Người giáo dục phải được giáo dục trước

03:51 CH @ Chủ Nhật - 11 Tháng Giêng, 2004

Nếu chỉ nhìn vào bằng cấp, học vị thì  bây giờ  ta thấy đông đảo ông thầy có bằng cấp, học vị cao hơn trước. Thế nhưng thực chất thì như thế nào? Hiện nay thì nạn văn bằng học vị (gọi chung là bằng cấp) giả đang nhan nhản khắp nơi, trong đó có cả ở đội ngũ  ông thầy. Còn bằng thật 100% thì sao? Không phải cứ bằng thật là có chất lượng.

Đã nhiều lần báo chí đã lên tiếng về một vài vụ  thạc sĩ đạo văn và cả tiến sĩ cũng đạo văn để  đạt được học vị này khác, dĩ nhiên đây là học vị thật. "Đạo văn" là một mỹ từ để chỉ hành vi ăn cắp văn. Sở dĩ họ phải đạo văn vì khả năng của họ không đáp ứng được với  việc họ phải làm. Thầy đã đi ăn cắp thì làm sao dạy được trò,  trừ khi dạy ăn cắp. Rõ ràng là với hành vi ăn cắp văn, ông thầy không thể làm tấm gương tốt cho học sinh noi theo.

Dân tộc ta các truyền thống "tôn sư trọng đạo". Điều  đó được thể hiện  trong câu ca dao: "Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy". Người ta cho con đi học để con trở thành người, nói chính xác  là để thành người có học, biết cách ăn  ở sao cho phải đạo. Một xã hội bao gồm nhiều người có học, biết đối nhân xử thế thì sẽ bớt các tệ nạn.

Vậy mà thời gian gần đâu, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa ra công luận mấy vị giáo sư tiến sĩ đáng kính phải đứng trước vành móng ngựa vì tội gian lận, dối trá nhằm vụ lợi. Có vị học hàm học vị hẳn hoi, được Nhà nước công nhận, khi đứng trước vành móng ngựa thì mặt vẫn tươi cười như đứng trên giảng đường, không hề xấu hổ. Ngay trong nhiều trường học có những ông thầy không gương mẫu mà vẫn đứng trên bục giảng dạy.

Việc học thêm, dạy thêm không phải nhằm mục đích nâng cao học lực  cho trò, cũng không thể hiện tinh thần "tất cả vì học sinh thân yêu" mà thể hiện "tất cả vì thu nhập thêm cho thầy". Hiện tượng mua bằng bán điểm, biến nhà trường thành thương trường hay chợ búa không còn là chuyện hiếm. Hỏi rằng những ông thầy như vậy thì làm sao nêu tấm gương cho học sinh và làm sao giảng cho học sinh về "tiên học lễ, hậu học văn"?

K.Marx đã nêu một luận điểm nổi tiếng về giáo dục: "Người  giáo dục phải được giáo dục  trước". Điều này yêu cầu tính gương mẫu của người làm công tác giáo dục. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao ngành giáo dục vẫn sử dụng  những ông thầy như vậy? Phải chăng vì thế nguồn cung cấp cán bộ được đào tạo (ngành giáo dục) đã cho ra đời  những sản phẩm kém chất lượng, để sau này có nhiều cán bộ tham nhũng và mắc nhiều tệ nạn khác?

Thật khó có thể kết luận ngay rằng ông thầy bây giờ có giỏi hơn, có đạo đức hơn hay kém hơn ngày trước. Đó vẫn còn là một câu hỏi cần được thảo luận một cách nghiêm túc để tìm ra lời giải đáp. Nhưng cái chính là để tìm ra hướng phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục ngày càng tốt hơn, đào tạo ra những thế hệ tiếp nối đủ khả năng, đủ trình độ đưa đất nước tiến lên.

Trần Dĩ Hạ

LinkedInPinterestCập nhật lúc: