể thấy Zinov’ev hơi cực đoan khi nhìn nhận vấn đề. Nhưng nên chú ý điều ông muốn nói: Những giá trị nhân văn cao cả của văn minh phương Tây như duy lý, tự do, giải phóng con người” đã bị các giá trị tư bản chủ nghĩa trong thế kỷ XX chèn ép, làm suy giảm, thậm chí phủ nhận. Nói cách khác, với những tiêu chí về phát triển xã hội trong thế giới hiện đại, người ta có thể không cần đến các giá trị mà phải qua nhiều thế kỷ nền văn minh Tây Âu mới tạo dựng được.
Nếu điều này là đúng hay, nếu lịch sử đã diễn ra như thế - loại bỏ một cách không thương tiếc các giá trị văn minh Tây Âu, thì phải chăng một logic như thế là bất khả kháng. Còn nếu nó không phải là tất yếu thì đây là một sai lầm và là một thiệt thòi lớn cho con người và loài người. Zinov’ev là đại biểu của quan điểm thứ hai.
III. Giá trị Châu Âu
Vào thời Cổ đại, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng là mảnh đất phía Đông của Đế quốc La Mã, thế nhưng đến nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa được gia nhập Liên minh Châu Âu. Một trong các lý do mà dư luận EU thường viện dẫn để khước từ nguyện vọng của Thổ Nhĩ Kỳ là các giá trị Châu Âu của xã hội này không đủ chiếm ưu thế. Vậy giá trị Châu Âu gồm những gì?
Đã từng có khá nhiều cách phân loại và tìm biểu trưng cho giá trị Châu Âu, mà các giá trị cụ thể được chọn thường là những hiện tượng văn hóa – xã hội có cội nguồn Châu Âu rồi từ đó lan tỏa, ảnh hưởng tới những phần còn lại của thế giới. Chẳng hạn, 1/ Văn hóa Hy – La, Thiên Chúa giáo, và Tư tưởng coi Con người là trung tâm (Anthropocentrism); hay 2/ Chủ nghĩa Cá nhân (Individualism), Chủ nghĩa Nhân đạo (Humanism), và Lý tưởng Giải phóng Con người (Emancipation); hoặc 3/ Chủ nghĩa Duy lý (Rationalism) và Tư tưởng coi Con người là trung tâm; hoặc 4/ Tự do – Bình đẳng – Bác ái.... Tuy nhiên, ở tầm phổ quát nhất, nếu coi giá trị Châu Âu là kết tinh của những phẩm chất đặc thù về mặt văn hóa - văn minh, được tạo dựng nên bởi những “tên tuổi vĩ đại trong những thời đại vĩ đại” như Zinov’ev đã quan niệm, thì theo chúng tôi, có hai giá trị nền tảng phải được nhắc tới là:
1. Chủ nghĩa duy lý.
Trong các tài liệu, chủ nghĩa duy lý thường được nói tới với các hình thức điển hình và rực rỡ của nó ở vào thời Phục Hưng và Khai sáng. Nhưng trên thực tế, chủ nghĩa duy lý Châu Âu đã có khởi nguồn từ Ptolemes (thế kỷ II sau CN), đóng vai trò là hạt nhân triết học - tư tưởng - văn hóa của mọi nhận thức và hoạt động thực tiễn. Chủ nghĩa duy lý tồn tại ở cả phạm vi thế giới quan, phương pháp luận và phương pháp, mà theo đó, lý tính (Reason) là cái cơ bản trong nhận thức và hành động của con người. Về phương diện định hướng giá trị, do tôn thờ chủ nghĩa duy lý, Châu Âu nhiều thế kỷ qua coi “lý tính đang tư duy là thức đo duy nhất của mọi tồn tại... Tất cả đều phải ra trước tòa án của lý tính để biện hộ cho sự tồn tại của mình hoặc từ bỏ sự tồn tại của mình”. Trong “vương quốc của lý tính” thế giới “dùng đầu để đứng” (Hegel)8. các đại biểu của chủ nghĩa duy lý thường được kể đến là Spinoza, Leibniz, Descartes, Hegel...
2. Tư tưởng coi Con người là trung tâm (Anthropocentrism).
Đã từ lâu, Anthropocentrism được coi là “Mô hình Châu Âu về sự cảm nhận thế giới”. Anthropocentrism tồn tại phổ biến trong đời sống tinh thần Châu Âu dưới đủ các dạng nhận thức: huyền thoại, tôn giáo, khoa học và thông thường... Trong lịch sử nhận thức, trước Copernic, Anthropocentrism tồn tại theo cách hiểu bản thể luận, còn sau đó theo cách hiểu nhận thức luận9.
Với tính cách là mô hình Châu Âu về sự cảm nhận thế giới, Anthropocentrism là thế giới quan đề cao vai trò chi phối, quyết định của con người đối với thế giới. Nó định hướng giải quyết các vấn đề theo phương thức không phải xuất phát từ thế giới đến con người, mà ngược lại, từ con người đến thế giới - lấy con người làm mục đích, động cơ để giải quyết mọi vấn đề. Anthropocentrism khẳng định ý nghĩa đặc biệt của sự tồn tại người - chính sự tồn tại của con người mới là hạt nhân, là tâm điểm, chứa đựng toàn bộ ý nghĩa của sự tồn tại vũ trụ. Anthropocentrism thể hiện sự tin tưởng của con người vào “sức mạnh toàn năng” của mình.
Xin lưu ý rằng khi nói tới các giá trị cơ bản của văn minh - văn hóa Châu Âu, bên cạnh Lý tínhvà Chủ nghĩa duy lý, một số tài liệu không nói gì đến Anthropocentrism mà lại nhắc đến Chủ nghĩa Cá nhân, Chủ nghĩa Nhân đạo hoặc tư tưởng Giải phóng Con người. Đối với người Tây Âu, cách nói này là bình thường khi các tài liệu không đòi hỏi quá khắt khe về độ chính xác của các khái niệm, thuật ngữ. Người ta hiểu các giá trị độc lập (Chủ nghĩa Cá nhân, Chủ nghĩa Nhân đạo, Giải phóng con người- và cả các giá trị mang tính cộng đồng, phái sinh từ các giá trị đó - Tự do, Bình đẳng, Bác ái...) là các giá trị tiêu biểu trong hệ thống các giá trị “Người” hoặc, là biểu hiện của giá trị chung Anthropocentrism.
Bởi vậy, nếu bắt gặp một tài liệu nào đó khẳng định Lý tính (hoặc Chủ nghĩa duy lý) và Chủ nghĩa cá nhân là hai giá trị Châu Âu cơ bản thì đó là một cách nói khác, một sự nhấn mạnh khác, có thể tương đối hơn, nhưng không hoàn toàn khác biệt so với cách phân loại trong bài này - Anthropocentrism và Chủ nghĩa duy lý là cặp đôi giá trị cơ bản của văn minh - văn hóa Châu Âu.
IV. Những gợi ý cho sự phát triển
1. Như đã nói ở đầu bài viết này, trong định kiến về một Châu Âu đã già nua, nhìn chung, các nước đi sau lâu nay chưa chú ý đến các giá trị Châu Âu một cách thỏa đáng. Dĩ nhiên, kinh nghiệm của Châu Âu đôi khi là rất khó hoặc không thể áp dụng. Nhưng định kiến, dẫu sao cũng làm cho người ta chú ý nhiều hơn tới cái hay cái dở của khu vực khác, Mỹ, Châu Á chẳng hạn. Trong khi đó, người ta lại dễ dàng bỏ qua những bài học giá trị, thậm chí cả những bài học hoàn toàn có thể áp dụng được từ các xã hội Châu Âu. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2008, các chính trị gia bàn luận nhiều về khả năng các cường quốc mới nổi lên tại khu vực Châu Á. Một nhà phân tích còn dự báo rằng tới năm 2050, sẽ xuất hiện ba cường quốc thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Không có ai tính đến khả năng này của EU. Theo Joseph Nye, GS. Đại học Harvard, một chuyên gia có tiếng về nhiều lĩnh vực, nguyên trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thời Clinton, “việc không đề cập tới Châu Âu, đánh giá không đúng mức về sức mạnh của Châu Âu là một sai lầm”10.
Rất may là gần đây, khi có khủng hoảng tài chính thế giới 2008, tình trạng này mới được lưu tâm một phần. Châu Âu đã ít nhiều được xem xét như một thực thể kinh tế - xã hội khỏe mạnh hơn, căn bản hơn, bền vững hơn.
2. Sức mạnh của Châu Âu, theo Joseph Nye, khác với sức mạnh Mỹ và các cường quốc khác, là một thứ sức mạnh nghiêng về phía “sức mạnh mềm” mà thế giới hiện đại không thể không có nó. (Soft power - sức mạnh mềm, theo Joseph Nye, là một thuật ngữ thường được hiểu có phần tương đối, dùng để chỉ những ảnh hưởng, những tác động, những can thiệp... thuộc về những nhân tố văn hóa - xã hội, kể cả những nhân tố tín ngưỡng, tâm lý, truyền thống, giá trị... Đối lập với Hard power - sức mạnh cứng, sức mạnh mềm là thứ sức mạnh phi quân sự, phi bạo lực, sinh ra từ sự lựa chọn chứ không phải áp đặt. Nó có khả năng giải quyết tốt các vấn đề văn hóa - xã hội. Có 3 nguồn lực chính để tạo nên sức mạnh mềm của một quốc gia là: nền văn hoá, hệ giá trị và hệ thống các chính sách. Trên thực tế, sức mạnh cứng và sức mạnh mềm có khả năng hỗ trợ làm tăng ảnh hưởng cho nhau. Sức mạnh cứng có thể giúp phát huy sức mạnh mềm, làm cho sức mạnh mềm trở nên hấp dẫn. Theo Joseph Nye, khả năng kết hợp giữa sức mạnh mềm và sức mạnh cứng sẽ tạo ra Smart power - sức mạnh thông minh11). Sai lầm của việc không đánh giá đúng sức mạnh của Châu Âu thể hiện ở mấy điểm sau:
- Không ai nghi ngờ, Mỹ đến năm 2020 sẽ vẫn là một siêu cường. Nhưng quyền lực Mỹ lại không không mạnh trong việc đối phó với các nguy cơ như bệnh dịch toàn cầu, khí hậu thay đổi, chủ nghĩa khủng bố và tội phạm quốc tế... - những vấn đề sẽ ngày càng trở thành gánh nặng của thế kỷ XXI. Hiện nay, không có nơi nào có khả năng giải quyết các vấn đề này tốt hơn Châu Âu. Bởi vậy, tác động tới quan điểm và quyền lực của Mỹ, Châu Âu chắc chắn sẽ ngày càng có tiếng nói trọng lượng hơn.
- Châu Âu (phần EU) từ sau Thế chiến thứ II là vùng đất của hòa bình, ổn định và phúc lợi công cộng. Sự hợp tác phi quân sự, đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, mà Châu Âu làm rất tốt đã góp phần giúp thế giới hạn chế tình trạng thù địch, tăng cường phát triển thị trường, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, và trên tất cả là kiềm chế tâm lý chạy đua vũ trang, say sưa bạo lực. Các nước Đông và Nam Âu, trong cố gắng gia nhập EU đều đã cải thiện bộ mặt kinh tế - xã hội, điều chỉnh các chính sách của mình để làm tăng sức hấp dẫn của họ đối với Châu Âu. Đây là kiểu phát triển có thể coi là đặc trưng cho Châu Âu.
- Ngoài tác động trực tiếp, sức mạnh mềm Châu Âu còn khá hữu hiệu trong việc tác động gián tiếp đến lập trường, quan điểm của Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia Hồi giáo.
3. Vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập EU (2007), những giá trị của EU được nhắc tới nhiều nhất là thịnh vượng về kinh tế, đa dạng về văn hóa và phát triển bền vững. Người ta đánh giá đặc biệt tích cực về việc xóa bỏ Visa, sử dụng đồng tiền chung Euro, điều mà mới chỉ vài chục năm trước bị coi là viển vông khi ai đó dám mơ ước như thế. Các trường đại học Châu Âu, nhất là Anh và Pháp vẫn thu hút mạnh số thanh niên giỏi của thế giới. Giáo dục ở bậc trung học và tiểu học Phần Lan nhiều năm liền đứng đầu thế giới12. Na Uy, Thụy Điển, Iceland là những nước có chỉ số phát triển con người (HDI) rất cao trong gần 200 nước. Môi trường tự nhiên, an sinh xã hội, tiêu chuẩn tiêu dùng và tự do cá nhân ở Châu Âu vào loại tốt nhất thế giới. Những người thất sủng trong chính trị vẫn coi Châu Âu là mảnh đất đầu tiên khi phải tị nạn. Các giá trị Châu Âu, đặc biệt những giá trị tinh thần và phúc lợi xã hội gắn với đông đảo công dân EU được coi là hấp dẫn hơn nhiều so với các giá trị Mỹ. Người Châu Âu nói chung càng ngày càng thấy rõ những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế Mỹ. Số liệu điều tra cho thấy, ngay cả Ba Lan và Hungary, hai nước nghèo và “thân Mỹ” nhất trong EU cũng chỉ có chưa tới 25% dân chúng muốn đi theo mô hình kinh tế Mỹ13.
V. Thay lời kết
Trong tác phẩm nổi tiếng của mình “Đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản” viết vào những năm đầu thế kỷ XX, Max Weber đã đặt ra những câu hỏi đặc biệt có ý nghĩa về giá trị Châu Âu và tìm phương án trả lời cho các câu hỏi đó.
Weber đặt vấn đề, tại sao chỉ có ở Châu Âu, những hiện tượng văn minh - văn hóa mới đạt đến trình độ các giá trị phổ quát, trở thành mô hình cho sự phát triển tiếp theo của toàn nhân loại. Weber dẫn ra các hiện tượng: khoa học, đối âm và hòa âm trong âm nhạc, kiến trúc Gothic, phối cảnh không gian trong hội họa, báo chí, trường đại học (theo mô hình hiện đại), nền hành chính và chủ nghĩa tư bản.Theo Weber, điều đáng quan tâm là những hiện tượng đó chỉ ra đời ở Châu Âu, mặc dù tiền đề cho sự ra đời đó lại đã từng xuất hiện ở các vùng đất khác. Ông tìm nguyên nhân văn hóa - xã hội cho sự xuất hiện của những hiện tượng được coi là sản phẩm của xã hội Châu Âu đó.
Giải thích của Max Weber được ca ngợi, được tán đồng và cũng gây tranh cãi suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Giá trị Châu Âu, bởi vậy, cho đến tận hôm nay vẫn còn nhiều bí ẩn cần phải nghiên cứu và học hỏi.
Chú thích:
1 Xem: Phạm Quỳnh. Chủ nghĩa dân tộc.
2Xem: Ерасов В.С.: Концепции культурной в странах третьего мира. Вопросы философии. No. 11, 1971. // Проблемы сомобытности незапатных цивилизаций. Вопросы философии. No. 6, 1987
3Xem: Fuller, Graham: Old Europe - or old America?.International Herald Tribune, 12/2/2003. (http://www.digitalnpq.org/archive/ 2003spring/fuller.html).//Loek Halman, Veerle Draulans (2006), How secular is europe? The British Journal of Sociology, June 2006, Vol. 57, No: 2. pp. 263-288 (26).//Bản tin TTXVN 14-2-2003.//Emmanuel Todd. après L'empire, essai sur la d’composition du système Aamèricain. Paris, 2003.
4 Xem: Зиновьев А.А. http://www.deloteca.ru/st2/r29/id501/aut120 // Зиновьев А.А. Запад. http://www.deloteca.ru/st2/r29/t1/id501
5 Xem: Зиновьев А. Что мы теряем? Сегоднья заадноевроейская циливизация находиться в сеpьезной опасности. Литературная газета. №11-12, 22-28 Марта 2006.
6 Xem: Oswald Spengler (1918, 1922). The Decline of the West (Der Untergang des Abendlandes) t.1. 1918, t.2. 1922). // Francis Fukuyama (1992). The End of History and The Last Man”.
7 Xem: Hồ Sĩ Quý (2004). Đông và Tây: Về triết lý con người chinh phục tự nhiên và con người hoà hợp với tự nhiên. Nghiên cứu Châu Âu. Số 6.
8 Dẫn theo: F. Engels. Chống Duhring. Marx – Engels toàn tập tập 20. Nxb CTQG 1994. tr. 31, 903.// Xem: Rationalism. http://www.answers.com/topic/rationalism // Рационализм. Современный Философский словарь. Nxb. Панприн. Moscow, Minsk, London, Franfurt/ Main, Paris, Luckcemburg, 1998. // http://filosof.historic.ru/enc/item/f00/s09/a000972.shtml // Phạm Phú Đức. Chủ nghĩa duy lý.
9 Trong các tài liệu tiếng Việt, Anthropocentrism thường được dịch là "học thuyết coi con người là trung tâm", "chủ nghĩa coi con người là trung tâm", cũng có người dịch là "học thuyết duy nhân loại", "chủ nghĩa duy nhân loại" hoặc "học thuyết duy con người", "chủ nghĩa duy con người". Ở đây, chúng tôi giữ nguyên là “Anthropocentrism” cho tiện diễn đạt. Xem: Hồ Sĩ Quý (2002). Con người là trung tâm: sự khác biệt giữa hai quan điểm tiêu biểu. Triết học số 11.
10 Joseph S. Nye (2008).Europe’s Power to Lead.
11 Joseph S. Nye (2009). South Korea’s Growing Soft Power. // GS Joseph Nye (2007): Việt Nam có nhiều lợi thế tạo nên “sức mạnh mềm”.
12 Xem: Nguyễn Thành Huy (2008). Chương trình đánh giá học sinh quốc tế và nền giáo dục Phần Lan.Thông tin KHXH số 2.
13 Xem: Giá trị Châu Âu(2007).
Tài liệu
1. Bản tin TTXVN 14/2/2003.
2. Phạm Phú Đức. Chủ nghĩa duy lý.
3. Engels F. (1994). Chống Duhring. Marx – Engelstoàn tập tập 20. Nxb CTQG.
4. Ерасов В.С (1987). Проблемы сомобытности незапатных цивилизаций. Вопросы философии. № 6.
5. Ерасов В.С. (1971). Концепции культурной в странах третьего мира. Вопросы философии. № 11.
6. Fuller, Graham (2003). Old Europe - or Old America?. International Herald Tribune, 12/2/2003. (http://www.digitalnpq.org/archive/ 2003spring/fuller.html).
7. Giá trị Châu Âu(2007).
8. Fukuyama, Francis (1992). The End of History and The Last Man”.
9. Halman, Loek; Veerle Draulans (2006), How secular is europe? The British Journal of Sociology, June 2006, Vol. 57, № 2. pp. 263-288 (26).
10. Nguyễn Thành Huy (2008). Chương trình đánh giá học sinh quốc tế và nền giáo dục Phần Lan. Thông tin KHXH số 2.
11. Nye, Joseph S. (2008). Europe’s Power to Lead.
12. Nye, Joseph S. (2009). South Korea’s Growing Soft Power.
13. Nye, Joseph S. (2007): Việt Nam có nhiều lợi thế tạo nên “sức mạnh mềm”.
14. Hồ Sĩ Quý (2002). Con người là trung tâm: sự khác biệt giữa hai quan điểm tiêu biểu. Triết học số 11.
15. Hồ Sĩ Quý (2004). Đông và Tây: Về triết lý con người chinh phục tự nhiên và con người hoà hợp với tự nhiên. Nghiên cứu Châu Âu. № 6.
16. Phạm Quỳnh. Chủ nghĩa dân tộc.
17. Rationalism.
18. Рационализм. Современный Философский словарь. Nxb. Панприн. Moscow, Minsk, London, Franfurt/ Main, Paris, Luckcemburg, 1998.
19. Рационализм.
20. Spengler Oswald (1918, 1922). The Decline of the West (Der Untergang des Abendlandes) t.1. 1918, t.2. 1922).
21. Todd, Emmanuel (2003). Après L'empire, essai sur la d’composition du système Aamèricain. Paris.
22. Зиновьев А.А. http://www.deloteca.ru/st2/r29/id501/aut120
23. Зиновьев А. А (1995). Запад. http://www.deloteca.ru/st2/r29/t1/id501
24. Зиновьев А. A. (2006). Что мы теряем? Сегоднья заадноевроейская циливизация находиться в сеpьезной опасности. Литературная газета. № 11-12, 22-28 Марта 2006.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchTôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Bài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])