Hoàng hôn của phương pháp giáo dục áp đặt

03:51 CH @ Thứ Tư - 14 Tháng Năm, 2003

Trong lịch sử phát triển của nhân loại có hai phương pháp giáo dục khác hẳn nhau luôn tồn tại song song và không ngừng gây tranh cãi.

Phương pháp thứ nhất - tôi băn khoăn không biết nên gọi là phương pháp gợi ý hay dân chủ - hiện nay khá lép vế nhưng gắn liền với những tên tuổi lừng lẫy như Socrate, Khổng Tử... và có lẽ cả Jésus và Đức Phật. Nguyên tắc cơ bản của phương pháp này là sự bình đẳng giữa người dạy và người học. Người thầy ở đây không phải là người truyền thụ kiến thức mà là người kích thích khả năng suy nghĩ của học trò.

Ở thượng nguồn lịch sử phương Tây, chúng ta nhìn thấy lồng lộng hình ảnh Socrate mặc áo thụng dẫn dám học trò của mình dưới những đền đài Hy Lạp nguy nga và không ngừng đặt ra câu hỏi. Tự nhận là người chỉ biết một điều duy nhất là mình "không biết gì hết", ông khéo léo dẫn dắt kẻ đối thoại đến chỗ tự nhận ra chân lý.

Phương pháp của các nhà hiền triết Trung Hoa cổ đại cũng gần như thế. "Theo tay ta chỉ thì sẽ thấy trăng, nghe lời ta nói thì sẽ thấy đạo, nhưng tay ta không phải là trăng, lời ta không phải là đạo" - Câu nói nổi tiếng này cho ta thấy rằng ông thầy xưa không dạy cho học trò những tri thức cụ thể mà chỉ cấp cho họ một cách nghĩ, một phương pháp luận mà thôi.

Phương pháp thứ hai, tôi xin gọi là phương pháp áp đặt, có hai hình thức chính là giáo dục ám thị và giáo dục module. Giáo dục ám thị dựa trên cơ sở là sự thần thánh hoá và tuyệt đối hoá tư tưởng của một hay một số cá nhân, biến chúng thành những chân lý phổ quát, toàn năng và bất di bất dịch.

Thời cổ đại cũng như thời hiện đại, ở phương Đông cũng như ở phương Tây, hình thức giáo dục này gắn liền với tên tuổi của một vài "Thánh nhân" và vài cuốn sách được coi là "Kinh điển". Mọi mục tiêu đều được vạch ra từ đấy, mọi chỉ dẫn đều được lấy ra từ đấy. Mọi người đều phải noi theo Thánh Nhân, nhưng không bao giờ có thể trở thành Thánh Nhân. Mọi người phải học theo Kinh điển, nhưng chẳng bao giờ học hết kinh điển. Nếu chúng ta thành công, thì đó là vì ta đã làm theo đúng Kinh điển. Nếu chúng ta thất bại, thì đó là vì ta đã hiểu không đúng lời dạy của Thánh Nhân.

Kinh điển, như vậy, trở thành khuôn vàng thước ngọc đồng thời cũng là giới hạn, hay nói đúng hơn là nhà tù của trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo, còn giáo dục chỉ còn là một quá trình ám thị để buộc người học phải chấp nhận một cách vô điều kiện những khuôn vàng thước ngọc trong Kinh sách. Về bản chất, hình thức giáo dục này là sự nhân bản vô tính về mặt tinh thần. Kết quả của sự nhân bản vô tính tinh thần này là biến xã hội thành một tập hợp các bản sao - thường là méo mó nhưng bao giờ cũng kém cỏi hơn - của những hình mẫu cứng nhắc và xa lạ, thậm chí xa lạ với cả ý tưởng thực sự của các bậc Thánh Nhân.

Nhưng xin chớ nhầm rằng giáo dục ám thị là sai lầm hay ý muốn của các bậc Thánh Nhân. Aristote và Ptolemy chắc chắn không hề muốn rằng mô hình vũ trụ Địa tâm trở thành căn cứ để Nhà thờ qui Nicholas Copernicus[1] và Galileo Galilei[2] là dị giáo hay để thiêu sống Giordano Bruno[3], đấng Tiên tri Muhammad[4] chắc chắn phản đối việc biến tư tưởng của ông thành vũ khí tinh thần của những kẻ khủng bố, Karl Marx nhiều lần tuyên bố rằng học thuyết của ông xa lạ với chủ nghĩa giáo điều và Khổng Tử hẳn rất phiền lòng khi Nho giáo trở thành một sợi dây trói đối với những bộ óc siêu việt của Trung Hoa cho đến thế kỷ cuối cùng của Thiên niên kỷ thứ II.

Nói một cách công bằng, việc nhân bản tinh thần tự nó không phải là điều tồi tệ, nếu như cái được nhân bản là tốt đẹp. Điều tồi tệ ở đây là sự nhân bản mù quáng, và hơn nữa, lại được kéo dài một cách phi tự nhiên. Và chúng tôi phải nói thêm rằng sau hàng ngàn năm phát triển, với vô số ví dụ thực tiễn đầy thuyết phục, con người vẫn chưa thức tỉnh và hình thức giáo dục ám thị, hay sự nhân bản vô tính tinh thần, vẫn tiếp tục được sử dụng ở khắp nơi trên thế giới, dĩ nhiên với mức độ và tác hại khác nhau.

Giáo dục module, một hình thức giáo dục áp đặt khác, là hình thức phổ biến nhất hiện nay và đa số chúng ta đã từng nếm trải: Thầy giáo vào lớp, viết đầu bài lên bảng, đưa ra những công thức, giải thích, hướng dẫn cách áp dụng rồi yêu cầu học trò làm theo mẫu. Tất cả đều theo mẫu: những bài toán mẫu, những bài văn mẫu... Phần lớn trong chúng ta hẳn chưa thể quên những bài học khô khốc trong đó người ta cố gắng nhồi nhét thật nhiều sự kiện vào những đầu non nớt của các em. Những bài học kiểu đó, buồn thay, hiện vẫn còn phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới.

Bạn sẽ phản đối rằng chúng ta đều học như thế, và chúng ta đã trở thành những công dân không đến nỗi tồi, rằng trong số những cô cậu học trò học theo phương pháp ấy không ít người đã trở thành những nhân vật xuất sắc trong các lĩnh vực khác nhau.

Tôi không phủ nhận, ngược lại là đằng khác. Hình thức giáo dục module đã từng có vai trò của nó. Không phải ngẫu nhiên mà lối dạy và học này lại trở nên phổ cập đến vậy.

Thứ nhất, để phổ cập giáo dục, người ta cần một đội ngũ giáo viên vô cùng to lớn, trong khi không phải mọi ông thầy đều là Socrate và không phải học sinh nào cũng là Platon. Việc chia nhỏ kiến thức thành những module nhỏ giúp cho việc truyền thụ và tiếp thu kiến thức trở nên dễ dàng. Đó thực sự là là một sáng kiến vĩ đại của phương Tây, hay nói đúng hơn là của tinh thần dân chủ, chủ nghĩa nhân văn, khả năng phân tích và có lẽ phải kể thêm tư duy máy móc mang tính lịch sử. Do việc giáo dục đã được mô hình hoá, các giáo viên về thực chất chỉ là những người học trước, điều đó cho phép huy động rất nhiều người vào hoạt động giáo dục và hầu hết những học trò lớp trước đều có thể trở thành giáo viên để dìu dắt những lớp sau.

Thứ hai, do trước đây cuộc sống của con người cũng như các kiến thức và kỹ năng làm việc còn khá đơn giản và thay đổi rất chậm. Người ta không cần phải có một phương pháp luận phức tạp để tiếp thu kỹ năng cắt cỏ hay đóng móng ngựa. Một người học nghề đánh máy chữ có thể sống suốt đời với chiếc máy chữ của mình. Khả năng phân tích chỉ cần thiết cho một số nhỏ trong xã hội làm những nghề đặc biệt mà thôi.

Hình thức giáo dục module, với những ưu thế của nó, đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao đáng kể trình độ dân trí. Tuy nhiên, nó đang bộc lộ những nhược điểm cơ bản của khi nhân loại tiến mạnh vào kỷ nguyên thông tin với nền kinh tế tri thức, khi hiệu quả lao động ngày càng phụ thuộc vào khả năng thu thập thông tin, phân tích, hợp tác và đưa ra quyết định tối ưu.

Điều trớ trêu nhất là trong khi các quốc gia phát triển đang gắng sức cải cách giáo dục, nhằm tăng khả năng làm việc độc lập và sáng tạo của học sinh sau khi ra trường thì tại nhiều nước đang phát triển người ta lại tìm cách đưa vào ngày càng nhiều những kiến thức khô cứng hoặc thậm chí là vô dụng. Họ không hiểu rằng những kiến thức cụ thể ngày nay rất nhanh bị lỗi thời và quá trình này còn tiếp tục với tốc độ ngày càng lớn hơn. Tình trạng này đôi khi có nguyên nhân kinh tế, chẳng hạn các giáo viên tìm cách tăng giờ học để tăng thu nhập.

Nhưng ngay cả khi được tiến hành với dụng ý tốt, nó cũng vẫn là một sai lầm nghiêm trọng: các em bị tước đoạt tuổi thơ, cha mẹ phải chịu thêm phí tổn. Và điều quan trọng nhất là quốc gia sẽ không có được những người lao động sáng tạo để xây dựng tương lai.

Như vậy, cả giáo dục áp đặt, dù dưới hình thức ám thị hay module, đều đã trở thành lạc hậu. Chúng ta cũng có thể khẳng định một điều chắc chắn: dù sớm hay muộn, xã hội tri thức cũng sẽ là buổi hoàng hôn của phương pháp giáo dục áp đặt.

--------------------------------------------------------------------------------
[1]Nicholas Copernicus (1473-1543): Nhà thiên văn học Ba Lan, tác giả thuyết Nhật tâm.
[2]Galileo Galilei (1564 - 1642): Nhà bác học và nhà văn Italia, người ủng hộ thuyết Nhật tâm.
[3]Giordano Bruno (1548 - 1600): Nhà triết học Italia, người ủng hộ thuyết Nhật tâm . Bị nhà thờ thiêu sống.
[4]Muhammad, tiếng Pháp: Mahomet (570-632), người sáng lập đạo Hồi.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: