Cần có tầm nhìn xa trong giáo dục

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

Để định hướng cho năm học mới phải nhìn lại năm học cũ bằng cách nắm chắc quy luật cơ bản sau đây: "Nội lực tự học, tự nghiên cứu, tự trau dồi nghề nghiệp của người học có ý nghĩa quyết định chất lượng học tập". Nhìn lại năm học qua, điều đáng hoan nghênh nhất là sự quyết tâm chống tiêu cực trong thi cử. Các tiêu cực này có ảnh hưởng xấu. Nhiều học sinh ngày nay không lo học mà lo làm "phao", quay cóp, lo tìm đường dây thi hộ, mua bằng, mua điểm. Trách sao chất lượng kém. Mong rằng tinh thần chống tiêu cực sẽ mạnh hơn nữa trong năm học mới và càng lên cấp học cao càng phải mạnh vì một bằng tiến sĩ rởm nguy hại cho đất nước hơn rất nhiều so với bằng tú tài rởm. Nghị quyết T.Ư 2 (khóa VIII) nêu rõ: "Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục, đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học".  Nhưng đã bảy năm trôi qua, chúng ta mới chỉ đạt được một số tiến bộ khiêm tốn. Ở phổ thông, đã có biện pháp thay chương trình, thay sách giáo khoa, nhưng kết quả ra sao còn phải chờ thời gian.

Vấn đề "gắn nhà trường với đời sống" sẽ được giải quyết như thế nào, đâu có đơn giản là thêm, bớt  chương trình. Ở đại học, sinh viên thiếu sách để tập dượt "làm việc độc lập với sách". Vậy có cách gì tăng tốc việc thực hiện nghị quyết của Đảng? Có đấy. Ở trong nước, cách đây ba thập kỷ, Trường đại học Sư phạm Hà Nội đã chủ trương sử dụng học sinh phổ thông làm cộng tác viên ở những khâu thích hợp cho các đề tài khoa học của mình và đã đi đến kết luận rằng cả đại học, cả phổ thông đều có lợi. Sinh viên đại học được "nối" thêm tay, thêm óc của đông đảo học sinh có mặt khắp nơi, được tổ chức sẵn thành trường, lớp và thông qua họ mà chuyển giao công nghệ cho dân. Học sinh phổ thông sớm tiếp cận với khoa học hiện đại, với lao động nghiên cứu khoa học, có tác dụng giáo dục tư duy sáng tạo và tác phong công nghiệp, do vậy với tư cách là một hoạt động ngoại khóa, sẽ hỗ trợ nhiều cho việc đổi mới cách dạy, cách học trong nội khóa, sẽ giải quyết được vấn đề "gắn nhà trường với đời sống". Ở ngoài nước, thì ngày nay đã có lĩnh vực khoa học mới là sáng tạo học (STH, creatology) kết tinh từ sự nghiên cứu tìm ra các quy luật sáng tạo ẩn trong các lao động sáng tạo. Dựa trên STH có thể dạy sáng tạo cho những người ở nhiều trình độ khác nhau.

Sáng tạo cũng có nhiều mức độ cao thấp khác nhau. Có những đòi hỏi trình độ cao ở người sáng tạo nhưng cũng có những sáng tạo chỉ đòi hỏi trình độ phổ cập, tưởng như ai cũng có thể nghĩ ra được, nhưng lại không ai nghĩ đến do sức ì tâm lý. Sức ì tâm lý đó hiện nay rất mạnh trong nhà trường chúng ta do cách truyền thụ một chiều, cách học  thụ động, bắt chước các mẫu có sẵn. STH sẽ dạy  cách để thắng sức ì đó. Mong rằng, trong năm học mới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bắt đầu STH ở một số trường. STH sẽ phải trở thành một khoa học mũi nhọn ở nước ta vì nó sẽ bổ sung cho các khoa học mũi nhọn khác; lại thích hợp vì điều kiện đất nước còn nghèo (không đòi hỏi trang thiết bị, mà cần sự thông minh) và lấy triết học duy vật biện chứng làm phương pháp luận (cơ sở triết học của STH là triết học duy vật biện chứng).

Ngay với những mặt tích cực đã nêu trên trong năm học cũ, cũng còn nổi cộm những vấn đề: tuyển sinh sư phạm có cải thiện nhưng để làm gì khi  sinh viên tốt nghiệp tự đi tìm việc làm. Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho biết chỉ 10% số sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm trong cơ quan Nhà nước, 90% còn lại chẳng biết  đi đâu, làm gì. Trong thực tế, các trường sư phạm, do không thu học phí, phần bù vào của Nhà nước lại ít hơn, nên gặp khó khăn trong việc cải thiện điều kiện học tập của sinh viên. Ngay lớp chất lượng cao của ĐHSP Hà Nội, khi tốt nghiệp cũng không có định hướng sử dụng để nâng cao chất lượng đội ngũ. Năm 2003, 96% số thí sinh thi vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội thuộc diện được cộng điểm, thế là hạ thấp chất lượng tuyển sinh trong lúc thời đại đòi hỏi chất lượng. Điều kiện hiện nay cho phép đổi mới chính sách trên thành chính sách chăm lo nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ở những vùng khó khăn. Trước hết hãy quan tâm những trường tạo nguồn tuyển sinh (như các trường phổ thông dân tộc nội trú). Bây giờ kinh tế đã khá hơn trước, giao thông liên lạc đã thuận tiện hơn nhiều, trình độ đội ngũ đã khá hơn trước thì nên tích cực phấn đấu để từng bước thay việc "học  yếu  12  năm  phổ thông rồi cộng điểm" bằng việc "được học tử tế ngay từ lớp một".

Lấy quy luật cơ bản làm chuẩn thì thấy ngay sự chậm trễ của chúng ta trong việc phát triển giáo dục từ xa vì nội lực ẩn ngay trong chữ "xa" (xa thầy càng phải nỗ lực bản thân). Với giáo dục tập trung, lo cho một phần ba dân số học đã thấy vất vả, thế thì làm sao xây dựng được xã hội học tập theo Nghị quyết Đại hội IX, làm sao tạo được sự bình đẳng về quyền lợi học tập giữa giàu và nghèo, giữa nông thôn và thành thị. Hy vọng rằng năm học mới sẽ  xuất hiện một trung tâm quốc gia về giáo dục từ xa. Cuối cùng, nên sớm có cải cách giáo dục đại học đáp ứng các yêu cầu của hội nhập và cạnh tranh khi mà những dấu hiệu trì trệ trong giáo dục đã xuất hiện rõ như trường đại học tốt nhất của chúng ta bị quốc tế xếp hạng gần cuối trong số hơn 60 trường  đại học trong vùng.

 Hà Nội Mi

LinkedInPinterestCập nhật lúc: