Giầu có đạo lý
Nghiên cứu vấn đề đạo lý của đất nước, trước hết phải nghiên cứu nhằm khai thông những vấn đề thuộc về lý thuyết, thuộc về quan điểm, quan niệm.
Sau đây, xin được nêu một số vấn đề thuộc loại cần thiết nhất:
Một là: Mối quan hệ giữa đạo lý và văn hóa, văn minh. Ở đây điều đáng nói là giữa chúng có liên quan gắn bó với nhau nhưng không đồng nhất. Với khái niệm văn hóa, tùy theo cách giới thuyết vốn đã rất phức tạp mà từ đó sẽ có quan hệ cũng phức tạp với khái niệm đạo lý. Trong nội hàm của khái niệm văn hóa, có liên quan, thậm chí là thống nhất với đạo lý, nhưng có cái cũng không liên quan, thậm chí là có khả năng đối lập. Có cái vừa có khả năng thống nhất vừa có khả năng đối lập. Sự hiểu biết chẳng hạn. Hiểu biết là thuộc phạm trù văn hóa, từ hiểu biết mà trở nên có đạo lý. Nhưng cũng ngược lại, có thứ hiểu biết dẫn đến phi đạo lý. Với khái niệm văn minh cũng vậy, quan hệ với đạo lý là quan hệ hai mặt. Nhờ có văn minh mà có đạo lý. Nhưng với một thứ văn minh như thế nào đó mà thành ra mất đạo lý.
Chả vì thế mà có quan niệm: Sự văn minh tiến hóa bao nhiêu thì sự dã man cũng tiến hóa bấy nhiêu.
Hai là: Mối quan hệ giữa đạo lý với chính trị.Hiện nay nước ta chính trị nhằm xây dựng đất nước dân chủ, công bằng, văn minh, tiến bộ với nhiều chính sách như phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa v.v.... thì ai không thừa nhận đó là đạo lý nhân bản. Nhưng sự sống lại không đơn giản như thế. Tình trạng vi phạm dân chủ, tệ nạn quan liêu xa rời dân, đặc biệt là việc lợi dụng chức quyền để tham nhũng đang được coi là quốc nạn mà mọi người Việt Nam có lương tâm đang nhức nhối. Hồ Chủ Tịch trước lúc đi xa, trong di chúc đã không quên nhắc nhở mọi người, trước hết là những người có trách nhiệm cao nhất của Đảng rằng "Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, thật sự chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân..." quả là một lời di huấn vô cùng sâu sắc, vô cùng trọng đại. Chúng ta làm sao hiểu cho thấu hết tinh thần và không chỉ hiểu mà quan trọng hơn còn thực hiện đúng lời di chúc vàng ngọc đó. Muốn thế trước hết phải dám dũng cảm trong việc nhận thức hiện thực, trong việc phân thích sự đời. Vấn đề là phải tỉnh táo, khách quan trong việc nhận thức sự sống đó để có biện pháp hạn chế mặt trái của nó, nhằm đảm bảo cho đạo lý được thịnh vượng, mà không bị suy thoái vì nó.
Ba là: Mối quan hệ giữa đạo lý và kinh tế.Đây là hai vấn đề dễ có mâu thuẫn, đối lập. ở đây cần nhận thức tường minh quan hệ biện chứng, quan hệ hai mặt giữa đạo lý và kinh tế, đạo lý và sự làm giàu. Chúng ta thường nói kinh tế quyết định đạo lý vì kinh tế thuộc hạ tầng cơ sở còn đạo lý thuộc thượng tầng kiến trúc. Nhưng cũng không nên loại trừ quan niệm: kinh tế muốn phát triển bền vững phải dựa trên cơ sở một nền đạo lý vững chãi. Nghèo mà giữ được đạo lý. Điều đó cũng nên khuyến khích như cha ông thủa trước đã dạy: áo rách phải giữ lấy lề. Nhưng còn phải thấy cái nghèo cũng gây nên vô đạo. Túng làm càn. Ngược lại cũng có quy luật: Nhờ giàu có mà trở nên có đạo lý. Dĩ nhiên muốn được như thế thì bản thân sự giàu có phải đi đôi với văn hóa điều mà không phải mọi người giàu có trên thế giới này đều có. Trên đất nước ta hiện nay, quan hệ giữa sự làm giàu và đạo lý nhìn chung có hai mặt: tích cực và tiêu cực. Tính chất hai mặt này diễn ra không đều giữa các trạng thái làm giàu, nghề làm giàu, loại người làm giàu, nơi làm giàu... và đang rất cần khoa xã hội học cung cấp những kết quả điều tra làm cơ sở cho việc suy nghĩ và xây dựng đạo lý một cách thiết thực và cụ thể hơn, theo phương châm tăng mặt tốt hạn chế mặt xấu một cách chủ động.
Bốn là: Mối quan hệ giữa đạo lý và tôn giáo. Ở đây cũng phải thấy cho thật đầy đủ cả hai
mặt của mối quan hệ giữa tôn giáo và đạo lý. Mặt thứ nhất, tôn giáo hướng con người vào cõi thiện. Mặt thứ hai tôn giáo dẫn đến mù quáng, vi phạm đạo lý. Ở nước ta hiện nay, chính sách tự do tín ngưỡng đi đôi với tự do không tín ngưỡng là một chính sách đúng đắn. Nhưng từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn là một khoảng cách. Nhận thức về điều đó một cách rõ rệt sẽ có thái độ đúng hơn với tôn giáo có cơ sở vững hơn cho việc xem xét, giải quyết mối quan hệ giữa đạo lý và tôn giáo, sẽ có phương hướng hơn cho việc xây dựng tôn giáo phù hợp với đạo lý. Tiếp theo đó là việc phân định sao cho thật tường minh hai loại tôn giáo: loại tôn giáo cần cho sự sống con người (tức tôn giáo mang tính hướng thiện) và tôn giáo đưa con người vào sự mê muội, phi nhân bản. Trong thực tế, sự phân biệt này rất khó khăn, nhưng không thể không tìm một cách phân biệt. Chừng nào chưa phân biệt được tường minh hai trạng thái tôn giáo như vừa nói thì chừng ấy sự vận dụng tôn giáo vào việc xây dựng đạo lý còn bị hạn chế.
Năm là: Quan hệ giữa đạo lý và pháp lý. Ngày nay khi việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền đã được đặt ra, công việc xây dựng hệ thống văn bản pháp lý đang được khẩn trương thực hiện. Điều đó đánh dấu bước tiến triển của đất nước. Tuy vậy, mong muốn của người dân có hiểu biết vẫn là làm sao để có được một sự hài hoà mang tính thực tiễn hơn trong mối quan hệ giữa pháp lý và đạo lý trong khi thực tế đang có sự suy thoái về đạo lý. Và ngay ở phương diện pháp trị, điều mọi người vẫn đòi hỏi là làm sao nâng cao hơn được tính khả thi, tính công bằng, tính hiện thực của pháp lý, không để tình trạng nhiều điều pháp lý chưa đi vào cuộc sống của con người, hoặc giả pháp lý với người này mà không với người khác như đó đây đã có, dù ở mức này mức khác. Để có một xã hội văn minh hài hoà với đạo lý, rõ ràng đang cần một sự phấn đấu cao độ cho sự kết hợp đức trị và pháp trị đích thực cao hơn nữa.
Sáu là: Tiếp thu truyền thống đạo lý của cha ông để xây dựng đạo lý theo yêu cầu của thời đại mới.
1. Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ phát triển khoa học kỹ thuật như vũ bão, điều đó là cần thiết nhưng điều đó cũng dễ làm cho con người bị hao hụt trong đời sống tinh thần trong đó có đạo lý.
2. Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ trỗi dậy của cái tôi cá thể với tính chất hai mặt tích cực và tiêu cực.
Riêng với mặt tiêu cực, nếu không có ý thức chủ động trong việc hạn chế nó thì chắc chắn đạo lý sẽ còn suy vi hơn với thế kỷ XX trở về trước. Ngược lại, với mặt tích cực của nó, nếu biết khai thác sẽ rất có lợi cho việc xây dựng đạo lý mới.
3. Thế kỷ XXI là thế kỷ mà quy luật cạnh tranh sinh tồn sẽ diễn ra ác liệt hơn trước không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Đạo lý Việt Nam sẽ phải đương đầu với quy luật khắc nghiệt này ra sao, làm thế nào để hạn chế được càng nhiều càng tốt quy luật khắc nghiệt này.
4. Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của xu hướng quốc tế hoá, xu hướng tăng trưởng vượt bậc sự giao lưu văn hoá toàn cầu. Việt Nam sẽ không còn cưỡng lại được quy luật đó nhưng tiếp nhận và từ chối như thế nào nhằm có lợi cho việc xây dựng đạo lý của dân tộc. Sự thiết chế hoá đạo lý vừa có liên quan, vừa lệ thuộc vào sự thiết chế xã hội vốn dĩ vô cùng phức tạp, đa diện trong cuộc sống xã hội thời nay. Tuy nhiên, hãy tìm lấy điểm cốt lõi nhất chung nhất cho mọi người trong cuộc sống. Theo ý chúng tôi, chính đó là gia đình. Người việt Nam hôm nay, có thể tham gia tổ chức này mà không tham gia tổ chức khác, nhưng hẳn là không ai không có gia đình, trước hết là tiểu gia đình trong đó có cha mẹ, vợ chồng và con cái. Ngoài.cá thể ra gia đình vẫn là tế bào xã hội. Hãy làm cho mỗi gia đình có đạo lý để từ đó xã hội có đạo lý.
Những gì được nói trên chẳng qua chỉ là những suy nghĩ bước đầu của chúng tôi mà sau đây tự mình còn phải nghĩ thêm và cũng mong được các vị cao minh giàu tâm huyết với đất nước cùng hợp sức nghĩ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt