Giáo dục đang đi về đâu?
Từ nhiều năm nay, hầu như kỳ họp nào của Quốc hội cũng sôi nổi khi bàn đến giáo dục. Nhưng rồi vẫn không thấy có chuyển biến gì thật sự đáng kể, đến kỳ họp sau lại cũng trở lại quanh quẩn bấy nhiêu vấn đề. Người dân cảm thấy hết kiên nhẫn và mong muốn có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ để cho giáo dục xứng đáng là quốc sách hàng đầu.
Tôi không phủ nhận những cố gắng lớn và một số thành tích nhất định của ngành giáo dục như đã nêu trong báo cáo giải trình trước Quôc hội. Tuy nhiên, cái chính là chất lượng sự học thì từ báo cáo đó cũng như từ các ý kiến của nhiều đại biểu Quôc hội tóat lên một điều không thể chối cãi: tiến bộ quá chậm, nếu không muốn nói là giẫm chân tại chỗ và thực chất đã tụt hậu xa hơn nữa so với thế giới. Chúng ta đã làm một việc tốt là công khai một số thông tin, mặc dù những thông tin ấy có thể gây sốc trong xã hội, như: kết quả điểm thi tồi tệ trong kỳ tuyển sinh đại học và cao đẳng hai năm 2002-2003, tiếp theo là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp phổ thông trên 92% mà ai cũng biết là giả tạo. Đó là bước đi dũng cảm đáng hoan nghênh, và nếu Bộ GD và ĐT cứ tiếp tục cách làm này thì dần dần sẽ rõ vướng mắc chính ở đâu và sẽ huy động được toàn xã hội tích cực giải quyết các vướng mắc đó, thay vì cứ ngoảnh mặt trước thực trạng giáo dục hiện nay để rồi cứ sa lầy mãi.
Mà thực trạng ấy, theo tôi, thật sự là nguy kịch. Tại sao ? Với cách nhìn thiển cận, dù giáo dục có xuống cấp tệ hại hơn nữa cũng chẳng chết ai: hơn một thập kỷ qua, giáo dục của ta đã tụt hậu mà đời sống vẫn lên, kinh tế vẫn tăng trưởng đều đều, có sao đâu. Nhưng nếu nhìn xa hơn vào xu thế chứ không chỉ hiện trạng, sẽ thấy rằng trong thời đại toàn cầu hoá và kinh tế tri thức, chỉ cần giáo dục tụt hậu thêm một thập kỷ nữa đủ đưa đất nước đến bờ vực lụn bại. Việc đó cũng chắc chắn như ngày mai mặt trời sẽ mọc. Vì vậy, phát ra tín hiệu SOS lúc này không phải quá sớm.
Điều đáng lo nhất là trong xã hội ta còn giữ nhiều quan niệm lạc hậu về giáo dục, cho nên ta không ý thức đầy đủ sự nghiêm trọng của tình hình, có khi còn chủ quan, đánh giá tình hình sai lệch. Chẳng hạn, cách đây ít lâu có một bài báo Đức dựa trên kết quả khảo sát một số lớp tiểu học ở Hà Nội và Munich đưa ra kết luận rằng trẻ em VN chăm chỉ, có kỷ luật, ngoan hơn trẻ em Đức, tuy trẻ em Đức có vẻ thông minh hơn. Nhiều người vui mừng, tưởng thế là giáo dục của ta tốt hơn Đức, mà không hề băn khoăn với cách giáo dục này liệu mươi năm nữa, với trí tuệ thua kém, thanh niên ta làm sao đua tranh nổi với thiên hạ ? Năm nay, học sinh VN lại giành thành tích xuất sắc trong cuộc thi olimpic tiểu học các nứơc Asean, dĩ nhiên đó cũng là vinh dự, nhưng cũng nên tự hỏi tại sao Singapore là nước Asean phát triển nhất lại không tham gia cuộc thi này ? Phải chăng vì họ nghĩ: tiểu học chưa phải là cái tuổi cần dốc hết sức ra đua tranh với thiên hạ, chạy maratông thì không dại gì mới một trăm mét đầu đã mở hết tốc lực vươn lên trước, cho nên họ dành sức cho những chặng đường sau. Chẳng lạ gì đại học của họ đứng đầu khu vực, hơn cả nhiều đại học lớn của úc.
Hiện tượng trẻ em ta phải học quá sức chịu đựng của chúng mặc dù đã bị lên án nhiều nhưng vẫn còn khá phổ biến ở các thành phố: báo Tuổi Trẻ đăng tin phụ huynh học sinh lớp 5 một trường tiểu học nổi tiếng ở Thủ đô kêu van con mình phải học cả sáng và chiều mà đến tối về còn phải làm bài có hôm đến 11giờ rưỡi khuya mới xong, thứ bảy chủ nhật chẳng được chơi vì thầy ra quá nhiều bài tập. Không cẩn thận, trường học biến thành nơi đày đoạ trẻ em, cả về sức khoẻ lẫn trí tuệ, đó là mối hiểm hoạ có thực không thể coi thường.
Tiểu học đã vậy, lên tới trung học thì học thêm, tăng tiết lu bù. Đầu óc học sinh cứ nhồi nhét như thế mà không vỡ tung đã là may, cho nên kết quả thảm hại trong mấy kỳ thi vừa qua không có gì lạ. Tại sao ta cứ nhìn các huy chương vàng, huy chương bạc trong các cuộc thi olimpic quốc tế mà quên đi trình độ thực tế của hàng triệu học sinh phổ thông ? Kiến thức đã kém, mà đạo đức, nhân cách thì hàng nghìn mánh khoé gian lận trong thi cử khiến nhiều người lo lắng cho sự tụt dốc tinh thần của xã hội tương lai.
Vậy mà tiểu học và trung học xem ra vẫn còn khá hơn đại học là nơi mà nhiều người cho là đang “học đại”. Tuy mấy năm gần đây trường sở có khang trang hơn, nhưng nói chung đại học vẫn đang trong tình trạng báo động đỏ. Sau khi đã quá mệt mỏi ở trường phổ thông, đến khi thi được vào đại học nhiều sinh viên không còn sức tiếp tục cố gắng, sinh ra tâm lý học cầm chừng. Đã thế cách dạy ở đại học chẳng khác phổ thông là mấy, nhiều nơi sinh viên vẫn tiếp tục cách học vẹt như ở phổ thông. Lên đến cao học và tiến sĩ càng đáng lo hơn. Nhiều môn học phải hạ thấp yêu cầu vì trình độ người học (và cả trình độ thầy), còn luận án thì không ít trường hợp do thầy làm hộ hoặc bỏ tiền đi thuê làm. Thêm vào đó, chế độ công nhận chức danh GS, PGS đặt ra những điều kiện không phù hợp cho nên càng khuyến khích các xu hướng không lành mạnh trong việc đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Vì vậy mới có sự ngược đời: về số lượng thạc sĩ, tiến sĩ, GS, PGS thì VN đứng cao nhất trong khu vực nhưng đại học VN được xếp gần cuối bảng, không chỉ thua kém về nhiều mặt mà còn thua kém về trình độ GS, PGS và các bằng cấp đào tạo ra. Ngay cả các đại học Thái Lan chẳng tiếng tăm gì cũng quảng cáo thu hút du học sinh VN, đủ biết đại học của ta được đánh giá như thế nào trên quôc tế. Trong lúc đó báo chí vẫn thỉnh thoảng đăng những phóng sự về chợ luận văn hoạt động ngay cạnh nách một số đại học, về những "học giả" chẳng có trình độ gì nhưng sống rất đàng hoàng bằng nghề viết thuê luận văn, về nạn ăn cắp thành quả nghiên cứu của người khác đang lan tràn, v.v.. Lạ nhất là có những chuyên ngành sản xuất kỷ lục nhiều văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ mà có chuyên gia Việt kiều trong ngành đánh giá là những hàng nội hoá kém phẩm chất chỉ có thể tiêu thụ trong nội địa, chứ mang ra nước ngoài chỉ là những tấm giấy lộn, lại trở thành những ngành bội thu GS, PGS, và cung cấp cho lĩnh vực quản lý nhiều quan chức nhất.
Cách đây ít lâu một số người tự cho là yêu nước và hiểu biết hơn ai hết đã phản ứng gay gắt đối với những bài báo mô tả bi hài kịch trong việc đào tạo tiến sĩ của ta. Cũng như trước đây họ từng lên án thống kê đánh lừa (mặc dù chẳng có hiểu biết gì về thống kê) khi thấy công bố tỉ lệ áp đảo thí sinh đạt dưới trung bình cả ba môn thi tuyển đại học năm 2002, bây giờ họ giẫy nẩy khi nghe nói có thể đến 1/3 số GS, PGS của ta dưới các chuẩn mực quốc tế. Họ lớn tiếng phê phán những người đưa ra con số "động trời" đó là những kẻ vô trách nhiệm, những nhà khoa học kém đầu óc khoa học, còn duy ý chí hơn cả các nhà chính trị, v.v... Nguyên việc đó cũng đủ cho thấy sự hiểu biết của một số vị trong giới đại học chúng ta về chuẩn mực quốc tế nghèo nàn đến mức nào. Vì không biết các chuẩn mực này nên kém mà cứ tưởng mình giỏi, tụt hậu mà cứ tự cho mình tiên tiến.
Để hình dung rõ hơn khả năng hội nhập của đại học ta trong cộng đồng quốc tế, tôi chỉ xin nói về ngành toán học mà tôi biết là chất lượng đào tạo đại học và trên đại học, cũng như trình độ đội ngũ GS, PGS so với quốc tế không kém hơn những ngành khác. Theo chuẩn mực quôc tế trong toán học, một GS ở tuổi 30-40 thường phải có ít nhất khoảng 15-20 công trình khoa học công bố ở các tạp chí quôc tế, còn PGS khoảng mười công trình trở lên. Ai đã từng có bài đăng trên quốc tế đều có thể tìm thấy danh sách đầy đủ các công trình toán học của mình ở địa chỉ www.ams.org/mathscinet trên Internet. Một lần một nghiên cứu sinh VN ở nước ngoài tin cho tôi biết đã thử truy cập vào địa chỉ đó để xem trình độ GS, PGS của ta so với quôc tế như thế nào và rất buồn nhận thấy tình hình chẳng khả quan chút nào. Một số khá đông GS, PGS của ta không có đủ số công trình theo chuẩn mực quốc tế, một số khá lớn khác, vốn đã ít công trình mà từ mươi năm nay sau khi đã được phong GS, PGS, hầu như không có thêm công trình nào, trái hẳn ở các nước GS ở tuổi 50-60 thường có đằng sau mình 40-50 công trình hay hơn nữa. Nhất là khoảng vài chục năm lại đây, số lượng tạp chí, công trình khoa học bùng nổ mạnh nên trước đây một nhà toán học có được 2 công trình mỗi năm đã được coi là vào loại xuất săc, nhưng bây giờ đó chỉ là mức bình thường. Đành rằng đối với một cá nhân cụ thể thì số lượng công trình chưa phải là chỗ dựa duy nhất để đánh giá trình độ và bao giờ cũng có ngoại lệ, song tỉ lệ ngoại lệ chỉ dưới 5%, còn đối với một tập thể, một cộng đồng thì nói chung đó là con số phản ảnh tương đối đúng trình độ trung bình của cộng đồng. It ra đó là quan niệm chung của giới khoa học hiện nay. Cứ theo đó mà suy thì dễ dàng tính được riêng trong ngành toán đánh giá 1/3 số GS, PGS dưới chuẩn mực quốc tế cũng đã quá lạc quan. Còn những ngành khoa học tự nhiên khác, hay kinh tế, thì tình hình có lẽ còn khó khăn hơn. Thế mà ngành toán có vị trí đáng nể trong khu vực. Cái nghịch lý này có vẻ ngược chiều với cái nghich lý đã nêu ở trên (nhiều tiến sĩ, giáo sư, mà đại học lại kém), nhưng có lẽ vẫn cùng một nguyên nhân. Đó là vì ta có các chuẩn mực riêng để đánh giá trình độ khoa học, và chưa có chính sách đúng đắn sử dụng và bồi dưỡng nhân tài, nên nếu so tuổi đời với số lượng công trình thì sự yếu kém của đội ngũ GS, PGS của ta càng bộc lộ rõ. Trong khi đó, trớ trêu thay, ta lại có không ít những người trẻ, thừa chuẩn mực quốc tế, nhưng phải phấn đấu trầy trật lắm may ra mới được công nhận, nên một số họ bỏ ra nước ngoài làm việc, hoặc chuyển làm nghề khác, hoặc nản chí rồi dần dần tài năng cũng tàn lụi. Đó là một thực tế, dù có phũ phàng nhưng cần nhìn thẳng vào đó thì mới mong sửa được.
Vừa qua chất lượng phổ thông được nhiều người quan tâm vì nó đụng chạm đến mọi gia đình và ai cũng có thể nhận thấy rõ. Song chất lượng phổ thông, và hơn nữa chất lượng cả đội ngũ lao động, được quyết định một phần khá lớn bởi chất lượng đại học (bao gồm "trên" đại học). Do đó cũng có cơ sở để nói rằng so với các chuẩn mực quốc tế và yêu cầu hội nhập của đất nước, nếu phổ thông đáng lo một thì đại học đáng lo mười. Cách phát triển đại học của ta lại theo một quan niệm quá cũ nên rất cứng nhắc, đã nghèo lại làm sang, do đó không đáp ứng nhu cầu thực tế, một mặt hạn chế quy mô một cách đồng đều, máy móc, mặt khác vì dàn đều nên không đủ sức xây dựng những đại học tầm cỡ có khả năng cạnh tranh chất lượng với các nước trong khu vực.
Chẳng lẽ bấy nhiêu việc chưa đủ nói lên tình hình nguy kịch của nền học trên đất nước nghìn năm văn hiến này hay sao ? Chẳng lẽ chúng ta điếc không sợ súng hay chúng ta giả điếc để khỏi sợ súng ? Với một nền học như thế, thì làm sao tránh khỏi thua thiệt khi hội nhập ?
Song, thay lời kết, mặc dù đã vẽ ra một bức tranh nhiều phần ảm đạm, tôi vẫn nghĩ rằng có lý do để hy vọng và tin tưởng. Tôi nhớ có nhà lãnh đạo đất nước vào thời kỳ khó khăn trước đây đã từng khẳng định: dân tộc này đã quyết thì làm được. Mong rằng ta sẽ sớm quyết để các thế hệ sau đỡ tủi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn