Sự lãng phí trí tuệ
Có thể khẳng định mà không sợ quá đáng chút nào rằng, trong số những vấn đề cơ bản và cũng là cấp bách nhất hiện nay ở nước ta, vấn đề giáo dục nổi cộm nhất, đụng tới đời sống hôm nay và cả tương lai của hàng chục triệu người (trên thực tế là tất cả). Không phải chúng ta không làm được gì. Làm được không ít. Nhưng sao chúng ta vẫn thấy nền giáo dục nước ta dường như giẫm chân tại chỗ?
Chưa bao giờ trên các diễn đàn báo chí, vấn đề giáo dục được bàn nhiều và kỹ như nhiều năm vừa qua. Nhiều ý kiến hay và sâu sắc, không chỉ dừng ở việc phân tích phê phán mà còn đưa ra khá nhiều giải pháp đáng trân trọng. Không phải nước ta không có những người tài giỏi có thể hoạch định một chương trình, một chiến lược giáo dục có tầm nhìn rộng lớn. Nhưng rồi, như có người nói “bàn để mà bàn” thôi mà. Tôi không hiểu ở những cơ quan “chiến lược” về giáo dục, có ai chịu trách nhiệm tổng hợp đầy đủ và kỹ lưỡng tất cả những gì được phát biểu không? Nếu không, thì đó là một sự lãng phí ghê gớm về trí tuệ dân tộc. Chưa nói tới việc rút ra từ rất nhiều ý kiến ấy những kiến nghị có hệ thống, có thể làm nền cho một chương trình cải cách giáo dục vô cùng cần thiết hiện nay.
Một câu hỏi không thể không đặt ra: Tại sao lại có một sự lãng phí đến thế? Câu trả lời có lẽ không khó: Hoặc là chúng ta đã quen ăn sẵn những sản phẩm trí tuệ như thế rồi nên không coi trọng nó; hoặc những ý kiến ấy nói chung không phù hợp cách suy nghĩ và cách nhìn của những quan chức phụ trách lĩnh vực này. Đáng chú ý là đối với những vấn đề thiết thân nhất của giáo dục, họ giữ một thái độ thật khó hiểu: không phản bác cũng không đồng tình. Theo tôi, đó chính là một biểu hiện rõ nhất của tình trạng thiếu dân chủ, của chủ nghĩa quan liêu “nặng cân”. Thử giả định rằng những ý kiến ấy được phát ra từ những người lãnh đạo cấp cao, họ có thể giữ một thái độ dửng dưng như thế? Nói cho cùng, thái độ dửng dưng ấy chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trì trệ (nếu không nói nặng hơn) của nền giáo dục nước ta.
Chúng ta thường nói tới chế độ quan liêu – bao cấp trong lĩnh vực kinh tế, nhưng chính trong giáo dục, chế độ này không kém phần nghiêm trọng. Người ta đã quá quen nhìn các vấn đề xã hội bằng con mắt hành chính. Giáo dục cũng vậy, đó là “thẩm quyền” của các cơ quan quản lý mà không phải là sự nghiệp của chính nhân dân. Chúng ta đề ra “xã hội hoá giáo dục”, nhưng tại sao lại không “xã hội hoá giáo dục” trước hết bằng tôn trọng sự tham gia thực sự của các tầng lớp xã hội, trước hết là giới tri thức, kể cả những đầu óc tài giỏi ngay trong ngành giáo dục.
Đã thành một thói quen: Mỗi lần Quốc hội họp, lại có một số đại biểu chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo một số vấn đề, từ chương trình học quá nặng, lương giáo viên quá thấp, trường lớp không có thiết bị đầy đủ cho đến chuyện dạy thêm, học thêm... Trong những trình bày của Bộ trưởng, chưa thấy hé ra một quan niệm chiến lược giáo dục nào thật rõ ràng.
Có thể khắc phục chủ nghĩa quan liêu (không chỉ bao cấp như trước mà còn trông chờ vào các dự án bằng ngân sách nhà nước và viện trợ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế) trong lĩnh vực giáo dục được không? Hoàn toàn có thể, nếu chúng ta biết tập hợp và tổ chức lực lượng để xây dựng một Chương trình cải cách giáo dục đúng với nghĩa của nó. Xin nhắc lại: Đó không phải là một công việc hành chính mà là một sự nghiệp của nhân dân, của toàn dân, một sự nghiệp dân chủ.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm