Suy nghĩ về giáo dục Việt Nam của một học sinh
Điều mà hầu như học sinh nào trong chúng tôi cũng có chung nhận xét là: chương trình học của ta ít tạo được hứng thú cho người học! SGK không cập nhật thực tế hiện đại. Môn Toán, hệ thống kiến thức chưa thật khoa học, nhiều bài tập hoặc là quá đơn giản đến mức không có ý nghĩa gì về mặt lý luận, hoặc lại quá nặng nề về tính toán, xa rời ứng dụng thực tiễn (đặc biệt là phần lượng giác và một số phần về hàm số). Vật lý, Hóa học, Sinh học chỉ đơn thuần là lý thuyết suông nặng nề, khô khan, không có thực nghiệm minh họa. Môn Văn tuy có nhiều tác phẩm hay nhưng cách phân tích còn khuôn mẫu, sáo mòn, đôi lúc không phù hợp với cảm nghĩ của học sinh. Môn Giáo dục công dân nặng về giáo lý...
SGK tiếng Anh cấp III hệ 3 năm từ rất lâu rồi chưa được biên soạn lại (ví dụ như còn ghi những giá cả hồi 1985, một chiếc xe đạp 12.000đ, một hộp chè 80đ). Ngôn ngữ tiếng Anh và nội dung bài học được biên soạn cũng rất đơn điệu, khác với tiếng Anh mà người ta đang dùng. Tin học tuy đã được đưa vào nhà trường nhưng chưa có chương trình thống nhất, chưa có tính ứng dụng.
Một môn vốn hay như Lịch sử cũng đã trở nên nặng nề vì thiên về học thuộc lòng, không có những bài chuyên đề để học sinh tự tìm tòi tài liệu, tranh ảnh. Phần lớn các bạn quên nhiều nội dung lịch sử chỉ một tháng sau khi kiểm tra. Thể dục thì khỏi phải nói, hầu hết học sinh chúng tôi cảm thấy chán ngắt, ngán ngẩm với cái môn lẽ ra phải rất quan trọng này. Nói thật là, nhiều khi chúng tôi yêu môn học nào đó chỉ vì thích phong cách dạy học của một vài thầy cô cụ thể chứ không phải hài lòng với chương trình sách giáo khoa.
Có lần, tôi đọc bài của bác Lương Ánh Lộc trên Báo Gia đình & Xã hội và không khỏi giật mình. Bác Lộc kể chuyện con gái bác vì không đi học thêm môn Văn mà bị cô giáo dùng điểm để trù dập, làm bài kiểm tra tốt nhưng chỉ được 3, còn các bạn cùng lớp làm bài kém hơn nhiều nhưng đi học thêm cô nên vẫn được 7, 8. Như vậy, việc học thêm không phải xuất phát từ học sinh mà chủ yếu chính là từ những người làm trong ngành giáo dục. Học sinh chúng tôi nếu có nhu cầu học thêm thì cũng chỉ muốn học thêm những môn chúng tôi ưa thích, muốn bồi bổ thêm những kiến thức mà chúng tôi quan tâm. Không thể phủ nhận rằng vẫn có những lớp học thêm đúng nghĩa, với nhiều thầy cô giáo tâm huyết muốn truyền đạt những kiến thức mới mẻ và cách tư duy sáng tạo cho những học sinh có tố chất và lòng say mê. Nhưng số lượng này quá ít ỏi so với hàng ngàn lớp luyện thi trên cả nước - những địa điểm sục sôi trước mỗi kỳ tuyển sinh.
Tôi đã từng liên hệ với nhiều bạn học sinh Mỹ, Anh, Canada, Úc, New Zealand, Singapore,... và thấy rằng họ khác hẳn ta. Chương trình học phổ thông của các bạn ấy rất đơn giản, rất cơ bản nhưng có tính ứng dụng cao về sau. Các bạn học phổ thông ở những nước đó không bao giờ phải lo học thêm, học trước chương trình mà có thể dành thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, vui chơi rất thoải mái. Tôi cũng đã từng tận mắt xem những cuốn sách giáo khoa của họ, mọi thứ trong đó đều đơn giản và hết sức dễ hiểu. Từ khoảng lớp 11 - 12, chương trình học đã phân chia rõ ràng, mỗi bạn chỉ bị bắt buộc học 4 - 5 môn phù hợp với ngành nghề mà bạn đó định theo trong tương lai. Đề thi ở các nước đó không khó nhưng tổng thể vẫn có tính cạnh tranh, tính chọn lọc rất cao. Họ thường thi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi chỉ yêu cầu tối đa khoảng 2 - 3 con tính tương đối đơn giản, nhưng cái hay là ở chỗ học sinh phải có kiến thức và bản lĩnh vững vàng mới giải đúng được 10 - 15 câu liên tiếp. Thi như vậy không hề nặng nề mà người học giỏi luôn yên tâm là có kết quả tốt, người học trung bình cũng vẫn chỉ được kết quả bình thường, nghĩa là kết quả hoàn toàn phản ánh đúng thực lực của người học.
Điều đáng tiếc là học sinh phổ thông chúng tôi học khó hơn, mất nhiều thời gian công sức hơn nhưng lại kém hơn rất nhiều so với bạn bè, đặc biệt là về mặt hiểu biết xã hội và sự tháo vát, năng động.
Lương Thế Vinh
(Học sinh khối phổ thông chuyên Toán - Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội)