Sôi nổi, ồn ào và... thiếu đẹp
Nhìn lại năm 2005 về lực lượng sáng tác văn học trẻ, người ta chợt giật mình với những câu chuyện từ nó. Có sôi nổi, ồn ào không? Có! Nhưng, cái thiếu ở đây là những ứng xử đẹp giữa các người trẻ với nhau, giữa người không trẻ với người trẻ và vì thế, qua đi một năm 2005, người đọc chỉ còn thấy... nỗi buồn văn chương.
Ồn ào và ầm ĩ
Một trong những sự kiện ồn ào nhất trong năm có lẽ là Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu. Thôi thì đủ thứ dư luận, Văn nghệ Trẻ làm một cuộc hành trình... hơi bị dài ngày với chuyện Bóng đè thế nào và cuộc tranh luận hơi bị... đặc biệt của Nguyễn Hòa cùng các fan hâm mộ Bóng đè. Tự nhiên, với Bóng đè, các nhà phê bình chia thành 2 phe. Dĩ nhiên, không kể lực lượng "tọa sơn quan hổ đấu" rồi cười tủm tỉm một mình. Một phe thì bênh vực hết lời, khen tặng hết lời và có khi còn gán cho Bóng đè một cái mác hết sức ưu việt, khiến cho độc giả ngoài cuộc tưởng rằng họ đang đọc một tác giả tầm cỡ... Nguyễn Du! Phe chê bai thì cũng không tiếc công... nhằm thẳng Bóng đè mà đánh! Đủ cả các giá trị được đem ra phê phán và cả một vài cái mũ được chụp, hình như hơi không vừa lắm.
Nhóm thơ nữ 8x của TP.HCM "ra mắt” với cái tên nghe thấy hoảng vía: "Ngựa trời". Một chút (hay nhiều chút) ồn ào với bài báo của Đông Dương trên Phụ Nữ TP.HCM. Dư chấn của vụ này lan đến hải ngoại khi nàng Lynh Barcadi quyết không cho chúng nó thoát bằng một bài phản đòn cực hay trên một website nổi tiếng về văn chương. Cuối 2005, nhóm “ngũ long công chúa” này lại trình làng một tập thơ mới mà cái bìa sách dễ gây sốc cho nhiều thiếu nữ trong lành kiểu Tự Lực văn đoàn xưa (!). Tôi tôn trọng sáng tác của họ và hơi buồn khi những ồn ào không cần thiết đã làm độc giả càng xa họ và nếu có đọc thì lại đọc trong tâm thế tò mò hoặc vạch lá tìm sâu (tâm thế nào cũng không tốt).
Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư lại là sự sôi nổi đáng quý. Ngọc Tư đang mạnh mẽ và quyết liệt làm mới mình. Dù sự làm mới này có khi đem đến tiếng thở dài cho những người trót yêu cơn gió nhẹ mà kinh hãi trước ngọn gió chướng quá quyết liệt trong Cánh đồng bất tận. Độc giả thấy thương và quý Nguyễn Ngọc Tư vì điều đó và chị đã chứng tỏ rằng giải nhất Văn học tuổi hai mươi không bị trao lầm người.
Trước đó và sau đó lại ồn ào là "thiên tài" Nguyễn Thế Hoàng Linh. Thú thực là tôi thích thơ của anh chàng này và cả cái tính lập dị của anh ta nữa. Nhưng tôi lại chẳng mặn mà lắm với cú lăng-xê của các bậc chú bác. Gượm đã các bác ạ, thế này thì cậu Linh cậu ấy tưởng mình là thiên tài thì hỏng mất một tài năng! Bạn yêu thơ dù ít dù nhiều hẳn sẽ nhớ mấy câu thơ rất Hoàng Linh thế này: "Tôi hỏi một không tám không/Chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì/Chị tổng đài cười nhu mì/À nhiều màu lắm, vặt đi vẫn nhiều/Hình như là bạn đang yêu/Không em chỉ hỏi những điều hồn nhiên/Hình như là bạn đang điên/Vâng, điên thì mới phí tiền hỏi han/Xong xuôi hết bốn chín ngàn". Vâng, hết sức thú vị vì tôi thấy nó mới, đọc "đã", vì không có triết lý nhưng lại lồ lộ nỗi niềm, kín kín hở hở tư tưởng, hay thậm chí muốn nghĩ nó là một thứ xàm xí thì cũng chả sao. Làm thơ được vậy là tài năng. Nhưng nói thật, Chuyện của thiên tài của Hoàng Linh hình như chưa xứng tầm với lời ca ngợi (hay xưng tụng) quá đáng của vài bậc cha chú. Cuối 2005, Chuyện của thiên tài nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, ta mừng cho một tác giả trẻ và cảm động vì sự tôn vinh đó. Nhưng...
Ồn ào mà chẳng đẹp
Ở một phương diện khác, scandal (nếu tạm gọi thế) về giải nhất Văn học tuổi hai mươi bị tuột khỏi tay Nguyễn Vĩnh Nguyên làm ầm ĩ báo chí và độc giả. Lại những lời xưng tụng lên tận mây xanh và giẫm đạp lên danh dự người khác một cách vô tình xuất hiện. Trong lời đề tựa cho Năm mười mười lăm hai mươi, một nhà văn từng là giám khảo chung khảo VHTHM hồn nhiên phản bội lại giải thưởng mà mình đã chấm để đề cao tác giả trẻ này.
Cuối năm 2005, trong cuộc trò chuyện với họa sĩ Trịnh Cung, nhà văn trẻ Nguyễn Vĩnh Nguyên đã nói: "Đối với tôi, giải hạng nào cũng như nhau, không có gì to tát. Ở cái xứ mà đôi khi giải thấp hơn, không được giải lại có vấn đề đáng đọc hơn giải nhất. Việc chấm giải văn học lâu nay vẫn theo cái logic quy phạm rất riêng của Việt Nam: đảm bảo tính đúng, tốt chứ không phải là chọn lọc cái hay. Vô hình trung, giải thưởng là một thứ gì đó rất dung dưỡng những thứ lẽ ra phải... thải!" (nguyên văn trên website Talawas số 287).
Dĩ nhiên, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên có toàn quyền phát biểu và anh phải chịu trách nhiệm vì những phát biểu của mình trước công chúng, trong số đó có những người ngưỡng mộ anh. Cây bút Trần Thị Hồng Hạnh thì dường như im hơi lặng tiếng sau giải thưởng. Có vẻ cô đang miệt mài với việc làm báo. Không biết rằng, với rất nhiều câu hỏi trực diện so sánh Bài học đầu tiên của cô với Năm mười mười lăm hai mươi của Nguyễn Vĩnh Nguyên và những lời xổ toẹt giải nhất của cô có làm cô buồn không mà chưa thấy lên tiếng? Chắc có lẽ, cô cũng biết, Bài học đầu tiên không mới mẻ gì mà bỗng dưng được giải nhất thì làm sao thiên hạ tâm phục khẩu phục chăng?
Quay lại với Bóng đè cũng thế, Đỗ Hoàng Diệu trả lời tạp chí Hợp lưu cứ như cô là một thiên tài thế kỷ mới. Tôi tôn trọng tập Bóng đè như tôn trọng bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào nhưng thú thực là tôi vơi bớt cảm tình khi nghe cô tuyên ngôn quá thể.
Các nhà phê bình vào cuộc với sự mạnh mẽ ồn ào cũng làm làng văn thêm xôm tụ. Nhưng có khi, xôi chè mắm muối gì cũng tạt vào mặt nhau. Nếu đi tìm nguyên nhân của tình trạng ồn ào mà chẳng đẹp trên thì chắc không khó để nhận ra điều gì để tạo nên nó. Tôi gọi đó là văn hóa cư xử, trong đó có văn hóa cư xử giữa đồng nghiệp văn chương, giữa phóng viên và người phỏng vấn/đối tượng viết, giữa các nhà phê bình với nhau và với tác phẩm văn chương, giữa con người với con người.
Mỗi tác phẩm văn học chân chính đều tìm được cho mình một đối tượng độc giả thích hợp. Chẳng thế mà có người say mê Puskin nhưng cũng không hiếm kẻ gọi ông là “sến vĩ đại" đó sao? Cũng như có người mê làn sóng Ling Lei (*) của Trung Quốc, kẻ lại cho rằng đó là rác rưởi. Các nhà văn luôn bình đẳng dưới ánh mặt trời và có chỗ đứng trong lòng một đối tượng độc giả nhất định. Nếu thích thì khen tặng nhau cho đã đời, nếu không thích thì thôi, đừng phun nước bọt vào mặt người khác như thế. Nghĩ mà buồn cho văn hóa ứng xử của các bậc làm văn chương trẻ tuổi và những fan hâm mộ đặc biệt của họ!
(*) Ling Lei: Tạm chú giải là trào lưu khác người trong sáng tác văn học, thường được đánh giá là phóng túng, buông thả (Ví dụ như tác phẩm Bảo bối Thượng Hải của Vệ Tuệ)
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu